Chiến tranh Việt Nam: Nữ phát thanh viên có giọng nói ma lực với quân đội Mỹ

Bà Ngọ được lính Mỹ gọi với cái tên ‘Hannah Hà Nội’, nổi tiếng với giọng nói đầy mê hoặc, khiến quân địch ‘vừa nhung nhớ, vừa nể sợ’.

Lịch sử ngành phát thanh Việt Nam có dấu ấn của một nhân vật đặc biệt: nữ phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ. Người con gái sinh ra từ phố cổ Hàng Bồ, Hà Nội, chỉ với giọng đọc tiếng Anh “chết người” của mình, đã khiến những người lính Mỹ tham gia chiến tranh ở Việt Nam bị mê hoặc, bị cảm hóa mỗi ngày dù chưa từng gặp mặt. Cũng bởi sức hút hơn người và bí ẩn ấy, bao bọc xung quanh người con gái Hà Nội này là vô số những câu chuyện thi vị không dễ mấy người biết tới.

Mang trên mình cái tên chân chất, đầy dân dã, nhưng trên thực tế, Trịnh Thị Ngọ là “tiểu thư nhà giàu” đúng nghĩa. Bởi bà là con gái của nhà tư sản Trịnh Đình Kính, người vẫn được mệnh danh là “ông hoàng thủy tinh Đông Dương” với thương hiệu Thanh Đức.

Con nhà giàu, lớn lên ở phố cổ nên Trịnh Thị Ngọ được “trang bị” đầy đủ công dung ngôn hạnh từ tấm bé. Con nhà tư sản, tư tưởng nặng về “Âu hóa” nên chẳng lạ khi cô con gái của nhà tư sản Trịnh Đình Kính thi đậu tú tài Pháp rồi tự học thêm tiếng Anh bên ngoài của bà Lucine Hà Văn Vượng. Giá của việc học tiếng Anh hồi đó không hề rẻ, khoảng 25 đồng tiền Đông Dương cho một giờ. Trong khi đó, mỗi tháng học phí tại trường học cũng chỉ vài chục đồng. Thế nên, chuyện con gái Việt đi học thứ ngoại ngữ đặc phương Tây như Trịnh Thị Ngọ đích thị là của “độc, hiếm” thời đó.

Bà Trịnh Thị Ngọ sinh năm 1931 tại Hà Nội. Bà trở thành một trong những phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Việt Nam.
Bà Trịnh Thị Ngọ sinh năm 1931 tại Hà Nội. Bà trở thành một trong những phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Việt Nam.

Sau đó ít lâu, chuyện không ngờ đã xảy đến với gia đình bà khi cha bà, ông Trịnh Đình Kính bị bắt giam ở Hỏa Lò vì đã ủng hộ cách mạng. Mọi tài sản đều bị mất hết. Lúc này, mọi trách nhiệm được đặt lên vai của cô gái Trịnh Thị Ngọ.

Trong thời gian cách mạng tháng 8 diễn ra tại Hà Nội, bà Ngọ cũng như rất nhiều người dân yêu nước lúc bấy giờ, tham gia một cách nhiệt tình vào các hoạt động cứu chữa thương bệnh binh, tiếp tế nuôi quân cách mạng.

Nói về việc học tiếng Anh từ sớm của mình, bà Trịnh Thị Ngọ không ngại thổ lộ rằng thực ra lúc đầu bà học tiếng Anh chỉ là do “cha bà muốn vậy”. Nhưng rồi, không lâu sau đó, thứ ngôn ngữ còn xa lạ với đa phần người dân Việt thời bấy giờ đã trở thành niềm đam mê. Sự chuyển hướng đột ngột ấy bắt đầu từ niềm say mê vô tận của bà đối với những bộ phim Mỹ, trong đó đặc biệt là tác phẩm điện ảnh kinh điển “Cuốn theo chiều gió”.

Bà từng xem đi xem lại bộ phim ấy cả thảy 5 lần. Mê phim đến độ, Trịnh Thị Ngọ muốn mình có thể tự nghe, tự hiểu những gì mà các diễn viên đang nói mà không cần thông qua phụ đề dịch. Thế nên, cô thiếu nữ cá tính quyết định học tiếng Anh và học giỏi thứ ngôn ngữ này, cũng vì lẽ đó.

Năm 1955, Đài tiếng nói Việt Nam mở chương trình phát thanh tiếng Anh, Trịnh Thị Ngọ với vốn tiếng Anh thành thạo của một cô sinh viên vừa tốt nghiệp khoa tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, đã trở thành phát thanh viên kiêm biên dịch và biên tập viên.

Bà được phân công thực hiện chương trình Mỹ vận, tức là chương trình dành cho các binh sĩ Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam. Thời điểm này, chiến trường miền Nam đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Mỹ chuyển sang loại hình chiến tranh mới, quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam Việt Nam. Trước tình hình này, lúc đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối hợp với Cục địch vận (Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng) làm một chương trình tiếng Anh dành riêng cho lính Mỹ lấy tên là chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ”.

Phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ được giao nhiệm vụ trò chuyện với lính Mỹ trên sóng radio, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Cũng từ đó, tên tuổi của Trịnh Thị Ngọ gắn liền với chương trình phát thanh cho các binh sĩ Mỹ với cái tên Thu Hương.

Hình ảnh bà Ngọ trên báo Mỹ năm 1966.
Hình ảnh bà Ngọ trên báo Mỹ năm 1966.

Các buổi phát thanh địch vận bằng tiếng Anh của bà Trịnh Thị Ngọ được phát vào ban đêm, sau một ngày dài diễn ra chiến sự. Câu mở đầu của chương trình thường là: “Đây là Thu Hương, trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam…” Lúc đầu, buổi phát thanh chỉ dài 5-6 phút mỗi lần và mỗi tuần có 2 buổi phát. Tuy nhiên, về sau tăng dần thời lượng và phát ngày 3 buổi, mỗi buổi 30 phút. Như vậy, mỗi ngày bà có 90 phút phát thanh với hàng trăm nghìn binh sĩ Mỹ nghe.

Trong các phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam thời ấy, có lẽ không ai sở hữu cho mình nhiều tên gọi, biệt danh như Trịnh Thị Ngọ. Về danh xưng Thu Hương, bà Ngọ tiết lộ: “Cái tên Trịnh Thị Ngọ có hai dấu nặng nên rất khó đọc với những người nói tiếng Anh. Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó đề nghị tôi chọn một cái tên dễ đọc hơn. Tôi đã chọn tên Thu Hương vì Thu Hương là tên một cô bạn gái rất thân. Sau này, tôi chọn tên cô ấy cho cả con gái của mình”.

Nhưng nổi tiếng hơn cả, thậm chí đã trở thành huyền thoại là nickname “Hannah Hanoi”. Về cái tên này, bà Ngọ lý giải: “Hannah chỉ là một cái tên phụ nữ Mỹ thông dụng. Lính Mỹ gọi tôi như thế có lẽ cho thân quen. Tôi cũng đoán sự chơi chữ của lính Mỹ, VC là Việt Cộng, họ cũng gọi là Victor Charlie, Jane Fonda sang Việt Nam cũng được gọi là Hà Nội Jane. Bản tin của tôi phát đi từ Hà Nội, nên gọi là Hannah Hà Nội cho dễ nhớ. Sau này ngay cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi gặp, cũng gọi tôi là Hannah Hà Nội”.

Số biệt danh của bà Ngọ chưa phải đã hết. Bị giọng đọc của bà mê hoặc, lính Mỹ gọi bà là “phù thủy”, là “nàng tiên cá”. Thậm chí, có những binh lính Mỹ đã thốt lên rằng: “Hannah! Người là đấng tiên tri hay là mụ phù thủy, hay là quỷ sứ?”.

Trong cảm nghĩ của đa phần của những lính Mỹ là thính giả của chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ” thời ấy, Trịnh Thị Ngọ là người đàn bà có giọng nói phù thủy. Người đàn bà sở hữu một giọng nói mà họ “vừa căm ghét, vừa nhung nhớ, vừa sợ hãi nhưng vẫn không thể không nghe”. Không ít người lính Mỹ sau những lần nghe những buổi trò chuyện với lính Mỹ của bà phát trên đài Tiếng nói Việt Nam đã tìm mọi cách để chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa và tìm cơ hội để trở về quê hương.

Tổng thống Mỹ Kennedy khi đó đã nói: “Việt Cộng đã dùng một giọng nói đàn bà quyến rũ để làm lung lay tinh thần quân đội Mỹ ở Việt Nam”. Bộ Tư lệnh viễn chinh quân đội Mỹ từng cấm binh sĩ ở Hạm đội 7, binh sĩ ở Thái Lan cũng như ở miền Nam Việt Nam không được nghe chương trình của “Hannah Hanoi”. Chiến tranh kết thúc, chương trình cũng kết thúc, nhưng rất nhiều nhà báo Mỹ vẫn tìm đến Việt Nam để hỏi chuyện bà, rất nhiều cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam vẫn giữ những bản thu những buổi phát thanh của bà.

Hiện bà Ngọ đang sống trong TP HCM.
Hiện bà Ngọ đang sống trong TP HCM.

Sức hút đó đến từ nội dung của mỗi câu chuyện bà kể. Từ chuyện gia đình của những người lính Mỹ tại quê nhà đến chuyện những người phụ nữ Việt Nam mất chồng con do bom đạn, hoặc suy nghĩ của những người lính Việt Nam sau một trận đánh. Đó còn là cả những điều lo sợ của lính Mỹ sau mỗi trận càn quét, đánh nhau.

Nhưng sức hút lớn nhất vẫn là từ giọng đọc của bà Trịnh Thị Ngọ. Bà Trịnh Thị Ngọ tiết lộ: “Nguyên tắc đọc tin của tôi là phải thuyết phục, không quá thân mật nhưng không quá cứng rắn. Chọn từ ngữ cần dùng cho phù hợp. Với những cuộc trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam, tôi không gọi là kẻ thù (enemy) mà gọi là đối phương (adversary). Các anh ở bên quân đội viết tin bằng tiếng Việt, tôi là một trong số những người chuyển ngữ sang tiếng Anh. Khi đề cập thời sự cuộc chiến, tôi thường dẫn thêm lời báo chí Mỹ để thông tin có phần khách quan. Thông điệp mà tôi cố gắng truyền đạt đến từng lính Mỹ là: Các anh đang chiến đấu cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa và sẽ chết một cách vô ích!”.

Ngày 30/4/1975, bà vinh dự là người được đọc trực tiếp bằng tiếng Anh, thông báo với thế giới sự kiện lịch sử của Việt Nam: “Sài Gòn đã được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập thống nhất”. Sau ngày giải phóng, bà theo chồng vào miền Nam sinh sống và làm việc ở Đài Tiếng nói TP HCM.

Hiện bà hơn 80 tuổi nhưng câu chuyện về bà, về “Hannah Hanoi”, người phụ nữ có giọng nói ma quỷ, giọng nói huyền thoại hay “nàng tiên cá của binh sĩ Mỹ” vẫn được nhiều người nhắc đến.

Theo Gặp lại Hannah Hà Nội của Lê Thị Thái Hòa / Ngôi Sao

Nhìn lại cuộc chiến trong lòng nước Mỹ

Người dân Việt Nam vẫn còn nhớ hình ảnh người Mỹ Norman Morrison đã tự thiêu ngay trước Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington để phản đối Chiến tranh Việt Nam qua bài thơ “Emily, con ơi” của nhà thơ Tố Hữu. Đó là ngày 2-11-1965, 8 tháng sau khi quân đội viễn chinh Mỹ bắt đầu đặt chân vào Đà Nẵng của Việt Nam. Hành động này đã làm bùng lên phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam đã âm ỉ từ lâu ngay trong lòng nước Mỹ. Cùng với phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam trên toàn thế giới, phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ đã góp phần chấm dứt sự can thiệp của quân đội Mỹ vào Việt Nam.


Trước Lầu Năm góc thường xuyên diễn ra các cuộc biểu tình phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam, và nhiều lúc họ bị đàn áp và bắt bớ.

Theo hồi tưởng của vợ của Norman Morrison, bà Anne Morrison Welsh, vào buổi sáng hôm đó, Morrison bế con gái thứ ba của mình, bé Emily, 1 tuổi, đi đến trước Lầu Năm góc. Sau đó, ông đặt Emily xuống, gửi cho một người trong đám đông xung quanh, đổ dầu lên người và châm lửa.

Trong cuốn hồi ký của mình, McNamara viết: “Cái chết của Morrison không chỉ là bi kịch cho gia đình anh ta mà còn cả cho tôi và nước Mỹ. Đó là một tiếng kêu gào chống lại những giết chóc đang hủy hoại cuộc đời của những người Mỹ và người Việt”.

Phong trào phản chiến bắt đầu từ đầu thập niên 1960, nhưng không gây ấn tượng nhiều. Cho đến khi Morrison tự thiêu vào năm 1965, thì dường như cả thế giới mới biết đến.

Ngày 15-11-1969, bốn năm sau đó, một cuộc tuần hành 250 ngàn người nổ ra ở đại lộ số 5 trung tâm New York, chỉ cách Quảng trường Thời đại (Times Square) vài dãy phố. Cùng lúc là hàng loạt các cuộc xuống đường ở nhiều thành phố lớn tại cả bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ.

Cuộc biểu tình này vượt tầm kiểm soát của chính quyền Mỹ. Các quan chức Mỹ hỏi nhau: chuyện gì đang xảy ra và tại sao? Trước đó, người Mỹ chỉ nghe về cuộc chiến tranh Việt Nam qua loa tuyên truyền của chính quyền Mỹ. Nhưng cho đến cuộc tấn công mùa xuân 1968, báo chí Mỹ, đặc biệt là truyền hình Mỹ đã truyền tải hình ảnh cuộc chiến Việt Nam đến tận từng gia đình người Mỹ. Người Mỹ nhìn thấy tận mắt binh lính họ châm lửa đốt nhà dân thường, bắn chết người vô tội, những em bé bị bom na pan bốc cháy, tòa đại sứ Mỹ bị tấn công, binh lính Mỹ kéo lê xác đồng đội…

Họ tự hỏi: Tại sao lại như thế và lính Mỹ đang hy sinh vì cái gì, người Mỹ mang “dân chủ” đến Việt Nam như thế sao? Và người dân Mỹ khẳng định Mỹ không thể thắng trong chiến tranh Việt Nam. Phong trào phản chiến lan nhanh không chỉ trong dân chúng mà cả trong quân đội Mỹ. Theo trang web của Phong trào chống chiến tranh Việt Nam, đã có hàng trăm sĩ quan Mỹ bị bắn vì phản đối chiến tranh, nhà tù Mỹ bị đốt và hàng ngàn lính Mỹ từ chối tham gia chiến đấu.


Hình ảnh phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục đi theo các cuộc biểu tình chống chiến tranh ngày nay.

Phong trào phản chiến bước sang một bước ngoặt mới khi cuộc biểu tình của sinh viên Đại học Kent State (bang Ohio) ngày 4-5-1970 đã bị Vệ binh quốc gia Mỹ đàn áp. Kết quả là 4 sinh viên bị bắn chết và 9 người khác bị thương.

Việc này gây sốc toàn nước Mỹ. Hàng trăm thành phố nổi dậy, có thể nói cả một thế hệ thanh niên và trung niên, đặc biệt cộng đồng người gốc Phi và người gốc Mỹ Latinh, đã tham gia phong trào phản chiến. Đó thật sự là cuộc chiến ngay trong lòng nước Mỹ.

Tổng cộng có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh xâm lược ở trên khắp các bang ở Mỹ, 16 triệu trong số 27 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi quân dịch đã chống lệnh quân dịch, 2 triệu người Mỹ “gây thiệt hại bất hợp pháp” vì chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì không chịu nhập ngũ và đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam được xem là hình mẫu của phương cách tập hợp quần chúng ở các nước phương Tây. Phong trào chống toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây đã từng rút kinh nghiệm từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.

Có thể nói, báo chí đã đóng vai trò rất quan trọng trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Cũng từ vai trò của báo chí Mỹ trong phong trào này, Chính phủ Mỹ đã ý thức được rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa giới truyền thông. Và từ đó, trong các cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, cuộc chiến Nam Tư, Afghanistan rồi Iraq mới đây, thông tin về cuộc chiến của báo chí Mỹ bị kiểm soát chặt chẽ.

Cựu Tổng thống Mỹ Nixon đã thú nhận: “Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, giới cầm quyền Mỹ không phải chỉ thua trên chiến trường mà còn thua ngay trên nước Mỹ, ở các hành lang của quốc hội, trong phòng ăn các công ty, trong các phòng giám đốc của các tổ chức nghiên cứu, chủ bút của các tờ báo và của hệ thống vô tuyến truyền hình, trong các hội trường ở Gorge Town, các phòng khách của “những người đẹp” ở New York và trong các lớp học của các trường đại học lớn. Đó là những tầng lớp đã đưa lại sức mạnh, bảo đảm thắng lợi cho Mỹ trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai, nhưng đã làm cho Mỹ thất bại một trong những cuộc chiến đấu trọng yếu nhất của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba, đó là Việt Nam…”.

QUỲNH NHƯ tổng hợp

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã được thế giới ủng hộ mạnh mẽ bằng nhiều hình thức hết sức phong phú. Trong đó, có:

* Hơn 10 Ủy ban quốc tế đoàn kết với Việt Nam của các tổ chức dân chủ, tôn giáo và tổ chức xã hội trên toàn thế giới.

* Hơn 200 tổ chức, ủy ban, phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam ở hầu hết các nước trên thế giới.

* Hơn 30 hội nghị quốc tế về Việt Nam và nhiều hội nghị quốc tế khác đã dành thời gian thảo luận bàn biện pháp để ủng hộ Việt Nam.

* Một Ủy ban quốc tế và hơn 20 ủy ban quốc gia điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương đã được thành lập. Họ đã cử nhiều đoàn sang Việt Nam điều tra tội ác chiến tranh xâm lược và mở nhiều tòa án quốc tế xét xử những tội ác chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, nhóm họp nhiều lần ở Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp…

* Hàng trăm nước có mít tinh, biểu tình, bãi công chống Mỹ xâm lược Việt Nam.

* Hơn 50 nước có phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam.

* 16 nước có phong trào hiến máu ủng hộ Việt Nam.

* 48 người ở bốn nước tự thiêu (trong đó có 16 công dân Mỹ) để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

* 83 cơ quan đại diện Mỹ ở các nước bị người dân đập phá, cờ Mỹ bị nhân dân ở 73 nước đốt để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Chiến tranh Việt Nam từ một góc nhìn

Mặc dù đã lùi vào dĩ vãng, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành trên đất nước Việt Nam 37 năm trước đây vẫn còn hết sức nặng nề. Những bài học lịch sử từ cuộc chiến tranh đó cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, bởi nó không chỉ lý giải về sự thất bại của cường bạo trước sức mạnh chính nghĩa mà còn cảnh tỉnh những người vẫn mơ hồ tin vào cái gọi là sứ mệnh “mở rộng dân chủ” như vẫn thường được tuyên truyền. Nỗi đau khôn nguôi!

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã trút xuống hai miền Nam, Bắc Việt Nam một khối lượng bom lớn hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào do Mỹ thực hiện trước đó. Cuộc khủng bố đẫm máu ở Mỹ Lai, B52 rải thảm ở Khâm Thiên và chiến dịch rải chất độc da cam trên một diện tích rộng trong chiến tranh chỉ là số ít trong hàng nghìn tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam.

Trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai, lính Mỹ đã giết hại hơn 500 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Vụ việc đã từng bị cố tình che đậy gần hai năm trời, và chỉ sau khi báo chí điều tra ra, sự thật mới bị phơi bày. Nhiều tờ báo ở Mỹ lúc đó bình luận: “Nước Mỹ và người Mỹ không thể không gánh nặng cảm giác tội lỗi và sự day dứt của lương tâm trước những gì diễn ra ở Mỹ Lai”.

Và cũng tương tự như vậy, cho đến hôm nay, nỗi kinh hoàng trong vụ thảm sát phố Khâm Thiên – khu phố đông dân nhất của Hà Nội, tháng 12-1972 bằng bom B52 của không lực Hoa Kỳ vẫn chưa phai mờ trong tâm trí mỗi người dân Hà Nội. Chỉ trong đêm 26-12-1972, toàn bộ 6 khối phố của Khâm Thiên bị phá huỷ, gần 2.000 ngôi nhà bị sập, trong đó có 534 căn nhà sập hoàn toàn. Bom B52 đã cướp đi 283 sinh mạng, trong đó có 40 cụ già, 91 phụ nữ, 55 trẻ em, làm bị thương 266 người. Nhiều gia đình không còn ai sống sót. Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều phòng bệnh đã bị bom Mỹ đánh sập cùng với các bệnh nhân và nhân viên y tế. Hồi tưởng lại những gì đã xảy ra ngày đó, một nạn nhân sống sót đã bày tỏ, chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm, nhưng mỗi lần đến ngày lễ Giáng sinh, ông lại thấy đau âm ỉ trong lòng vì cảnh tang thương ngày ấy. Giờ đây, sau gần 40 năm, những dấu tích chiến tranh dường như không còn nữa, nhưng bức tượng người phụ nữ bồng xác đứa con thơ đứng đau đớn, lặng lẽ trên phố Khâm Thiên sẽ là một bằng chứng chiến tranh còn lại mãi với thời gian. Năm đó, Đức Chúa trời hẳn đã chứng kiến một mùa Giáng sinh đau thương ở Hà Nội và buồn ở Oa-sinh-tơn.

Chưa hết, có lẽ dã man nhất là việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc màu da cam/dioxin dội xuống các chiến trường miền Nam Việt Nam. Những hậu quả của chất dioxin đối với người Việt Nam đến nay vẫn còn hết sức nặng nề với khoảng 4,8 triệu nạn nhân bị ảnh hưởng và 150.000 trẻ em bị dị dạng ngay từ khi mới sinh ra. Hậu quả bi thảm này không biết sẽ kéo dài đến bao giờ và qua bao nhiêu thế hệ. Trong tuyên bố phản đối Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bác đơn thỉnh cầu của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam ngày 2-3-2009, Hội đồng Hòa bình Mỹ khẳng định: đây là sự vi phạm thô bạo của quân đội Mỹ về quyền con người, một tội ác nghiêm trọng chống lại loài người, đồng thời lên tiếng phê phán chính quyền và các công ty hóa chất Mỹ đã lẩn trốn trách nhiệm và che dấu sự thật trước dư luận.

Nhắc lại những ký ức đau thương trong chiến tranh, người viết bài này không nhằm khơi lại mối thù đã qua, mà chỉ nhằm khẳng định một điều: bạo lực và chiến tranh không phải là phương thức giải quyết các vấn đề của thế giới đương đại.

Chiến tranh đã thực sự kết thúc?

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, có khoảng 58.000 lính Mỹ bị thiệt mạng, hơn 300.000 người lính khác bị tàn phế, mang trong mình thương tật và di chứng da cam/dioxin. Nước Mỹ đã tiêu tốn trên 900 tỉ USD cho cuộc chiến tranh (cả trực tiếp và gián tiếp), một cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ mà không thu được một kết quả nào ngoài sự thất bại ê chề.

Điều đáng nói ở đây là, mặc dù chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm, nhưng những mặc cảm tội lỗi, những lý giải về sự thất bại của quân đội Mỹ vẫn canh cánh trong lòng nước Mỹ.

Lần đầu tiên, vào năm 1988, chính phủ Mỹ buộc phải thừa nhận có khoảng 50.000, tức là 15% trong số lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam trở về vẫn còn bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Một số do mặc cảm về những tội ác gây ra cho người dân Việt Nam, khi họ cầm súng bắn giết những con người vô tội, trong tay không một tấc sắt để tự vệ. Số khác, cho đến nay vẫn không hiểu lý do vì sao mình lại phải cầm súng “chiến đấu” tại Việt Nam, chiến đấu với ai và chiến đấu vì cái gì?

Cựu binh Jim Doyle và David Curry chỉ là hai trong số hàng chục nghìn người bị dăn vặt trong cảm giác tội lỗi. Jim Doyle đã bị đẩy tới chiến trường Việt Nam khi mới 18 tuổi, mặc dù may mắn sống sót trở về, nhưng đến giờ người cựu binh này vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh: “Chiến tranh là địa ngục. Nó tác động ghê gớm đến con người như một vết thương không thể hàn gắn”, và, “Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, chiến tranh không chỉ lấy cắp thời thanh niên của tôi mà còn đeo đuổi, ám ảnh suốt cuộc đời tôi”.

Cũng giống như Jim Doyle, cựu nhân viên tình báo Mỹ David Curry cũng không thể thoát khỏi những sợ hãi, căng thẳng về tâm lý khi hồi tưởng về quá khứ chiến tranh. Đến nay, ông vẫn không tin mình đã từng tham chiến tại Việt Nam. Nó như một giấc chiêm bao, chợt đến, chợt đi. Ông nói: “Tất cả những hồi tưởng của quá khứ vẫn còn nguyên vẹn trong tôi cho đến ngày nay và nó khiến tôi thực sự xúc động. Không một người nào ở thế hệ chúng tôi từng sống những ngày tháng đó lại không xúc động, dù có nhiều khi tôi không tin rằng chúng tôi từng có thời gian ở đó”.

Sau khi chiến tranh kết thúc, ngày càng có nhiều hồi ký chiến tranh Việt Nam với những lời thú tội và sám hối thật lòng xuất hiện ở Mỹ. Nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại chiến trường xưa để tìm cách làm vơi đi những mặc cảm tội lỗi. Trường hợp của hai anh em nhà Frederic Whitehurst (còn gọi là Fret) với hành trình 35 năm lưu giữ cuốn nhật ký của liệt sỹ bác sỹ Đặng Thùy Trâm và cuộc hành trình 39 năm lưu giữ kỷ vật của liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm của cựu binh Hom-mơ Xtet-đi chỉ là những ví dụ điển hình về sự sám hối tội lỗi. Nhiều tờ báo ở Mỹ đánh giá, đối với những người Mỹ, việc phổ biến quyển nhật ký Đặng Thùy Trâm do cựu sỹ quan Hoa Kỳ Frederic Whitehurst từng tham chiến tại Việt Nam lưu giữ trong mấy chục năm qua và những cuộc hội ngộ đầy cảm động giữa ông và gia đình bác sỹ Đặng Thùy Trâm tại Hà Nội ”đã giúp khép lại một phần nào đó nỗi đau của một thế hệ người Mỹ mang trên mình vết thương chiến tranh”. Còn Hom-mơ, sau khi bắn chết và chôn cấtchiến sỹ giải phóng quân Hoàng Ngọc Đảm trong một vụ đụng độ giáp lá cà (ngày 18-3-1969 tại chiến trường Gia Lai) đã đem kỷ vật của người chiến sỹ này về nước Mỹ và gìn giữ suốt 39 năm. Sau những năm sống trong nỗi ám ảnh, người cựu binh này đã quay lại Việt Nam, tìm về gia đình chiến sĩ Đảm để tạ tội và xin được đi tìm hài cốt chiến sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Và, ông ta đã khóc bên nấm mồ của người chiến sỹ giải phóng quân. Những giọt nước mắt thành thật và đầy hối hận giữa rừng núi âm u thật thê thảm, nhưng nó đã giúp người cựu binh già này phần nào vơi đi những ám ảnh tội lỗi hành hạ ông bấy lâu nay.

Các nhà xã hội Mỹ xác nhận, kể từ sau năm 1973 đến nay, năm nào cũng có những cựu binh Mỹ trở về từ Việt Nam tự sát do mặc cảm tội lỗi bằng những cách thức ghê rợn.

Vết thương chiến tranh Việt Nam vẫn len lỏi tới từng gia đình Mỹ, che phủ hành lang quyền lực tại Oa-sinh-tơn và chia rẽ xã hội Mỹ. Cựu phóng viên chiến trường G.Gan-lô-guây (J.Galloway) nói: hãy hỏi chuyện các gia đình vừa đón hài cốt cha anh họ trở về, hãy gặp những người ngày đêm đến đứng trước bức tường tưởng niệm lính Mỹ tại Oa-sinh-tơn, hãy đến thăm những cựu binh bị thương tật, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam để xem chiến tranh đã thực sự chấm dứt hay chưa?

Hình ảnh chiếc trực thăng đưa những người Mỹ cuối cùng rời khỏi nóc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn buổi trưa ngày 30-4-1975 vẫn ám ảnh nước Mỹ cho đến hôm nay. Đối với họ, cuộc chiến tranh này vẫn còn chưa thực sự kết thúc vì những hậu quả nó để lại thật sâu sắc và dai dẳng.

Bài học nào rút ra từ sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến?

Một bài học quan trọng được rút từ cuộc chiến tranh Việt Nam là “văn hóa súng đạn” phương Tây không thể khuất phục được văn hóa truyền thống phương Đông.

Trong cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tháng 3-2007 tại tiểu bang Tếch-dát, các học giả Mỹ đã phân tích những nguyên nhân thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh này, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa. Cuộc hội thảo này đã đi đến kết luận: sự thiếu hiểu biết của Hoa Kỳ về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại của Mỹ trên chiến trường. Không ai phủ nhận sức mạnh số một về kinh tế, quân sự, kỹ thuật của Mỹ. Nhưng, đó không phải là sức mạnh vô địch.

Lịch sử chiến tranh đã chứng minh, sức mạnh của đồng đô-la và bom đạn Mỹ không khuất phục được tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Học giả Giêm Bru-tơn phát biểu, những nỗ lực của Hoa Kỳ ở Việt Nam phản ánh sự thiếu chuẩn bị về văn hóa cho chiến trường. Đây chính là một phần của văn hóa Mỹ, vốn không chú trọng tới yếu tố văn hóa trong các cuộc xung đột quốc tế. Còn học giả Vê-rôn nhận xét, từ cuộc chiến Việt Nam, có thể rút ra một trong những bài học quí giá là cần phải hiểu rõ kẻ thù của mình… Điều đó người Mỹ đã không làm được ở Việt Nam nên phải gánh chịu nhiều thương tổn.

Thế giới đã bước sang giai đoạn mới của lịch sử, trong đó, hòa bình, hợp tác và phát triển đã trở thành xu thế chủ yếu của thời đại; tư duy sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các vấn đề quốc tế đã trở nên lỗi thời. Lịch sử chiến tranh khẳng định với nhân loại một điều: chiến tranh và bạo lực cường quyền không giải quyết được vấn đề gì ngoài việc khoét sâu hận thù giữa các dân tộc và chia rẽ thế giới. Tuy nhiên, các thế lực hiếu chiến không nghĩ như vậy, họ vẫn đang xoay xở mọi cách để gây ra các cuộc chiến tranh nhằm trục lợi từ những cuộc chiến đó. Vì thế, những bài học lịch sử từ cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam vẫn còn giữ nguyên giá trị, bởi nó không chỉ lý giải về sự thất bại của cường bạo trước sức mạnh chính nghĩa mà còn cảnh tỉnh những người vẫn mơ hồ tin vào cái gọi là sứ mệnh “mở rộng dân chủ” như vẫn thường được tuyên truyền. Chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình vẫn luôn là mục tiêu và khát vọng cháy bỏng của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới./.

Trần Minh Tơn (theo TCCS)

Một người Mỹ suýt giúp rút ngắn chiến tranh Việt Nam

Konrad Kellen từng là một nhà phân tích quốc phòng ít người biết đến nhưng có thể đã giúp rút ngắn chiến tranh Việt Nam nếu mọi người lắng nghe ông.

chien tranh viet nam
Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là cuộc chiến tranh lớn nhất, dài nhất và tốn kém nhất của nước Mỹ.

Kellen sinh năm 1913 tại Đức. Ông xuất thân từ một trong những gia đình Do Thái lớn nhất châu Âu. Ông rời Berlin tới Paris, sau đó di cư tới Mỹ và tham gia quân đội Mỹ trong thế chiến II.

Vào đầu những năm 1960, Kellen đầu quân cho Rand Coporation, một tổ chức cố vấn danh tiếng ở California do Lầu Năm Góc sáng lập sau Thế chiến II để thực hiện công tác phân tích quốc phòng cấp cao. Tại đây, Kellen đối mặt với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp – một kế hoạch về Chiến tranh Việt Nam có tên gọi Kế hoạch tăng cường nhuệ khí.

Dự án do ông Leon Goure, người cũng là một di dân, khởi xướng. Goure thông minh, có uy tín nhưng rất chủ quan và là “khắc tinh” lớn nhất của Kellen.

Ở giai đoạn đầu của chiến tranh Việt Nam, kế hoạch của ông Goure đã trở thành vấn đề lớn nhất của Lầu năm góc. Không quân Mỹ khi đó đang ném bom miền bắc Việt Nam vì muốn ngăn chặn bộ đội miền bắc Việt Nam hỗ trợ phong trào phản kháng ở miền nam Việt Nam mà đứng đầu là Việt Minh.

Mục đích là nhằm phá vỡ ý chí của miền bắc Việt Nam. Nhưng Lầu năm góc không biết gì về miền bắc Việt Nam, không biết gì về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ Việt Nam. Làm thế nào để dập tắt ý chí của một đất nước nếu không biết gì về nước đó? Vì vậy, nhiệm vụ của ông Goure là tìm hiểu xem người miền bắc Việt Nam nghĩ gì.

chien tranh viet nam
Chân dung nhà phân tích quốc phòng Konrad Kellen.

Ông Goure tới Sài Gòn và trú tại một biệt thự Pháp trên đường Pasteur. Ông này thuê những người phỏng vấn Việt Nam và đưa họ tới các vùng nông thôn.

Nhiệm vụ của họ là tìm các thành viên của Việt Minh và phỏng vấn họ. Sau vài năm, họ đưa ra 61.000 trang ghi chép các cuộc phỏng vấn. Những bản ghi này đã được dịch sang tiếng Anh, trước khi được tóm tắt và phân tích.

Goure nhận các bản phân tích này và phát cho tất cả các quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ. Mỗi lần nói về kế hoạch của ông, Goure này lại nói những điều giống nhau:

– Việt Minh hoàn toàn bị mất tinh thần

– Họ sắp đầu hàng

– Nếu bị dồn ép một chút nữa hoặc bị ném bom thêm ít nữa, họ sẽ hạ vũ khí và quay về Hà Nội.

Tất cả mọi người đều tin một cách mù quáng vào những điều ông Goure nói, ngoại trừ một người – Konrad Kellen. Ông Kellen đã đọc các cuộc phỏng vấn và đưa ra kết luận hoàn toàn trái ngược.

Đôi nét về Konrad Kellen: 

– Sinh năm 1913 tại Đức

– Chạy khỏi Đức quốc xã và di cư tới New York năm 20 tuổi

– Từng làm việc cho một đơn vị tình báo quân đội Mỹ trong Thế chiến II và được thưởng huân chương cao quý Legion of Merit

– Là nhà phân tích chính trị tại Rand Corporation ở California

– Năm 1969, ông và các đồng nghiệp tại Rand đã viết một bức thư gửi chính phủ Mỹ kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam trong vòng 1 năm

– Qua đời năm 2007 ở tuổi 93

Nhiều năm sau đó, Kellen cho hay nhận định của ông bắt nguồn từ cuộc phỏng vấn với một thành viên cấp cao của Việt Minh. Người này được hỏi ngay đầu cuộc phỏng vấn rằng liệu ông có nghĩ Việt Minh sẽ chiến thắng trong cuộc chiến hay không và ông này trả lời là không.

Nhưng sau đó, lãnh đạo Việt Minh được hỏi liệu Mỹ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến hay không và câu trả lời cũng là không. Câu trả lời thứ 2 đã thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của câu thứ nhất. Người này không nghĩ tới việc thắng hay thua. Kellen cho rằng một người không quan tâm tới kết quả của một cuộc chiến mới là đối tượng đáng lo ngại.

Nhưng tại sao Kellen nhìn thấy điều này còn Goure thì không? Bởi vì ông Goure không có khả năng đó.

Goure là người thường sàng lọc những điều ông nghe được qua ý kiến chủ quan cá nhân, như từng xảy ra vào năm 1965. Khi đó, Mỹ là quốc gia mạnh nhất trên thế giới, trong khi miền Bắc Việt Nam mới bước vào thời kỳ Cách mạng Công nghiệp.

Trong chiến dịch ném bom đầu tiên của Chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã thả xuống miền bắc Việt Nam số bom tương đương với toàn bộ lượng bom mà không quân hoàng gia Anh rải xuống Đức trong thế chiến II.
chien tranh viet nam
Leon Goure là “khắc tinh” lớn nhất của Kellen.

Goure nhìn con số và không tin rằng bất kỳ ai lại có thể đứng dậy sau một cuộc tấn công như vậy. Vì vậy Goure không lắng nghe mọi người.

Còn Kellen thì khác. Ông đứng lên và nói rằng Goure đã sai, rằng Việt Minh không đầu hàng và không bị mất tinh thần. Kellen nói, đó không phải là một cuộc chiến mà Mỹ có thể giành chiến thắng – dù là hôm nay, ngày mai hay trong tương lai.

Nhưng không ai lắng nghe lời Kellen. Goure vẫn tiệc tùng và vui vẻ với các quan chức Mỹ tới thăm Sài Gòn. Kellen đã viết những báo cáo dài và chi tiết nhưng đều bị phớt lờ và lãng quên. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn và ngày càng trở nên tồi tệ.

Vào năm 1968, một người bạn của Kellen đã tới gặp Henry Kissinger, khi đó sắp trở thành kiến trúc sư của Chiến tranh Việt Nam và ông này đã đề nghị Kissinger gặp Kellen.

Nhưng Kissinger đã không bao giờ làm điều đó. Nếu cuộc gặp diễn ra, lịch sử có thể đã khác.

Ông Kellen về hưu và sống trong một căn nhà nhỏ nhìn ra biển tại Los Angeles. Vào những năm cuối đời, có lần ông tỉnh dậy và giữa đêm và tưởng tượng ra rằng phát xít Đức đang tới để bắt ông. Nhưng đó là lần duy nhất ông đã nghĩ sai.

Theo An Bình (Dân Trí / BBC)

Hội chứng chiến tranh Việt Nam trong điện ảnh Mỹ

chien tranh viet nam

Cuộc chiến tranh xâm lược mà đế quốc Mỹ triển khai tại Việt Nam là một trong những cuộc chiến nổi tiếng nhất lịch sử cận đại. Cho đến nay một số cựu binh Mỹ vẫn còn mang nỗi ám ảnh được gọi với cái tên Hội chứng chiến tranh VN . Đây là vết thương lớn mà người Mỹ không muốn nhắc tới nhưng lại là một đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim Hollywood.

Vào đầu năm 1988, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ buộc phải chính thức thừa nhận rằng 15% (khoảng 50.000 người) cựu chiến binh Mỹ từ chiến tranh VN trở về bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng mà nguyên nhân do họ đã tham chiến tại VN và những ám ảnh về tội ác họ từng gây ra (Hội chứng chiến tranh VN). Các nhà xã hội học Mỹ khẳng định bình quân mỗi ngày có ba cựu chiến binh Mỹ tự sát. Điều đáng lưu ý là hiện tượng trên chưa hề xảy ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên. Đề tài này đã mở ra một trào lưu làm phim về Hội chứng chiến tranh VN và tạo được sự chú ý của dư luận thế giới như các phim Người lái taxi (1976, đạo diễn Martin Scorsese), Sinh ngày 4-7 (1989), Trời và đất (1993) – đều của đạo diễn Oliver Stone, Cuộc chiến trong gia đình (1996, đạo diễn Emilio Estevez)…

Năm 1976, Người lái taxi ra đời được coi là một trong những phim đầu tiên khai thác tâm lý phức tạp, hỗn loạn của cựu chiến binh Mỹ, cụ thể trong phim là nhân vật Travis – cựu binh thủy quân lục chiến tham gia chiến tranh VN năm 1972. Đạo diễn không thể hiện cuộc sống của Travis khi anh còn trong quân ngũ, mà khi anh đã trở về đời sống thường nhật tại thành phố New York. Theo chân Travis, một xã hội Mỹ hoàn toàn khác được mở ra, không phải một nơi hiện đại với những tòa nhà tráng lệ, mà là những khu ổ chuột đầy rẫy tệ nạn, ma túy, ma cô, gái điếm. Và đó là một phần cuộc sống hiện tại của Travis. Ngay từ đoạn đầu phim, khán giả đã có cảm giác “bất ổn” về nhân vật này. Một con người mắc chứng mất ngủ kinh niên, lái chiếc xe taxi đi lang thang mỗi đêm, đến những nơi dơ bẩn bệnh hoạn trong thành phố hoặc xem phim cấp 3. Ngày từ đầu, Travis đã được khắc họa là một con người có những suy nghĩ lệch lạc, kì quặc, mất lòng tin vào đất nước, và tính cách này ngày một phát triển theo hướng khác thường, khốc liệt hơn. Cao trào phim là lúc Travis cứu cô (bé) gái điếm Iris khỏi ổ điếm sau một trận bắn súng đẫm máu. Số phận Travis là bi kịch của một con người không hòa nhập được với cuộc sống bình thường, trở nên đơn độc trên chính quê hương mình. Taxi Driver chiếm vị trí 86 trong danh sách 250 phim hay nhất mọi thời đại. Với khoản kinh phí vỏn vẹn 1,3 triệu USD, tác phẩm thu lại hơn 28 triệu USD khi chiếu ngoài rạp, và gần 13 triệu USD khi phát hành băng video. Nhân vật Travis Bickle được xếp vào vị trí 30 trong danh sách Những nhân vật phản diện vĩ đại nhất trong 100 năm, còn bản thân bộ phim nằm trong danh sách 100 phim kinh dị hay nhất trong 100 năm của Viện Điện ảnh Mỹ. Phim cũng được lựa chọn để lưu trữ trong thư viện Quốc hội Mỹ, với tư cách là di sản văn hóa cho các thế hệ sau.

Các phim Sinh ngày 4-7, Trời và đất, Cuộc chiến trong gia đình nói về một dạng chung thường thấy của “ hội chứng VN”, đó là sự săn đuổi của quá khứ, sự dằn vặt về những tội ác mà mình đã gây ra. Nhân vật Ron (Sinh ngày 4-7), Steve (Trời và đất), Jeremy (Cuộc chiến trong gia đình) sau khi trở về nhà, về với cuộc sống đời thường đều có nỗi ám ảnh bởi những cảnh giết chóc, những lần ra tay tàn sát người già, trẻ em và những người dân thường VN vô tội trong cuộc chiến. Điều này như một cơn ác mộng khủng khiếp luôn đi theo họ từng ngày. Hậu quả là những trận cãi vã mà nguyên nhân là những người cựu binh Mỹ không nhận được sự cảm thông, thấu hiểu từ phía người thân trong gia đình. Bi kịch đến đỉnh điểm khi gia đình tan nát, những con người đang bị nỗi ân hận dày vò nay mang thêm sự đau đớn vì không còn chỗ dựa, họ trở nên cô độc. Có người tự chữa trị cho căn bệnh tâm lý của mình bằng cách tìm một mục đích sống, một hành động nào đó để có thể dũng cảm đối mặt với quá khứ, thừa nhận quá khứ và dần quên được quá khứ (nhân vật Michael, Ron và Jeremy), nhưng cũng có người tự giải thoát bằng con đường tự sát (nhân vật Steve), một cái chết bi thảm của một tâm hồn tội lỗi không thể thoát khỏi cơn ác mộng của mình.

Cái chết không phải là địa ngục, địa ngục chỉ thực sự bắt đầu khi người lính trở về nhà. Hội chứng chiến tranh Việt Nam đã khiến họ không hòa nhập được với cuộc sống bình thường, bị ám ảnh bởi cuộc chiến, về cái chết và cả những gì họ đã làm, họ mang tâm hồn bị tổn thương bởi chiến tranh. Những người lính Mỹ sau khi trở về mang một thân thể tàn tạ, ý chí mệt mỏi, mất lòng tin vào đất nước, sống không có mục đích. Họ rơi vào bế tắc với nỗi đau không thể bù đắp được. Cái chết về thể xác không đáng sợ bằng cái chết của tâm hồn, của lương tâm và ý chí. Và cho đến tận bây giờ, đề tài này vẫn đang được các nhà làm phim Mỹ tiếp tục khai thác.

Theo Trần Mai Khanh (VH)

Chiến tranh Việt Nam trong văn học Mỹ – từ sự thật đến tác phẩm

“HỘI CHỨNG CHIẾN TRANH VIỆT NAM”

Trong lịch sử chiến tranh Mỹ, thì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mà người Mỹ bị sa lầy lâu nhất (1954-1975), và đã để lại những hậu quả nặng nề cho nước Mỹ. Hậu quả đó không chỉ là sự thất bại trong cuộc chiến, mà còn ở những di chứng kéo dài làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống Mỹ, mà người Mỹ gọi đó là “Hội chứng Chiến tranh Việt Nam”.

Nhà báo, nhà văn Mỹ Jack Fletcher đã kể một câu chuyện về một lính Mỹ đã từng tham chiến ở Việt : anh ta đã bắn một bà cụ nông dân từ phía sau lưng, khi bà vừa bước ra từ ngôi nhà lợp bằng lá dừa của mình. Nhiều năm sau khi trở về nước, anh ta phải vào bệnh viện tâm thần dành cho các cựu chiến binh Mỹ. Đến tháng 10 năm 1982, anh ta đã tự sát bằng cách dùng dây nối với cò súng để viên đạn bắn vào sau lưng mình… Trong y học, hiện tượng đó được gọi là “hội chứng chấn thương thần kinh”.

Vào năm 1988, lần đầu tiên chính phủ Mỹ đã chính thức thừa nhận rằng 15% cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam trở về, nghĩa là khoảng 50 vạn người, vẫn còn bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng, mà nguyên nhân của căn bệnh đó là họ đã tham chiến ở Việt Nam. Các nhà xã hội học Mỹ đã khẳng định, trung bình mỗi ngày có ba cựu chiến binh tự sát bằng những cách thức ghê rợn. Nhiều người đã để lại những ghi chép về chiến tranh, về  quân đội và về những cơn ác mộng khủng khiếp từng ám ảnh họ. Điều đó chưa hề xảy ra sau chiến tranh thế giới thứ hai và cả sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Vậy cái gì ở cuộc chiến tranh Việt Nam cho đến nay vẫn đang làm nảy sinh bao nhiêu điều khủng khiếp, điên rồ như vậy? Câu trả lời thông thường là: cuộc chiến tranh này đã chà đạp lương tri, lẽ phải, nó đã xô đẩy những con người bình thường vào những hoàn cảnh phi lý, và sự điên rồ đã trở thành phản ứng bình thường đối với nó.

TỪ SỰ THẬT CHIẾN TRANH VIỆT NAM…

Người Mỹ đã chia thời gian thực hiện chiến tranh Việt Nam của họ thành 3 giai đoạn: 1. “Giai đoạn cố vấn” (1954-1965); 2. Giai đoạn: Chúng ta có thể chiến thắng không?” (1965-1968); 3. Giai đoạn “Chúng ta thoát ra như thế nào đây ?” (1968-1973). Cách chia này của họ tương ứng với cách chia trong lịch sử Việt Nam cũng gồm ba giai đoạn: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Trong bài viết này, tôi không điểm lại sách lược của Nhà trắng và Lầu năm góc trong suốt cuộc chiến tranh. Sự thật của chiến tranh chỉ có thể tìm thấy ở chiến trường. Trong khoảng những năm từ 1965 đến 1972, Chính phủ Mỹ đã điều sang tham chiến ở Việt Nam chừng 5 triệu thanh niên Mỹ và thời hạn quân dịch của một người là 365 ngày. Chỉ có những người thanh niên Mỹ này, những ngươì trong cuộc, mới hiểu rõ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam hơn ai hết. Philip Capote, nguyên là lính thủy đánh bộ bổ sung sang Việt Nam đầu những năm 70, đã trả lời một cuộc phỏng vấn: … “Trước khi đặt chân lên đất Việt, chúng tôi được học một “cua” về văn hóa Việt Nam. Những gì nghe được đại để không ngoài mục đích để chúng tôi căm ghét đất nước này, căm ghét “Việt Cộng”. Phải bắn vào tất cả những gì khả nghi, tất cả những gì động đậy. Người ta dạy tôi tìm cách diệt Việt Cộng. Kết quả, suốt thời gian quân dịch ở Việt Nam tôi chưa hề bắt gặp một bóng dáng Việt Cộng nào, còn đơn vị của tôi bị thiệt hại khá nặng nề, trong số hàng chục nghìn lính Mỹ bị chết, tôi có 15 người bạn thân vĩnh viễn ra đi. Ngay trong thời gian ở Việt Nam một câu hỏi thường làm tôi mất ngủ: những người lính Mỹ chết vì cái gì, và nếu như Việt Cộng quả là xấu như người ta tuyên truyền thì tại sao họ lại được nhân dân che chở đùm bọc như vậy, mà nhân dân thì không thể xấu là không thể nhầm. Càng ngày cái “lý tưởng” mà chính phủ Mỹ đặt lên vai chúng tôi – lý tưởng “ngăn chặn cộng sản” càng là một tảng đá nặng nề và cuối cùng chỉ là sự bịp bợm. Người ta đã đánh tráo ngay ở chỗ mà tưởng như không thể dễ dàng đánh tráo, đó là sự đánh tráo niềm tin thiêng liêng của mỗi chúng tôi” (2).

Larry Rottman, nguyên là lính bộ binh sư đoàn 25 “tia chớp nhiệt đới”, đã phát biểu: “… Tôi đến Việt Nam mà không hề biết một tí gì về đất nước này. Nói cho đúng ra tôi chỉ biết Việt Nam nhỏ như một bang của Mỹ. Nếu như trong chiến tranh con người có thể tìm thấy tình yêu, tình người, thì với tôi, ngay trong cuộc chiến tranh vô nhân đạo này, tôi đã tìm thấy nó. Tôi hiểu, chỉ có lăn lộn trong chiến tranh con người mới hiểu được lòng nhân hậu của con người. Điều đó cần thiết biết bao. Cũng như đi vào chiến tranh tôi hiểu kẻ thù thực sự của con người là sự ngu dốt… Bản thân những người lính Mỹ giết người thì họ cũng là những người ngu xuẩn, bởi vì không ngu xuẩn thì họ sẽ không giết người bao giờ, bởi nếu anh có sự hiểu biết thì anh sẽ đồng cảm với nỗi đau của người khác… Những năm chiến tranh, tôi có 23 người bạn bị giết, trong đó có một người bạn rất thân. Cho nên, cái chết như một nỗi kinh hoàng cứ ám ảnh tôi. Cháy, bom đạn, tên lửa, bụi bặm, bẩn thỉu, ẩm ướt, trì trệ, buồn chán, nỗi nhớ vợ và đáng sợ nhất là tất cả mọi người Việt Nam, kể cả trẻ con đều rất căm thù mình, đã làm tôi cực kỳ ghê tởm chiến tranh”(3).

Bộ sách nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam có tựa đề (4), đã phân tích cuộc chiến tranh này từ nhiều góc độ với quan điểm tương đối khách quan. Ở chương 78 của bộ NAM đã mô tả hiện tượng chống lại kỷ luật trong binh lính Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam như sau: “Ngay từ sau năm 1967, 60% cựu chiến binh, đa số là binh sĩ quân dịch, đã thú nhận họ đã chống lại cuộc chiến tranh này, hoặc không biết chiến đấu để làm gì. Cuộc chiến càng kéo dài, tinh thần binh sĩ càng xuống và ý muốn giữ mạng để về nước trở thành mối bận tâm chính của họ. Khẩu hiệu sau đây gây nhiều tiếng vang: “Đừng trở thành người cuối cùng chết tại Việt Nam”. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã đóng góp thêm một thuật ngữ vào từ điển quân sự: fragging. Từ này lúc đầu mang ý nghĩa là dùng lựu đạn tự sát hại cấp trên, sau đó fragging còn chỉ mọi hành động sát hại cấp trên bằng mọi phương tiện. Fragging là “đỉnh cao của hiện tượng chống lại kỷ luật trong quân đội Mỹ tại Việt Nam: “Đã qua rồi thời kỳ mà người lính thủy nghiêm chào cấp trên. Giờ đây chẳng ai chào ai nữa, ăn mặc tùy thích. Muốn đội nón rừng cứ đội. Muốn xắn một tay áo, còn tay áo kia thả xuống, cứ việc, muốn để râu tha hồ. Chẳng ai làm phiền ai nữa. Các sĩ quan hiểu rằng nếu họ “láng cháng” với binh sĩ, có thể sẽ bị bắn một viên đạn vào đầu. Đây là chuyện xảy ra thường ngày trong các đơn vị bộ binh. Những hành vi vô kỷ luật đó đã dẫn đến hiện tượng fragging. Cách đơn giản nhất để xử lý một viên sĩ quan ưa hành hạ cấp dưới hay ưa thí quân là “khử” hắn ngoài mặt trận. Có hai cách fragging và mỗi cách có những bước khác nhau. Trong cách thứ nhất, viên sĩ quan bị nhắm đến còn cơ cơ hội để “phục thiện”. Đầu tiên là ném một quả lựu đạn khói vào trong hố cá nhân của hắn. Nếu hắn vẫn chưa đổi tính, sẽ bị một quả lựu đạn cay. Nếu lời cảnh cáo này không được “tiêu hóa”, cái chết sẽ đến với hắn tại bất cứ đâu. Còn cách thứ hai, chỉ có hạ sát mà không cần cảnh cáo…”.

… ĐẾN TÁC PHẨM VĂN HỌC

Trong văn học, vào những năm đầu của thập kỷ 1960, chiến tranh Việt Nam bắt đầu gợi sự chú ý của các nhà văn Mỹ. Đến thập kỷ 1970 thì nó đã trở thành một đề tài nóng bỏng trong văn học, và cho đến hôm nay đề tài này vẫn còn lôi cuốn nhiều người cầm bút ở Mỹ. Tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam hết sức phong phú và đa dạng. Về thơ và truyện ngắn thì chưa ai thống kê được hết, còn riêng tiểu thuyết thì có hơn 500 cuốn đã được xuất bản, ngoài ra còn có các thể loại khác như : phóng sự, ký, hồi ký… với các sắc thái, giọng điệu rất khác nhau.

Những người viết về chiến tranh Việt Nam có hai dạng. Một là, những nhà văn chuyên nghiệp (trong số này có nhiều người viết theo đơn đặt hàng của quân đội); hai là, những người lính trực tiếp viết về cuộc chiến tranh mà họ tham gia. Ở những người viết thuộc dạng thứ hai này, tác phẩm của họ có cái được viết ngay trong chiến tranh (chủ yếu là thơ, nhật ký…), còn phần lớn là được viết sau chiến tranh. Những tác phẩm được viết sau chiến tranh, ngoài một số lượng thơ rất phong phú, thì tiểu thuyết là một hình thức phát triển hơn cả. Tiểu thuyết có một vị trí quyết định, nó ảnh hưởng một cách sâu sắc nhất, cơ bản nhất, nhạy bén nhất sự chuyển biến của hiện thực chiến tranh. Với một hệ chủ đề hết sức đa dạng và cơ bản, tiểu thuyết đã lưu giữ và làm sống lại bộ mặt thật của chiến tranh Việt Nam với nhiều tầng phản ánh cực kỳ sinh động. Nó thực sự là tiếng nói đa nghĩa về đất nước, văn hóa và ý thức con người Mỹ trong cuộc chiến tranh này. Trong hơn 500 tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam, theo Fletcher (5) thì hơn 300 cuốn là loại văn chương lá cải và đầy bạo lực. Nhận xét về loại văn chương này, Fletcher viết: “Những cựu chiến binh mà tôi quen biết không ưa những cuốn tiểu thuyết tầm thường này về Việt Nam với lý do là, Việt Cộng trong những cuốn tiểu thuyết ấy luôn được miêu tả như những kẻ cuồng tín, vụng về và thiếu lòng dũng cảm. Rambo và những nhân vật trong phim và truyện mà người ta dựng lên dường như đánh nhau với Việt Cộng và thắng họ thật dễ dàng. Nhưng trên thực tế là vô cùng khó khăn và chúng ta đã thất bại”. Khảo sát những tác phẩm nghiêm túc viết về chiến tranh Việt Nam , tôi dựa vào trục thời gian – chủ yếu là thời gian sự kiện – để làm rõ một số nội dung chính của mảng văn học này. Ở bộ phận tiểu thuyết chiến tranh, người lính là hình tượng trung tâm. Họ được đặt vào trung tâm các sự kiện, biến cố, là điểm xoắn của các mâu thuẫn. Tính cách người lính được soi rọi từ nhiều góc độ: tâm lý và hành động, văn hóa và chính trị, danh dự và nạn phân biệt chủng tộc, ý thức và vô thức, khoa học và lương tâm… Toàn bộ các vấn đề đó, sự vận động nhận thức về chúng đều gắn liền với sự vận động thời gian (thời gian trong cuộc chiến tranh và thời gian sau cuộc chiến tranh). Căn cứ vào trục thời gian, ta nhận thấy có hai kiểu cấu trúc hình tượng : thứ nhất là loại hình tượng được đặt ở thì hiện tại (trong chiến tranh ở Việt Nam hoặc sau chiến tranh ở Mỹ); thứ hai là loại hình tượng được xây dựng đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Ở kiểu hình tượng thứ hai này thủ pháp đồng hiện thời gian giữ vai trò quan trọng…

Ngay từ giai đoạn thứ nhất của cuộc chiến tranh, có những nhà văn đã “nhìn xa trông rộng”, sớm thấy được nguy cơ của việc can thiệp sâu vào Việt Nam, và đã gián tiếp phản đối chiến tranh. Nhà văn David Halbatstam là một trường hợp tiêu biểu. Tiểu thuyết Một ngày nắng gắt (1968) của ông đã chiếm một vị trí nổi bật trong dòng văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam. Đứng ở trung tâm tiểu thuyết là hai cố vấn Mỹ – đại úy Bob và trung úy Anderson . Tòan bộ tác phẩm “tóat lên sự kinh ngạc và căm phẫn (một cách kín đáo) trước tính cách tàn bạo và vô nghĩa lý của tất cả những việc đang diễn ra”. Từ trang đầu tiên đến trang cuối của Một ngày nắng gắt, Bob luôn bị ám ảnh bởi cảm giác rằng trong cuộc chiến tranh này, chính nghĩa không thuộc về quân đội Mỹ. Cảnh cuối tiểu thuyết có ý nghĩa tượng trưng, đại úy Bob thoát chết trong cuộc càn quét, vác trên vai xác trung úy Anderson. Một chủ đề khác của văn học giai đoạn này là giới chóp bu của chính quyền Sài Gòn đã bắt đầu làm tha hóa người Mỹ như thế nào. Tiểu thuyết Người đàn ông đảo Corse (1983) của nhà văn Keffernel đã mô tả một quá trình một sĩ quan Mỹ tham gia vào việc buôn bán ma túy và đồng ý chuyển heroin về Mỹ bằng cách dùng các quan tài để chứa. Tiểu thuyết Thành công riêng của đại úy Peter Rossille (1983) của F. Woodray nói về sự hoang mang “không hiểu ai là kẻ thù thực sự” của một bộ phận sĩ quan cố vấn Mỹ.

Trong giai đoạn hai của cuộc chiến tranh (1965-1968), nằm ở trung tâm phản ánh của tiểu thuyết là những  người lính thường. Fletcher đã nhận xét: “Cũng như những tiểu thuyết Mỹ viết về chiến tranh thế giới lần thứ hai, tiểu thuyết về Việt Nam cho thấy rằng, những mâu thuẫn cơ bản của xã hội Mỹ và thậm chí những vấn đề đáng nguyền rủa của đời sống mà nói chung bất kỳ người nào chạm phải đều có thể tìm thấy được trong bức tranh thu nhỏ của mối quan hệ qua lại giữa binh lính của bất kỳ tiểu đội, trung đội hay đại đội nào” (6). Tuy mỗi cuốn tiểu thuyết giải thích những sự kiện chính trị từ một góc độ hơi khác nhau một chút, nhưng tổng thể của chúng đã tạo thành sự hoàn chỉnh về chiến tranh Việt Nam với tất cả chủ đề. Tiểu thuyết Commados Sài Gòn (1983) của J. Kelville kể lại đời sống chiến tranh của lực lượng quân cảnh Mỹ ở nội thành. Tiểu thuyết Tất cả những thứ chúng ta có (1981) A. Skelltole đã tập hợp tất cả các câu chuyện của 33 người lính và những ngày tháng địa ngục của họ ở Việt Nam. Tiểu thuyết Máy bay khu trục (1983) của R. Marson kể lại câu chuyện người phi công chở lính Mỹ tới trận địa và lại chở về căn cứ chính những người ấy nhưng đã bị thương hoặc là những xác chết. Tiểu thuyết Những cánh đồng bốc cháy (1978) của J. Weeffer đi sâu vào phân tích tâm lý những người lính bị thương trong chiến đấu. Tiểu thuyết Đơn vị xạ kích (1975) của J. Kranzer và Anh em trai: Những người lính da đen ở Việt Nam (1982) của S. Gowffer nói về số phận người lính da đen ở Việt Nam và nạn phân biệt chủng tộc trong quân đội Mỹ. Tiểu thuyết Đếm xác (1973) của W. Hughet mô tả những nỗi kinh hoàng của chiến tranh ở vùng Khe Sanh, Huế, Đà Nẵng… sự khủng khiếp của chiến tranh và sự hòai nghi tột cùng của người lính là những chủ đề nổi bật nhất của tiểu thuyết giai đoạn này. Trong từng cuốn tiểu thuyết, cuộc chiến tranh diễn ra (xuất hiện) trong giây lát, trong tiếng nổ của một quả mìn, những tràng đạn của súng tiểu liên AK, tiếng rít của súng cối, tiếng thình thịch của những chiếc xẻng… gây tác động mạnh và những tiếng kêu thét của người lính Mỹ bị thổi thành từng mảnh, bị thương cụt chân, cụt tay, đang chảy máu và chết. Chiến tranh phả vào con người như hơi nóng của bom đạn, nỗi đau đớn của những người chết, đều được mô tả sinh động trong các cuốn tiểu thuyết, nó “rất thực và sống động, vượt xa hẳn bất kỳ chương trình vô tuyến nào đã phát trong thời gian chiến tranh (7). Chiến tranh Việt Nam, đó là “cơn ác mộng đa tầng” cắm vào đầu những người lính.

Cuộc chiến tranh càng kéo dài, mức độ ác liệt và nặng nề của nó càng làm suy nhược đời sống tinh thần của người lính. Thực tế chiến tranh còn vượt xa hư cấu văn học, những sự việc có thật đã vượt quá trí tưởãng tượng của con người. Sự điên rồ thật sự của chiến tranh được thể hịên cả trong cuộc sống, trong văn học. Tiểu thuyết ở giai đoạn thứ ba ở cuộc chiến tranh (1968-1973) đã đặc biệt chú ý đến thể hiện tinh thần thảm bại của binh lính Mỹ. Theo sách NAM đến năm 1968, tỷ lệ đào ngũ trong quân đội Mỹ tại Việt Nam thấp hơn so với các cuộc chiến tranh trước. Song, qua đến năm 1969 con số đào ngũ tăng gấp 4 lần. Những binh sĩ thừa lúc đi phép tại Sài Gòn, Hồng Kông, Tokyo… đã biến mất, để rồi sau đó xuất hiện tại , Thụy Điển hay Thái Lan. Người ta phân biệt hai kiểu đào ngũ: đào ngũ thực sự và “đào ngũ mà không bỏ ngũ”- tức vắng mặt mà không lý do mỗi khi được lệnh ra trận (AVOL, Absence without leave). Năm 1967, tỷ lệ đào ngũ là 2,1% và AVOL là 7,8%; năm 1969 tỷ lệ đào ngũ là 4,2% và AVOL là 11,23%, năm 1971 tỷ lệ đào ngũ là 7,4% và AVOL là 17,4%. Cũng sau năm  1968, binh sĩ bắt đầu công khai dùng ma túy. Viên sĩ quan nào dám nói về chuyện này thì bị đe dọa, thậm chí bị giết. Tiểu thuyết Bông hoa của con rồng (1972) của R. Boille viết về những vụ giết sĩ quan và nổi loạn trong quân đội. Cuốn Kết liễu cuộc đời (1968) của Michell đã đi sâu hơn nữa vào những nổi loạn của rất nhiều binh lính Mỹ ở Việt Nam. Các tiểu thuyết Những điều sửa đổi – 22 (1969) của D. Keller, Chiếc giường tre (1969) của Yalker và Trung tâm Kachiater (1975) của T. Brael đã miêu tả những hành vi kỳ quặc của người lính. Những người lính, kẻ thì thu mình lại, kẻ thì hóa điên. Và ở một nơi như Việt Nam, thì không phân biệt được và cũng không ai hiểu được là anh ta bị điên hay không.

“MẢNH ĐẠN CÒN GĂM TRONG TIM”

Kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, rất nhiều cuốn tiểu thuyết viết về nhưng cơn ác mộng riêng tư của những cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam đã được phát hành. Đây là thời gian họ nhớ lại, cảm xúc lại những ngày ở Việt Nam. “Họ là sự phản ánh hy vọng của một nền văn hóa Mỹ với sự sợ hãi sâu lắng, và sự ghi nhận chắc chắn, xác thực về đời sống nước Mỹ hiện đại. Họ là những gương mặt, những hồi tưởng, kỷ niệm trong nghệ thuật và lịch sử về một dân tộc tự nhận thức về mình”(8).

Những người lính trở về nhận ra rằng họ bị lừa dối, họ là nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc mà chính phủ Mỹ đã đẩy họ vào. Họ sống trong sự hối hận và cay đắng, lương tâm bị cắn rứt và mọi giá trị đạo đức đều bị sụp đổ. Nhà văn S. Freedman đã viết: “Trong các loại hình nghệ thuật, phản ánh đời thường của cựu chiến binh, phần lớn họ: là những con người sống sót đã chiến đấu trong cảnh tồi tệ và trở về sống trong một nước Mỹ kinh hoàng”. Trong phần lớn tiểu thuyết, họ đều có số phận bi đát, chết mòn vì sự suy sụp thần kinh ngay giữa những người thân. Tiểu thuyết Những năm tháng đẹp nhất của chúng ta của H. Russell, Sinh ngày 4 tháng 7 của John Cowike nói về những thanh niên bị chiến tranh làm tàn phế và sự căm phẫn của họ đối với chính phủ Mỹ. Nhân vật Robert Muller cay đắng thừa nhận: “Tôi đã mất 3/4 thân thể. Tất cả những gì đối với tôi, với bọn tôi đều vô nghĩa” (Sinh ngày 4 tháng 7). Cùng âm hưởng như vậy, tiểu thuyết Từ địa ngục trở về của A. Murthy và tiểu thuyết Người anh hùng có một trăm gương mặt của J. Cambell là những suy nghĩ về sự vô nghĩa, sự bất lực của cuộc chiến tranh Việt Nam. Tiểu thuyết Câu chuyện Pacô (Giải thưởng quốc gia Mỹ năm 1987) của Larry Heneman là một sự hài hước, buồn thảm và nặng nề về số phận những người lính Mỹ ở Việt Nam. Tiểu thuyết Máu Mỹ của John Nicholair đã lên án sự tàn bạo của cuộc chiến tranh, “nước Mỹ là tên sát nhân của thế giới, là cái chợ bán thịt của trần gian”.

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt từ lâu, nhưng đối với những cựu chiến binh Mỹ “mảnh đạn còn găm trong tim”. Văn học viết về chiến tranh Việt Nam là viết về những mất máu đau thương, những bi kịch của con người trong và sau chiến tranh, để cho người dân Mỹ biết cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh dã man và vô nghĩa. Văn học viết về chiến tranh chính là nói về “Người Mỹ tìm ra chính bản thân mình”, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh “người Mỹ phải sống như thế nào và đừng để xảy ra một cuộc chiến tranh nào giống như ở Việt Nam nữa”.

Theo NGUYỄN HỒNG DŨNG (Tạp chí Sông Hương)

———————————
(1), (5), (6). Jack Fletcher đã từng có mặt tại Việt những năm 1964-1965. Tư liệu sử dụng trong bài viết được rút từ Việt và Apganixtan : cuộc sống và văn học, in trong Cái mới trong khoa xã hội, Viện thông tin KHXH, số 17-1991.
(2), (3). Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tháng 12-1990.
(4). là từ Việt gọi tắt của lính Mỹ ở Việt Nam. Họ gọi những gì có ở xung quanh va mọi việc xảy đến với họ là “NAM”, còn tất cả những gì thuộc không gian và thời gian khác họ gọi là “Miền đất lớn”. Những trích dẫn trong bài viết được rút ra từ bài in trên báo
Thanh niên, phát hành ngày 16.11.1997, Danh Đức dịch.
(7). Shackler. Các cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt viết về những cơn ác mộng của họ. Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 5-1991.
(8). Lê Đình Cúc. Cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt và một số tiểu thuyết Mỹ gần đây. Tạp chí Văn học, số 5-1991.

Một lính Mỹ sống trong núi rừng Tây Bắc suốt 45 năm qua

Bộ phim tài liệu “Unclaimed” kể câu chuyện về một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Trung sĩ John Hartley Robertson được khẳng định là đã chết vào năm 1968 nhưng suốt 45 năm qua, ông đã sống như một người Việt bản địa trong núi rừng Tây Bắc.

Trung sĩ John Hartley Robertson thuộc lực lượng đặc nhiệm mũ nồi xanh. Sau khi sống gần 45 năm trong núi rừng Tây Bắc Việt Nam, ông đã quên mất thứ ngôn ngữ từng được coi là tiếng mẹ đẻ của mình – tiếng Anh.

Khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam kết thúc, ông Robertson vẫn ở lại núi rừng Tây Bắc Việt Nam, không trở về Mỹ. Sau nhiều năm, khả năng nói tiếng Anh của ông gần như đã mất nhưng trong ký ức, ông vẫn biết mình sinh ra ở bang Alabama. Chiếc máy bay do ông lái bị bắn hạ trên địa phận Lào trong quá trình ông đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật được giao vào năm 1968. Khi còn ở Mỹ ông đã lập gia đình và có con nhỏ.

Nhà làm phim Michael Jorgensen trong bộ phim tài liệu mang tên “Unclaimed” (tạm dịch: Không đòi hỏi) đã ghi lại hình ảnh trung sĩ Robertson năm xưa – giờ đây đã là một cụ già 76 tuổi, lưng hơi còng nhưng vẫn rắn chắc và khỏe mạnh. Ông Robertson sống trong một bản làng xa xôi ở miền rừng núi Tây Bắc. Ông không còn nhớ nổi ngày sinh của mình hay tên của những đứa con đang sống ở Mỹ. Ông chỉ còn nói được tiếng Việt.

“Unclaimed” sẽ được công chiếu tại Liên hoan phim tài liệu ở Toronto đúng ngày 30/4 này.

Trung sĩ John Hartley Robertson năm xưa
Trung sĩ John Hartley Robertson năm xưa

Ông Robertson nhớ lại máy bay của ông đã bị quân du kích bắn rơi ở khu vực núi rừng phía Bắc Việt Nam, sau đó họ đã bắt gọn ông. Một nữ y tá người Việt Nam đã chăm sóc cho ông khi bị thương, sau khi lành lại, ông được thả ra, Robertson quyết định kết hôn với cô nữ y tá và bắt đầu gây dựng cuộc sống gia đình tại Việt Nam.

Đạo diễn Jorgensen đã gặp phải rất nhiều cản trở trong quá trình thực hiện bộ phim này, đặc biệt trong việc liên hệ với gia đình cựu binh Robertson.

“Unclaimed” được sản xuất sau khi một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam – ông Tom Faunce trong một chuyến hoạt động tình nguyện của mình ở khu vực Đông Nam Á hồi năm 2008 đã tình cờ được nghe kể câu chuyện về trung sĩ John Hartley Robertson – một người anh em trên chiến trường của ông năm xưa. Trước đó, ông Faunce vẫn đinh ninh rằng Robertson đã tử trận.

Ông Faunce đã lặn lội đi tìm Trung sĩ John Hartley Robertson năm xưa, ông quyết định phải làm gì đó để giúp đỡ người đàn ông đã bị lãng quên trong suốt thời gian qua.

“Khi nghe kể câu chuyện về một cựu binh Mỹ vẫn còn sống trong rừng già Tây Bắc Việt Nam, Faunce đã tới tìm gặp Robertson. Dù ban đầu rất nghi ngờ, nhưng sau khi gặp mặt, Faunce đã khẳng định đây chính là người đồng đội của mình năm xưa”, nhà làm phim Jorgensen kể lại.

Câu chuyện về Trung sĩ Robertson thật khó tin. Chính Jorgensen thoạt tiên cũng không tin khi Faunce liên lạc với ông vào năm 2012 để thuyết phục ông làm một bộ phim tài liệu về Robertson với hy vọng giúp Robertson được đoàn tụ với gia đình ở Mỹ.

Robertson đã được mời tới Đại sứ quán Mỹ để lấy dấu vân tay từ năm 2010. Faunce sau đó nhận được kết luận rằng: “Không có đủ chứng cứ để chứng minh đây là John Hartley Robertson”. Faunce liền hồi đáp lại: “Các ông cũng không có đủ chứng cứ để chứng minh đây không phải là anh John Hartley Robertson”.

Ông John Hartley Robertson và đồng đội cũ - Tom Faunce
Ông John Hartley Robertson và đồng đội cũ – Tom Faunce

“Unclaimed” là một bộ phim tài liệu thuyết phục. Bản thân đoàn làm phim đã đưa ra những bằng chứng xác thực về nơi sinh của Robertson, bộ quân phục còn lưu lại, cuộc gặp xúc động giữa Robertson và một người lính từng do ông huấn luyện vào năm 1960, cuộc đoàn viên giữa Robertson và người chị gái duy nhất còn sống của ông – bà Jean Robertson-Holly năm nay 80 tuổi… Phim đã khiến những khán giả được xem tại buổi chiếu thử nghiệm ở Toronto phải lau nước mắt.

Bà Jean – chị gái của Robertson nói: “Không nghi ngờ gì nữa. Tôi chắc chắn đó chính là em trai tôi. Tôi đã dám chắc điều đó từ khi xem đoạn băng ghi hình nhưng khi tới tận nơi để gặp, tôi đã có thể khẳng định đó chính là em trai tôi”.

Về việc thử DNA, bà Jean nói rằng điều đó là không cần thiết vì cảm nhận của bà đã nói lên tất cả. Về phần vợ con của Robertson tại Mỹ, ban đầu họ đồng ý làm kiểm tra DNA nhưng sau đó lại bất ngờ từ chối.

Đạo diễn Jorgensen cho rằng: “Có lẽ con gái của Robertson không muốn biết liệu đó có phải cha của chúng hay không. Đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa bị phản đối, vả lại, cũng đã quá lâu rồi. Tất cả chúng ta đều muốn mọi chuyện trôi đi êm đẹp. Tôi không biết nữa. Điều gì khiến những đứa con không muốn biết liệu đây có phải cha đẻ của chúng hay không?”

Anh Hugh Tran, một cảnh sát người Mỹ gốc Việt đã cùng với đoàn làm phim tới Việt Nam để làm vai trò thông dịch viên. Anh nhận định Robertson phát âm như một người Việt bản địa và không có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy Robertson là người nước ngoài nếu không nhìn thấy dáng vóc, khuôn mặt ông.

Jorgensen cho biết: “Ký ức đôi khi vẫn bất ngờ hiện ra trong đầu Robertson. Ví dụ như khi ông đoàn tụ với chị gái Jean của mình, ông đã quay ra nói với anh rể Henry – A, tôi nhớ rồi, ông làm việc trong một hiệu thuốc.”

Về phần Robertson, ông quyết định sống tại Việt Nam và không trở về Mỹ. Ông chỉ có một mong muốn duy nhất là được gặp lại những người thân trong gia đình ông ở Mỹ – gồm vợ và các con gái một lần cuối trước khi ông qua đời.

Bích Ngọc
Theo Dân Trí & The Star

Cuộc chiến chống B52 và nỗi buồn của ‘rồng lửa’ SAM-3

Năm 1972, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội và các mục tiêu quan trọng ở miền Bắc, chưa có một quả đạn SAM-3 nào được phóng lên! Cơ số hơn 200 quả tên lửa SAM-3 về trễ ngày ấy, 40 năm nay vẫn nằm trong kho với chế độ bảo dưỡng. Có những hy sinh mất mát ở ngay 2 trung đoàn SAM-3.

Sau loạt bài 4 kỳ “Không cứu nguy được khung thành” đăng trên Tiền Phong viết về chiến công đập tan cuộc tập kích đường không mang mật danh Linebacker II (Người cứu nguy khung thành) bằng B52 vào Hà Nội, một cuộc điện thoại gọi vào máy của tôi. Nội dung ngắn gọn “Chúng tôi là những người lính SAM-3 muốn được gặp nhà báo”…

Tôi lần tìm đến một ngôi nhà ở đường Xuân Diệu, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chủ nhà là ông Hoàng Tích Lạc. Nhà ông Lạc đương có khách. Một đồng đội cũ. Đó là một người ăn vận tươm tất, cà vạt com lê chỉnh tề và… rất khó đoán tuổi.

Tôi lấn bấn trước vẻ bộc bạch thẳng băng của ông Lạc rằng, bài báo của tôi trên Tiền Phong có một chi tiết chưa đúng. Đó là: “có hai trung đoàn SAM-3 thời điểm 12 ngày đêm có mặt tại Hà Nội chứ không phải 2 tiểu đoàn và không phải họ chưa về nước. Tôi là một người lính của 2 trung đoàn ấy!”.

Nhiệm vụ tối mật

Có thể nói ông Lạc, Hoàng Tích Lạc, được may mắn vây bọc trong một gia đình danh giá. Về cụ thân sinh và cả nhạc phụ ông nữa đều có thể tìm thấy nhiều dòng trong Wikipedia.

Hoàng Tích Lạc là con trai thứ 3 của cụ Hoàng Tích Trí, GS BS, Đại biểu QH khóa I, một chuyên gia hàng đầu về ngành vi trùng học, từng học ở Paris sau đó là Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam DCCH từ năm 1946 đến năm 1958 (năm GS mất). Cả 4 người con của cụ Hoàng Tích Trí đều theo ngành Y Dược.

Người chú và một người anh ruột của ông Lạc đều được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhạc phụ ông Lạc là GS BS Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn, nguyên Cục trưởng Cục Quân y rồi Bộ trưởng Bộ Y tế. Ông Lạc, sau chiến tranh, nhiều năm là Tổng GĐ Tổng Công ty thiết bị Bộ Y tế.

Tấm giấy khai sinh của Hoàng Tích Lạc cũng khá lạ, Bởi hai người làm cái việc chứng sinh và ký vào giấy là hai danh nhân nước Nam, BS Vũ Đình Tụng và BS Vũ Văn Cẩn!

Được vây bọc một cách may mắn như thế, nhưng năm 1968, như bao chàng trai Hà Nội khác, anh sinh viên Đại học Bách khoa tuổi 20 Hoàng Tích Lạc nhập ngũ.

Có thể nói thời thế đã ưu ái cung đốn cho Quân chủng PK-KQ non trẻ thời điểm những năm giữa 60 ấy những thanh niên ưu tú cả về học vấn lẫn sức khỏe, sớm làm chủ được các loại vũ khí khí tài hiện đại, đặng đương đầu đối chọi với một kẻ thù thông thái về khoản giết người.

Nhiều đợt bổ sung quân cho Quân chủng là kỹ sư, sinh viên của nhiều trường ĐH trong nước và ở nước ngoài về.

Vị khách của ông Lạc mà tôi nói ở trên đây là đại tá Nguyễn Ngọc Quý, nhập ngũ năm 1965 (học cùng lớp ĐHBK với anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều. Thêm chi tiết thú vị, ông Quý quê Thái Bình, gọi nhà văn Chu Văn là chú ruột).

Mùa xuân 1972, thiếu úy Nguyễn Ngọc Quý khi đó đang giảng cho khóa 2 đào tạo chuyên ngành tên lửa phòng không cho một đơn vị bộ đội đóng ở gần thị xã Vĩnh Yên thì có chiếc xe con từ Hà Nội lên đón, đi nhận nhiệm vụ đột xuất. (Ông Quý khi đó đã có nhiều năm là cán bộ giảng dạy khoa Tên lửa Học viện Kỹ thuật quân sự).

Thày trò khóa học đều nghĩ thiếu úy Quý đi B. Nhưng về Hà Nội, Quý mới được biết, Ban giám hiệu Học viện cử một số giáo viên thạo tiếng Nga và am hiểu kỹ thuật tên lửa nhập vào 2 Trung đoàn tên lửa của Quân chủng PK-KQ sang Liên Xô học chuyển loại khí tài mới và trực tiếp nhận khí tài về Hà Nội.

Nhiệm vụ ấy được coi là tuyệt mật. Cán bộ chiến sĩ cả 2 trung đoàn không được phép viết thư cho người thân kể cả người nhà. Hoàng Tích Lạc (khi đó là kỹ sư đang công tác tại Viện Y học Hàng không, cũng được điều động gấp về trung đoàn, chủ yếu làm nhiệm vụ phiên dịch) may mắn cùng đơn vị với Nguyễn Ngọc Quý.

Đêm ấy, 2 trung đoàn lèn chặt trên các xe tải quân sự bí mật hành quân ngược Bắc. Vượt biên giới Việt Trung, đến ga Bằng Tường toàn bộ quân phục bỏ lại thay bằng com lê cà vạt.

Tất cả lên tàu hỏa trực chỉ hướng Bắc Kinh. Rồi Bắc Kinh tàu chạy xuyên ngày xuyên đêm thẳng tới Trung tâm huấn luyện tên lửa Sitenchai gần thủ phủ Bacu của Azecbaizan.

Để có được chữ ký trên tên lửa

Đại tá Quý kể lại rành rọt buổi sáng ấy Trung đoàn được diện kiến vị đại tá trưởng Trung tâm cao to có chất giọng sang sảng. Đại tá thẳng băng, đại ý xin chào các chiến sĩ Quân đội NDVN bé nhỏ nhưng anh hùng! Tôi xin nói trước, để làm chủ vũ khí khí tài hiện đại này, các bạn phải mất ít nhất 18 tháng. Nhưng các bạn chỉ yêu cầu có 8 tháng thì thật tình, tôi rất ái ngại. Vậy để hoàn thành nhiệm vụ, các đồng chí phải cố gắng thật cật lực!

Đồng chí thiếu tá, Chính ủy phụ trách khi đó đã đứng lên dõng dạc ngắn gọn dứt khoát rằng Vì Tổ quốc vì miền Nam ruột thịt, không chỉ 8 tháng mà chúng tôi xin quyết tâm hoàn thành trong thời gian ngắn nhất có thể.

Và thế là khởi đầu cho một cuộc đua nước rút. Học ngày học đêm. Học và thực tập mọi nơi, mọi lúc. Tiếng là được sang học nước ngoài nhưng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn không được đi tham qua ngắm ngó đâu cả.

Vì thế cánh phiên dịch như Hoàng Tích Lạc phải bở cả hơi tai, trừ mỗi khi ngủ kể cả lúc ăn, ngày đêm theo sát giảng viên và đồng đội.

“… Vâng, mãi đến khi ấy, chúng tôi mới được tận mắt tận tay tiếp cận với loại vũ khí khí tài đặc biệt có tên là SAM-3 này”.

Vẫn câu chuyện của ông Lạc, ông Quý. Qua những tháng miệt mài ngày đêm khổ luyện, các học viên đã ra trường bắn thực tập bắn đạn thật, tập bắn mục tiêu giả.

Tin vui loang nhanh, sau khi nghiệm thu khí tài và kỹ thuật, bạn đã đồng ý cho ký kết việc tiếp nhận trang bị.

Một cảm giác bồi hồi sung sướng khi thiếu úy Quý được sĩ quan điều khiển của bạn mời ký vào một vị trí dễ nhận trên mặt một thiết bị.

Các giáo viên bắt tay, vỗ vai Quý nói rằng chữ ký trên khí tài này sẽ theo Quý và các sĩ quan về trận địa tên lửa phòng không SAM-3 ở Bắc Việt Nam!

Tiếc nuối

Đường về như ngắn hơn. Khi đó ai cũng nghĩ, chỉ khoảng nửa tháng nữa thôi là những quả tên lửa SAM-3 và toàn bộ khí tài theo đường sắt Liên vận sẽ về đến ga Đông Anh.

Đêm 8-12-1972, trong đội hình của 2 Trung đoàn tên lửa SAM-3, tiểu đội của Quý, Lạc được chuyển về đóng quân ở huyện Đông Anh, xã Vân Nội Uy Nỗ. Lệnh trên cấm trại để đảm bảo bí mật. Không khí trận mạc đã phảng phất đâu đây.

Nóng ruột nhất có lẽ là thiếu úy Trần Quốc Dung. Dung từng tốt nghiệp xuất sắc khoa Vật lý lý thuyết, trường ĐH Lomonoxov, về nước mới nhập ngũ.

Biết những quả đạn SAM-3 chả thể có cánh mà bay về nhưng Dung cứ nóng ruột đòi cấp trên phải đưa tiểu đội về một đơn vị chiến đấu. Một tin làm cả tiểu đội vui mừng.

Dung vừa nhận được tin vợ đẻ con trai. Một cuộc liên hoan nhẹ của cả tiểu đội chiều 18-12 vừa kết thúc thì cả một vùng ngoại thành như trời long đất lở khởi đầu cho cuộc tập kích B52!

Ngồi trong căn hầm chữ A, cả tiểu đội sục sôi những bàn luận cùng tâm trạng. Có những lúc họ nhoài lên nóc hầm. Ngó những vệt SAM-2 đỏ khé vút lên, Quý rên lên Trời ơi giá như lúc này có bộ khí tài PK và tổ hợp tên lửa hai cần mà về kịp thì bọn B52 chúng mày còn khốn! Tiếng Sơn, Oanh chúng mày tính xem, trần bay trên dưới 10 km, xác suất tiêu diệt 2 quả đã tới trên 0,82 thì B52 cứ gọi là rụng như sung.

Tiếng Huỳnh tao cho là cấp trên đã tính trước nên trên mới điều chúng mình về gấp như thế này. Ai đó thở dài đã quá hạn nửa tháng thế mà tàu hỏa chở SAM-3 qua đất Trung Quốc không biết trục trặc chuyện gì? Liệu có phải là do cuộc gặp Thượng Hải?

v..v.

Day dứt bực bội… Tâm trạng ấy đeo bám những người lính SAM-3 những ngày kế tiếp, trời Hà Nội ầm vang, mịt mù khói đạn. Ra trận mà hỡi ôi, không có súng!

Ông Quý kể, gần sáng 21-12 đột nhiên tiếng nổ dữ dằn cùng những vầng sáng chói lòa kế tiếp. Đang nằm ôm thằng cu chủ nhà, tôi bật dậy chạy ra sân kho nơi gần căn hầm chữ A mà tiểu đội tôi ẩn. Căn hầm đã sập.

Lạc đang bế Dung nhoài ra, máu me đẫm cả người. Hai bàn chân thò ra cửa hầm. Hối hả moi được ra thì là Sơn. Nhưng Sơn đã tắt thở từ bao giờ. Cả bọn thi nhau hô hấp nhưng hoàn toàn vô vọng!

5 giờ chiều ngày 21-12-1972 ảm đạm đó, anh em tiểu đội chúng tôi gồm Huynh, Lạc, Hiển, Từ và tôi lê những bước nặng nề tiễn đưa 7 anh em những Trần Quốc Dung, Oanh, Sơn, Tuyển, Lâm. Mai… đi an táng tại nghĩa trang xã Uy Nỗ, Đông Anh.

Ông Lạc thở dài, gọi điện cho anh chuyện nhỏ không phải là việc nói lại cho đúng, không phải 2 tiểu đoàn mà là 2 trung đoàn đã về nước thời điểm đó mà là để xẻ chia cảm giác ân hận, nuối tiếc đã đeo bám chúng tôi suốt 40 năm nay.

Nếu như SAM-3 và khí tài ngày ấy về kịp thì có lẽ cục diện chiến dịch Linebacker II đã khác! Với SAM-3, cuộc đánh trả và chiến thắng B52 sẽ còn ngoạn mục hơn. Và có lẽ, những đồng đội tôi dẫu phải hy sinh nhưng ở một tư thế khác!

Và như thế, từ năm 1972, trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, chưa có một quả đạn SAM- 3 nào được phóng lên! Cơ số hơn 200 quả tên lửa SAM-3 về trễ ngày ấy, 40 năm nay vẫn nằm trong kho với chế độ bảo dưỡng.

Chia tay, tôi biết thêm, sáng 21-12, mấy anh em còn lại trong tiểu đội sẽ đến nghĩa trang Uy Nỗ thắp cho Trần Quốc Dung và anh em nén hương. Nghĩa trang chỉ còn phần mộ của Trần Quốc Dung. Những phần mộ còn lại trước đó đã được di dời về quê.

Lệ thắp hương ấy, 40 năm rồi, năm nào cũng vậy vào đúng ngày 21-12.

Từ SAM-2 đến SAM-3

Câu chuyện của các cựu binh tên lửa Hoàng Tích Lạc, Nguyễn Ngọc Quý chừng như lạc sang trận đồ bát quái về thứ vũ khí mà ông Quý nói là hiện tại vẫn rất đắc dụng này! Những thông số của một đại tá giảng viên Khoa tên lửa của Học Viện Quân sự quả là thuyết phục!

Ngày 1-5-1960, SAM- 2 được sử dụng trong tác chiến lần đầu tiên tại Liên Xô. Tại tỉnh Sverdlovsk của Liên Xô, đơn vị tên lửa SAM-2 đó bắn rơi một chiếc máy bay do thám U2 bay ở tầm rất cao của Hoa Kỳ, bắt sống phi công Francis Gary Powers.

Năm 1958, hệ thống SAM-2 được Liên Xô viện trợ cho Trung Quốc. Ngày 7 – 10 – 1961, đơn vị tên lửa SAM-2 của Trung Quốc tại Hạ Môn bắn rơi một máy bay trinh sát RB-57 của Không quân Đài Loan. Trong năm tiếp theo, Đài Loan đã phải chấm dứt các chuyến bay trinh sát vào vùng trời Trung Quốc.

Tháng 10 năm 1962, khủng hoảng tên lửa tại Cu Ba, các đơn vị SAM-2 do chuyên gia Liên Xô điều khiển cũng bắn rơi một máy bay U-2 của Hoa Kỳ.

Tên lửa SAM-2 có mặt tại các trận địa phòng không miền Bắc sau ngày 27-3-1965 Liên Xô và Việt Nam DCCH ký hiệp nghị viện trợ quân sự; trong đó, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 4,5 cơ số tên lửa SAM-2 (54 quả) cùng toàn bộ khí tài, trang bị kỹ thuật kèm theo để thành lập 2 trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của QĐNDVN.

Trong chiến tranh, tên lửa SAM-2 là một trong những vũ khí phòng không chủ lực để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số trọng điểm khác. Ngày 24-7-1965, Tiểu đoàn tên lửa 63, 64 của Trung đoàn tên lửa 236 (Đoàn Sông Đà) trong trận đầu xuất quân có sự tham gia của chuyên gia Liên Xô do các thiếu tá Boris Mojayev và Ivan Ylinysh hướng dẫn điều khiển đã bắn rơi tại chỗ một chiếc F-4C trên vùng trời Hà Tây – Hòa Bình.

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc 1965-1968 và 1972, các đơn vị tên lửa SAM-2 đã đánh 3.542 trận, có 588 trận đánh ban đêm, phóng 5.885 quả đạn, bắn rơi 788 máy bay Mỹ, 366 chiếc rơi tại chỗ; trong đó có 43 máy bay B52; bình quân 7,1 quả đạn diệt được một máy bay.

Cũng cần nói thêm, sở dĩ Mỹ có những cải tiến đối phó với SAM-2 gây rất nhiều khó khăn và tổn thất cho bộ đội phòng không của ta duyên do khoảng năm 1967, quân đội Ai Cập không chịu nổi cuộc tấn công của các binh đoàn thiết giáp Israel đã tháo chạy khỏi sa mạc Sinai bỏ lại hơn 20 bộ khí tài SAM-2 (C-75) do Liên Xô viện trợ.

Từ những thứ chiến lợi phẩm đó, rất thính nhạy, guồng máy kỹ thuật quân sự của Lầu Năm Góc đã hoạt động tối đa. Chỉ mấy tháng sau, ngày 15-12-1967, 44 phi vụ máy bay cường kích Mỹ đánh phá cầu Đuống.

Các tiểu đoàn tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã phóng lên 8 quả đạn đều không điều khiển được, hoặc rơi xuống đất, hoặc vượt mục tiêu tự huỷ.

Sở dĩ có hiện tượng trên là do không quân Hoa Kỳ đã chế ra máy phát nhiễu ALQ-71 gây nhiễu toàn bộ rãnh sóng điều khiển đạn và rãnh sóng xung trả lời của đạn (gọi chung là nhiễu rãnh đạn).

Nhưng vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn, bộ đội phòng không Việt Nam phối hợp với các chuyên gia Xô Viết đã phát hiện ra dải tần số và cường độ của loại nhiễu này. Ta đã khắc phục bằng phương pháp át nhiễu, nâng công suất sóng trả lời của đạn và sóng điều khiển đạn lên gấp ba lần, đủ sức vượt qua cường độ nhiễu.

Tiên liệu Mỹ chỉ thua trên bầu trời Hà Nội khi chỉ dùng át chủ bài B52 đánh Hà Nội của Bác Hồ đã khiến Quân chủng PK-KQ có thời gian chuẩn bị. Để đối phó hữu hiệu với B52 ngoài SAM-2, liệu có muộn không khi 2 trung đoàn của Quân chủng sang Liên Xô thời điểm đó? Có lẽ chả nên có câu hỏi đại loại như thế vào thời điểm nhạy cảm ấy khi mà mọi thứ đương nằm ngoài khả năng lẫn tầm với. Nhưng dù sao hai trung đoàn của Quân chủng đã có mặt ở Sitencha học SAM-3…

Chuyện với hai vị cựu binh tên lửa, biết thêm một điều thú vị! Bên phương Tây trần thùi lụi gọi thứ vũ khí đất đối không này là SAM (Surface to Air Missle). Nhưng người Nga đặt cho thứ tên lửa do Liên Xô sản xuất bắt đầu bằng cái tên thơ mộng – tên những dòng sông. Chẳng hạn như SAM-2 là Đơvina-75 ( Đơvina – tên gọi một dòng sông); Tương tự SAM-3 là Neva 125.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Quý, SAM-3 là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô nhằm bổ sung cho SAM-2. Nếu chép ra những thông số kỹ thuật e mất thời giờ của bạn đọc.

Tóm lại SAM-3 có nhiều tính năng vượt trội so với SAM-2. Tầm bắn hiệu quả hơn, độ cao tối đa lớn hơn so với các loại tên lửa thế hệ trước, cơ động dễ dàng hơn, có hiệu quả hơn khi chống lại các mục tiêu di động. Nó cũng có khả năng tấn công các mục tiêu bay thấp hơn.

Đặc biệt nó có khả năng chống lại hệ thống đánh lạc hướng điện tử tốt hơn so với thế hệ SAM-2 vv… SAM-3 được triển khai lần đầu vào khoảng thời gian 1961-1964 xung quanh Moskva nhằm bổ sung vào hệ thống phòng không.

SAM-3 được liên tục cải tạo. Sau đó một phiên bản nâng cấp của hệ thống có tên là S-125M “Neva-M” và sau này là S-125M1 “Neva-M1” đã được chế tạo.

XUÂN BA (TIỀN PHONG)

Thảm sát Mỹ Lai: Nhìn lại một nỗi đau

Một đại đội lính Mỹ đến Mỹ Lai vào một buổi sáng đầy nắng. Nhiệm vụ của họ rất rõ ràng. “Mệnh lệnh là bắn vào bất cứ thứ gì động đậy”, một quân nhân Mỹ về sau kể lại, khi chuyện về vụ thảm sát vỡ lở gây chấn động cả thế giới.

Mỹ Lai là một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Vụ giết dân thường thảm khốc xảy ra ngày 16/3/1968, khi binh lính Mỹ xả súng giết đàn ông già cả, đàn bà, trẻ con, cả những con bò con chó. Những cơ thể phụ nữ còn hằn dấu vết bị làm nhục. 504 người dân thường thiệt mạng. Không một ai trong số lính Mỹ bị bắn.

Quân đội Mỹ đã che đậy vụ việc trong hơn một năm rưỡi, cho đến khi nhà báo Seymour Hersh điều tra ra và cho công chúng cả thế giới biết sự thực. Khi đó, tháng 11/1969, phong trào phản chiến đã lên cao cả ở Mỹ và các nước trên thế giới. Với cả một thế hệ những người châu Mỹ, châu Âu và châu Á, vụ thảm sát Mỹ Lai là một vết nhơ của nước Mỹ.

“Nước Mỹ và người Mỹ không thể không gánh nặng cảm giác tội lỗi và sự day dứt của lương tâm trước những gì diễn ra ở Mỹ Lai”, tờ Time bình luận khi vụ việc lần đầu được đưa ra ánh sáng. Mùa thu năm 1969, hàng triệu người Mỹ từ bờ tây sang bờ đông, trong đó có 250.000 người ở thủ đô Washington, đã tổ chức những cuộc tuần hành lớn để phản đối chiến tranh.

Diễn biến vụ thảm sát

Đại đội Charlie thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 20, sư đoàn bộ binh 23 của quân đội Mỹ đến Việt Nam năm 1967 và hầu như không tham chiến trong những tháng đầu tiên ở nước này.

Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, thông tin tình báo của Mỹ cho rằng tiểu đoàn 48 của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam đang trú ẩn ở làng Sơn Mỹ thuộc tỉnh Quảng Nam. Quân đội Mỹ ra lệnh tấn công vào các ngôi làng, giao cho binh lính nhiệm vụ “tìm và diệt”, đốt nhà cửa, giết vật nuôi, hủy hoại lương thực thực phẩm và có thể đầu độc cả các giếng nước.

Sáng 16/3/1968, đại đội Charlie tiến vào Mỹ Lai, trung đội 1 mở đường, hai trung đội khác bao vây hai bên sườn, sau khi đã nã một loạt pháo và đạn dội xuống từ trực thăng. Không có một người lính “Việt Cộng” nào trong làng. Lính Mỹ bắt đầu bắn giết bừa bãi các dân thường, gồm trẻ em, phụ nữ và những ông già. Sau khi các thường dân đầu tiên ngã xuống, chúng bắn vào bất cứ thứ gì chuyển động.

“Những tên lính dường như phát điên, bắn hạ tất cả những người không mang vũ khí, kể cả trẻ sơ sinh. Những gia đình ẩn nấp trong các ngôi nhà lá hoặc các căn hầm mong được yên thân cũng không được tha. Những người đã giơ tay hàng cũng không thoát khỏi cảnh bị bắn giết. … Khắp trong làng, những cảnh bắn giết dã man diễn ra. Phụ nữ bị hãm hiếp tập thể; những người khác bị đánh, tra tấn, đập vào đầu bằng báng súng rồi sau đó bị đâm bằng lưỡi lê”, hãng tin BBC mô tả.

Sau đó, hàng chục thi thể nạn nhân đã bị những tên lính đẩy xuống một cái mương. Có những người thậm chí còn bị khắc chữ cái C – chữ đầu tiên của tên đại đội lính Mỹ – lên ngực.

“Trông chẳng khác nào một bể máu dưới kia? Cái quái gì đang diễn ra thế”, một viên phi công lái trực thăng phía trên bầu trời làng Mỹ Lai khi đó thốt lên.

Giải cứu

Phi công trực thăng Hugh Thompson, khi đó 24 tuổi, thuộc phi đội thám không, đã tận mắt chứng kiến hàng trăm người dân chết hoặc hấp hối khi bay qua làng. Anh và phi đội nhìn thấy một phụ nữ không vũ trang đang rũ xuống, bị đá vào người rồi bị bắn. Họ liên lạc bằng radio để tìm kiếm sự trợ giúp cho những người bị thương. Sau đó, chiếc trực thăng hạ cánh bên một con mương, nơi đó đầy những thi thể, và có cả những người bị thương. Thompson yêu cầu một người lính ở đó giúp đỡ những người còn sống.

Tiếp đó, họ thấy một nhóm thường dân Việt Nam (lại chỉ toàn trẻ con, phụ nữ và ông già) trong một căn hầm mà lính bộ binh Mỹ đang tiến đến. Thompson hạ cánh và tuyên bố nếu toán lính bắn vào dân, anh sẽ giúp họ thoát khỏi nơi này. Có chừng 12-16 người trong hầm được đưa lên trực thăng thoát khỏi vụ thảm sát.

Năm 1998, ba quân nhân Mỹ, gồm Hugh Thompson (phi công), Glenn Andreotta và Lawrence Colburn (phụ trách súng trên máy bay) được chínhphủ Mỹ trao huân chương vì đã ngăn chặn đồng ngũ giết chóc thường dân, giảm số thương vong trong vụ Mỹ Lai. Thompson và Colburn sau này đều trở lại ngôi làng và gặp lại những người được cứu sống.

Đưa ra ánh sáng

Nhà báo chuyên điều tra nổi tiếng thế giới Seymour Hersh, sau nhiều cuộc nói chuyện với William Laws Calley – người sau này bị buộc tội đã ra lệnh tiến hành vụ thảm sát Mỹ Lai – là người cho thế giới biết đến tội ác này. Tháng 11/1969, một loạt tạp chí gồm Time, LifeNewsweek đều đưa vụ việc lên trang nhất. Báo chí đăng những bức ảnh chi tiết về các dân làng bị chết dưới tay lính Mỹ ở Mỹ Lai.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Melvin Laird bình luận: “Có quá nhiều xác trẻ em nằm đó; những bức ảnh đó là sự thực”.

Tin tức kinh hoàng về vụ thảm sát hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Nhân dân Mỹ và thế giới đòi rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Vụ Mỹ Lai cũng khiến nhiều thanh niên Mỹ có thêm lý do để phản đối việc đăng lính; những người vốn có tư tưởng phản chiến được tiếp thêm sức mạnh, những người đang lưỡng lự ngả hẳn sang phe phản chiến.

Một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất của vụ Mỹ Lai đối với người Mỹ và thế giới, đó là nó làm thay đổi thái độ của công chúng đối với cuộc chiến phi nghĩa và tàn bạo này. Những người vốn thờ ơ với cuộc tranh luận về chiến tranhhay hòa bình đã bắt đầu chú ý phân tích cuộc chiến một cách sâu sắc hơn. Những câu chuyện kinh hoàng về cuộc chiến cũng được dần đưa ra ánh sáng.

Theo VNEXPRESS

Ký ức về trận Núi Thành – Cuộc đọ sức đầu tiên với quân đội Mỹ

Từ ngàn đời nay, trong lịch sử quân sự, đánh thắng đòn phủ đầu luôn luôn là yếu tố quan trọng cho việc thắng bại của cuộc chiến. Trận Núi Thành năm 1965 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những sự kiện nền tảng

Vào năm 1964, Tỉnh ủy Quảng Nam mở hội nghị kiểm điểm tình hình và đề ra nhiệm vụ mà trọng tâm có ba mục tiêu phải thực hiện bằng được: – Một là, phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của địch, giành lại và làm chủ nông thôn đồng bằng, chống càn quét, đánh bại âm mưu bình định trọng điểm của địch, xây dựng vùng giải phóng vững mạnh. – Hai là, tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, làm tan rã từng bộ phận quân địch, nhất là quân địa phương. – Ba là, củng cố, xây dựng phát triển mạnh mẽ lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, tăng cường thực lực kinh tế.

Sau một thời gian thực hiện ba nhiệm vụ này, chính quyền Cách mạng được thành lập ở 115 xã trên tổng số 138 xã trong tỉnh. 380.000 dân vùng giải phóng và vùng tranh chấp thuộc về Cách mạng. Từng đoạn giao thông trên đường số 1, đường 105, đường 16, đường Tam Kỳ – Tiên Phước đều bị ta cắt đứt. Các quận lỵ bị cô lập. Quận lỵ Thăng Bình chỉ còn thôn Hà Lam và một phần thôn Thanh Ly.

Lúc này, việc giải phóng những xã ngay sát đường số 1, từ cầu Ông Bộ trở vào An Tân, là nhiệm vụ trước mắt của Tỉnh ủy và Ban cán sự tỉnh đội. Trong tình thế lúc đó, với lực lượng quần chúng và vũ trang hiện có, chúng ta hoàn toàn có thể giải phóng từng vùng rộng lớn nông thôn ngay sát các thành phố, thị xã, quận lỵ, kể cả vùng nông thôn sát ngay hai bên đường số 1, làm chủ ban ngày từng đoạn quốc lộ.

Mỹ đổ bộ

Ðầu năm 1965, chiến lược Chiến tranh đặc biệt bị phá sản không gì cứu vãn nổi. Trước nguy cơ đó, Mỹ bắt buộc phải tính đến nước cờ liều lĩnh, đẩy cuộc Chiến tranh đặc biệt sang cuộc Chiến tranh cục bộ trên toàn miền nam. Sĩ quan, binh lính Mỹ trực tiếp tham chiến cùng với những phương tiện chiến tranh hiện đại.

Ngày 8-3-1965, Ðại đội đầu tiên của tiểu đoàn 3 thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến, sư đoàn 1 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ lên Ðà Nẵng. Tiếp đó, ngày 7-5-1965, sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 của Mỹ đổ bộ lên địa phận xã Kỳ Liên nằm sát cảng Kỳ Hà.

Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã đưa vào đây năm tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn pháo 105 ly, một đại đội pháo 155 ly, hai đại đội xe bọc thép M113 và M118, một đại đội pháo tự hành, năm phi đoàn máy bay lên thẳng, một phi đoàn máy bay phản lực tiêm kích.

Chúng tiến hành khủng bố đuổi dân hai xã Kỳ Liên, Kỳ Hà (nay là hai xã Tam Quang và Tam Nghĩa – Núi Thành) đi nơi khác, lấy đất xây dựng căn cứ Chu Lai, đồng thời triển khai lực lượng chiến đấu, mở nhiều cuộc càn quét nhằm tạo vành đai bảo vệ căn cứ này.

Một tình thế mới của cuộc chiến đấu đã đến. Tỉnh ủy và Ban cán sự tỉnh đội đặt ra câu hỏi: Sẽ hành động sao đây? Giữa lúc đó, chúng tôi nhận được chỉ thị của Khu ủy và Quân khu là chuyển hướng từ đánh ngụy sang đối tượng mới là đánh Mỹ. Lúc này, chung quanh các căn cứ của Mỹ ở Ðà Nẵng và Chu Lai đang dần dần hình thành các vành đai diệt Mỹ. Các lực lượng du kích của ta, trong quá trình đụng độ với quân Mỹ, đã đánh những trận nhỏ, tiêu diệt quân Mỹ nống ra khỏi căn cứ.

Khi nhận được chỉ thị của Khu ủy và Quân khu, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ðà và Quảng Nam đưa ra quyết tâm: Chưa giải phóng miền nam ta còn phải chiến đấu, chiến tranh kiểu gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh, đông bao nhiêu, lâu dài bao nhiêu cũng đánh… Chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ xâm lược đến cùng, bằng hai chân ba mũi giáp công, để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Ðánh Mỹ

Bắt đầu từ đó, các lực lượng du kích tại chỗ của ta đánh thắng nhiều trận nhỏ, tiêu diệt một số lính Mỹ nống ra khỏi căn cứ. Riêng ở vành đai Chu Lai, ngay trong trận đầu, anh em đã loại khỏi vòng chiến một tiểu đội Mỹ, thu được hai khẩu AR 15 và một số quân trang quân dụng. Trận đánh này có ý nghĩa lớn đối với chúng tôi hồi đó.

Trong lúc bọn xâm lược trang bị tận răng những súng đạn, xe tăng, máy bay hiện đại thì những chiến sĩ du kích nhỏ bé của ta, với súng trường và lựu đạn, đã hạ được những tên Mỹ to lớn. Nhiều dũng sĩ diệt Mỹ đã xuất hiện. Ngoài huyện  nam Tam Kỳ, du kích các huyện bắc Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước đều cử đội du kích của mình đến Chu Lai, đưa lực lượng ở vành đai diệt Mỹ này lên đến 400 tay súng.

Hồi đó, từ hậu phương miền bắc đã chi viện kịp thời loại súng trường nòng dài, có kính ngắm của nước bạn Hung-ga-ri. Từ công sự ngoài hàng rào, các tay súng thiện xạ của ta bắn tỉa bất cứ tên lính Mỹ nào di động trong căn cứ của chúng, bảo đảm độ chính xác rất cao. Sự hoảng loạn tinh thần trong lính Mỹ đã bắt đầu xuất hiện.

Ngày 11-4-1965, du kích Hòa Phát đã làm nổ tung kho đạn của Mỹ ở sân bay Ðà Nẵng, làm cho bọn lính thủy đánh bộ thất điên bát đảo, xe cộ của chúng chạy tán loạn. Ngày 14-4, du kích Hòa Quý (Hòa Vang) loại khỏi vòng chiến mười tên Mỹ. Ngày 18-4, du kích xã Hòa Minh loại thêm 12 tên, du kích Ðiện Hòa đánh Mỹ tại Hòa Châu, lấy được súng Mỹ.

Ngày 17-5, bọn Mỹ ở Chu Lai nống ra phía tây, dùng lực lượng pháo binh cơ giới để yểm trợ cho một đại đội Mỹ lên chốt Núi Thành, du kích xã Kỳ Sanh đã kịp thời nổ súng diệt bốn tên. Những thắng lợi đầu tiên đó tuy còn rất khiêm tốn, nhưng đã góp phần rất lớn vào việc động viên khí thế của bộ đội và nhân dân ta dám đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ.

Sau khi đổ bộ vào Chu Lai, bọn Mỹ cho một đại đội Mỹ lên chốt ở Núi Thành, một ngọn đồi cách đường quốc lộ số 1 và đường sắt bắc nam hơn một km về phía tây. Mục đích của bọn Mỹ khi lập cứ điểm này là để bảo vệ vòng ngoài cho căn cứ Chu Lai, từ đó khống chế sâu vào vùng giải phóng của ta.

Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đặt ra nhiệm vụ phải diệt cái chốt này, nhưng vấn đề quan trọng đặt ra là diệt chúng bằng cách nào và vào thời điểm nào thì thuận lợi nhất? Khi đó, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chính trị viên tỉnh đội, tôi xuống đại đội 2, tiểu đoàn 70, đơn vị dự kiến sẽ được giao nhiệm vụ đánh Núi Thành tăng cường cho Ðại đội 2 đội đặc công. Anh em đang khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh.

Trong vài lần trò chuyện với anh em, chúng tôi phát hiện ra những băn khoăn suy nghĩ của một số người vẫn chưa tự tin là có đánh thắng được Mỹ không. Trong khi trò chuyện, một tiểu đội trưởng buột miệng  nói với tôi: “Thằng Mỹ nó to xác vậy, không biết đánh giáp lá cà, mình có vật nổi nó không?”, “Hỏa lực nó mạnh như vậy, nếu tiếp cận mà bị lộ, sẽ xử lý tình huống như thế nào để tránh thương vong vì pháo của nó?”… Tất cả những băn khoăn đó đều được chúng tôi cùng ngồi họp bàn và thông suốt cách đánh với anh em.

Núi Thành là một ngọn đồi dài 1.450 m, rộng 900 m, độ cao ở mỏm cao nhất là 50 m. Vì nằm ngay cạnh đường số 1 và đường sắt bắc – nam cho nên việc đi đến Núi Thành đều thuận lợi. Chỉ có hướng tây, vì tiếp giáp với dải đồi thấp của Trường Sơn cho nên việc đi lại có phức tạp hiểm trở hơn. Nếu ta chiếm được Núi Thành sẽ khống chế được cả một vùng rộng lớn từ Dốc Sỏi (ranh giới tiếp giáp tỉnh Quảng Ngãi) đến ga An Tân, uy hiếp trực tiếp căn cứ Chu Lai.

Suốt đêm 25-5, chúng tôi vây quanh tấm bản đồ chiến sự hồi hộp theo dõi các cánh quân tiếp cận các mục tiêu. Ðến 20 giờ, đại đội 2 báo cáo về các mũi đã đưa lực lượng áp sát vào trong hàng rào địch. Mũi xa nhất cách hầm cố thủ của Mỹ ba mét, còn mũi gần nhất chỉ cách một mét.

Nhưng đến 0 giờ ngày 26-5, không nghe tiếng súng nổ, tất cả chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Từng giây một trôi qua một cách nặng nề. Các sĩ quan, chiến sĩ thông tin được lệnh bằng mọi cách phải liên lạc cho được các đơn vị, nhất là đơn vị đánh cầu An Tân, hỏi cho ra lý do vì sao không nổ súng đúng giờ G. Rồi chỉ nửa giờ sau đó, tiếng súng nhỏ và tiếng thủ pháo nổ ran trên đỉnh Núi Thành.

Không ai bảo ai, chúng tôi đều đứng dậy hướng về phía  những chớp lửa xé đêm tối vụt lên cùng với những chớp giật liên hồi, không phân biệt được tiếng súng nổ là của ta hay của bọn Mỹ. Sau này, khi nhận được báo cáo đầy đủ, trận đánh diễn ra như sau:

Ðúng 0 giờ ngày 26-5, sau khi chờ 30 phút không nghe tiếng súng phát lệnh ở cầu An Tân – bởi lúc đó địch đã đánh hơi – ở khu vực cầu An Tân, sợ ta có chủ trương đánh cầu cho nên bọn chúng tập trung canh phòng cao độ. Chúng liên tục bắn pháo sáng và dùng nhiều lựu đạn thả xuống chân cầu cho nên lực lượng công binh chưa có cách gì tiếp cận được.

Không thể kiên trì thêm được, một quyết đoán khá thông minh và táo bạo: Ðại đội trưởng Võ Thành Năm lệnh cho Trần Ngọc Ảnh, mũi trưởng ở hướng chủ yếu đánh quả thủ pháo đầu tiên vào công sự Mỹ. Ngay sau đó, tất cả các mũi nổ súng đánh phủ đầu quân Mỹ. Tiếng súng trên Núi Thành đã thành tiếng súng phát lệnh chung cho các mục tiêu khác như cầu Ông Bộ, cầu An Tân, thị xã Tam Kỳ cùng đồng loạt nổ súng.

Từng tổ ba người phát triển theo hình chữ A dùng tiểu liên, thủ pháo lựu đạn lần lượt đánh chiếm từng hầm một từ ngoài vào trong. Sau tám phút, bộ đội ta đã tiêu diệt và chiếm tuyến công sự vòng ngoài. Ðại đội trưởng Năm nhanh chóng bám sát đơn vị. Vận động lên được nửa đường, Năm gặp một tên Mỹ tay không súng, đầu không mũ từ trên cao lao xuống tháo chạy. Anh vừa đưa khẩu súng ngắn lên thì tên Mỹ vồ ngay lấy anh.

Phát đạn nổ vụt lên trời. Năm ôm lấy tên Mỹ quật lộn về phía sau. Lúc đó, mũi trưởng Ảnh vừa lao tới sẵn quả lựu đạn chày trong tay, quật thẳng vào mặt tên Mỹ, Năm bắn bồi thêm một phát đạn kết liễu tên Mỹ, rồi anh cùng anh em tiếp tục xông lên.

Ở mũi thứ yếu hướng tây đồi 50 có độ dốc cao hơn cho nên bị địch dùng hỏa lực để ngăn chặn. Anh em vẫn kiên quyết dùng lựu đạn, thủ pháo, lưỡi lê đánh giáp lá cà. Nhưng hỏa lực địch vẫn bắn mạnh, làm mũi này chưa phát triển được.

Ðại đội trưởng Năm, mũi trưởng Ảnh chỉ huy mũi chủ yếu phát triển nhanh sang chi viện cho mũi thứ yếu. Sau hai mươi phút chiến đấu, quân ta ở hai mũi đã gặp nhau. Bộ đội lần lượt đánh chiếm các hầm và hoàn toàn làm chủ đồi 50.

Lúc đó ở mỏm đồi 49, anh em đã đánh chiếm được tầng công sự thứ hai ở vòng ngoài thì gặp một khẩu đại liên địch bắn tạt ngang đội hình. Ba đồng chí làm nhiệm vụ đột kích bị thương. Ðồng chí mũi trưởng đã kịp thời điều tổ dự bị lên cùng anh em còn lại, mở thêm một hướng đột kích khác từ đông bắc đánh thọc thẳng vào trong, cắt đội hình địch, diệt khẩu đại liên, rồi nhân điều kiện thuận lợi được tạo ra, anh em phát triển đánh chiếm tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ trận địa. Trong lúc đó, trận địa hỏa lực của Tiểu đoàn 70 bắn khống chế không cho quân Mỹ còn sống sót chạy về Chu Lai.

Sau 30 phút chiến đấu, quân ta đã diệt gọn một đại đội Mỹ đóng trên Núi Thành, làm chủ toàn trận địa. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” đã tung bay trên đỉnh đồi 50 của cứ điểm Núi Thành.

Chiến thắng trận Núi Thành là một tất yếu trong cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta với bọn xâm lược. Nó được hun đúc từ lòng yêu nước, ý chí quả cảm và sự sáng tạo vô bờ bến của toàn Ðảng, toàn dân ta. Mặc dù ở trận Núi Thành, ta chỉ tiêu diệt gọn một đại đội Mỹ nhưng là trận đánh Mỹ đầu tiên cho nên có ý nghĩa rất lớn.

Ðiều đó cho thấy rằng, dù bọn xâm lược từ đâu đến, dù tiềm lực mạnh đến mức nào hoặc dù chúng chiếm cứ ở địa danh này hay địa danh khác trên mảnh đất Việt Nam anh hùng thì chúng cũng sẽ bị thất bại thảm hại. Trận đánh phủ đầu thành công diễn ra ở Núi Thành là một minh chứng cụ thể. Không lâu sau đó, trong Ðại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua lần thứ nhất, quân và dân Quảng Nam đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam tặng tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ.

Theo ĐỒNG HƯƠNG NÚI THÀNH