Người xưa coi cuộc kháng chiến chống Tần và kháng chiến chống Triệu Đà là một?

Đề tài về lịch sử cổ đại Việt Nam, thời Văn Lang – Âu Lạc, với những vị vua Hùng, vua An Dương lâu nay luôn là một chủ đề hấp dẫn giới nghiên cứu, trí thức, học giả. Phàm những gì càng mờ ảo, huyền bí, không rõ ràng, thì càng có sức hấp dẫn lớn, khơi gợi tính hiếu kỳ của con người, muốn giải mã những ẩn số trong thời kỳ tranh tối tranh sáng này. Ngoài ra, làm rõ được thời kỳ này cũng chính là làm minh bạch cội nguồn tiên tổ, góp phần làm tăng lên tinh thần dân tộc, củng cố lòng tự tin dân tộc trong thời kỳ lịch sử mới và giai đoạn cách mạng mới của nước ta, giai đoạn xây dựng đất nước, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngoài các tài liệu chính sử như Sử Ký của Tư Mã Thiên (hoàn thành trong thế kỷ 1 bên Trung Hoa), Hoài Nam Tử của Hoài Nam vương Lưu An (tác phẩm triết học, đạo học hoàn thành trong thế kỷ 2 bên Trung Hoa), Việt Sử Lược (Khuyết danh, thế kỷ 13 ở Đại Việt), và Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên, thế kỷ 15 ở Đại Việt), các thần tích, ngọc phả, cổ tích, truyền thuyết địa phương mà các nhà nghiên cứu hiện đại đã sưu tầm tổng hợp được, thì mình cũng tham khảo các tranh luận về đề tài này trong các diễn đàn và blogs trên Internet, đặc biệt từ những người nghiên cứu sử học không chuyên.

Trong các nguồn, thì nguồn đáng tin và có giá trị khoa học nhất là Sử Ký của Tư Mã Thiên. Bởi vì qua xem xét, rà soát, các nhà khoa học lịch sử đã công nhận đây là một sử ký mang tính chuyên nghiệp, khoa học, khách quan thật sự (dám nói sự thật dù “phạm thượng” cả Hán Cao Tổ Lưu Bang, triều đại mà Tư Mã Thiên phục vụ), với nội dung nhẹ nhàng, ôn hòa, chừng mực, không hề có biểu hiện của tư tưởng sô-vanh hẹp hòi cực đoan trong đó.

Với bộ sử giá trị đó, ông được tôn là “sử thánh”, một trong “Mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc”. Một trong những yếu tố đáng tin nữa của bộ Sử Ký là: Đó là tác phẩm sớm nhất (thế kỷ 1) còn lưu truyền ngày nay mà có đề cập tới Âu Lạc, Thục Phán, chiến tranh Việt – Tần v.v.

Gần đây, khi các nhóm nghiên cứu khoa học lịch sử ở Việt Nam hoàn thành việc dùng phương pháp khoa học, khảo cổ học để giám định niên đại các cổ vật được đào lên ở Cổ Loa, vùng ngày xưa thuộc vùng ảnh hưởng của triều đình An Dương Vương và nước Âu Lạc thì kết quả giám định cho thấy những số năm phù hợp với các số năm trong Sử Ký, không phù hợp với các số năm trong Việt Sử Lược và Đại Việt SKTT.

Năm 2008, khi các sử gia và nhà khảo cổ Trung Quốc tổ chức khai quật mộ của Triệu Văn Vương (Triệu Hồ, cháu nội của Triệu Đà), sau khi giám định bằng các biện pháp khoa học khảo cổ, pháp y thì thấy thời gian mà Triệu Hồ băng hà không phù hợp với các số năm đề cập trong VSL và ĐVSKTT.

Để tìm hiểu cho minh bạch thời kỳ này, mình đã cố gắng dựa vào tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu khách quan có được, tất cả các suy luận, giả thuyết, cố gắng xâu chuỗi lại sao cho phù hợp nhất, hợp logic nhất với các thông tin có được, gạn lọc, kết hợp có chọn lọc. Sau đây là “trình tự” quá trình tìm hiểu không lấy gì làm chuyên nghiệp của mình. Để có cái nhìn rộng và rõ hơn, toàn cục khu vực hơn, mình xin được đối chiếu với các sự kiện chính trị lớn bên Trung Quốc cùng mốc thời gian. Và chú trọng suy luận hơn từ các số năm, các timeline, là 2 yếu tố mà mình thấy chưa được quan tâm đúng mức trong các nghiên cứu hàn lâm cũng như các tranh luận, thảo luận trên Internet.

Sưu tầm các số năm:

Tần vừa thống nhất – 221 TCN

Trần Thắng khởi nghĩa – 209 TCN tới 208 TCN

Nhà Tần kết thúc, Hán Sở tranh hùng – 206 TCN tới 202 TCN

Cuối Văn Lang, đầu Âu Lạc – Giả thuyết 1: 258, 257 TCN, Giả thuyết 2: 218, 208, 207 TCN

Chiến tranh Bách Việt vs Tần – GT 1: Khoảng 218 TCN đến 215, 214 TCN hoặc GT 2: 209, 208 TCN (sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, phong trào chống Tần lan rộng, Hồ Hợi ra lệnh bãi binh). Âu Việt đụng độ quân Tần trong khoảng 6 năm (từ năm 214 TCN).

Chiến tranh Âu Lạc vs Triệu Đà – Sau 214 TCN đến 208, 207 TCN (GT 1) hoặc 180, 179 TCN (GT 2)

Cuối Âu Lạc – GT 1: 208, 207 TCN, GT 2: 180, 179 TCN

Chính thức lập quốc Nam Việt – 207 TCN, 204, 203 TCN

Nam Việt hoàn thành bình định Âu Lạc – 180, 179 TCN

Bắt đầu Bắc thuộc – GT 1: 208, 207 TCN hoặc GT2: 180, 179 TCN

Timeline & đối chiếu Việt – Hoa

Giả thuyết 1:

Âu Lạc lập quốc – 258, 257 TCN

Tần thống nhất Hoa Hạ – 221 TCN

Chiến tranh Bách Việt vs Tần: Khỏang 218 TCN đến 215, 214 TCN

CT Âu Lạc vs Triệu Đà (Nhâm Ngao [hoặc Nhậm Hiêu theo phiên âm hiện đại] và Triệu Đà thay thế Đồ Tuy [theo phiên âm hiện đại]) – Sau 214 TCN đến 208, 207 TCN

Triệu Đà dùng kế giảng hòa, kế thông gia, cho Trọng Thủy sang Âu Lạc ở rể – 210 TCN

Trần Thắng khởi nghĩa chống Tần – 209 TCN tới 208 TCN

Âu Lạc bị Triệu Đà đánh bại – 208, 207 TCN

Chính thức lập quốc Nam Việt – 207 TCN, 204, 203 TCN

Nhà Tần kết thúc, Hán Sở tranh hùng – 206 TCN tới 202 TCN

Giả thuyết 2:

Tần thống nhất Hoa Hạ – 221 TCN

Chiến tranh Bách Việt vs Tần – Khoảng 218 TCN đến 209, 208 TCN

Âu Lạc lập quốc – 218, 208, 207 TCN

CT Âu Lạc vs Triệu Đà (Nhâm Ngao và Triệu Đà thay thế Đồ Tuy) – Sau 214 TCN đến 180, 179 TCN

Trần Thắng khởi nghĩa chống Tần – 209 TCN tới 208 TCN

Chính thức lập quốc Nam Việt – 207 TCN, 204, 203 TCN

Nhà Tần kết thúc, Hán Sở tranh hùng – 206 TCN tới 202 TCN

Âu Lạc bị Triệu Đà đánh bại – 180, 179 TCN

Vài suy luận:

– Sự xung đột quân sự đánh qua đánh lại dai dẳng giữa Hùng – Thục là có. Và đó là sự xô xát mang tính chất nội bộ, nội chiến, chứ không phải là cuộc chiến tranh tổng lực, quy mô giữa 2 quốc gia khác biệt về chủng tộc, văn hóa. Tương tự các bộ lạc ở phía Nam và phía Bắc Trung Hoa luôn đánh nhau, đánh rồi lại hòa, hòa rồi lại đánh, mang tính chất anh em trong nhà thỉnh thỏang đánh nhau chứ không phải những cuộc chiến xâm lược mang tính tiêu diệt. Cuộc chiến Hùng – Thục miêu tả trên các thần tích, ngọc phả rất dữ dội nhưng cũng cho thấy tính chất “dễ dàng” và gần gũi, ví dụ truyền thuyết rằng Hùng Vương say rượu chỉ trong một đêm bị Thục Phán đánh bất ngờ và cướp ngôi. Nếu đây là cuộc chiến mang tính hủy diệt, công thành chiếm đất giữa 2 quốc gia, khó có chuyện đánh tới thủ đô đối phương nhanh như chớp và dễ như bỡn như vậy.

– Hùng Vương 18 nhường ngôi để hiệp lực chống Tần và vì không có con trai là có, nhưng là bị sức ép, bị áp lực, chứ không phải hoàn toàn tự nguyện.

– Sự tích rắc lông ngỗng lưu lại dấu vết của Mỵ Châu là trong lúc dừng lại nghỉ ngơi hoặc phi nước kiệu. Để lại dấu vết cho quân Trọng Thủy đi tìm.

– Cuộc chiến chống Tần là có, và dân ta từ xưa coi đó chính là cuộc chiến với Triệu Đà. Lâu nay do bị bó buộc bởi quan niệm chính thống của nhà Triệu bởi nhiều sử quan phong kiến nên nhiều sử gia hiện đại khi viết cũng vô tình coi cuộc chiến chống Tần và chống Triệu là 2 cuộc chiến hoàn toàn khác nhau, và đều thắc mắc không hiểu tại sao cổ sử lúc thì viết quân Tần thôn tính Âu Lạc, lúc thì viết là Triệu Đà thôn tính Âu Lạc. Và tại sao cuộc chiến chống Tần nếu thắng vẻ vang oanh liệt như vậy lại không thấy đề cập nhiều, không để lại sự tích, thần thoại nào.

Đơn giản là xuất phát từ chủ đạo dân tộc Việt Nam, dân ta coi Tần – Triệu chỉ là 1, đều là giặc Tần, đều là giặc Bắc, giặc Tàu. Triệu Đà là tướng nhà Tần, là người Hoa Hạ (nước Triệu, 1 trong Thất Hùng thời Chiến Quốc sau cùng bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt, mồ mả ông bà tổ tông của Triệu gia là ở Chân Định, thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc ngay nay), quân đội mà Triệu Đà dùng để xâm lược Âu Lạc cũng chính là quân Tần, dù là Tần ly khai. Triều đình của Triệu Đà cũng chính là triều đình Tần, bao gồm các văn quan võ tướng tạo phản. Tóm lại, họ là người Tàu, là bề tôi của triều Tần, với một nền văn hóa Hoa Hạ rất khác với văn hóa bản địa của Lạc Việt, Âu Việt lúc đó, đậm chất dị tộc.

Và quan trọng nhất: Nhậm Hiêu và Triệu Đà vốn là tướng được triều Tần cử đến phương Nam thay thế cho đại tướng Đồ Tuy đã tử trận. Như vậy, vai trò của Triệu Đà từ đầu đã là thay thế Đồ Tuy bành trướng xuống Nam, tiếp nối mục tiêu xâm lược của nhà Tần, tiếp nối nhiệm vụ dang dở của Đồ Tuy, và cuộc chiến chống Triệu Đà chính là tiếp nối cuộc kháng chiến chống Tần bảo vệ bờ cõi.

Theo góc nhìn đó thì cuộc chiến chống Tần chỉ là tạm thắng giai đoạn đầu, chém được tướng Tần, nhưng sau đó đã thua vào tay tướng Tần là Triệu Đà. Lưu ý Triệu Đà đã xâm lấn Âu Lạc ngay trong lúc chưa chính thức lên ngôi và ly khai nhà Tần, chưa lập quốc Nam Việt. Như vậy xét theo quan điểm dân tộc, thì chẳng có sự toàn thắng vẻ vang nào cả, mà chỉ có thắng giai đoạn đầu, và thua toàn cục. Khi nói đến khái niệm “thắng” trong một cuộc kháng chiến thì điều kiện tiên quyết là phải giữ được đất nước, giữ được lãnh thổ, chẳng hạn như cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979, cuộc chiến Nguyên Mông thời nhà Trần, trong thời chống Mông Cổ ấy, dù có 3 cuộc chiến khác nhau nhưng nếu quân ta thắng trong cuộc chiến thứ nhất, thứ hai, mà vẫn thua cuộc chiến thứ ba thì không thể coi là toàn thắng.

Đó là 1 trong những câu trả lời cho câu hỏi vì sao chiến công thắng Tần vẻ vang oanh liệt như vậy mà ít thấy đề cập trong các thần tích, ngọc phả, gia phả, truyền thuyết. Ngay cả Sử Ký và Hoài Nam Tử cũng chỉ đề cập tới việc Đồ Tuy bị tử trận và tình trạng quân dân nhà Tần rất khổ sở, chứ không nói cụ thể ai thắng.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là thần tích, ngọc phả, sự tích của địa phương nào thì chủ yếu kể lại những câu chuyện diễn ra trên địa phương đó. Hầu hết các mẫu chuyện, giai thoại địa phương mà các sử quan ngày xưa và sử gia ngày nay thu thập, sưu tầm được đều là các giai thoại ở miền Bắc VN, nghĩa là trong vùng cai trị, ảnh hưởng của Hùng Vương và nhà nước Văn Lang. Chính vì vậy mới thấy nhiều câu chuyện kể về thời Hùng Vương của Lạc Việt, mà không thấy các câu chuyện kể của Âu Việt, chỉ khi An Dương Vương nối ngôi Hùng Vương, trị vì trên những vùng đất này, thì mới thấy truyện Thần Kim Quy, Cổ Loa thành, Nỏ thần, Trọng Thủy Mỵ Châu v.v.

Trong thập niên 1960, giới sử học Việt Nam do thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì, mở “chiến dịch” nghiên cứu quy mô lớn, tìm hiểu về các giai thoại địa phương trong cộng đồng dân tộc miền núi ở vùng Cao Bằng, thì mới phát hiện ra cổ tích “Chín Chúa Tranh Vua” trong cộng đồng người Tày có đề cập đến Thục Chế và Thục Phán. Như vậy, Thục Phán, Dịch Hu Tống, Âu Việt, Bách Việt là nằm ngoài địa phương có các giai thoại dã sử Việt Nam thời cổ đại, do đó các giai thoại đó chỉ thấy chủ yếu nói về Hùng Vương và nước Văn Lang, không thấy nói về những giai thoại, sự kiện, nhân vật ngoài vùng đó, vùng cực bắc VN, hay vùng cực nam, nam Quảng Tây bên TQ.

– ĐVSKTT cho rằng Thục Phán thôn tính nước Văn Lang và thành lập nước Âu Lạc vào khoảng năm 258 TCN, 257 TCN. Như đã dẫn chứng ở trên, các công tác khảo cổ học ngày nay đã ít nhất có 2 chứng minh cho thấy ĐVSKTT không đáng tin lắm về mặt thông tin về thời gian, số năm cụ thể. Việc cho rằng Thục Phán diệt Hùng Vương, cướp nước Văn Lang cũng không phù hợp với nhiều truyền thuyết (ví dụ Sơn Tinh Thủy Tinh và các truyền thuyết đề cập tới việc Hùng Vương nhường ngôi, An Dương Vương tuyên bố giữ nước non của vua Hùng). Đa số các truyền thuyết khác cũng chỉ đề cập tới các trận đánh lẻ tẻ giữa Hùng – Thục, chứ không có quan điểm rằng Thục Phán diệt, cướp, thôn tính Văn Lang xong rồi lập nước Âu Lạc. Về suy luận tuổi tác, nếu cho rằng Thục Phán đã đánh đông dẹp bắc rồi lên ngôi năm 258 TCN thì đến khi mất nước, dù cho theo thuyết nào, thì An Dương Vương cũng đã quá già, khó thể tin rằng có thể cưỡi ngựa phá trùng vây chạy thoát đến tận Nghệ An ngày nay mới tuẫn quốc, như đề cập trong hầu hết các truyền thuyết dân gian, câu chuyện dã sử. Nhất là với trình độ y học, y tế, dinh dưỡng, thuốc men, điều kiện sống, trình độ phát triển trong thời kỳ đó thì lại càng khó tin. Trong khi thời nay với trình độ phát triển y học, y tế, dinh dưỡng, vitamins phát triển sau mấy ngàn năm mà U70 tuổi đã phải nghỉ hưu.

SK của Tư Mã Thiên và Hoài Nam Tử, 2 tài liệu xưa nhất, thì ghi chép rằng Triệu Đà dùng vàng bạc châu báu đút lót, mua chuộc, dụ dỗ các lãnh tụ Âu Lạc, thôn tính nước Âu Lạc. Đoạn chép này chỉ nói là cướp Âu Lạc chung chung, chứ không đề cập cụ thể tới các danh từ Thục Phán hay An Dương Vương. Và 2 tài liệu này đều cho rằng thời gian Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính là khoảng năm 180 TCN, 179 TCN, sau khi nhà Hán đã nhất thống Trung Nguyên. Các sách lịch sử chủ lưu, các nhà sử học chuyên nghiệp, hiện đại ngày nay ghi theo các tài liệu này vì cho rằng đây là nguồn đáng tin cậy. Nhưng theo thuyết này thì lại không phù hợp với các truyền thuyết dã sử thời An Dương Vương như Rùa Thần, Nỏ Thần, Trọng Thủy Mỵ Châu, mâu thuẫn với thời điểm giảng hòa giữa An Dương Vương và Triệu Đà mà theo cổ sử Việt Nam là khoảng năm 210 TCN. Thuyết này cũng không phù hợp với vấn đề tuổi tác, sức khỏe, nếu đến năm 179 TCN mà còn An Dương Vương thì lúc đó đã quá già, dù theo thuyết nào về thời điểm lập quốc của Âu Lạc thì cũng là quá già, không hợp lý lắm.

Cách giải thích nghe ổn thỏa nhất chỉ có thể là An Dương Vương đúng là bị thua về tay Triệu Đà vài năm sau giảng hòa. Nhưng thắng An Dương Vương không có nghĩa là đã cướp hẳn trọn vẹn được toàn bộ nước Âu Lạc. Lưu ý thời đó Văn Lang – Âu Lạc vẫn có tính sơ khai cát cứ địa phương chứ chưa phải là một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền có tính tập trung cao độ. Lạc Việt bao gồm 15 bộ tộc, Âu Việt bao gồm 10 xứ. Mãi đến khoảng thời gian 180 TCN, 179 TCN, Triệu Đà mới hoàn thành việc thôn tính và bình định Âu Lạc. Điều này cũng phù hợp với những gì ghi trong Sử Ký và HNT, trong giai đoạn đó không hề ghi chép là Triệu Đà dùng chiến tranh quy mô diệt An Dương Vương, chiếm đóng Âu Lạc, mà chỉ đề cập đến việc ông ta dùng vàng bạc châu báu để mua chuộc các quan chức, các thế lực ở Âu Lạc.

– Thiền sư Lê Mạnh Thát dựa vào việc Sử Ký Tư Mã Thiên không đề cập đến sự kiện Trọng Thủy Mỵ Châu và đích danh An Dương Vương, liền cho rằng An Dương Vương và câu chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu là không có thật, là bắt chước từ một tích khác trong 1 kinh Phật. Lập luận này không thỏa đáng. Thứ nhất, Sử Ký Tư Mã Thiên tuy rất đáng tin, là một nguồn có uy tín cao, có giá trị cao, nhưng nó vẫn chỉ là một bộ sử của người Hán nghiên cứu lịch sử Trung Hoa, chứ trọng tâm trọng điểm của nó không phải là Việt Nam, mà lúc đó các sử quan phong kiến Trung Hoa vẫn xem tứ bề chung quanh là các dị tộc, bộ lạc “man, nhung, di, địch”, là các chư hầu, “Phiên quốc”, “Phiên bang”. Do đó, với góc nhìn từ xa, từ bên ngoài, họ chỉ đề cập qua loa như một yếu tố phụ, chứ không phải là trọng tâm chính, không phải trọng điểm nghiên cứu của họ. Do đó việc Sử Ký của sử quan Tư Mã Thiên không đề cập kỹ càng, rõ ràng, cụ thể, chi tiết, sâu sát đến các sự kiện lịch sử nước ta là chuyện dễ hiểu.

Thứ hai, những giai thoại đúc kết từ các sự kiện có thật về chuyện 2 nhà, 2 nước thông hôn, sau đó trở mặt đem quân đánh nhau là chuyện rất bình thường, xảy ra rất nhiều trong lịch sử phong kiến cả thế giới. Ngay trong lịch sử Việt Nam thời kỳ khác cũng có giai thoại tương tự: Giai thoại Nhã Lang – Cảo Nương, Triệu Quang Phục gả Cảo Nương cho hoàng tử Nhã Lang, con trai của Lý Phật Tử, kết quả bị Lý Phật Tử phản phé bất ngờ đánh bại. Đây là một thực tế thời phong kiến giữa các vương tôn quý tộc vua chúa với nhau, chuyện 2 nhà Thục – Triệu thông gia rồi Triệu lật lọng thất hứa đem quân đánh thì không phải là chuyện quá khó tin hay không thể xảy ra.

Kết hợp có chọn lọc:

– Kết hợp 3 thuyết: Có chiến tranh Hùng – Thục. Thục Phán có ép Hùng Vương nhường ngôi. Có áp lực của giặc Tần và nhu cầu đoàn kết chống Tần.

– Kết hợp 2 thuyết về thời kỳ thành lập Âu Lạc: Hùng – Thục vốn có đánh lớn dằng dai liên tục từ khoảng 40 năm trước khi quân Tần xâm lăng. Khoảng 40 năm sau, để chống Tần, Âu Việt – Lạc Việt liên hiệp lại thành 1 nước thống nhất do Thục Phán An Dương Vương lãnh đạo.

– Kết hợp 2 thuyết về thời kỳ mất nước Âu Lạc: Trúng kế ở rể, vua An Dương bị Triệu Đà đánh bại trong những năm cuối nhà Tần và trước chiến tranh Hán – Sở. Nhưng đến sau chiến tranh Hán – Sở đã lâu thì mới hoàn thành bình định phương Nam.

Tổng hợp, xâu chuỗi, và sử thi hóa giả thuyết: (thông tin nào còn tồn nghi, đáng ngờ, cần xem xét thêm thì mình đánh dấu hỏi ở kế bên)

Khoảng năm 258, 257 TCN, liên minh bộ lạc Âu Việt, nước Nam Cương (?) với 10 xứ mường do vua Thục tên là Chế lãnh đạo đã giành được ưu thế lớn trước nước Văn Lang của dân tộc Lạc Việt, gồm 15 bộ tộc do vua Hùng thời thứ 18 của bộ tộc ở Phong Châu lãnh đạo. Hai bên vốn đã đánh nhau lâu nay nhưng mãi đến lúc này, với tài lãnh đạo của Thục Chế (?) thì Âu Việt mới giành được ưu thế lớn. Tuy nhiên, vua Hùng và những Lạc Hầu, Lạc Tướng, Quan Lang trung thành vẫn cầm cự, chưa bị thua hẳn.

Gần 40 năm sau, năm 221 TCN, Doanh Chính gồm thâu 6 nước, nhất thống Hoa Hạ. 3 năm sau, năm 218 TCN, Thủy Hoàng Đế bắt đầu công cuộc bành trướng khu vực, phái Mông Điềm đánh Hung Nô ở phía Bắc và xây Vạn Lý Trường Thành để phòng ngự vó ngựa Hung Nô. Phía Nam, Tần Thủy Hoàng cử 5 đạo quân Nam chinh, mỗi đạo 10 vạn quân, tổng cộng 50 vạn quân tiến hành bành trướng xuống Nam, diệt Bách Việt, mở rộng lãnh thổ.

Nhiều dân tộc, bộ tộc, bộ lạc trong khối Bách Việt vì sự sinh tồn của mình, đã liên minh lại chống quân viễn chinh Tần, trong đó có cả Lạc Việt và Âu Việt (Tây Âu). Tuy nhiên sau đó lần lượt nhiều bộ tộc trong Bách Việt như Câu Ngô Việt, Ư Việt (hậu duệ của nước Ngô và nước Việt thời Xuân Thu), Dương Việt, Nam Việt (bộ tộc), Điền Việt, Mân Việt, Sơn Việt, Dạ Lang Việt v.v. đều bị chinh phục chỉ còn lại bộ tộc Âu Việt và dân tộc Lạc Việt.

Trong cuộc chiến này, vua Thục tên Phán (lúc này đã thay chế Thục Chế?) cùng thủ lĩnh Dịch Hu Tống, là 1 trong những thủ lĩnh sáng giá trong 10 xứ mường của Âu Việt lãnh đạo kháng chiến. Âu Việt chiến đấu tiên phong, trực diện với sự hậu thuẫn của Văn Lang – Lạc Việt phía sau. Hùng Vương ở Phong Châu cũng thừa biết nếu quân Tần vượt qua Thục Phán và Âu Việt thì mình cũng sẽ lâm nguy. Vì sinh tồn, 2 tộc đã liên kết lại cùng chống ngoại địch từ phương Bắc.

Cuộc chiến giằng co 4 năm, năm 214 TCN, nhờ chiến thuật du kích, tận dụng ưu thế địa lợi, rừng núi, thủy thổ làm cho giặc đổ bệnh, mẹo “vườn không nhà trống”, đánh lén ban đêm v.v., và nhờ tài lãnh đạo của Thục Phán, tài thao lược của Cao Lỗ, vũ dũng của ông Trọng (?) mà liên quân Bách Việt do Âu Việt lãnh đạo đã tạm thắng trong giai đoạn này, giết được Đồ Tuy, chém hàng vạn quân địch, tuy nhiên thủ lĩnh Dịch Hu Tống của người Việt cũng bị tử trận.

Ngay sau đó, nhà Tần cử 2 tướng tài là Nhậm Hiêu (Nhâm Ngao) và Triệu Đà đem quân tiếp viện và thay thế Đồ Tuy, chiến tranh tiếp diễn rồi tạm ngừng. Nhậm Hiêu và Triệu Đà chia nhau bình định và cai quản những vùng mà người Tần đã chiếm.

Sau 4 năm kháng chiến chống Tần, Đồ Tuy và thủ lĩnh Dịch Hu Tống tử trận, thủ lĩnh anh hùng Thục Phán với uy tín từ việc đồng lãnh đạo cuộc chiến với Dịch Hu Tống, là thủ lĩnh sáng giá thứ hai sau Dịch Hu Tống, đã được 9 xứ mường của bộ tộc Âu Việt bầu lên làm thủ lĩnh tối cao để lo việc thống nhất, đoàn kết các bộ tộc người Việt còn sót lại cùng nhau đối phó với hiểm họa lớn này. Ngoài những người Âu Việt và những người Bách Việt tỵ nạn thì việc Thục Phán làm thủ lĩnh, lãnh đạo tối cao để bảo vệ phương Nam trước họa Bắc xâm cũng được nhiều người Lạc Việt, nhiều bộ tộc và thế lực trong nước Văn Lang ủng hộ. Theo đó, Thục Phán đã dùng uy thế và sức mạnh của phe mình áp lực Hùng Vương phải nhường ngôi, nhưng Hùng Vương bác bỏ.

Trước khi quân Tần xâm lược thì Thục Phán đã cầu hôn với mị nương Ngọc Nga nhưng Hùng Vương gả nàng cho chàng Tuấn, 1 thủ lĩnh, thổ hào hùng cứ quanh dãy núi Tản Viên. Vì vụ này mà quân đội của Thục Phán đã có những xung đột lẻ tẻ với quân đội Văn Lang và quân Tản Viên, cho đến khi nhà Tần bắt đầu cuộc Nam xâm thì xung đột vũ trang mới chấm dứt, các bên giảng hòa, hơn nữa Tuấn còn khuyên bố vợ nhường ngôi cho Thục Phán, bởi vì Hùng Vương lúc đó đã bắt đầu già yếu, không tài giỏi và có tư cách lãnh đạo bằng Thục Phán, và không có đứa con nào khả dĩ nối ngôi (?).

Vì Hùng Vương không chịu nhường ngôi, Thục Phán hợp tác với Cao Lỗ, nội công ngoại kích bất ngờ vào ban đêm khi Hùng Vương đang ngủ vùi sau tiệc rượu, Cao Lỗ làm nội ứng, mở cửa thành phía sau cho quân của Thục Phán tràn vào khống chế và làm chủ tình thế. Trước tình thế đó, Hùng Vương đành phải nhường ngôi, Thục Phán tuyên bố sẽ bảo vệ nước của vua Hùng, bảo vệ thần dân Lạc Việt và Âu Việt, sát nhập 2 tộc lại thành nước Âu Lạc, lên ngôi vua, xưng là An Dương Vương. Việc nhất thống này cũng cần thiết trước hiểm họa Nhậm Hiêu, Triệu Đà và quân Tần vẫn đang rình rập từ phía Bắc.

Sau khi thống nhất Âu Lạc, vua An Dương đã sở hữu nhiều kho với số lượng lớn cung nỏ, vũ khí tầm xa, nhất là nỏ, vốn là vũ khí rất mạnh đặc trưng của các dân tộc ở Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa lúc đó, thuận lợi cho chiến tranh du kích, phục kích bắn tỉa. Vua giao cho mưu sĩ là Kim Quy và Lạc hầu Cao Lỗ lo việc phát triển công nghệ, chế tạo, cải tiến nỏ, vũ khí chiến lược của Âu Lạc Việt, để chuẩn bị chống Tần một khi Triệu Đà phát động tấn công (nhà Tần là bên tự ngừng chiến và chưa có thỏa thuận nào về kết thúc chiến tranh). Kim Quy và Cao Lỗ phát triển, nâng cấp một bộ phận nỏ thường lên nỏ thần (nỏ liễu, nỏ liễn, nỏ liên châu), loại nỏ 1 phát có thể bắn được nhiều mũi tên, để lấp đi khuyết điểm quân ít, thiếu thốn xạ thủ. Nỏ của Âu Lạc bắn xa hơn, bắn mạnh hơn, tốt hơn, bền hơn và hiện đại hơn nỏ Tần. Các đội quân bắn nỏ của Âu Lạc cũng tinh nhuệ, thiện chiến, bắn chính xác hơn quân Tần.

An Dương Vương cũng cho xây đắp thành Loa, kiên cố hơn, to hơn nhiều, và có tác dụng phòng giữ cao hơn nhiều so với các thành nhỏ của Hùng Vương trước đây. Đây là công trình phòng thủ quân sự đầu tiên, một thành trì đầu tiên của tộc Việt mang tầm vóc kinh đô. Do bị ảnh hưởng từ công cuộc xây Vạn Lý Trường Thành ngăn Hung Nô của Tần Thủy Hoàng, một sự kiện lớn và nổi tiếng thời đó, nên vua An Dương cũng muốn xây Loa thành để chống thù trong giặc ngoài (các thế lực còn trung thành với cựu triều bên trong và giặc Tần bên ngoài).

Tuy nhiên, do đây là một cuộc hợp nhất không suông sẻ lắm, nhiều người còn chưa phục, nên các thế lực chống đối cũng thường nổi lên quấy rối công cuộc xây Loa thành, tuy củng cố phòng ngự quân sự để đề phòng giặc Tần nhưng cũng làm khổ sức dân, lao động cưỡng ép, và vô tình làm rõ sự phân chia giai cấp, tự cô lập, xa dân, tạo nên một bức tường tinh thần ngăn cách giữa đồng bào và chế độ mới.

Trong vòng 4 năm sau đó, thỉnh thoảng Triệu Đà mở những chiến dịch tiến công xâm lược, nhưng nhờ có nỏ tốt, nỏ liên châu, các xạ thủ bắn nỏ tinh nhuệ nên quân Âu Lạc đều đánh đuổi được giặc. Năm 210 TCN, Triệu Đà dùng kế thông gia, mỹ nam kế (?), chủ động cầu hòa. An Dương Vương lúc này không còn trẻ nữa, sức khỏe bắt đầu bất ổn, thường xuyên đau bệnh, không còn hùng tâm tráng chí như 4 năm trước. Ông đã mệt mỏi vì chiến họa, nên đã chấp nhận ngưng chiến, giảng hòa.

Sự kiện này bị nhiều đại thần khuyên can. Một là do tinh thần chống Tần, bài Tần, lòng căm thù giặc khi đó của nhân dân ta. Hai là những người sáng suốt ngờ ngợ nhận ra ý đồ gián điệp của Triệu Đà, hay ít nhất là cảm nhận ra bằng trực giác, thấy có gì đó không đúng, không ổn, vì sao địch đang trên thế mạnh, trên thế công, mà lại chấp nhận hòa lại còn chấp nhận gởi con trai đến làm con tin, không bình thường, không hợp tình lý. Ba một bộ phận bảo thủ, chủ chiến trong phe quân đội, thấy cái gì liên quan đến Tần là không muốn dây vào, cái gì liên quan đến hòa là phản đối, tiếc cho mị nương Mỵ Châu, không muốn một tài nữ xinh đẹp phải gả cho một tên giặc cướp ác ôn, xấu xa, hoặc đơn giản là không muốn mất thân phận, đường đường là một nhà vua lại đi thông gia với một viên tướng, viên quan (Triệu Đà lúc này chưa lên ngôi hoàng đế, chưa thành lập nước Nam Việt, trên danh nghĩa vẫn là thần tử của triều Tần).

Triệu Đà gởi Trọng Thủy sang ở rể theo phong tục mẫu hệ của Âu Việt và Lạc Việt. Trong thời gian trong thành Loa, Trọng Thủy đã hoạt động tình báo, thu thập thông tin về nỏ liên châu hiện đại của Âu Lạc, địa điểm các kho nỏ, tên, khuyết điểm của các đơn vị quân đội bắn nỏ, địa hình, nhân tâm, tình hình triều đình Âu Lạc v.v. Triệu Đà đồng thời bỏ ra vàng bạc châu báu để mua chuộc các thế lực, thị tộc, bộ tộc, đồng minh chung quanh Âu Lạc, các lạc hầu, lạc tướng của Âu Lạc, ly gián vua tôi. Triệu Đà và Trọng Thủy đã dèm pha và ly gián thành công An Dương Vương với Cao Lỗ, khiến Cao Lỗ và những người tận trung cuối cùng của vua cũng phải chán nản bỏ đi, nhà nước Âu Lạc không còn lại bao nhiêu người tài.

Cùng thời gian này, bên Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đã từ lâu đã thường xuyên uống vào những “linh đan” làm bằng các viên ngọc, kim cương, đá quý nghiền thành bột của bọn đạo sĩ xôi thịt nên bệnh ngày càng nặng. Trong khi đi tuần du phía Đông, đến đất Sa Khâu thì bệnh chết. Trung xa phủ lệnh, hoạn quan Triệu Cao muốn chuyên quyền, nên không muốn vương tử Phù Tô (là người trung nghĩa, hiếu thuận, yêu dân, có tài quân sự, có năng lực chính trị) lên ngôi, nên đã dụ vương tử Hồ Hợi, em trai của Phù Tô cùng đồng lõa giả truyền lệnh bức tử Phù Tô và danh tướng Mông Điềm, và giả di chiếu cho Hồ Hợi (là kẻ tiểu nhân, tàn bạo, ngu dốt, háo sắc, ăn chơi rượu chè) lên ngôi. Triệu Cao chọn Hồ Hợi trong nhiều con trai của Tần Thủy Hoàng là để dễ bề lung lạc, điều khiển, sử dụng hắn như một hoàng đế bù nhìn, để thỏa khát vọng quyền lực. Triệu Cao là thầy đã dạy dỗ Hồ Hợi từ nhỏ. Hồ Hợi lên ngôi hoàng đế.

1 năm sau, năm 209 TCN, bên Trung Hoa, Trần Thắng với sự phò trợ của Ngô Quảng nổi lên khởi nghĩa phản Tần. Trần Thắng dùng những thủ đoạn tuyên truyền mê tín dị đoan để quảng bá cho “chân mệnh đế vương” của mình. Binh sĩ ban đầu chỉ có vài trăm nông dân, dùng tầm vông vạt nhọn, gậy gộc, các loại vũ khí bằng gỗ để chiến đấu, sau đó mới cướp vũ khí của quan binh, lực lượng, phong trào và địa bàn ngày càng mở rộng và lan tỏa. Tới năm 208 TCN, nghĩa quân nông dân của Trần Thắng mới bị dẹp hoàn toàn.

Một hai năm sau, sau khi Cao Lỗ đã bỏ đi, dò biết Âu Lạc không có chế độ kiểm tra chất lượng vũ khí, và dò biết kho nỏ nào không được dùng để luyện bắn, Trọng Thủy cho người bí mật tráo hàng giả, hầu hết các lẫy nỏ đều hỏng không dùng được, dự trữ trong các kho đó. Đến khi quân Tần – Triệu tràn sang đánh, Âu Lạc không còn người tài, An Dương Vương già yếu không còn hùng phong như xưa, dân khí, sĩ khí ì ạch, biếng nhác không còn nhiệt huyết với việc binh đao chinh chiến như trước, và quan trọng nhất là vũ khí chiến lược nỏ liên châu đã bị vô hiệu hóa bất ngờ, đa số nỏ thần định sử dụng trong lúc khẩn cấp nhất lại bị hỏng, không sử dụng được, đã khiến lòng quân sa sút tinh thần nghiêm trọng, dẫn tới tình trạng loạn trại, vỡ trận hàng loạt, binh bại như núi đổ. Vua An Dương phải cưỡi ngựa chở mị nương Mỵ Châu mở đường máu đào vong, không còn bao nhiêu tàn quân.

Cao Lỗ và nhiều cựu thần mộ quân đến cứu, nhiều thổ hào, sứ quân, nghĩa quân đem quân đến cứu nhưng không kịp. Trước đó nhiều bộ tộc, bộ lạc phần vì bất mãn với An Dương Vương, phần vì được Triệu Đà hối lộ lễ vật, mua chuộc, nên đã tự thủ bàng quan mặc cho quân Tần – Triệu truy kích. Mỵ Châu ngây thơ nghe lời Trọng Thủy dặn rút lông ngỗng trên áo rải trên đường khi chạy chậm hoặc dừng chân nghỉ ngơi để Trọng Thủy dễ tìm tới, vợ chồng đoàn tụ, do đó quân địch cứ tìm theo dấu vết mà dễ dàng truy đuổi. Khi chạy đến vùng Nghệ An ngày nay mà quân giặc vẫn ồ ạt đuổi theo, không tài nào thoát khỏi, vua phát hiện ra, tra hỏi hiểu ra thì bi phẫn, uất hận, chém con gái cho khỏi bị quân giặc làm nhục, rồi trầm mình xuống biển tự sát. An Dương Vương bị Triệu Đà đánh bại, để lại một mối di hận không phai.

Cùng khoảng thời gian, thừa tướng Lý Tư bị Triệu Cao dèm pha, hãm hại và bị Tần Nhị Thế xử tử. Khoảng 1 năm sau, năm 207 TCN, Tần Nhị Thế Hồ Hợi bị Triệu Cao ép chết trong Vọng Di Cung, rồi đưa em trai của Tần Thủy Hoàng là Tử Anh lên ngôi, ngay sau đó Tử Anh bày kế giết Triệu Cao. 1 năm sau, năm 206 TCN, Tử Anh đầu hàng Lưu Bang, bị Lưu Bang đem giao cho Hạng Vũ và bị Hạng Vũ xử chết. Nhà Tần chính thức sụp đổ. Chiến tranh Hán – Sở giữa hai lãnh tụ Lưu Bang và Hạng Vũ sau đó diễn ra ác liệt.

2 năm sau, năm 204 TCN, Triệu Đà lên ngôi và thành lập nước Nam Việt, chính thức ly khai khỏi Trung Nguyên. 2 năm sau, năm 202 TCN, Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ và thống nhất Trung Quốc. 23 năm sau, năm 179 TCN, các thế lực phản kháng phần bị Triệu Đà thuyết phục, hối lộ, dụ dỗ, mua chuộc, chiêu an, chiêu hàng, giảng hòa, phần bị tiêu diệt, nước Âu Lạc hoàn toàn bị Triệu Đà bình định và thôn tính. Triệu Đà và triều đình Nam Việt hoàn thành việc đánh dẹp. Mở đầu đêm dài Bắc thuộc cho đến khi Ngô Vương Quyền giành lại hoàn toàn độc lập tự chủ.

Vài góp ý về phương pháp nghiên cứu:

Đương nhiên dù giả thuyết có hợp tình hợp lý, có thấy logic đến thế nào thì cũng không thể được coi là giả thuyết cuối cùng, giả thuyết duy nhất đúng. Bởi vì có rất nhiều vấn đề cần tiếp tục được xem xét, tìm hiểu, nghiên cứu thêm.

Mình có 3 đề xuất: Một là nên mở rộng việc tìm tòi các truyền thuyết cổ từ các dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Những thông tin quý báu về bộ Nam Cương, về 9 xứ mường, về chúa Thục (Thục Chế), Thục Phán, 9 chúa tranh vua v.v. sẽ không được phát hiện nếu lúc đó ta không tận lực tìm hiểu truyền thuyết dân gian của người Tày, và truyền thuyết địa phương ở Cao Bằng.

Hai là nên mở rộng địa bàn tìm kiếm các truyền thuyết địa phương, các sự tích dân gian địa phương, các ngọc phả trong các đền thờ địa phương ở tất cả các khu vực nào đã từng chịu sự ảnh hưởng của Lạc Việt, Âu Việt, và cả Bách Việt, gồm ở Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa, nhất là ở Quảng Tây, Trung Quốc. Việc tìm kiếm ở phía nam Trung Hoa có thể hợp tác với các nhà sử học Trung Quốc, nhất là giới nghiên cứu địa phương, và các nhà sử học đặc biệt nghiên cứu chuyên sâu về các địa phương cực nam này.

Ba là nên hợp tác, phối hợp chặt chẽ với đông đảo giới khoa học lịch sử quốc tế, với các sử gia, các nhà nghiên cứu người Việt hải ngoại, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Pháp, Mỹ, Nhật, phương Tây. Đặc biệt là với Trung Quốc và Đài Loan, giới sử học Trung Quốc muốn tìm hiểu đầy đủ về lịch sử Trung Hoa thì đương nhiên phải tìm hiểu phía nam Trung Quốc, bao gồm địa bàn cũ của người Bách Việt, Âu Việt. Giới sử học Đài Loan muốn nghiên cứu đầy đủ và chính xác về nguồn gốc Bách Việt của các dân tộc bản địa ở đảo Đài Loan thì cũng phải tìm hiểu về Bách Việt. Các nhà nghiên cứu độc lập phi chính phủ, phi lợi nhuận của phương Tây thường là đáng tin vì trong những nghiên cứu cổ sử, họ không bị bó buộc bởi tư tưởng sô-vanh và lợi ích chủ quyền quốc thổ, nên thường khách quan, trung lập.

Nói chung, giới nghiên cứu ở nước ngoài có điều kiện để tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ cho công tác khảo cổ, nghiên cứu sử tốt hơn, nhất là giới sử học, khảo cổ học, khoa học ở Trung Quốc, Nhật, Mỹ, phương Tây.

Tài liệu tham khảo

– Sử Ký, Tư Mã Thiên, Phan Ngọc dịch, NXB Văn học, 1988
– Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ: Kỷ Hồng Bàng thị, Hùng Vương
– Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Quốc sử quán, Kỷ nhà Triệu
– Đại cương lịch sử Việt Nam tập 1 (Từ thời nguyên thủy đến năm 1858), Nhiều tác giả, NXB Giáo dục, 2001
– Văn Hóa Đông Sơn, Phạm Minh Huyền, NXB Khoa học Xã hội, 1996
– Lịch sử Việt Nam, tập 1, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, 1991
– Lịch sử cổ đại Việt Nam, Đào Duy Anh, NXB Văn hóa Thông tin, 2005
– Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Viện Sử học, NXB Khoa học Xã hội, 1988
– Từ điển Bách khoa thư Việt Nam, PGS. TS. Phạm Hùng Việt, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2005

– Tài liệu Internet
– Wikipedia tiếng Anh, tiếng Trung

Theo Thiếu Long Texas

Sự tương đồng kỳ lạ giữa hai lần giải phóng Thăng Long – Hà Nội

Cuộc giải phóng Hà Nội năm 1954 xét ở nhiều mặt có nhiều nét tương đồng đến đáng ngạc nhiên với cuộc giải phóng Thăng Long thế kỷ 15.

Chiến cuộc giải phóng thành Đông Quan

 

Khi tìm hiểu cuộc giải phóng thành Đông Quan năm 1427, chúng tôi rất ngạc nhiên nhận thấy rằng sự kiện này có nhiều điểm tương đồng đến mức kỳ lạ với sự kiện giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

Theo các bộ sử cũ, cuối năm 1426, sau chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đã bước sang một giai đoạn mới. Vương Thông sau thất bại này phải rút về thành Đông Quan cố thủ còn quân Lam Sơn thì kéo ra bao vây Đông Quan. Quân ta đã lập dinh Bồ Đề ở bên bờ sông Hồng để làm sở chỉ huy tấn công thành Đông Quan.

Tuy nhiên, theo mưu kế của Nguyễn Trãi, quân Lam Sơn không chú trọng công thành mà chủ yếu “địch vận”, đánh vào lòng người là chính. Điều này được thể hiện qua hàng chục bức thư dụ hàng Vương Thông do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi soạn thảo. Các bức thư này được tập hợp trong sách “Quân trung từ mệnh tập”.

Nhưng triều Minh ngoan cố không chịu rút lui mà tiếp tục điều binh cứu viện. Hai cánh quân do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy kéo sang nước ta định giải vây cho Vương Thông. Được tin quân cứu viện nhà Minh sắp sang, một số tướng xin đánh gấp thành Đông Quan nhưng Nguyễn Trãi can gián cho rằng đánh thành là hạ sách.

Theo mưu kế của Nguyễn Trãi, quân Lam Sơn đã nhử cánh quân Liễu Thăng vào sâu nội địa và dùng mai phục mà tiêu diệt đạo quân này. Cánh quân Mộc Thạnh còn đang ở biên giới, nghe tin Thăng bị thất bại bèn quay gót rút chạy không dám đánh sang.

Sự thất bại của đạo quân cứu viện đã làm suy sụp ý chí của tập đoàn Vương Thông trong thành Đông Quan. Cũng do tác động ngoại giao của Nguyễn Trãi, Vương Thông chấp nhận xin giảng hòa để rút quân. Hội thề Đông Quan được tổ chức cuối năm 1427 và hẹn đến tháng chạp âm lịch năm đó quân Minh phải rút hết.

Cùng một cách làm nên lịch sử

Với những diễn biến vừa nêu, chúng ta thấy rằng chiến cuộc thành Đông Quan và sự kiện giải phóng Đông Quan năm 1427 có nhiều nét rất giống với sự kiện giải phóng Thủ đô 1954.

Trước hết, cả hai lần giải phóng Thăng Long – Hà Nội đều là kết quả của một chiến thắng quân sự ở nơi khác. Trong năm 1427, chiến thắng quân sự quyết định là ở Chi Lăng – Xương Giang còn năm 1954 là ở Điện Biên Phủ.

Sự giống nhau thứ hai là chiến tranh đều kết thúc thông qua biện pháp ngoại giao. Năm 1954, quân ta vào tiếp quản Thủ đô sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết còn năm 1427 nghĩa quân Lam Sơn vào thành Đông Quan sau Hội thề Đông Quan – một hình thức tương tự như việc ký hòa ước.

Nét giống nhau thứ 3 là trước khi phải rút khỏi Đông Quan – Hà Nội, quân địch cũng bị rơi vào thế bị động, bị bao vây khắp nơi. Trong năm1427, tập đoàn quân sự của Vương Thông bị quân ta vây hãm ở Đông Quan. Nhiều thành trì khác quân ta đã lần lượt đánh chiếm hoặc dụ hàng cho nên đạo quân của Vương Thông không có cách gì xoay chuyển tình thế, chỉ còn trông chờ vào viện binh hoặc đầu hàng.

Tình trạng thê thảm của đạo quân này còn được lưu giữ trong bức thư “Lại dụ Vương Thông” do Nguyễn Trãi soạn trong “Quân trung từ mệnh tập”. Bức thư viết: “Nay ông một mình giữ thành trơ trọi, đã trải qua bao năm tháng, mà quân cứu viện lại không đến được. Muốn đánh thì không đánh nổi, muốn giữ thì không giữ vững, lại câu nệ về ý riêng của mình, xua mạng người vào trong đám giáo mác, ta sợ rằng lòng hiếu sinh của thượng đế, tất không để cho làm thế đâu”.

Trong một bức thư khác gửi cho Vương Thông, Nguyễn Trãi lại chỉ ra 6 điều tất thua của Thông: Một là trời và người không ưa, vận hưng thịnh gần hết. Hai là ngồi giữ tòa thành trơ trọi, viện binh không đến được, thế đã cùng quẫn. Ba là khí thế quân lính đã nhụt kém không chịu theo lệnh. Bốn là hết đường kiếm củi, cắt cỏ, lương thảo đều thiếu. Năm là nước lụt tràn ngập làm tường vách sạt đổ. Sáu là người trong thành bị hãm đã lâu muốn được về nhà tất sinh ra nội biến.

Hơn 500 năm sau, bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, quân Pháp cũng ở trong tình cảnh tương tự quân Minh. Họ bị động đối phó trên chiến trường. Mặc dù không bị vây giữa 1 tòa thành trơ trọi như quân Minh nhưng họ bị vây hãm trong thế trận chiến tranh nhân dân của cả dân tộc Việt Nam đã quyết định đứng lên giành độc lập.

Cho đến khi thực hiện kế hoạch của Navare, Pháp cũng không còn hy vọng gì vào chiến thắng quân sự mà thực tế chỉ muốn giành được một ưu thế nào đó để rút khỏi chiến tranh trong thế thắng mà thôi. Nhưng khi chiến dịch Điện Biên bắt đầu thì niềm hy vọng ấy cũng tắt dần và sự chấn động do thất bại Điện Biên mang lại đã buộc Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ.

Một điểm giống nhau nữa là trong lịch sử có nhiều lần quân dân ta tiến về giải phóng Thủ đô nhưng chỉ năm 1427 và năm 1954 có chuyện quân ta vào tiếp quản trong hòa bình đồng thời quân giặc bại trận lầm lũi rút đi.

Năm 1427, cuộc rút quân lầm lũi của quân Minh được Nguyễn Trãi mô tả trong “Bình Ngô đại cáo” bằng những câu:

“Mã Kỳ, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn siêu phách lạc

Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run”.

Trong cuộc tiếp quản Thủ đô năm 1954, theo hồi ký “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: khi quân ta đến Cầu Giấy làm thủ tục bàn giao, các xe bọc thép Pháp, đường phố vắng tanh vì đang lệnh giới nghiêm. Trong lúc đoàn xe bọc thép Pháp chưa quay đầu khỏi thì dân chúng đã ùa ra vẫy cờ, tặng hoa những người lính Trung đoàn Thủ đô trở về sau 9 năm kháng chiến gian khổ mà vinh quang.

Rõ ràng hình ảnh lầm lũi của các xe bọc thép Pháp rút qua cầu Long Biên cũng giống với những bóng tướng nhà Minh với bộ mặt thất thần cưỡi ngựa vượt qua sông Hồng năm nào. Chỉ khác là quân Minh thì rút về biên giới phía Bắc để về Trung Quốc còn quân Pháp thì qua cầu Long Biên theo đường 5 xuống Hải Phòng để từ đó rút bằng tàu thủy vào Nam theo Hiệp định Geneve.

Theo KIẾN THỨC

Vấn đề Thục Phán – An Dương Vương trong lịch sử Việt Nam

Vấn đề nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và sự ra đời của nước Âu Lạc là một trong những vấn đề cốt lõi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Vì vậy nó đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học cả trong và ngoài nước từ hàng trăm năm nay.

Trong quá trình nghiên cứu các học giả đều ghi nhận: Nước Âu Lạc kế tiếp nước Văn Lang và An Dương Vương kế ngôi Vua Hùng là những sự kiện, nhân vật lịch sử có thật. Song cho đến nay, xung quanh vấn đề nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và sự ra đời của nhà nước Âu Lạc vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Những tài liệu cổ xưa nhất ở Trung Quốc như Giao Châu Ngoại vực ký, Quảng Châu ký đều ghi An Dương Vương là “Thục Vương Tử” (Con Vua Thục). Sách Hậu Hán thư khi chép về quận Giao Chỉ cũng chú thích: “Đấy là nước cũ của An Dương Vương….”. Một số sách cổ khác ở Trung Quốc cũng ghi rằng An Dương Vương là con vua Thục, nhưng không cho biết xuất xứ cụ thể của vua Thục và Vua Thục là ai, vị trí của nước Thục ở đâu?…

Một số bộ sử sách cổ xưa của Việt Nam như Việt sử lược (Thế kỷ XIV) cũng có một câu về nguồn gốc của An Dương Vương là: “Cuối đời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay. Phán đắp thành ở Việt Thường (Cổ Loa -Đông Anh) xưng hiệu là An Dương Vương, không thông hiếu với nhà Chu. Đến thế kỷ XV, khi biên soạn Đại việt sử ký toàn thư – Ngô Sĩ Liên dựa vào sách Lĩnh Nam chích quái chép về An Dương Vương rõ hơn và tách thành một kỷ gọi là “Kỷ nhà Thục”, ông viết rằng: “An Dương Vương họ Thục, tên huý là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa). Giáp Thìn, năm thứ nhất (257 -TCN). Vua đã kiêm tính nước Văn Lang, đổi quốc hiệu làm Âu Lạc”.

Nhà sử học Ngô Thì Sĩ – cuối thế kỷ XVIII khi chép về An Dương Vương cũng nhắc lại giống như Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng đã bác bỏ giả thuyết An Dương Vương “họ Thục”. “An Dương Vương huý Phán, người Ba Thục. Không đúng”. Vì thời kỳ đó các sử gia phong kiến Việt Nam cho rằng Thục Phán – An Dương Vương là con Vua Thục, người gốc Ba Thục (Tứ Xuyên – Trung Quốc) lập nước Âu Lạc vào năm 257TCN. Đến năm 1821, Phan Huy Chú, biên soạn bộ Lịch triều hiến chương loại chí dâng lên vua Minh Mệnh cũng ghi: “An Dương Vương tên là Phán, người Ba Thục”.

Đến thời vua Tự Đức (1848 – 1883) bộ thông sử Khâm định Việt Sử thông giám cương mục, đã nêu nghi vấn: “Nước Thục từ năm thứ 5 đời Thận Tĩnh Vương nhà Chu (316 năm TCN), đã lại nhà Tấn diệt rồi, làm gì còn vua nữa? Huống chi từ Thục đến Văn Lang, còn có đất Kiển Vi (nay thuộc Vân Nam), đất Dạ Lang, đất Cùng, đất Tác, và đất Nhiễm Mang (Những đất này xưa kia là đất rợ mọi ở về phía Tây và Nam, nay thuộc Vân Nam) cách hàng hai ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được các nước ấy mà sang đánh lấy nước Văn Lang”. Trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, khi đề cập đến nguồn gốc của Nhà Thục cũng khẳng định: “Nhà Thục chép trong sử nước ta không phải là nhà Thục bên Tàu (nghĩa là Ba Thục ở Tứ Xuyên). Ngô Tất Tố cũng khẳng định rằng: “Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục”.

Các sử gia từ thời phong kiến Việt Nam đã nghi ngờ cả về thời gian và không gian qua đó có thể thấy ngay được là nước Thục (Ba Thục) đã bị diệt vào năm 316 TCN. Vua Thục cuối cùng là Khai Minh đã bị giết ở Vũ Dương và Thái tử con Vua Thục cũng tự chết ở Bạch Lộc Sơn. Vì vậy không thể có “Con vua Thục” vượt hàng ngàn dặm núi rừng, qua lãnh thổ của nhiều nước để mà tiến đánh và chiếm Văn Lang năm 257 TCN được. Sự khác biệt đến mâu thuẫn đó càng làm rõ thêm những căn cứ đang nghi ngờ, cho nên có thể phủ địch giả thuyết nguồn gốc Ba Thục của Thục Phán – An Dương Vương.

Việc nghiên cứu về Thục Phán – An Dương Vương, càng ngày càng được nhiều người quan tâm nhất là sau khi hoà bình lập lại ở Miền Bắc. Vì đây là giai đoạn đầu tiên của thời kỳ dựng nước. Cho nên đã thu được một số kết quả mới, phát hiện thêm về tư liệu, từ đó một số giả thiết mới được đặt ra.

Năm 1963 khi các nhà nghiên cứu dân tộc học phát hiện truyền thuyết “Cẩu chủa cheng Vùa”, “Chín chúa tranh vua” là câu truyện cổ rất phổ biến trong vùng đồng bào Tày, Cao Bằng. Nội dung câu chuyện là: Khoảng cuối thời Hùng Vương, ở Phía Nam Trung Quốc có một nước tên là Nam Cương, bao gồm miền Tây tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cả vùng Cao Bằng ngày nay, Nam Cương có 10 xứ Mường, trong đó một xứ mường trung tâm là nơi Vua ở, đó là kinh đô Nam Bình (nay là Cao Bình, Hưng Đạo, Hoà An, Cao Bằng) còn 9 xứ mường xung quanh do chín chúa mường cai quản. Thục Phán tuy còn nhỏ tuổi nhưng tỏ ra là người thông minh tài cán. Phán liền thách 9 chúa cùng nhau đấu võ, ai thắng sẽ được nhường ngôi vua. Kết quả đấu võ là bất phân thắng bại, nên không ai xứng đáng được nhường ngôi vua. Thục Phán lại bày ra cuộc đua tài, ai giỏi nghề gì thì làm nghề đó, hẹn ba ngày ba đêm thì kết thúc, ai hoàn thành đúng hạn sẽ được làm vua.

Các chúa đã thách nhau: Đi Trung Quốc lấy trống đồng, dùng cung bắn trụi hết lá đa, làm một nghìn bài thơ, nhổ mạ bãi Phiêng Pha đem cấy ở cành đẩy Tổng Chúp, đóng thuyền rồng, đẽo đá làm quốc, nung vôi gạch để xây thành Vua, lấy lưỡi cày mài thành trăm chiếc kim. Thục Phán một mặt ký giao kèo để các chúa thi đấu với nhau, mặt khác chọn chín cung nữ có đủ tài sắc, văn võ kiêm toàn, lẻn đi theo các chúa, dùng mỹ nhân kế để mê hoặc các chúa và làm thất bại cuộc đua tài của họ, khi sắp sửa thành công. Kết quả là các chúa thi nhau mất rất nhiều công sức mà không chúa nào thắng cuộc. Thục Phán vẫn giữ ngôi vua. Các chúa đều quy phục. Nước Nam Cương trở nên cường thịnh. Lúc đó nước láng giềng Văn Lang suy yếu lại đang đứng trước hoạ xâm lăng của nhà Tần, Vua Hùng đã giao quyền chỉ huy kháng chiến chống Tần cho Thục Phán, sau khi kháng chiến thắng lợi. Thục Phán đã được vua Hùng nhường ngôi và sáp nhập hai vùng lãnh thổ thành lập nước Âu Lạc, hiệu là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội).

Truyền thuyết (Chín chúa tranh vua) còn được minh chứng bằng các di tích, di vật và địa danh cụ thể tại Cao Bằng như Tổng Lằn (trống lăn) ở xã Thịnh Vượng huyện Nguyên Bình, Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, huyện Hoà An); Khau Lừa (xã Bế Triều, huyện Hoà An) đôi gốc đá khổng lồ ở Bản Thảnh (Xã Bế Triều, Hoà An), cây đa cổ thụ ở Cao Bình (xã Hưng Đạo), bãi Phiêng Pha (xã Mai Long – Nguyên Bình) các địa danh làm thơ, mài kim, đun gạch, xây thành đều tập trung ở Cao Bằng. Giả thuyết về nguồn gốc Thục Phán là người bản địa còn được phản ánh trong các thần tích, ngọc phả, trong các ghi thức thờ cúng, trong ký ức dân gian, An Dương Vương – Thục Phán luôn luôn là một người có công dựng nước, giữ nước, như một vị anh hùng được tôn kính.

Từ truyền thuyết trên, nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung hướng về Cao Bằng tìm quê hương Thục Phán và tin rằng Thục Phán là một thủ lĩnh của một liên minh bộ lạc người Tây Âu ở Phía Bắc nước Văn Lang, với liên minh bộ lạc đó là nước “Nam Cương, gồm 10 xứ mường (9 mường của chín chúa và một mường trung tâm của Thục Phán), tức 10 bộ lạc hợp thành, với địa bàn cư trú gồm vùng nam Quảng Tây, Cao Bằng và có thể rộng hơn, cả vùng núi rừng, phía Bắc Bắc Bộ, mà trung tâm là Cao Bằng”… Giáo sư Đào Duy Anh cho biết: “Sự phát hiện truyền thuyết của người Tày trên kia đã khiến chúng tôi thay đổi ít nhiều ý kiến tranh cái ức thuyết về sự thành lập nước Âu Lạc mà chúng tôi đã trình bày trong sách lịch sử cổ đại Việt Nam”. Giáo sự viết: “Chúng ta có thể nói một cách đại khái rằng miền Nam sông Tả Giang và lưu vực sông Hữu Giang cùng với thượng lưu các sông Lô, sông Gâm, sông Cầu là địa bàn sinh tụ của những bộ lạc Tây Âu hợp thành bộ lạc liên hiệp Nam Cương mà Thục Phán là tù trưởng tối cao”. Trong bài bàn về nước Âu Lạc và An Dương Vương, tác giả Nguyễn Duy Hinh cho rằng Thục Phán là người đứng đầu một nhóm Lạc Việt, Tây Âu là một nước của người Việt, do đó cuộc xung đột Hùng – Thục thực chất là cuộc đấu tranh nội bộ người Âu Lạc”. Đến nay nhiều thần tích và truyền thuyết về Hùng Vương và An Dương Vương coi Thục Phán thuộc dòng dõi, tông phái hoặc là “Cháu ngoại” của Vua Hùng.

Qua những tư liệu thư lịch và tư liệu truyền thuyết trên, chúng ta có thể khẳng định: Thục Phán không thể là con Vua nước Ba Thục ở Tứ Xuyên (Trung Quốc). Mà có thể khẳng định ông là người Tày cổ, thủ lĩnh liên minh Bộ lạc Tây Âu mà Trung tâm là Cao Bằng. Điều đó còn được minh chứng rõ hơn là trong truyền thuyết cổ “Cẩu chủa cheng Vùa” có chứa đựng nhiều yếu tố hợp lý, chứa đựng những hạt nhân lịch sử của nó, vì vậy cần phải khai thác và nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn. Đến nay những tập tục, truyền thuyết dân gian tại Cổ loa và vùng xung quanh cũng phù hợp với cách lý giải về nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương là người Tày cổ giống như truyền thuyết “Chín chúa tranh Vua”. “Trong tâm thức dân gian vùng Cổ Loa luôn ghi nhớ nguồn gốc “người thượng du” một tù trưởng miền núi” của Vua Thục. Thậm chí truyền thuyết còn nói rõ quê gốc của Thục Phán – An Dương Vương là Cao Bằng”.

Như vậy không chỉ nhân dân Cao Bằng và các nhà khoa học khẳng định Thục Phán – An Dương Vương có nguồn gốc ở Cao Bằng mà cả một phần nhân dân ở phía Bắc – Bắc Bộ, từ xa xưa đã coi Thục Phán – An Dương Vương có quê gốc ở Cao Bằng. Điều đó phù hợp với thực tế lịch sử và điều đó minh chứng thêm cho sự hợp lý giữa truyền thuyết với những hạt nhân lịch sử, lớn hơn là điều đó hợp với nhận định của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài khi nghiên cứu về cổ sử Việt Nam.

Hiện nay kinh đô xưa của nước Nam Cương vẫn còn dấu tích khá rõ nét, kinh đô Nam Bình lúc đó gồm hai vòng thành (Xem sơ đồ) vòng ngoài có chu vi khoảng 5km bao gồm cả một khu đồi thấp, phía Tây chạy song song với bờ Sông Bằng khoảng trên 1km. Đến đầu làng Bó Mạ là bờ thành phía Đông Nam chạy qua trước mặt Bản phủ hiện nay cũng hơn 1km. Đến ngã ba đường rẽ lên Đức Chính lại chạy theo quốc lộ 4 cũng hơn 1km. Xung quanh chân đồi được bạt dựng đứng như một bức tường thành tự nhiên, nên thuận lợi cho việc xây dựng phòng tuyến bảo vệ. Còn Hoàng cung nơi vua ở nằm ở một khu đất bằng phẳng đó là thành Bản Phủ ngày nay.

Thành Bản Phủ đến nay vẫn còn dấu tích khá rõ nét, thành được xây dựng ở một vị trí rất đẹp và quay mặt sang hướng Đông nam, thành có hình chữ nhật, chiều dài hơn hơn 100m, chiều rộng khoảng 70m. Phía trước thành là Hồ sen rộng khoảng 7ha và cánh đồng Cao Bình bằng phẳng; tiếp đó là cánh đồng Tổng Chúp, trước đó gọi là cánh đồng Tổng Quảng có nghĩa là cánh đồng rộng, sau cuộc đua tài của chúa Tiến Đạt chưa cấy hết (còn bằng cái nón) nên được gọi là cánh đồng Tổng Chúp. Gần chân thành là giếng ngọc (nay gọi là Bó Phủ) nước trong vắt quanh năm. Gần hồ sen là Đền Giao và Thiên Thanh tương truyền là nơi vua tế lễ trời đất. Bên phải và bên trái thành còn có vườn hoa (Đào Viên) Cung Hoàng Hậu, nhân dân quen gọi là Đông Tầm và một bên là khu vực dành cho các cung nữ. Phía trên khu đồi gọi là Thôm Dạng tức là khu vực nuôi voi, khu vực dành cho các em nhỏ gọi là Hồ nhi. Gần Bản Phủ là cây đa Cổ Thụ tương truyền là chúa Kim Đán đã dùng cung tên bắn gần trụi hết lá. Ra khỏi vòng thành ngoài, gần Đầu Gò hiện nay có một đôi guốc đá khổng lổ chưa kịp đục lỗ xỏ quai, đó là kết quả thi tài của chúa Văn Thắng; tiếp tục đi theo quốc lộ 4 khoảng 1km ở bên phải đường có một quả đồi gọi là Khau Lừa tức đồi thuyền, theo truyền thuyết đó là con thuyền mà chúa Ngọc Tặng chưa kịp lật. Đối diện với Khau Lừa ở bên kia Sông Bằng là Thành Na Lữ (có đền Vua Lê, hàng năm cũng tổ chức lễ hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng). Còn thiếu một cửa thành do cuộc đua tài của Thành Giáng bị bỏ dở… Còn các chúa làm thơ, mài kim.. đều bỏ dở vì khi cuộc thi gần đến thắng lợi thì nghe tiếng trống của Quang Thạc vang lên, các chúa tưởng Quang Thạc đã giành chiến thắng. Nhưng cả Quang Thạc cũng bị trúng mỹ nhân kế của Thục Phán nên để trống lăn xuống vực mà kêu ầm lên vang vọng cả núi rừng, nơi trống lăn gọi là Tổng Lằn.

Như vậy là từ thành Bản Phủ – Thục Phán đã tổ chức cuộc thi và giành thắng lợi trước các chúa. Nay các địa danh, các câu truyện gắn liền với cuộc thi vẫn còn in sâu đậm trong ký ức nhân dân. Đồng thời, trong tâm thức dân gian vẫn còn nhiều tập tục – Có thể gọi là một loại hình văn hoá tộc người lưu lại và liên quan đến Thục Phán – An Dương Vương và thành Cổ Loa. Đó là các biểu tượng Rùa vàng, Gà trắng, trong đó gà trắng phá hoại việc xây thành Cổ Loa, Rùa vàng giúp xây thành. Gà trắng và Rùa vàng có thể gọi là những linh vật có ý nghĩa biểu tượng trong dân tộc Tày. Hiện nay nhân dân vẫn coi Rùa vàng là thần rùa giúp sức, phù trợ nhân dân làm những việc tốt đẹp, ân nghĩa, chống lại ma quỷ, kẻ thù…Trong dân tộc Tày, con Rùa được nhân dân quý trọng tôn thờ. Con gà thì lại khác, biểu tượng gà là “vật kí thác linh hồn”, gà gắn liền với bóng đêm và sự chết tróc; hiện nay trong đồng bào Tày vẫn coi “Ma gà” (Phi Cáy) là hiện tượng đáng sợ, vì nó gây tai hoạ cho con người khi bị “Ma gà” nhập. Hiện nay người Tày vẫn coi gà trắng là “Cáy khoăn”, tức là gà gọi hồn. Khi làm lễ “Dòn lầu” cho trẻ em, thường sách theo con gà và thường dùng gà trắng để phục vụ trong lễ này. Như vậy là gà trắng đã thành tinh nó bị coi là con vật mang tai hoạ đến con người. Vì vậy đồng bào Tày kiêng nuôi gà trắng, kiêng thịt gà trắng trong những dịp lễ vui mừng… Từ những quan niệm đó đến những phong tục, tập quán của người Tày về Rùa vàng và Gà trắng, có thể thấy rõ “Sự tương đồng với những chi tiết trong truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa”. Những nét tương đồng ấy phải chăng có cội nguồn từ nguồn gốc Tày cổ của Thục phán – An Dương Vương. Vì nhà vua là Tày cổ nên những quan niệm, phong tục cổ của người Tày đã được đưa đến vùng đất Cổ Loa”.

Không chỉ như vậy mà gần đây (Những năm 1960 của thế kỷ trước) ở Cao Bằng còn lưu truyền “Slửa Nộc Soa” (tức áo lông chim trĩ ) và “Slửa Nổc Cốt” (tức áo lông chim Bìm Bịm) và một loại sang hơn là “Slửa Cáy Nhùng” tức áo gà công. Đó là những chiếc áo gần với chiếc “áo lông ngỗng” của Mỵ Châu – và Mỵ Châu cũng chính là biến âm của tiếng Tày “Mẻ Chủa” hay “Mẻ Chẩu” đều là Bà chúa, Bà chủ. Ngay cả địa danh Cổ Loa, các nhà ngôn ngữ – Dân tộc học lịch sử đã phân tích nguồn gốc biến âm từ Kẻ Lũ, những địa danh có tên Kẻ ở Cao Bằng không phải ít, gần thành Bản Phủ bên kia Sông Bằng có Kẻ Giẳng, Kế Nông… Rồi Cả Lọ, Co Lỳ tương ứng với Cà Lồ ở Cổ Loa… Rất nhiều những địa danh xung quanh thành Cổ Loa và Bản Phủ có sợi dây liên hệ và đó là những chứng tích cho ta thấy rõ mỗi dây liên hệ giữa kinh đô Nam Bình với kinh đô Loa Thành của Thục Phán – An Dương Vương. Đó là quá trình phát triển hợp lý liên tục, có tính kế tục. Điều đó góp phần làm sáng tỏ và khẳng định chắc chắn giả thuyết: Thục Phán có nguồn gốc ở Cao Bằng đã tham gia vào việc thành lập nước Âu Lạc, đóng góp vào quá trình dựng nước trong giai đoạn đầu tiên của lịch sử Việt Nam.

Đinh Ngọc Viện

Chú thích:

1. Việt sử lược, Nxb Sử học, H1960, tr.14

2. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, H.1972 tr.64

3. Đại Việt sử ký tiên biên, Nxb KHXH, H.1997, tr.45.

4. Phan Huy Chú, Lịch triều hiền chương loại chí, nhân vật chí.

5. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, H.1998, tr.79.

6. Ngô Tất Tố, Tao Đàn, số 3, ngày 13/4/1939.

7. Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam Tập 1. Nxb ĐH&THCN, H.1985, tr.129.

8. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb KHXH, H.1964, tr.22.

9. Nguyễn Duy Hinh, Bàn về nước Âu Lạc và An Dương Vương, Tạp chí KC 3+4, 12 /1969. tr.144 – 145.

10. Nguyễn Quang Ngọc, Đóng góp của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái trong tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb ĐHQG Hà Nội, H.2006, tr.89.

11. Tác giả bài này đã phải mặc áo vàng xách theo con gà trong lễ “dòn lầu” năm 1961.

12. Nguyễn Quang Ngọc, Đóng góp của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái trong tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb ĐHQG Hà Nội, H.2006, tr.90

Nguồn: Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, ngày 4-7 tháng 12 năm 2008.

Sức sống dân tộc Việt trong cuộc kháng chiến chống Tần

Dồn quân địch vào thế nguy khốn, lúc đó lực lượng kháng chiến của người Việt mới tổ chức phản công lớn “đại phá quân Tần và giết được tướng giặc Đồ Thư, quân Tần phơi thây, máu chảy hàng mấy chục vạn người”. Năm 208TCN, nhà Tần phải xuống lệnh thu nốt số bại binh về nước.

Sau khi thống trị toàn Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng mở những cuộc chiến tranh bành trướng quy mô lớn xuống phía nam Trường Giang thôn tính các tộc người Việt (Bách Việt).

50 vạn quân Tần do Đồ Thư chỉ huy đánh xuống phía nam. Khoảng năm 214 trước công nguyên, quân Tần tiến vào vùng cư trú của người Âu Việt và Lạc Việt là tổ tiên của dân tộc Việt Nam hiện nay.

Trước sức mạnh của quân Tần, nhiều tộc người Việt bị khuất phục và bị thôn tính. Tổ tiên ta kiên trì cuộc kháng chiến chống quân Tần với cách đánh theo kiểu “vườn không nhà trống” và chiến tranh du kích, ban ngày thì lẩn tránh vào rừng, ban đêm mới tập kích, phục kích. Quân Tần vừa thiếu thốn lương thực vừa bị tiêu hao lực lượng lâm vào cảnh “tiến không được thoái cũng không xong”.

Dồn quân địch vào thế nguy khốn, lúc đó lực lượng kháng chiến của người Việt mới tổ chức phản công lớn “đại phá quân Tần và giết được tướng giặc Đồ Thư, quân Tần phơi thây, máu chảy hàng mấy chục vạn người”. Năm 208TCN, nhà Tần phải xuống lệnh thu nốt số bại binh về nước.

Bằng cuộc kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, nền độc lập mới sơ khai của nước ta đã được giữ gìn và củng cố. Sự “còn lại hiếm hoi” hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt đã nói lên sức sống quật cường của dân tộc ta. Và khi các tộc người khác bị người Hán sáp nhập và đồng hóa thì Lạc Việt, Âu Việt đương nhiên trở thành người đại diện và kế tục duy nhất lịch sử Bách Việt.

Theo Từ điển bách khoa Tri thức quốc phòng toàn dân

Nga phân tích ‘công thức giành chiến thắng quân sự’ của Việt Nam

Biến điểm yếu thành sức mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh… nghệ thuật quân sự Việt Nam là cả một kho tàng kiến thức không chỉ cho hôm này và cả mai sau.

Đó là nhận định của trang mạng Fraza (Nga) trong bài viết có tiêu đề: “Công thức Việt Nam: Làm thế  nào để biến điểm yếu thành sức mạnh”. Bài viết đã ca ngợi nghệ thuật quân sự Việt Nam, dưới đây là nội dung chính của bài viết:

Lịch sử chiến tranh giữa quân đội Mỹ và nhân dân Việt Nam là cả một kho tàng để nghiên cứu, phân tích một cách chi tiết về chiến thuật và chiến lược. Nhưng điều gây tò mò hơn cả là tôi muốn quay trở lại các sự kiện lịch sử xa xôi của Việt Nam nhấn mạnh các nguồn gốc sâu xa hơn về chiến lược quân sự Việt Nam làm thế nào để đối đầu với các thế lực thù địch từ bên ngoài.

Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương chính là người đầu tiên đưa sách lược chiến tranh nhân dân của Việt Nam lên tầm nghệ thuật quân sự.

Chiến lược quốc phòng của Việt Nam luôn có khái niệm sử dụng lực lượng tại chỗ để đối phó và tiêu hao sinh lực địch, quân chủ lực chỉ được sử dụng trong những thời điểm quyết định để tạo nên chiến thắng. Đặc tính quan trọng của nghệ thuật quân sự Việt Nam là khả năng cơ động cao, tấn công bất ngờ khiến đối phương không kịp đối phó.

Khả năng cơ động của các lực lượng quân sự Việt Nam được thực hiện thông qua các đường hầm như một phương tiện thông tin liên lạc chiến thuật đặc biệt trên chiến trường, đặc biệt là những con đường mòn ẩn dưới những tán rừng rậm rạp. Trong trường hợp này gần như toàn bộ người dân đã tham  gia vào lực lượng chống  kẻ thù bằng chiến tranh du kích hay còn gọi là thế trận chiến tranh nhân dân.

Nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam, chí ít đã hoàn thiện từ thời điểm Đại Việt chống giặc Nguyên – Mông xâm lược.

Tác giả của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Viêt Nam chính là Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo. Ông vừa là nhà quân sự tài ba vừa là nhà văn xuất chúng với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng về nghệ thuật chiến tranh, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn Binh thư yếu lược trong đó đặt ra 3 vấn đề tối quan trọng đối với người lãnh đạo quân đội:

–          Hỗ trợ, tăng cường mối đoàn kết với nhân dân

–          Duy trì chiến tranh du kích để làm suy yếu kẻ thù

–          Sử dụng lực lượng chính quy vào những thời điểm quyết định để giành thắng lợi cuối cùng.

Dựa vào lực lượng tại chỗ để tiêu hao sinh lực địch, nghệ thuật chiến tranh du kích của Việt Nam luôn khiến binh lính Mỹ phải “sống trong sợ hãi”. Ảnh tư liệu.

Đầu thế kỷ 13, dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn, Mông Cổ trở nên hùng mạnh và bắt đầu chinh phạt khu vực. Sau khi đánh bại các nước Tây Hạ, Đại Lý, quân Mông Cổ muốn đánh chiếm Đại Việt để tạo thế gọng kìm bao vây Nam Tống.

Năm 1258, Mông Cổ huy động 3 vạn quân cùng 1,5 vạn quân của Đại Lý (tỉnh Vân Nam Trung Quốc ngày nay) tấn công Đại Việt. Trước sức mạnh hùng hậu của quân Mông, Trần Hưng Đạo đã hiến kế cho vua Trần Thái Tông rút khỏi Thăng Long thực hiện chiến lược “vườn không nhà trống” để làm giảm nhuệ khí của quân giặc.

Quân Mông Cổ chiếm được Thăng Long rơi vào thế “vườn không nhà trống” và bị gặp khó khăn về lương thực, nhuệ khí của binh lính cũng giảm đi nhiều vì không chạm trán được với đối thủ. 10 ngày ở trong kinh thành Thăng Long trống trải chưa biết phải làm gì thì quân nhà Trần phản công, quân Mông Cổ nhanh chóng bị đánh bại.

Đến năm 1285, Hoàng đế nhà Nguyên lúc đó là Hốt Tất Liệt tiếp tục ra lệnh chinh phạt Đại Việt với quân số đông hơn, chuẩn bị tốt hơn nhưng một lần nữa quân Nguyên bị đánh bại dưới sự chỉ huy tài tình của Trần Hưng Đạo. Đến năm 1288 quân Nguyên tiếp tục tấn công Đại Việt lần thứ 3 và cũng bị đánh bại.

Lực lượng chủ lực sẽ được sử dụng vào những thời điểm thích hợp để giành thắng lợi cuối cùng. Ảnh tư liệu.

Có một điểm chung trong 3 lần đánh bại quân Nguyên – Mông dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo là ông không chạm trán trực tiếp với kẻ thù bằng những trận đánh quy ước. Những lần chạm trán đầu tiên với quân Nguyên – Mông của quân đội nhà Trần đều không thành công.

Trần Hưng Đạo đã nhận thấy điểm mạnh của quân Nguyên – Mông là tài cưỡi ngựa và bắn cung rất giỏi cùng với việc được trang bị áo giáp kim loại (đồng). Ông đã lựa chọn chiến thuật chiến tranh du kích , xây dựng các lực lượng kháng cự ngay tại những nơi bị quân Nguyên – Mông chiếm đóng. Các nhóm du kích sau đó sẽ kết hợp với nhau để tạo thành một lực lượng lớn hơn và họ thường xuyên duy trì liên lạc với các viên tướng dưới quyền Trần Hưng Đạo thông qua một hệ thống thông tin liên lạc bí mật.

Điều kiện địa lý Việt Nam nhiều sông ngòi, đồi núi đã làm hạn chế khả năng của binh lính Mông Cổ vốn quen thuộc với những thảo nguyên rộng lớn. Dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo các nhóm du kích liên tục thực hiện những cuộc tập kích bất ngờ vào các nhóm quân Nguyên – Mông tiêu hao sinh lực của chúng rồi nhanh chóng biến mất vào những cánh rừng rậm rạp.

Một sự tài tình khác của Trần Hưng Đạo để làm nên chiến thắng đó là xây dựng mạng lưới tình báo. Mọi hoạt động của quân Nguyên – Mông đều được theo dõi và giám sát từ xa. Trần Hưng Đạo luôn có thông tin khá chính xác và đầy đủ về đối phương.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân luôn là chìa khóa thành công để Việt Nam bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Cuối cùng đó là đánh vào điểm yếu của đối phương, với quân Nguyên – Mông lương thực luôn là điểm yếu của họ. Trong 3 lần tiến đánh Đại Việt, đội quân Nguyên – Mông đều bị Trần Hưng Đạo đánh vào điểm yếu lương thực và cuối cùng phải chịu thất bại.

Nghệ thuật quân sự Việt Nam ví như một con suối quanh co chảy qua các sườn núi tìm kiếm sự linh hoạt để đạt được kết quả cuối cùng. Sử dụng chính sức mạnh của kẻ thù và giữ nó trong sự yếu đuối, chờ đợi thời điểm thích hợp. Các nhà lãnh đạo quân sự Việt Nam luôn tìm cách che giấu lực lượng chủ lực của mình chờ đợi thời điểm thích hợp để tung ra trận đánh bất ngờ và quyết định để dành thắng lợi cuối cùng.

Lực lượng quân sự Việt Nam được ví như một con rắn nước, di chuyển một cách nhẹ nhàng và khéo léo dọc theo bờ sông, bất ngờ tung đòn tấn công đối phương sau khi vượt qua những cạm bẫy của chính mình. Sự tương đồng của các chiến thuật này có thể tìm thấy trong các môn võ truyền thống của Việt Nam và trong cuộc sống hàng ngày.

Ngay cả nền ngoại giao Viêt Nam cũng được vận dụng một cách khéo léo dựa theo nghệ thuật quân sự mà Trần Hưng Đạo đã khai sáng gần một thiên niên kỷ trước.

Theo Soha

Sức mạnh hỏa khí của quân đội Đại Việt

Lịch sử phát triển hỏa khí Việt Nam cho thấy cha ông đã luôn bắt nhịp với thời đại. Thậm chí, có thời điểm, còn vượt lên thành nước hùng cường trong khu vực.

Khoảng thế kỷ 6 -7 loài người đã biết đến thuốc súng, song phải tới thế kỷ 10 – 11, nó mới được sử dụng trong chiến tranh dưới dạng những tạc đạn gây nổ, gây cháy. Năm 1275 mới xuất hiện loại ống bằng kim loại. Súng pháo ra đời tạo ra cuộc cách mạng trong lịch sử vũ khí loài người.

Tại Việt Nam, ngay từ thế kỷ 13, trong dân gian nước ta đã sử dụng phổ biến một loại pháo gọi là “bộc trúc”, tức là một dạng hỏa cụ gần với “hỏa đồng”, “hỏa thương” của Trung Quốc đương thời.

Cuộc cách mạng hỏa khí

Ở châu Âu, thế kỷ 15 mới xuất hiện thuyền chiến gắn pháo phổ biến. Còn Việt Nam, dấu hiệu chứng tỏ pháo được đưa lên thuyền từ khá sớm, với sự kiện pháo thuyền của Trần Khát Chân bắn chết Chế Bồng Nga ở Thăng Long (Hà Nội), năm 1390.

Ngoài ra, hiện tượng Hồ Nguyên Trừng, được người Minh tôn như “thần súng pháo”, chứng tỏ vào cuối thế kỷ 16, súng pháo đã trở thành vũ khí phổ biến ở nước ta.

Các bản vẽ của người phương Tây khoảng thế kỷ 16-17, khi vẽ thuyền chiến nước ta đều chú ý mô tả khẩu pháo lớn chĩa ra ở đằng mũi.

Nói về trang bị trên thuyền đàng Ngoài, linh mục Alexandre de Rhodes nhận xét: “Chiến thuyền của họ không thiếu vũ khí và pháo dùng cho chiến đấu”.

Một cha cố khác là B. Vachet cho biết loại thuyền chiến đàng Trong có nhiều pháo hơn: “Ba khẩu ở đằng mũi và hai khẩu khác nhỏ hơn ở hai bên”.

Phần lớn các pháo này thuộc loại này nòng dài trung bình, bắn loại đạn khoảng 3-6 kg, đường kính nòng khoảng 9-11cm, độ dài nòng khoảng 180-210cm, trọng lượng pháo trong khoảng 1.200 – 2.000kg.

Ngoài ra, có thể có một số pháo nòng ngắn trong sử sách thường gọi là “súng quá sơn”, có tác dụng bắn cầu vồng như những caronade của Hà Lan năm 1779.

Hầu hết, pháo trên thuyền thời này bắn đạn đặc, bằng đá hoặc gang. Ngoài ra, sử sách cũng chép nhiều đến kỹ thuật làm đạn nổ và việc quân Trịnh, Nguyễn sử dụng trong chiến tranh.

Trong Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ (1572 – 1634) có mục chế quả nổ (hỏa cầu). Theo mô tả, có thể loại đạn “một mẹ mười con” mà Lê Quý Đôn nói trong Phủ biên tạp lục là thuộc loại quả nổ này: “Năm 1672, sai Hồ quận công Lê Thời Hiến ở lại đóng đồn tại xã Chính Thủy, ba lần đánh thành Trấn Ninh. Bắn hỏa pháo, một đạn mẹ mười đạn con, tiếng vang như sấm, bắn vào đâu đều gãy nát tan tành”.

Thế kỷ 16- 17, trang bị, huấn luyện, thủ đoạn tác chiến của quân đội Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đã có một bước chuyển biến rất căn bản trong lịch sử vũ khí, đó là cuộc cách mạng hỏa khí.

Theo các sử gia, trang bị của quân thủy nước ta đã phát triển một bước dài, thậm chí ở một số mặt, nó đã vươn tới những trang bị hiện đại nhất có thể có ở phương Đông đương thời.

Hỏa hổ và Hỏa cầu của vua Quang Trung

Hỏa cầu và hỏa hổ của nghĩa quân Tây Sơn làm khiếp đảm quân chúa Trịnh, chúa Nguyễn và góp phần vào trận đại thắng quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu (1789).

Theo sử sách, Hỏa cầu (còn gọi là Lưu hoàng) là loại quả nổ dùng để ném hoặc bắn, có tác dụng như lựu đạn hoặc phóng lựu. Tuy chất nạp mà quả nổ có thể tạo ra khói độc, nhựa cháy, mảnh vụn sát thương…

Hỏa hổ là một loại vũ khí hình ống. Theo Hổ trướng khu cơ, hỏa hổ chính là hỏa tiễn, “vì lửa cháy dữ dội, nên gọi là hỏa hổ”. Sử sách thời Nguyễn thường gọi Hỏa hổ là hỏa phún đồng.

Theo Binh thư yếu lược, bài thuốc súng và cách chế rất giống nhau: dùng một cái ống (bằng sắt hoặc bằng tre, gỗ) dài khoảng 25cm, nạp thuốc thành nhiều nấc.

Nấc đầu tiên là liều thuốc bắn, giã nén chặt dày khoảng 4cm, sau đó tiếp nấc thứ hai là liều thuốc phun, giã nén chặt, dày khoảng 12cm. Sau đó, nạp đạn ghém gồm các vật liệu sát thương, dày khoảng 4cm. Phần ống còn lại nạp dầy thuốc phun.

Gặp địch, người dùng hỏa hổ châm ngòi, cầm cán tre chĩa vào, thuốc phun và đạn sẽ phóng ra đốt cháy sát thương đối phương. Dùng xong lại có thể lấy ống đó nạp liều thuốc khác.

So sánh cách chế tạo thì thấy loại vũ khí này được cải tiến từ các hỏa đồng (ống lửa) hạng nhỏ thời Lê sơ. Trong tay nghĩa quân Tây Sơn, nó được dùng một cách tập trung, ồ ạt, tạo thành hỏa lực giáp chiến hết sức lợi hại.

Đáng nói hơn nữa, Quang Trung đã chế tạo ra hỏa hổ bằng những ống tre, trở thành một khí cá nhân có tính sát thương lớn. Nếu đem so với những khẩu súng hỏa đồng của quân nhà Trịnh hay súng pháo lớn cần hàng chục người vận chuyển của nhà Minh, nhà Thanh thì sáng tạo này của Quang Trung đã tiến xa cả về công nghệ lẫn ý nghĩa thực tiễn trong chiến đấu.

Theo tiến Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, thành công Hỏa hổ của Quang Trung là ứng dụng công nghệ truyền thống Việt Nam với kinh nghiệm của thế giới chế tạo vũ khí cá nhân.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Nghệ thuật dùng ‘vũ khí động vật’ trong chiến tranh của người Việt Nam

Nhiều loài động vật khác nhau đã được ông cha ta huấn luyện để biến thành những vũ khí “không thể ngờ tới” trong chiến trận.

 

Đạo quân khuyển khiến giặc Minh hãi hùng

Do thông minh, nhanh nhẹn và giỏi luyện chó nên ngay từ khi nhỏ tuổi, danh tướng Nguyễn Xí (1396 – 1465) đã được lãnh tụ Lê Lợi giao cho chăm sóc một đàn chó săn gồm hơn 100 con. Bầy chó theo sự điều khiển của ông, tiến thoái răm rắp. Lê Lợi rất quý ông, cho là người có tài cầm quân nên đã để ông làm tướng trong đội quân khởi nghĩa.

 

Năm 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chính thức được bùng nổ. Lúc này chàng trai Nguyễn Xí mới 21 tuổi đã trở thành cánh tay chủ chốt của Lê Lợi.

 

Trải qua nhiều những năm tháng chinh chiến nơi rừng núi, đàn chó của Nguyễn Xí đã trở thành một đội quân đặc biệt, biết hành động theo hiệu lệnh kèn. Khi đánh trận, Nguyễn Xí điều khiển bầy chó lăn xả vào cắn xé làm quân giặc rất khiếp sợ.

 

Những lúc bị vây hãm, lương thảo cạn kiệt, ông còn lệnh cho đàn chó đi săn bắt chim thú về làm thức ăn cho nghĩa quân.

 

Tiến xa hơn, Nguyễn Xí còn cho đàn chó của mình thực hiện kế “dùng người rơm mượn tên” của Khổng Minh. Ông cho buộc vào cổ các chú chó những chiếc đạc ngựa, khi chó chạy sẽ phát ra tiếng kêu như tiếng đoàn kị mã. Đến đêm ông dẫn quân đến vây trại giặc rồi cho đánh trống reo hò ầm ĩ và xua chó chạy quanh trại. Giặc hốt hoảng tưởng quân ta đông nên không dám ra đánh mà dùng cung nỏ bắn ra như mưa. Trong một đêm, Nguyễn Xí nhiều lần quấy rối giặc như vậy, khiến chúng không thể ngủ được, trong khi nghĩa quân thu nhặt được hàng vạn mũi tên của địch.

 

Trong 10 năm kháng chiến, đàn chó của Nguyễn Xí đã có mặt trong nhiều trận đánh quan trọng như trận vây hãm thành Đông Quan, đánh thành Xương Giang, đánh tan 10 vạn quân Minh tăng viện năm 1427…

 

Biến trâu bò thành ngọn đuốc sống diệt giặc

 

Có nguồn gốc từ Trung Hoa, hỏa ngưu trận (trận bò lửa) là một trong những chiến thuật kỳ lạ nhất từng được con người sử dụng trong lịch sử quân sự. Trận đánh nổi tiếng nhất áp dụng chiến thuật này là trận đánh thành Tức Mạc giữa nước Tề và nước Yên ở Trung Hoa thời Chiến Quốc.

 

Chiến thuật hỏa ngưu trận đã nhanh chóng được người Việt tiếp thu vào binh pháp của mình. Sách Binh Thư Yếu Lược viết: “Dùng con trâu già bỏ đi, buộc dao sắc vào sừng, hai bên mình cặp tre sát vào chân cho không thể quay được, trên lưng đội một ống pháo sắt lớn chứa một đấu thuốc, thuốc để quanh co ở trong pháo; pháo chứa những thuốc liệt hỏa, thần sa, thần hỏa. Phàm khi quân giặc rất nhiều quân ta rất ít, dùng trâu ấy xông vào người ngựa gặp phải tức thì tan nát. Khi xông vào trận giặc thì lửa phát pháo nổ, thế như sấm động, ầm một tiếng không kịp bịt tai. Dù khó nhọc mấy ở trong mấy trùng vây của giặc cũng phá tan được”.

 

Đã có ít nhất một trận áp dụng hỏa ngưu trận được sử sách Việt Nam ghi nhận, đó là trận Nguyễn Hữu Cầu phá vòng vây của chúa Trịnh ở Đồ Sơn (Hải Phòng).

 

Nguyễn Hữu Cầu (?–1751) là người có tài cả văn lẫn võ, đã lấy vùng Đồ Sơn làm căn cứ tập hợp nông dân khởi nghĩa chống tập đoàn Lê – Trịnh từ năm 1741 – 1751. Nghĩa quân của ông có lúc đông tới hàng vạn người, chúa Trịnh nhiều lần cử quân đến đánh dẹp nhưng đều bị quân Nguyễn Hữu Cầu đánh cho tan tác.

 

Tuy vậy, cũng có những thời khắc quân Nguyễn Hữu Cầu rơi vào thế hiểm nghèo. Trong một trận đánh không cân sức, nghĩa quân đã bị bao vây bốn phía, gần như không thể thoát. Quân Trịnh tin chắc sẽ bắt được Nguyễn Hữu Cầu nên đã bắc loa dụ hàng.

 

Tình thế đã buộc Nguyễn Hữu Cầu dùng kế hỏa ngưu trận. Ông huy động toàn bộ số trâu trong vùng, cho buộc những mũi lao nhọn vào sừng và hai bên sườn từng con trâu, sau đó buộc giẻ tẩm nhựa thông vào đuôi trâu và châm lửa đốt đồng loạt.

 

Đàn trâu điên cuồng vì bỏng lao thẳng vào đội hình quân Trịnh, khiến đội quân này hoảng loạn. Nguyễn Hữu Cầu nhanh chóng tung quân chủ lực ra đánh khiến quân Trịnh đại bại…

 

Đội “thần binh” rắn độc của Thiên hộ Dương

 

Võ Duy Dương (1827-1866), còn gọi là Thiên hộ Dương (do giữ chức Thiên hộ), là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp (1862-1866) ở Đồng Tháp Mười. Cuộc khởi nghĩa của ông gắn liền với một giai loại ly kỳ về loài rắn.

 

Theo lời kể, lúc Thiên hộ Dương đặt bộ chỉ huy ở đồn Ổ Bịp trong Gò Tháp, ông đã phát hiện ra một hang rắn, miệng lớn bằng cái lu ở Động Cát. Ông liền ra lệnh cho Hộ vệ Tân, một ông thầy bắt rắn nổi tiếng đến xem xét.

 

Hộ vệ Tân trình lên Thiên hộ Dương rằng dưới hang có một con rắn chúa, trước kia lớn lắm, nay đã nhỏ lại còn bằng cây đũa ăn, dài trên một mét, ban đêm chỉ ló ra hứng sương, chứ không bao giờ bò ra khỏi hang. Rắn không cắn ai, nhưng ai làm hại nó, thì nó mới cắn, và khi đã bị cắn thì không thuốc nào trị được.

 

Thiên hộ Dương ra lệnh không được động phạm tới hang rắn, ai trái lệnh sẽ bị nghiêm trị. Sau đó ít lâu, vào một buổi chiều, đồn Doi bị giặc Pháp tấn công, quân ta chống trả quyết liệt, nhưng cuối cùng phải rút lui về Động Cát, rồi về đồn Ổ Bịp vì thế giặc quá mạnh.

 

Quân Pháp đuổi đến Động Cát thì trời tối đành hạ trại nghỉ ngơi ở đây, nhưng đến đêm thì chết hơn chục mạng không rõ lý do. Trong dân chúng có tin đồn Thiên hộ Dương dùng đạo quân rắn thần giết giặc, khiến quân Pháp hoang mang tột độ, đành rút khỏi các vị trí đã chiếm đóng.

 

Nhưng vài tháng sau chúng lại tấn công và dừng lại nghỉ đêm ở Động Cát như lần trước. Nửa đêm hôm ấy, có nhiều tên giặc đang ngủ bỗng la hét rồi ngã ra chết. Bọn còn lại không dám ngủ, thức canh suốt đêm. Tới sáng chúng tìm thấy hang rắn, liền cho đem dầu lửa đổ xuống đốt hang.

 

Trong khói lửa mịt mù, bỗng có tiếng ào ào nổi lên như giông gió. Từ bìa rừng một con rắn hổ mây khổng lồ lao về phía bọn giặc như một cơn bão. Quân Pháp hoảng hồn, từ lính đến chỉ huy vứt súng ống bỏ chạy tán loạn, lao vào lau sậy lẩn trốn.

 

Đúng vào lúc đó, quân của Thiên hộ Dương tấn công đồng loạt. Quân giặc không ý chí chiến đấu, bị giết và bắt sống gần hết. Những tên còn chạy thoát về đồn Doi đều bị dân chúng bắt nộp cho nghĩa quân.

 

Đội quân ong “vô địch” thời kỳ chống Pháp, Mỹ

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Pháp, Mỹ xâm lược, quân dân ta có rất nhiều cách đánh giặc sáng tạo, khiến kẻ thù không ngờ nổi. Trong đó không thể không kể đến chiến thuật đánh giặc bằng ong.

 

Ở Bến Tre, anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tư đã dùng 20 tổ ong vò vẽ đánh giặc hàng chục trận, diệt hàng chục tên trong nhiều năm.

 

Năm 1947, chiến sĩ du kích Thạch Minh ở Trà Vinh đã dùng ong vò vẽ đánh hai đại đội tiếp viện Pháp nhừ tử, góp phần giúp Tiểu đoàn 307 đánh thắng trận La Bang lịch sử.

 

Năm 1950, tại Cái Tàu (Cà Mau), một bác nông dân 60 tuổi đang giăng câu, bất ngờ phát hiện địch dùng rất nhiều xuồng, chở lính càn vào rừng U Minh Thượng. Bác liền chạy về nhà gánh 4 tổ ong vò vẽ nuôi sẵn trong rẫy nhanh chóng phục kích, đuổi một tiểu đoàn giặc Pháp, bảo vệ được binh công xưởng Nam Bộ.

 

Sang thời chống Mỹ, anh hùng liệt sĩ Tạ Văn Lước và anh hùng liệt sĩ Hồ Văn Mười ở Mỹ Tho đã kỳ công bắt hàng trăm tổ ong vò vẽ về thả nuôi trong vườn nhà để hỗ trợ đánh địch hàng trăm trận toàn thắng liên tục trong thời gian dài.

 

Không chỉ ở miền đồng bằng, chiến lược dùng ong đánh địch còn được áp dụng ở cao nguyên. Đó là câu chuyện của tiểu đội du kích 9 người do anh hùng Hồ Kan phụ trách ở Kon Tum, “chỉ huy” đội quân gồm 90 tổ ong lỗ cực độc chống lại các trận càn của Mỹ ngụy các năm 1965-1966.

 

Các trận chiến này vô cùng ác liệt nhưng không có tiếng súng, chỉ có tiếng chân chạy loạn xạ trong rừng rậm, tiếng quân địch nhào xuống suối, khóc than, tiếng kêu la ú ớ thảm thiết… Nhờ sự hỗ trợ của đội quân ong, trong gần hai năm ấy, đội du kích của Hồ Kan bẻ gãy hàng chục cuộc càn, diệt hàng trăm tên địch.

 

Theo KIẾN THỨC