Chiến tranh Việt Nam hay kháng chiến chống Mỹ? Vì sao có hai tên gọi khác nhau?

Đây là câu hỏi không chỉ có trong các diễn đàn và mạng xã hội trên internet. Trước đây, khi tôi còn sinh hoạt trong Vietnam War Club và Hội cựu sinh viên Trường đại học Texas A&M, thì chúng tôi cũng nhận được những câu hỏi như vậy từ các sinh viên bản xứ cũng như du học sinh các nước. Không ít bạn trẻ người Mỹ gốc Việt cũng có câu hỏi này, tại sao Mỹ thì gọi là “Vietnam War”, còn bên Việt Nam thì lại gọi là “Anti-American Resistance War”?

Thật ra, câu trả lời đơn giản hơn bạn nghĩ.

Trong các cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ tiến hành, như chiến tranh Việt Nam (Vietnam War), chiến tranh Iraq (Iraq War), chiến tranh Afghanistan (Afghanistan War), hoặc là có liên quan nhiều đến Hoa Kỳ, như Chiến tranh Thế giới (World War), chiến tranh Đông Dương (Indochina War) v.v., thì đều được gọi tên theo ngôi thứ nhất của Mỹ, theo mô-típ quân đội Mỹ tiến hành chiến tranh ở đâu thì lấy địa danh ở đó gọi tên cuộc chiến.

Theo đó, khi nói chiến tranh Việt Nam, thì người đọc có thể hiểu được là địa điểm cuộc chiến tranh Việt Nam.

Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất trên thế giới kể từ sau Chiến tranh Thế giới 2, và dưới tầm ảnh hưởng bao quát của truyền thông chủ lưu Mỹ, phần lớn quốc tế cũng chịu ảnh hưởng từ cách gọi tên các cuộc chiến tranh của Mỹ theo ngôi thứ nhất của họ.

Ngôi thứ nhất tiếng Anh là “First-Person Point of View” (góc độ nhìn thứ nhất).

Như vậy, nếu hiểu được Vietnam War (tiếng Việt: Chiến tranh Việt Nam) là cách gọi xuất phát từ góc độ nhìn thứ nhất từ phía Mỹ, thì suy ra sẽ dễ hiểu được vì sao người Việt Nam lại gọi là kháng chiến chống Mỹ, theo ngôi thứ nhất, góc nhìn thứ nhất từ phía Việt Nam.

Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam thì họ gọi đó là “chiến tranh Việt Nam”.

Việt Nam tiến hành chiến tranh phản kháng chống Mỹ thì gọi đó là “kháng chiến chống Mỹ”.

Vậy tại sao còn có cách gọi “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”?

Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cách gọi nghe thuận tai và có tính chất văn học nghệ thuật, hoặc ở trong những ngữ cảnh mà cần phải nhấn mạnh, làm rõ động cơ, động lực của cuộc kháng chiến chống Mỹ, bởi vì trong thời điểm chiến tranh có nhiều tuyên truyền chính trị cho rằng Việt Nam dân chủ cộng hòa chống Mỹ là chống cho Liên Xô, cho Trung Quốc, chống vì những lý do khác nhau. Do đó, cách gọi “kháng chiến chống Mỹ cứu nước” thường được sử dụng trong những ngữ cảnh mà người viết thấy cần thiết phải nhấn mạnh, làm rõ vấn đề kháng chiến chống Mỹ là để cứu nước.

Như vậy, cách gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước đơn giản là một cách gọi tên có tính chất nghệ thuật hoặc là chính trị, nhằm phục vụ cho mục đích nghệ thuật hoặc chính trị.

Nguyễn Nhu

(cộng tác viên)

Tìm hiểu về “chính quyền” và “ngụy quyền” dưới góc độ ngôn ngữ học

“Chính quyền”

“Chính” là một từ gốc Hán trong Việt ngữ, có nguồn gốc từ 2 chữ “chính” đồng âm dị nghĩa trong Hán ngữ: 政 (cả giản thể và phồn thể) và 正 (cả giản thể và phồn thể).

Trong tiếng Việt, chữ “chính” tồn tại dưới hai nghĩa:

Một chữ “chính” (政) có nghĩa là chính trị, bao hàm chính quyền (quyền lực chính trị), chính sách, hành chính, chấp chính, nhiếp chính, bưu chính,  chính biến, chính kiến, nội chính, chuyên chính, tài chính, triều chính, chính ủy.

Một chữ “chính” (正) có nghĩa là chính giữa (sự ngay thẳng), bao hàm chân chính, chính nghĩa, chính trực, chính đạo, chính khí, chính đáng, chính sử, chính thống, chính danh, chính ngôn, chính thức, thuần chính, đoan chính, cải chính, chính hiệu, chính hãng, chính xác, đính chính, nghiêm chính (nghiêm chỉnh), chính – tà, cần kiệm liêm chính, danh môn chính phái, quang minh chính đại, cải tà quy chính.

Như vậy, “ngụy quyền” chỉ là một cụm từ gọn hơn cho “ngụy chính quyền” hoặc “chính quyền ngụy”, mà không phải là một “phản nghĩa” đối lập với khái niệm “chính quyền”.

“Ngụy quyền”

“Ngụy” là một từ gốc Hán trong tiếng Việt, có nguồn gốc từ 2 chữ “ngụy” đồng âm khác nghĩa trong Hán ngữ: 魏 (cả giản thể và phồn thể) và 伪 (phồn thể: 偽).

Trong Việt ngữ, chữ “ngụy” tồn tại dưới hai dạng tính từ (伪) và danh từ (魏).

Với ý nghĩa là một danh từ, “Ngụy” (魏) dùng để chỉ địa danh và họ người tại Trung Quốc và Đông Á, như nước Ngụy thời Xuân Thu Chiến Quốc, nhà Ngụy thời Tam Quốc, dòng họ Ngụy tại Đông Á. Danh từ “Ngụy” này được viết hoa.

Với ý nghĩa là một tính từ, “ngụy” (伪) bao hàm sự giả tạo, giả trá, gian trá, như ngụy tạo, ngụy biện, ngụy trang, trá ngụy.

Trong lịch sử, ở góc độ thuật ngữ chính trị, từ này thường được dùng để chỉ một triều đình hoặc một chính quyền do soán đoạt, cướp ngôi mà có, hoặc do giặc xâm lược nước ngoài ngụy tạo thành một cách bất chính, bất hợp pháp, không chính danh, phi nghĩa, phi chính thống, không được Nhà nước hợp hiến hợp pháp trong nước công nhận, nhằm mục đích ngụy trang về chính trị và hợp thức hóa cuộc chiến tranh xâm lược, như ngụy quan (thời khởi nghĩa Lam Sơn), ngụy triều (triều đình Huế thời Pháp thuộc), ngụy binh (lính dõng, lính tập, lính khố xanh, khố đỏ, khố vàng, Quân đoàn Bộ binh Bắc Kỳ), ngụy quân (lính Lê Dương gốc Việt, quân đội Quốc Gia của Bảo Đại tay sai của thực dân Pháp, quân đội Sài Gòn tay sai của Mỹ), ngụy quyền (chính quyền Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc tay sai Pháp, chính quyền Quốc Gia của Bảo Đại tay sai Pháp, chính quyền Sài Gòn tay sai Mỹ), ngụy Uông (chính quyền Uông Tinh Vệ thời Dân Quốc và chiến tranh kháng Nhật ở TQ), ngụy Mãn Châu (chính quyền Phổ Nghi, Mãn Châu quốc thời Dân Quốc và chiến tranh kháng Nhật ở TQ). Tính từ “ngụy” này không cần phải viết hoa.

Về bản chất, chính quyền ngụy không có quyền lực thực chất, họ bị giặc xâm lược kiểm soát, khống chế hoặc điều khiển. Họ cũng không có năng lực tự thân tồn tại mà không có sự nuôi dưỡng của quân xâm lược.

Trong chiến tranh Trung – Nhật (1937-1945), Trung Quốc bị Nhật Bản xâm lược, hai đảng Quốc – Cộng hợp tác chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật. Trong thời gian này chính phủ Nam Kinh “Trung Hoa Dân quốc” của Uông Tinh Vệ và chính phủ “Mãn Châu quốc” của cựu hoàng Phổ Nghi đều bị cả Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch gọi là “ngụy quân, ngụy quyền, ngụy Mãn Châu, Uông ngụy” hoặc “ngụy chính phủ”, do các chính quyền tay sai này được quân xâm lược Nhật dựng lên để hợp thức hóa danh nghĩa chính trị xâm lược và sử dụng các lực lượng ngụy quân và chính phủ ngụy này để làm công cụ phục vụ cho cuộc xâm lược đó.

Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trên sách báo, truyền thông, phim ảnh Hoa ngữ ở Trung Quốc và Đài Loan cho đến ngày nay.

Giai đoạn 1895-1945, bán đảo Triều Tiên bị đế quốc Nhật Bản thống trị, hàng trăm ngàn người nam bắc Triều Tiên đã cộng tác với đế quốc Nhật đàn áp phong trào đấu tranh của dân tộc mình, vì vậy ngày nay, sử sách Hàn Quốc và Triều Tiên đều gọi những người này là “ngụy quân”.

Sau khi giành được thành lập quốc gia, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã bắt giam hoặc tiến hành xử bắn hàng loạt người từng hợp tác với đế quốc Nhật trước đây. Còn tại Hàn Quốc, trong Hiến pháp có hẳn một quy định về đối tượng này. Trung tâm Sự thật và Công lý lịch sử Hàn Quốc (CHTJ) đã lập ra một danh sách những người từng cộng tác với đế quốc Nhật giai đoạn 1895-1945 để xem xét về lý lịch đối với con cháu của họ.

Ở phương Tây, thuật ngữ “ngụy quyền” còn có các cách gọi khác, đó là “chính quyền tay sai”, hoặc “chính phủ bù nhìn, chế độ tay sai, nhà nước con rối” (fictive state, puppet state, puppet regime, puppet government).

Về chính quyền Sài Gòn, tiến sĩ James Carter, giáo sư sử học tại Đại học Drew (Mỹ), trong sách Inventing Vietnam: The United States and State Building, 1954-1968, do NXB Đại học Cambridge (Anh) xuất bản năm 2008, đã ghi rõ như sau: “Chính thể Sài Gòn không thể tự nuôi nổi chính mình; thậm chí không thu đủ lợi tức cho hoạt động hàng ngày. Họ phải phụ thuộc vào viện trợ Mỹ.” và “Từ trước đó, giới chức đã thôi nói về xây dựng quốc gia, cải cách điền địa, dân chủ, minh bạch. Thay vào đó, họ bàn về một cuộc chiến phải thắng trước những kẻ thù của fictive state (nhà nước giả tưởng, hư cấu, hư ảo) Nam Việt Nam. Quỹ đạo này của chính sách Mỹ khiến người ta gần như không thể nói thật về những thành công, thất bại, đặc biệt là với các nhà hoạch định chính sách. Chưa bao giờ Hoa Kỳ đạt tới điểm khi chính thể Sài Gòn có thể tự mình tồn tại mà không nhờ viện trợ Mỹ.“

Nếu nhìn lại tình hình thực tế ở miền Nam Việt Nam từ kinh tế, tài chính đến chính trị, quân sự thì có thể thấy tiến sĩ sử học Carter đã nói đúng.

Về nguồn gốc ra đời, cả chính quyền Bảo Đại thời Pháp và chính quyền Sài Gòn thời Mỹ đều do nước ngoài ngụy tạo ra, để chống lại một quốc gia hợp hiến, hợp pháp duy nhất là Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thành lập từ năm 1945 và đã hoàn thành thực thi và xác lập chủ quyền qua Hiến Pháp, luật pháp của Quốc hội từ năm 1946.

Vì vậy, đây không phải là một từ ngữ có bản chất miệt thị, lăng mạ, hay không khoa học, khách quan, khi mà cộng đồng quốc tế vẫn luôn sử dụng những ngôn từ có tính chất nhấn mạnh bản chất của sự vật, hiện tượng như “ngụy”, “bù nhìn”, “tay sai”, “con rối” để chỉ một thực thể chính trị do quân xâm lược từ bên ngoài ngụy tạo nên để làm một công cụ phục vụ cho quân xâm lược và cuộc xâm lược đó.

Nhật Lĩnh tổng hợp

Cây dừa trong Chiến tranh Việt Nam

Trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu có câu “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” thì ở Bến Tre dân gian lại có câu “Dừa che bộ đội, dừa vây quân thù”.

Cây dừa trong lịch sử đấu tranh cách mạng và chiến đấu bảo vệ tổ quốc Việt Nam

​Dựa vào hoàn cảnh thiên nhiên đặc biệt của rừng dừa – sông nước, người dân Bến Tre đã mưu trí, dũng cảm nghĩ ra nhiều cách đánh giặc tài tình mà khi tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng của người Bến Tre chúng ta không thể không nhắc tới. Đây là những chiến công hiển hách của quân và dân Bến Tre qua những lối đánh giặc có một không hai trong lịch sử. Lối đánh dựa vào “địa lợi” mà chỉ ở vùng sông nước – rừng dừa này mới có.

Trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu có câu “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” thì ở Bến Tre dân gian lại có câu “Dừa che bộ đội, dừa vây quân thù”.
Quân giải phóng hành quân trong rừng dừa bạt ngàn khắp ba dải cù lao, đâu đâu cũng có dừa che mắt giặc. Trên lưng một chót lá dừa làm lá ngụy trang, dưới chân là những thân dừa làm cầu nâng bước. Ngoài ra, thân dừa còn dùng làm nóc hầm tránh bom pháo giặc mà bất cứ nhà nào trong vùng giải phóng Bến Tre cũng có. Những căn hầm lớn mà căn cứ khu ủy Sài gòn – Gia Định đóng tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày ngày nay được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cũng được làm bằng thân dừa .
Trong Chiến tranh Việt Nam, việc lập một đài quan sát tình hình địch hết sức khó khăn, rất dễ bị lộ. Ở Bến Tre bất cứ ngọn dừa lão nào cũng có thể trở thành đài quan sát mà địch không thể ngờ tới. Nhiều trận phục kích quân ta thắng vang dội cũng nhờ quan sát tốt nắm hướng địch càn quét mà bố trí trận địa đón đầu.
 
Ở xã Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày), du kích lấy thân dừa dựng pháo đài, bắn tỉa địch ngày đêm khiến chúng mất ăn mất ngủ bỏ đồn mà chạy. Họ dùng bốn thân dừa dựng thành một cái khung hình tháp, ngang tầm tháp canh đồn giặc, chung quanh khung dùng bịch lá chằm bằng lá dừa nước đựng đầy đất chồng lên tới đỉnh làm thành pháo đài, trên chót có lỗ châu mai, du kích thay phiên nhau theo dõi từng động tĩnh của giặc, với những tay súng thiện xạ mỗi viên đạn diệt một quân thù.
 
Hàng ngày, cây cầu dừa giúp mọi người đi lại từ nơi này sang nơi khác, giúp bộ đội hành quân, chuyển thương tải đạn nhưng lại là cạm bẫy đối với giặc. Khi nắm được tình hình giặc sắp đi càn, du kích dùng cưa cắt hờ ở giữa cầu một đường cưa từ dưới lên độ 2/3 thân dừa, sao cho sức nặng của một tên giặc đi lên là gãy cầu rơi xuống bãi chông ngầm đã được cắm sẵn .
 
Dừa mang khẩu hiệu
 
Lúc đầu mọi khẩu hiệu trong vùng giải phóng Bến Tre đều viết bằng giấy rồi dán lên thân dừa. Mỗi lần giặc càn chúng xé khẩu hiệu hoặc bị bọn phản động nửa đêm lén gỡ, thêm nữa vào mùa mưa khẩu hiệu bằng giấy sẽ bị trôi mất hết, thời kỳ ấy giấy lại rất hiếm.
 
Người ta nghĩ ra cách bào nhẵn một khoảng chữ nhật trên thân dừa hoặc bào vắt chéo nếu khẩu hiệu hơi dài rồi dùng sơn vẽ khẩu hiệu lên, cũng có nơi vẽ cờ Mặt trận xanh đỏ sao vàng. Giặc đành “bó tay” bởi không thể đốn hạ cả rừng dừa và còn e ngại chung quanh gốc dừa có vẽ khẩu hiệu không biết còn cạm bẫy gì chăng.
 
Mõ dừa
 
Thân dừa già người ta cắt đoạn non thước rồi đục miệng, móc ruột làm thành cái mõ đánh rất kêu. Mõ dừa cùng với mõ tre, mõ mù u, trống, chiêng… và đủ loại dụng cụ có thể phát ra âm thanh uy hiếp tinh thần giặc mỗi khi ta vây hãm đồn bót. Mỗi lần “vô đợt”, tức bắt đầu một chiến dịch, những chiếc mõ đã chôn dấu được đem chùi rửa, phơi khô, đêm đêm tiếng mõ lại vang lên không mệt mỏi.​
 
Ngủ trên ngọn dừa
 
Nhờ vườn dừa mà những nhóm du kích, tổ biệt động đã áp sát địch, xuất quỷ nhập thần, làm địch tổn thất nặng nề. Họ chọn những vườn dừa rậm rạp, cao trên 10 mét, lấy khăn rằn làm nài leo lên ngọn, dùng một cái võng ngắn màu xanh lá cây căng qua hai tàu dừa, hai tàu lá câu đầu lại vừa che nắng, vừa ngụy trang không lo máy bay phát hiện. Nếu cẩn thận buộc khăn rằn quấn qua người vào một bẹ dừa làm dây an toàn để yên tâm ngồi ngủ. Có lúc họ ở hai, ba ngày trên ngọn dừa mà không cần tiếp tế. Với một con dao găm, sẵn nước dừa mà uống, sẵn cùi dừa mà ăn để chờ thời cơ đánh vào nơi hiểm yếu nhất của kẻ thù.
 
Những năm trước hiệp định Paris, giặc tung quân giành dân, lấn đất, ta thường treo cờ Mặt trận lên ngọn dừa để phân giới tuyến vùng giải phóng kế cận đồn bót địch, xác định chủ quyền. Chúng cho máy bay trực thăng đi gỡ cờ, tương kế tựu kế, dưới ngọn cờ du kích nối với một quả mìn tự tạo, máy bay giặc đi gỡ cờ vướng mìn, rớt. Từ đó chúng không dám nghênh ngang lộng hành như trước.
 
Vào cuối mùa mưa nước sông thường chảy xiết, lợi dụng thời cơ này năm 1972 du kích và nhân dân Giồng Trôm đã dùng 370 cây dừa lão kết bè, chờ nước ròng vừa chảy mạnh, ta cho cắt dây bè, bè trôi nhanh theo dòng nước, đâm thẳng vào trụ cầu và đánh sập toàn bộ cầu Bình Chánh xuống dòng sông. Cầu Hòa Lộc (Mỏ Cày) cũng bị đánh sập bằng cách này để cắt đứt đường tiếp tế của giặc.
 
Lòng căm thù giặc sâu sắc cộng với sự thông minh tài trí, quân và dân Bến Tre đã tạo ra được nhiều cách đánh giặc xưa nay chưa từng có khiến quân địch phải khiếp vía kinh hồn. Đây là một cách đánh mưu trí mà chỉ những người dân sống trong rừng dừa – sông nước hiểu được quy luật của tự nhiên mới có thể sáng tạo ra.
 
Cũng dựa vào lợi thế sông rạch, bọn ngụy dùng tàu bọc sắt chở quân, tàu chiến nhỏ luồn sâu vào các cửa sông rạch vùng giải phóng để càn quét bắn phá. Nhân dân ta cản giặc bằng cách vạt nhọn thân dừa cắm sâu xuống vùng cửa sông sao cho ghe xuồng nhỏ vẫn có thể qua lại được nhưng tàu giặc thì không thể lọt qua.
 
Tàu lá dừa dùng làm chông sào cắm ngoài ruộng cũng ngăn được trực thăng đổ quân. Gỗ dừa, bập dừa (phần gốc của tàu lá dừa nước) được dùng làm súng giả nghi trang uy hiếp tinh thần giặc.
 
Trong hai thời kỳ kháng chiến, do điều kiện thiếu thốn thuốc men, trước mỗi trận đánh Ban Dân y phải chuẩn bị một lượng dừa nạo khá lớn để thay thế nước biển (một loại dung dịch để tiếp vào máu khi chiến sĩ bị thương mất máu). Dừa được chọn rất kỹ, phải là dừa trồng ở chỗ xa nhà, xa chuồng trại gia súc, ở gần mương rạch thông thoáng. Khi bẻ dừa phải dòng dây hoặc cắn cuống đem xuống từng quả một mà không được làm rơi hoặc quăng quật. Sáng kiến này đã cứu sống nhiều thương binh tưởng chừng không thể qua khỏi do mất máu, mất nước kiệt sức. Đồng chí Lê Dân, nguyên Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Bến Tre bị thương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã được truyền nước dừa mà sống. Ngoài ra, người ta còn dùng nước dừa thay thế nước cất trộn thuốc kháng sinh mà tiêm rất tốt. Mật ong ruồi trong vườn dừa cũng được dùng sát trùng, rửa vết thương rất hiệu quả.
 
Ngoài ra, quân và dân Bến Tre còn sáng tạo nhiều loại vũ khí thô sơ. Trong đó phải nói đến cách dùng “đội binh ong vò vẽ” làm vũ khí. Trong vườn dừa, ong vò vẽ đóng ổ rất nhiều. Ong vò vẽ có nọc rất độc. Người lớn bị ong đốt năm ba vết là sưng mình, nóng lạnh. Trường hợp bị cả đàn vây đốt có thể dẫn đến tử vong, chí ít cũng dở sống dở chết. Dựa vào đặc tính đó, anh hùng Nguyễn Văn Tư ở xã Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày) là người đầu tiên nghĩ ra cách sử dụng ong vò vẽ đánh giặc rất tài tình.
 
Để sử dụng ong vò vẽ đánh giặc, đầu tiên phải tìm cách bắt ong. Bà con chọn những tổ ong chỉ lớn bằng quả dừa cho dễ bắt, ít bị vỡ tổ. Ban đêm dùng đèn pin quan sát thấy ong rút hết vào tổ chỉ chừa vài con thay phiên nhau gác ở miệng tổ, chờ lúc chúng chuẩn bị đổi gác, con ngoài chui vào con trong chưa kịp ra, ấy là thời cơ tốt nhất. Người ta dùng giấy dầu có trét sẵn nhựa cây mít mà bịt miệng tổ lại . Sau đó dùng cưa hoặc liềm mà cắt nguyên tổ đem đi đặt vào những lùm bụi, cây cối gần những lối đi quanh xóm, nơi phán đoán giặc có thể đi vào. Tổ ong được nối với một sợi dây chắc chắn chuyền ra xa. Chung quanh, bên dưới tổ ong này có nhiều hố chông được ngụy trang kỹ, dưới mương cũng cắm dày đặc chông tre. Khi có báo động những địa điểm này được gài thêm lựu đạn. Mỗi du kích được phân công giữ một đầu dây. Khi giặc lọt vào trận địa thì giật dây cho ong vỡ tổ, đội binh ong rượt đuổi chích đốt khiến địch hoảng loạn bỏ chạy tứ tung hoặc vướng lựu đạn hoặc sụp hầm chông. Kẻ nhanh chân nhảy xuống mương cũng bị chông ngầm đâm phải. Đó là cách đánh trận địa liên hoàn được phổ biến khắp vùng giải phóng Bến Tre và sang cả các tỉnh lân cận.
 
Những năm đầu sau Đồng Khởi, để bảo vệ vùng giải phóng, đội quân ong được bố trí khắp nơi khiến ong trở nên hiếm. Người ta phải canh giữ để loài chim ó khỏi phá tổ ăn ong non. Ở những nơi có tổ ong to khó lấy được, ban đêm người ta lén phá tổ cho chúng phân đàn để có thêm nhiều tổ. Bến Tre có sáng kiến đầu tiên dùng ong vò vẽ kết hợp súng ngựa trời đánh đồn An Định, chống giặc đi càn. Trong năm 1963, toàn tỉnh Bến Tre đã đặt hơn 4.500 tổ ong vò vẽ đánh giặc trên 71 xã.
 
Rừng dừa đã góp phần cùng quân dân Bến Tre lập nên những chiến công trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Chúng ta cần lưu giữ để ghi nhớ công ơn của bao thế hệ đã làm nên lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Theo Nguyễn Thị Hồng Phấn (HUFI)

Những kẻ “đốt đền” muốn gỡ lại danh dự cho ngụy quân, ngụy quyền thời chống Mỹ?

Tết Kỷ Dậu năm 1789, Chiến thắng của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, Người Anh hùng áo vải đến từ đất Tây Sơn, Bình Định đã lãnh đạo quân và dân ta đánh đuổi 20 vạn quân xâm lược Trung Quốc (triều đại Mãn Thanh) ra khỏi bờ cõi Việt Nam. Trong tuyên cáo chiến thắng, Hoàng đế Quang Trung viết:

“Đánh cho để dài tóc.
Đánh cho để đen răng.
Đánh cho nó chính luân bất phản.
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Tết Kỷ Dậu 1969, đúng vào dịp kỷ niệm 180 năm sau Chiến thắng Mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, trong khi thế cả nước thi đua đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm bài thơ Chúc tết Xuân Kỷ Dậu. Trong bài thơ chúc Tết cuối cùng của cả cuộc đời vì nước vì dân, Bác Hồ viết:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang.
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do.
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, Đồng bào.
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Trong bài thơ đó, Bác Hồ đã chỉ đích danh chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn là ngụy. Tại sao gọi chúng là “Ngụy” ? Hẳn Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có lý do để gọi chúng như vậy chứ ?

Theo Từ điển tiếng Việt (NXB Khoa học xã hội Việt Nam. Hà Nội. 1994) thì “Ngụy” là giả tạo. “Ngụy biện” là cố ý dùng những ý lẽ bề ngoài có vẻ đúng nhưng thực ra là sai để rút ra những kết luận sai lệch. “Ngụy tạo” là bày đặt ra cái giả nhằm lừa dối. Ngụy tạo chứng cứ là một ví dụ.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam – Tập 3 (NXB Từ điển Bách khoa. Hà Nội. 2003) thì: “Ngụy quân” là tên gọi chung để chỉ lực lượng vũ trang người bản xứ do nước ngoài tổ chức, trang bị, nuôi dưỡng và chỉ huy để để thực hiện chính sách “dùng người bản xứ đánh người bản xứ trong các cuộc chiến tranh xâm lược. Trong các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, các nước đi xâm lược đều có tổ chức “ngụy quân” dưới chiêu bài “Quân đội quốc gia” nhằm ngụy trang cho mục đích xâm lược của họ. Cũng theo Từ điểm Bách khoa Việt Nam nói trên, “Ngụy quyền” là chính quyền do các thế lực nước ngoài xâm lược lập ra để chống đối lại chính quyền hợp pháp, hợp hiến của nhân dân nước sở tại chống xâm lược.

Đối chiếu với những điều kiện trên đây, chính quyền Sài Gòn từ năm 1950 đến năm 1975 là chính quyền ngụy, chính quyền bù nhìn do thực dân Pháp (1949 – 1954) và đế quốc Mỹ (1954 – 1975) dựng lên cũng là chính quyền ngụy để chống lại chính quyền hợp pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đang lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam tiến hành hai cuộc kháng chiến nhằm bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Cũng đối chiếu với những điều kiện ấy, quân đội Sài Gòn hoàn toàn là một quân đội bù nhìn do thực dân Pháp (1949-1954) và đế quốc Mỹ (1954 – 1975) tổ chức, trang bị, nuôi dưỡng và chỉ huy để thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”.

Ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn không có tư cách gì để được gọi là một chính quyền hợp pháp, hợp hiến, đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Ngụy quân Sài Gòn lại càng không thể có bất cứ một điều kiện nào để có thể được coi là một quân đội chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ Quốc. Mà ngược lại, đó là quân đội và chính quyền tay sai cho thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chống lại nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc Việt Nam.

Thế mà nay, trong bộ sách Lịch sử Việt Nam (tái bản) dài 15 tập, tập thể tác giả của bộ sách này do PGS. TS. Trần Đức Cường chủ biên đã bỏ cách gọi “ngụy quân Sài Gòn” và “ngụy quyền Sài Gòn”. Vậy các giáo sư, tiến sĩ sử học đã soạn bộ sách này hãy xem lại chính mình và hãy đọc lại, nhóa lại bài thơ “Chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PGS. TS Trần Đức Cường cho rằng: “Chính quyền Việt Nam cộng hòa là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm. Năm 1954 còn có một thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam. Sau đó đến năm 1955 thì Ngô Đình Diệm mới phế Bảo Đại để làm quốc trưởng, sau đó trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống”. Vậy tôi xin hỏi:

1- Cái gọi là Quốc gia Việt Nam do ai dựng lên nếu không phải là thực dân Pháp ? Bảo Đại đã thoái vị vào năm 1945 thì có còn đại diện cho nhân dân Việt Nam được nữa hay không ? Và ai đã móc cái “thây ma chính trị” Bảo Đại ấy lên để phong làm “Quốc trưởng” nếu không phải là thực dân Pháp ?

2- Ngô Đình Diệm và chính quyền bù nhìn của ông ta do ai dựng lên nếu không phải là đế quốc Mỹ ? Quân đội ngụy Sài Gòn phục vụ cho lợi ích của ai nếu không phải ;là lợi ích của đế quốc Mỹ ? Quân đội ngụy Sài Gòn bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam hay phục vụ cho âm mưu chia cắt lâu dài đối với Việt Nam của đế quốc Mỹ và một số thế lực khác ?

3- Chính quyền ngụy Sài Gòn, quân đội ngụy Sài Gòn đã bị quét sạch khỏi miền Nam Việt Nam trong Chiến thắng mùa Xuân 1975 đánh dấu thắng lợi của các lược lượng yêu nước, yêu hòa bình, độc lập, dân chủ ở Việt Nam. Chính quyền bù nhìn ấy, quân đội bù nhìn đã đi ngược lại lợi ích của dân tộc Việt Nam có tư cách gì để được coi là một chính thể ?

Hơn 1.500.000 quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam và hơn 3.000.000 người dân Việt Nam đã đổ xương máu và hy sinh trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc Việt Nam. Thế những xương máu của họ đã bị mấy nhà sử học soạn lên bộ sử này phản bội. Hương hồn họ sẽ về hỏi tội các ông khi các ông đã đặt bọn ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn ngang hàng với họ với những lập luận xảo ngôn.

Cho dù ông PGS. TS Trần Đức Cường cũng có đặt vấn đề rằng “Nhưng vấn đề phải nghiên cứu cho rõ nguyên tắc vận hành của chính quyền này là gì ? Đó là một thực thể trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam” thì đây là một sự ngụy biện. Bản chất của một chính quyền là mục tiêu chính trị của nó, bản chất của một quân đội là phục vụ mục đích chính trị của chính quyền mà nó bảo vệ cho dù nó vận hành ở bất kỳ đâu, trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam. Không có chuyện một chính quyền chung chung, không có chuyện một quân đội lại không có bản chất chính trị. Thậm chí, kể cả quân đội đánh thuê cũng bị chi phối bởi lợi ích chính trị của kẻ đã thuê chúng.

Vì những lý do trên, chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, Công an Nhân dân Việt Nam vô cùng phẫn nộ và cực lực phản đối việc thay đổi cách gọi đối với “ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn”. Thực chất chúng chỉ là quân đội bù nhìn đánh thuê cho Pháp và Mỹ, là chính quyền bù nhìn do Pháp rồi đến Mỹ giật dây để cai trị nhân dân Việt Nam, đem lại lợi ích cho ngoại bang.

Chúng tôi cũng khẩn thiết đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng lý luận Trung ương xem xét lại bộ sách “Lịch sử Việt Nam (tái bản)” khi bộ sách nói trên và những người đã soạn ra nó bắt đầu có những biểu hiện nghiêm trọng của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, của sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, xóa nhòa ranh giới đúng – sai, đánh lộn sòng phải – trái và phản bội lại sự hy sinh của hàng chục triệu đồng bào, chiến sĩ ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc Việt Nam./.

Nguyễn Minh Tâm

Phim truyện ‘Những người viết huyền thoại’: Rõ sự chăm chút, sáng tạo

Một cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”.

Tối 23-9, bộ phim truyện điện ảnh “Những người viết huyền thoại” với lớp lớp cảm xúc về số phận con người trên nền bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt cùng kỳ tích lắp đặt đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam, đã được trình chiếu. Đây là sự kiện mở màn cho Tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18.

Một bộ phim chiến tranh với 4.500 cảnh bom đạn, gấp 3 lần so với thông thường cùng một lối dàn dựng, quay phim tỏ rõ sự chăm chút, sáng tạo.

Phim bắt đầu bằng một câu hỏi lớn, một cuộc tranh luận nảy lửa của tướng lĩnh: Không thể kết thúc cuộc chiến tranh chỉ bằng những trận đánh du kích với khẩu AK47. Nhưng lấy đâu ra xăng dầu để có những trận đánh lớn với xe tăng, thiết giáp, pháo hạng nặng?

“Sẽ có xăng dầu cho những trận đánh lớn”, đó là lời hứa của tướng Dinh (từ nguyên mẫu của tướng Đinh Đức Thiện), cha đẻ của tuyến đường dẫn xăng dầu từ Bắc vào Nam tiếp sức cho chiến trường. Từ đây, cũng theo bước chân của tướng Dinh, những câu chuyện bi tráng, xúc động về những người viết lên huyền thoại dần mở ra, sống động một hồi ức của lịch sử dân tộc… Đó là những người lính gùi xăng bỏng da, cô văn công cầm súng và hát quan họ, là bé gái trong cơn hoảng loạn tìm em, phút chốc trở nên rắn rỏi, hướng nòng pháo về phía máy bay địch…

Phải khẳng định đây đích thực là một bộ phim chiến tranh với không khí bom đạn rung chuyển hầu như suốt 100 phút của phim. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ với Hànộimới: Đã có 4.500 cảnh bom đạn (thay vì chỉ 1.500 cảnh như thường thấy) để tạo một không khí chiến tranh thật nhất có thể. Ở đây, hy sinh mất mát cũng được thể hiện trực diện, không né tránh: Vừa mới đây thôi tiếng cười của các cô thanh niên xung phong còn vấn vít nơi ô cửa buồng lái, cùng lời đề nghị với “bố Dinh”: “Để lại cho chúng con mấy anh bộ đội”, thì chỉ ít phút sau, cùng tiếng bom, máu của họ đã vương đầy kính xe…

Hai cảnh phim mang lại nhiều cảm xúc, trải nghiệm cho người xem là cảnh đoàn chiến sĩ bất động giữa dòng suối với quả bom từ trường trước mắt chỉ chờ kích nổ. Các vật dụng kim loại, xích sắt vắt trên vai, phuy xăng đang trôi… đều trở thành thử thách sinh tử. Khắc họa ra giây phút ấy cho thật con người trong cái lẽ sinh tồn tự nhiên và trong cái lẽ của tinh thần đồng đội là một nỗ lực đáng ghi nhận. Một cảnh khác cũng đầy ám ảnh là cảnh đoàn văn công trở ra Bắc vướng mìn bẫy trong lòng suối. Cũng lại im lặng, những màu áo xanh lần lượt từng người một ngã xuống giữa vòng vây mìn nổ. Trong đó có Hà, tay còn nắm chiếc lá đỏ của rừng Trường Sơn, mà ít phút trước đây cô vừa hẹn Nghĩa, chàng giao liên rắn rỏi: “Đừng chết, hẹn ngày về đến chơi nhà em ở số 16 phố Phan Bội Châu”!

Khốc liệt, nhưng không hề khô khan, khi nhiều chi tiết hài hước của đời lính được khai thác hiệu quả. Cũng lại có hình ảnh cậu bé tên Hùng trở đi trở lại như một hình tượng có sức lay động. Mà theo Bùi Tuấn Dũng thì là từ một ý thơ: “Đến đứa trẻ cũng phải quen bom đạn”, tất cả cho thấy cái đường cùng mà một dân tộc bị dồn nén…

Nghĩa (do Quốc Thái thể hiện) là một phát hiện xứng đáng của bộ phim. Một khuôn mặt “thô ráp”, đầy cá tính, chân thành khác hoàn toàn với hình ảnh những chú bộ đội “hiền hiền” mà ta hay gặp… Hà, chiến sĩ văn công cũng được Tăng Bảo Quyên thể hiện với vẻ đẹp giản dị, mạnh mẽ, cùng Nghĩa làm nên cặp đôi dấu ấn.

Phim chiến tranh lâu nay hay bị cho là giả, là giáo điều, khuôn mẫu… “Những người viết huyền thoại” chưa phải là hoàn hảo, nhưng có thể xem như một trong số ít ví dụ về một bộ phim chiến tranh nếu được chăm chút hoàn toàn có thể đạt được những giá trị về cả nghệ thuật và thương mại.

Nguồn: Hà Nội Mới

May không phải thảm họa

“Những người viết huyền thoại”, bộ phim chiến tranh duy nhất tham gia tranh giải Bông sen vàng rất may không phải là “thảm họa”.

Phim Việt, thị trường chiếu bóng, phát hành phim, điện ảnh, Hollywood

“Những người viết huyền thoại” được chọn mở màn tuần phim chào mừng LHP Việt Nam 18 tại Hà Nội tối 23/9. Buổi công chiếu được khá nhiều người trong giới quan tâm bởi đây là bộ phim đầu tiên của Hãng phim truyện Việt Nam được rót kinh phí thực hiện sau vài năm Hãng không được tài trợ làm bất cứ phim nào do ảnh hưởng từ vụ thất thoát hơn 40 tỉ đồng của Cục Điện ảnh.

Được rót kinh phí 11 tỉ đồng nhưng trên thực tế những người thực hiện chỉ nhận được số tiền thấp hơn nhiều do phải trích ngân sách làm phim “nuôi” Hãng. Do vậy kinh phí thực tế của “Những người viết huyền thoại” chỉ là 8,6 tỉ đồng, kèm 2,5 tỉ tiền tài trợ xin được. Một bộ phim chiến tranh với nhiều cảnh cháy nổ, kỹ xảo có thời lượng gần 100 phút chỉ thực hiện với số tiền chưa đầy nửa triệu đô (11 tỉ đồng) thực sự là một thách thức.

Phim Việt, thị trường chiếu bóng, phát hành phim, điện ảnh, Hollywood

Một phim đề tài chiến tranh vốn là thế mạnh của Hãng phim truyện Việt Nam được giao cho một đạo diễn còn quá trẻ là Bùi Tuấn Dũng (ảnh) . Anh sinh năm 1975, thuộc thế hệ hậu chiến nhưng đã kịp có tác phẩm đầu tay khi mới 29 tuổi cũng là một phim chiến tranh, Đường thư (2004). “Những người viết huyền thoại” là phim điện ảnh thứ 4 của Bùi Tuấn Dũng nhưng sau gần 3 năm phim mới chính thức bấm máy và chỉ vừa hoàn thành cách đây không lâu.

Chọn đề tài “khó nhằn” lại dễ bị soi nhưng “Những người viết huyền thoại” có thể nói là một phim chỉn chu và tử tế trong bối cảnh phim Việt tràn ngập “thảm họa”. Dưới bàn tay của một đạo diễn trẻ chưa đầy 40 tuổi, một góc của cuộc chiến tranh Việt Nam hiện lên vẫn giữ nguyên sự khốc liệt nhưng được thể hiện mới mẻ hơn, đặc biệt là ở những góc máy chuyên nghiệp của quay phim Lý Thái Dũng. Những góc máy hất lên từ dưới gầm chiếc xe tải hay cảnh những chiếc máy bay lao thẳng vào màn hình khiến người xem ấn tượng. Những cảnh quay này nếu được thực hiện bằng máy 3D thì chắc chắn hiệu quả hình ảnh sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Phim Việt, thị trường chiếu bóng, phát hành phim, điện ảnh, Hollywood
Trương Minh Quốc Thái trong một cảnh quay hài hước.

Trong “Những người viết huyền thoại”, kỹ xảo cũng được sử dụng khá nhiều, đặc biệt là cảnh những chiếc máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ lao vun vút trên bầu trời. Tuy nhiên, cũng có thể do hạn chế về kinh phí cũng như kỹ thuật nên cảnh chiếc máy bay lao xuống ruộng nổ tung ở gần cuối phim do bé cô bé Mây (Phùng Hoa Hoài Linh đóng) bắn hạ bị tạo cảm giác giả. Mặc dù vậy, ngoài hình ảnh đẹp cùng âm thanh Dolby gây ép phê, có thể nói đây là bộ phim chiến tranh hấp dẫn.

“Những người viết huyền thoại” chọn một đề tài khô và khó về Binh đoàn Trường Sơn, những người xây dựng đường ống dẫn dầu vào Nam trong máu lửa khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, nhiều tình tiết đã được sử dụng để làm mềm bộ phim, như cảnh Nghĩa (Trương Minh Quốc Thái đóng) khỏa thân bắt cua, cảnh Nghĩa và Hà (Tăng Bảo Quyên) trò chuyện bên bờ suối… Nhân vật bé Hùng (Bùi Dương Kiếm Hùng đóng) cũng mang đến những điểm thú vị.

Phim Việt, thị trường chiếu bóng, phát hành phim, điện ảnh, Hollywood
Bùi Dương Kiếm Hùng là con trai của ĐD Bùi Tuấn Dũng. Bé tham gia phim này khi mới 3 tuổi rưỡi.

Rất nhiều nhân vật trong phim được hình tượng hóa như Nghĩa hay hai chị em Mây và Hùng. Nghĩa được đẩy lên thành biểu tượng của những người lính đi xuyên qua bom đạn mà không sợ sệt. Cảnh Mây và Hùng, hai đứa trẻ mồ côi đứng trân trân nhìn cảnh mưa bom thả xuống trước mặt mà không hề hoảng loạn bởi chúng không sợ chết. Đạo diễn cho biết đây là những cảnh quay thật và không dùng kỹ xảo. Do vậy trước đó anh đã phải trấn an tinh thần cho hai bé và tập dần cho các em không biết sợ hãi trước tiếng bom đạn.

Tuy còn đôi chỗ không ổn nhưng nhìn chung “Những người viết huyền thoại” là một phim chiến tranh xem được. ĐD Bùi Tuấn Dũng thừa nhận: “Làm phim chiến tranh 1 cảnh cũng khó mà phim này có tới 4500 cảnh. Tôi chỉ tiếc là phim có dung lượng 115 phút mà bị cắt cụt đi còn dưới 100 phút. Tôi tiếc là không thuyết phục hãng rằng với phim chiến tranh, dưới 100 phút là ngu xuẩn. Đó cũng là sự ngu xuẩn của chính bản thân tôi vì đã chấp nhận cắt xuống chỉ còn 97 phút. Phim này phải thêm 15 phút nữa thì phim mới đủ khắc họa chân dung của nhiều người viết huyền thoại”.

Phim Việt, thị trường chiếu bóng, phát hành phim, điện ảnh, Hollywood
Tăng Bảo Quyên thay thế Lan Phương nhận vai nữ chính trong phim.

Hạnh Phương
(Vietnamnet)

‘Mùi cỏ cháy’ – Khúc tráng ca về Thành cổ Quảng Trị 1972

Xem phim Mùi cỏ cháy, không ít người đã khóc ròng từ đầu đến cuối. Sự trong trắng, hồn nhiên và tình yêu Tổ quốc của một thế hệ sinh viên, sự khốc liệt của chiến tranh, thân phận con người và hy sinh mất mát quá lớn của người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước… đã gợi lên nhiều điều cho những người đang sống hôm nay.

Bộ phim “Mùi cỏ cháy” mặc dù thiếu chất sử thi và thừa chất thơ nhưng thực sự đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng qua việc tái hiện chân thực không khí hào hùng, bi tráng ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Không ngoa khi so sánh “Mùi cỏ cháy” giống như “quả cầu pha lê” dưới bàn tay một phù thủy tâm lý, có thể dẫn dắt người xem trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau qua từng cảnh quay.

Bộ phim làm khán giả bật cười sảng khoái với những hành động ngây thơ, trong trẻo có phần trẻ con của những người lính binh nhì tuổi mới mười tám, đôi mươi, nhưng cũng khiến họ rơi lệ trước sự hi sinh quả cảm của những chiến sĩ trẻ; những mối tình trong sáng bị chiến tranh chia lìa hay giọt nước mắt mong ngóng, đợi chờ của người thân nơi hậu phương…

Bộ phim xoay quanh câu chuyện của 4 chàng sinh viên Hà thành là Hoàng, Thành, Thăng và Long ở lứa tuổi 20, khi cuộc đời vừa bắt đầu chớm nở. Sống trong thời kỳ đất nước đang bị gót giày quân thù giày xéo, họ đã tình nguyện rời xa cuộc sống sinh viên, để lại thầy cô, người thân phía sau lên đường nhập ngũ. Trước câu hỏi của Thủ trưởng Phong: “Có ai tiếc cuộc sống bình yên không?” Hoàng đã không ngần ngại nói: “Chúng em cũng hơi tiếc ạ. Nhưng còn hối tiếc hơn nếu như trong đội ngũ những người ra trận hôm nay không có chúng em”.

Những đổi thay trong tâm lý nhân vật được diễn tả một cách sâu sắc. Cả 4 anh lính binh nhì xuất hiện ở đầu bộ phim với hình ảnh ngây thơ, trong sáng có phần trẻ con. Điều đó được thể hiện qua câu hát của Long trên chiếc xe chở quân vào chiến trường: “Ta là con của bố mẹ ta. Nhớ nhà ta trốn ta về”; thú bắt ve sầu rồi áp tai nghe tiếng kêu ve ve của Thành và niềm đam mê chơi trọi dế của Thăng…

Tuy nhiên, khi được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt của quân đội và trực tiếp chiến đấu với quân thù, tận mắt chứng kiến đồng đội của mình hi sinh, họ đã hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống, trưởng thành và sống có lý tưởng hơn. Với Thăng, đó là sự cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước: “… Tuổi hai mươi làm sao không tiếc, nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc”. Với Hoàng, đó là thái độ sung sướng, không chút do dự khi được rời trại thương binh vào chiến trường chiến đấu mặc dù, nơi đó có cô y tá mà anh dành tình yêu vô hạn…

Bối cảnh chính trong “Mùi cỏ cháy” là thành cổ Quảng Trị năm 1972. Nơi đế quốc Mỹ chọn để quyết chiến với quân ta nhằm giành thế chủ động trong cuộc đàm phán hiệp định Paris. Vì thế, chúng đã sử dụng mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất để san phẳng căn cứ quân sự này.

Dưới “bàn tay ma thuật” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, người xem không thể kìm nổi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh hàng trăm chiến sĩ bị trúng bom mìn khi vượt sông Thạch Hãn, máu nhuộm đỏ dòng sông; cảnh Long đứng giữa trời đạn bom kêu gào thảm thiết: “Đừng tấn công nữa!…” và bị bom giặc cướp mất tính mạng; hay hình ảnh một chiến sĩ mù vẫn cầm lựu đạn mò mẫm ra chiến trường chiến đấu với kẻ thù…

Có lẽ, ở ranh giới giữa sự sống và cái chết nơi chiến trường thì tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mới trỗi dậy mãnh liệt nhất. Dù trong tay chỉ còn cây súng AK hết đạn, Thành vẫn dũng cảm gương lưỡi lê xông lên, đâm một nhát chí mạng vào tên lính ngụy cầm cờ Mĩ và anh dũng hi sinh; biết xung quanh mình có địch rình rập nhưng Thăng vẫn liều mình nhảy xuống sông nối dây cáp để giữ liên lạc giữa chiến trường với Bộ chỉ huy và bị 2 lính ngụy bắn chết…

Chiến trường Quảng Trị – cối xay thịt người – khốc liệt, ghê rợn là thế. Nhưng đạo diễn vẫn dành cho nhân vật của mình những phút giây bình yên để tâm hồn họ lắng đọng lại và viết nên những suy ngẫm về gia đình, về chiến tranh, về tình cảm đồng chí, đồng đội… mà chỉ những người chiến sĩ đã tận mắt chứng kiến, tận tay đào đất chôn đồng đội hi sinh mới có.

Thông qua những trang nhật ký của Thăng, những vần thơ của Hoàng, những bức thư thấm đẫm nước mắt của Thành vĩnh biệt mẹ và lời hứa trở lại (không thực hiện được) của Long đối với một cô gái anh gặp trên đường hành quân… “Mùi cỏ cháy” đã tố cáo tội ác của chiến tranh một cách đầy đủ nhất, chân thực và sinh động nhất. Không những thế, nó đã chạm đến những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc về tình người, về lẽ sống của cả một thế hệ trẻ thời chống Mỹ.

Bộ phim truyện “Mùi cỏ cháy” và phim tài liệu “Đại tướng Đoàn khuê” đã được chọn mở màn cho đợt phim chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5, 19/5 và kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Theo Hồng Hạnh (KTĐT)

Miền đất của người Việt Nam – The land of Vietnamese

The land of Vietnamese (Miền đất của người Việt Nam) là một bài hát phản chiến, lưu hành ở các nước phương Tây và Mỹ trong những năm Mỹ gây chiến ở Việt Nam. Bài hát khá nổi tiếng và mọi người truyền tay nhau hát nhưng tác giả của nó là một ẩn sĩ mà đến nay không thấy nguồn nào xác định được rõ ràng tác giả là ai. Đây là một bài hát về âm nhạc thì đậm chất nhạc đồng quê (country music) Anh – Mỹ, về nội dung thì nó vô cùng hào hùng, da diết, bi tráng, thiết tha, nói về một miền đất kiên cường sẽ luôn tồn tại không khuất phục trước giặc Mỹ. Một bài hát nước ngoài nhưng lại đậm chất kiêu hùng Việt Nam, thể hiện lên được cái đặc thù văn hóa dân tộc giữ gìn sông núi của người Việt.

Đây là một bài hát nước ngoài nhưng đi vào lòng người Việt, là người Việt nhưng nghe bài này thật sự là tan nát cõi lòng, tự hỏi tại sao đất nước mình, dân tộc mình lại chịu nhiều thảm cảnh và bất hạnh hơn các dân tộc khác như vậy, và tại sao dân tộc mình là anh hùng đến như vậy, bất khuất mạnh mẽ đến như vậy.

Đề nghị những người có trách nhiệm rà sóat, tìm hiểu xem ai là tác giả bài này và chuyển ngữ lời hát, hòa âm, đưa lên trình diễn trong các chương trình văn nghệ lớn, cho các dịp lễ lớn, giống như chúng ta đã làm với bài The Ballad of Ho Chi Minh (Bài ca Hồ Chí Minh) của nhạc sĩ Ewan MacColl. Chúng đều là những bài hát nước ngoài nhưng thấm đẫm đặc thù Việt Nam, văn hóa Việt Nam, tinh thần Việt Nam, tâm hồn Việt Nam.

Đây là version hát bởi nữ ca sĩ Kate Francis, với một giọng hát da diết ru hồn nhưng lại thể hiện lên được khí phách Việt Nam:

Lời ca:

Should all the leaves for all the trees
Surscorch from bombs and poisoned water,
Should not a single Vietnamese
Remain alive from cruel man slaughter,

The elephants will rage enroll
And wage against all the Yanks a war,
And wage against all the Yanks a war.

Should all the elephants be killed
And all the fields be ruined to pieces,
Yet life in Vietnam can be still
Again arise some living species :
The leagues ant and buzzing bees,
To sting the Yanks for the Vietnamese,
To sting the Yanks for the Vietnamese.

The birds and fish will take them bite,
All those, who came to kill and murder,
The snakes will hiss from noon till night
And then more bees will come further,

The animals will keep their rakes
Until the drive all away the Yanks,
Until the drive all away the Yanks.

Should all the beasts become extinct
The grass will raise from bombard tuffet,
And by the nature of instinct
Will crash the Yanks for those, who suffer.

You can not slash in hand a breeze
Not split the land of the Vietnamese,
Not split the land of the Vietnamese.

Tạm dịch lời Việt:

Dù tất cả lá cây trên cành
Tan héo dưới bom và chất độc hóa học
Dù không còn một người Việt
Sống nổi dưới những trò tàn sát con người tàn ác

Thì những chú voi sẽ giận dữ tham chiến
Và sẽ chống lại lính Mỹ trong một cuộc chiến mới
Và sẽ chống lại lính Mỹ trong một cuộc chiến mới

Dù tất cả chú voi đó bị giết
Và tất cả đồng ruộng bị phá hủy thành tro
Tuy thế mầm sống ở Việt Nam vẫn có thể
Lần nữa mọc lên những sinh vật:
Những nhóm kiến lửa và ong vò vẽ,
Để cắn lính Mỹ cho dân tộc Việt Nam
Để cắn lính Mỹ cho dân tộc Việt Nam

Chim chóc và cá sẽ góp những đòn cắn vào
Tất cả những tên tới đất này để giết chóc
Những chú rắn sẽ rít lên từ chiều đến đêm tối
Và thêm những chú ong tham chiến nhiều hơn

Những động vật đó sẽ tiếp tục lùng sục
Cho đến khi nào xua đuổi hết lính Mỹ,
Cho đến khi nào xua đuổi hết lính Mỹ.

Dù tất cả những loài vật đó trở nên tuyệt chủng
Thì cỏ lại sẽ mọc lên từ những hố bom
Và từ bản năng thiên nhiên
Sẽ quấn lấy chân lính Mỹ, những kẻ bị tổn thất

Mày không thể chém lìa ngọn gió
Không thể chém lìa miền đất của người Việt Nam,
Không thể chém lìa miền đất của người Việt Nam.

Theo Thiếu Long’s blog

Hội chứng chiến tranh Việt Nam trong điện ảnh Mỹ

chien tranh viet nam

Cuộc chiến tranh xâm lược mà đế quốc Mỹ triển khai tại Việt Nam là một trong những cuộc chiến nổi tiếng nhất lịch sử cận đại. Cho đến nay một số cựu binh Mỹ vẫn còn mang nỗi ám ảnh được gọi với cái tên Hội chứng chiến tranh VN . Đây là vết thương lớn mà người Mỹ không muốn nhắc tới nhưng lại là một đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim Hollywood.

Vào đầu năm 1988, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ buộc phải chính thức thừa nhận rằng 15% (khoảng 50.000 người) cựu chiến binh Mỹ từ chiến tranh VN trở về bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng mà nguyên nhân do họ đã tham chiến tại VN và những ám ảnh về tội ác họ từng gây ra (Hội chứng chiến tranh VN). Các nhà xã hội học Mỹ khẳng định bình quân mỗi ngày có ba cựu chiến binh Mỹ tự sát. Điều đáng lưu ý là hiện tượng trên chưa hề xảy ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên. Đề tài này đã mở ra một trào lưu làm phim về Hội chứng chiến tranh VN và tạo được sự chú ý của dư luận thế giới như các phim Người lái taxi (1976, đạo diễn Martin Scorsese), Sinh ngày 4-7 (1989), Trời và đất (1993) – đều của đạo diễn Oliver Stone, Cuộc chiến trong gia đình (1996, đạo diễn Emilio Estevez)…

Năm 1976, Người lái taxi ra đời được coi là một trong những phim đầu tiên khai thác tâm lý phức tạp, hỗn loạn của cựu chiến binh Mỹ, cụ thể trong phim là nhân vật Travis – cựu binh thủy quân lục chiến tham gia chiến tranh VN năm 1972. Đạo diễn không thể hiện cuộc sống của Travis khi anh còn trong quân ngũ, mà khi anh đã trở về đời sống thường nhật tại thành phố New York. Theo chân Travis, một xã hội Mỹ hoàn toàn khác được mở ra, không phải một nơi hiện đại với những tòa nhà tráng lệ, mà là những khu ổ chuột đầy rẫy tệ nạn, ma túy, ma cô, gái điếm. Và đó là một phần cuộc sống hiện tại của Travis. Ngay từ đoạn đầu phim, khán giả đã có cảm giác “bất ổn” về nhân vật này. Một con người mắc chứng mất ngủ kinh niên, lái chiếc xe taxi đi lang thang mỗi đêm, đến những nơi dơ bẩn bệnh hoạn trong thành phố hoặc xem phim cấp 3. Ngày từ đầu, Travis đã được khắc họa là một con người có những suy nghĩ lệch lạc, kì quặc, mất lòng tin vào đất nước, và tính cách này ngày một phát triển theo hướng khác thường, khốc liệt hơn. Cao trào phim là lúc Travis cứu cô (bé) gái điếm Iris khỏi ổ điếm sau một trận bắn súng đẫm máu. Số phận Travis là bi kịch của một con người không hòa nhập được với cuộc sống bình thường, trở nên đơn độc trên chính quê hương mình. Taxi Driver chiếm vị trí 86 trong danh sách 250 phim hay nhất mọi thời đại. Với khoản kinh phí vỏn vẹn 1,3 triệu USD, tác phẩm thu lại hơn 28 triệu USD khi chiếu ngoài rạp, và gần 13 triệu USD khi phát hành băng video. Nhân vật Travis Bickle được xếp vào vị trí 30 trong danh sách Những nhân vật phản diện vĩ đại nhất trong 100 năm, còn bản thân bộ phim nằm trong danh sách 100 phim kinh dị hay nhất trong 100 năm của Viện Điện ảnh Mỹ. Phim cũng được lựa chọn để lưu trữ trong thư viện Quốc hội Mỹ, với tư cách là di sản văn hóa cho các thế hệ sau.

Các phim Sinh ngày 4-7, Trời và đất, Cuộc chiến trong gia đình nói về một dạng chung thường thấy của “ hội chứng VN”, đó là sự săn đuổi của quá khứ, sự dằn vặt về những tội ác mà mình đã gây ra. Nhân vật Ron (Sinh ngày 4-7), Steve (Trời và đất), Jeremy (Cuộc chiến trong gia đình) sau khi trở về nhà, về với cuộc sống đời thường đều có nỗi ám ảnh bởi những cảnh giết chóc, những lần ra tay tàn sát người già, trẻ em và những người dân thường VN vô tội trong cuộc chiến. Điều này như một cơn ác mộng khủng khiếp luôn đi theo họ từng ngày. Hậu quả là những trận cãi vã mà nguyên nhân là những người cựu binh Mỹ không nhận được sự cảm thông, thấu hiểu từ phía người thân trong gia đình. Bi kịch đến đỉnh điểm khi gia đình tan nát, những con người đang bị nỗi ân hận dày vò nay mang thêm sự đau đớn vì không còn chỗ dựa, họ trở nên cô độc. Có người tự chữa trị cho căn bệnh tâm lý của mình bằng cách tìm một mục đích sống, một hành động nào đó để có thể dũng cảm đối mặt với quá khứ, thừa nhận quá khứ và dần quên được quá khứ (nhân vật Michael, Ron và Jeremy), nhưng cũng có người tự giải thoát bằng con đường tự sát (nhân vật Steve), một cái chết bi thảm của một tâm hồn tội lỗi không thể thoát khỏi cơn ác mộng của mình.

Cái chết không phải là địa ngục, địa ngục chỉ thực sự bắt đầu khi người lính trở về nhà. Hội chứng chiến tranh Việt Nam đã khiến họ không hòa nhập được với cuộc sống bình thường, bị ám ảnh bởi cuộc chiến, về cái chết và cả những gì họ đã làm, họ mang tâm hồn bị tổn thương bởi chiến tranh. Những người lính Mỹ sau khi trở về mang một thân thể tàn tạ, ý chí mệt mỏi, mất lòng tin vào đất nước, sống không có mục đích. Họ rơi vào bế tắc với nỗi đau không thể bù đắp được. Cái chết về thể xác không đáng sợ bằng cái chết của tâm hồn, của lương tâm và ý chí. Và cho đến tận bây giờ, đề tài này vẫn đang được các nhà làm phim Mỹ tiếp tục khai thác.

Theo Trần Mai Khanh (VH)

Chiến tranh Việt Nam trong văn học Mỹ – từ sự thật đến tác phẩm

“HỘI CHỨNG CHIẾN TRANH VIỆT NAM”

Trong lịch sử chiến tranh Mỹ, thì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mà người Mỹ bị sa lầy lâu nhất (1954-1975), và đã để lại những hậu quả nặng nề cho nước Mỹ. Hậu quả đó không chỉ là sự thất bại trong cuộc chiến, mà còn ở những di chứng kéo dài làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống Mỹ, mà người Mỹ gọi đó là “Hội chứng Chiến tranh Việt Nam”.

Nhà báo, nhà văn Mỹ Jack Fletcher đã kể một câu chuyện về một lính Mỹ đã từng tham chiến ở Việt : anh ta đã bắn một bà cụ nông dân từ phía sau lưng, khi bà vừa bước ra từ ngôi nhà lợp bằng lá dừa của mình. Nhiều năm sau khi trở về nước, anh ta phải vào bệnh viện tâm thần dành cho các cựu chiến binh Mỹ. Đến tháng 10 năm 1982, anh ta đã tự sát bằng cách dùng dây nối với cò súng để viên đạn bắn vào sau lưng mình… Trong y học, hiện tượng đó được gọi là “hội chứng chấn thương thần kinh”.

Vào năm 1988, lần đầu tiên chính phủ Mỹ đã chính thức thừa nhận rằng 15% cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam trở về, nghĩa là khoảng 50 vạn người, vẫn còn bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng, mà nguyên nhân của căn bệnh đó là họ đã tham chiến ở Việt Nam. Các nhà xã hội học Mỹ đã khẳng định, trung bình mỗi ngày có ba cựu chiến binh tự sát bằng những cách thức ghê rợn. Nhiều người đã để lại những ghi chép về chiến tranh, về  quân đội và về những cơn ác mộng khủng khiếp từng ám ảnh họ. Điều đó chưa hề xảy ra sau chiến tranh thế giới thứ hai và cả sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Vậy cái gì ở cuộc chiến tranh Việt Nam cho đến nay vẫn đang làm nảy sinh bao nhiêu điều khủng khiếp, điên rồ như vậy? Câu trả lời thông thường là: cuộc chiến tranh này đã chà đạp lương tri, lẽ phải, nó đã xô đẩy những con người bình thường vào những hoàn cảnh phi lý, và sự điên rồ đã trở thành phản ứng bình thường đối với nó.

TỪ SỰ THẬT CHIẾN TRANH VIỆT NAM…

Người Mỹ đã chia thời gian thực hiện chiến tranh Việt Nam của họ thành 3 giai đoạn: 1. “Giai đoạn cố vấn” (1954-1965); 2. Giai đoạn: Chúng ta có thể chiến thắng không?” (1965-1968); 3. Giai đoạn “Chúng ta thoát ra như thế nào đây ?” (1968-1973). Cách chia này của họ tương ứng với cách chia trong lịch sử Việt Nam cũng gồm ba giai đoạn: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Trong bài viết này, tôi không điểm lại sách lược của Nhà trắng và Lầu năm góc trong suốt cuộc chiến tranh. Sự thật của chiến tranh chỉ có thể tìm thấy ở chiến trường. Trong khoảng những năm từ 1965 đến 1972, Chính phủ Mỹ đã điều sang tham chiến ở Việt Nam chừng 5 triệu thanh niên Mỹ và thời hạn quân dịch của một người là 365 ngày. Chỉ có những người thanh niên Mỹ này, những ngươì trong cuộc, mới hiểu rõ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam hơn ai hết. Philip Capote, nguyên là lính thủy đánh bộ bổ sung sang Việt Nam đầu những năm 70, đã trả lời một cuộc phỏng vấn: … “Trước khi đặt chân lên đất Việt, chúng tôi được học một “cua” về văn hóa Việt Nam. Những gì nghe được đại để không ngoài mục đích để chúng tôi căm ghét đất nước này, căm ghét “Việt Cộng”. Phải bắn vào tất cả những gì khả nghi, tất cả những gì động đậy. Người ta dạy tôi tìm cách diệt Việt Cộng. Kết quả, suốt thời gian quân dịch ở Việt Nam tôi chưa hề bắt gặp một bóng dáng Việt Cộng nào, còn đơn vị của tôi bị thiệt hại khá nặng nề, trong số hàng chục nghìn lính Mỹ bị chết, tôi có 15 người bạn thân vĩnh viễn ra đi. Ngay trong thời gian ở Việt Nam một câu hỏi thường làm tôi mất ngủ: những người lính Mỹ chết vì cái gì, và nếu như Việt Cộng quả là xấu như người ta tuyên truyền thì tại sao họ lại được nhân dân che chở đùm bọc như vậy, mà nhân dân thì không thể xấu là không thể nhầm. Càng ngày cái “lý tưởng” mà chính phủ Mỹ đặt lên vai chúng tôi – lý tưởng “ngăn chặn cộng sản” càng là một tảng đá nặng nề và cuối cùng chỉ là sự bịp bợm. Người ta đã đánh tráo ngay ở chỗ mà tưởng như không thể dễ dàng đánh tráo, đó là sự đánh tráo niềm tin thiêng liêng của mỗi chúng tôi” (2).

Larry Rottman, nguyên là lính bộ binh sư đoàn 25 “tia chớp nhiệt đới”, đã phát biểu: “… Tôi đến Việt Nam mà không hề biết một tí gì về đất nước này. Nói cho đúng ra tôi chỉ biết Việt Nam nhỏ như một bang của Mỹ. Nếu như trong chiến tranh con người có thể tìm thấy tình yêu, tình người, thì với tôi, ngay trong cuộc chiến tranh vô nhân đạo này, tôi đã tìm thấy nó. Tôi hiểu, chỉ có lăn lộn trong chiến tranh con người mới hiểu được lòng nhân hậu của con người. Điều đó cần thiết biết bao. Cũng như đi vào chiến tranh tôi hiểu kẻ thù thực sự của con người là sự ngu dốt… Bản thân những người lính Mỹ giết người thì họ cũng là những người ngu xuẩn, bởi vì không ngu xuẩn thì họ sẽ không giết người bao giờ, bởi nếu anh có sự hiểu biết thì anh sẽ đồng cảm với nỗi đau của người khác… Những năm chiến tranh, tôi có 23 người bạn bị giết, trong đó có một người bạn rất thân. Cho nên, cái chết như một nỗi kinh hoàng cứ ám ảnh tôi. Cháy, bom đạn, tên lửa, bụi bặm, bẩn thỉu, ẩm ướt, trì trệ, buồn chán, nỗi nhớ vợ và đáng sợ nhất là tất cả mọi người Việt Nam, kể cả trẻ con đều rất căm thù mình, đã làm tôi cực kỳ ghê tởm chiến tranh”(3).

Bộ sách nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam có tựa đề (4), đã phân tích cuộc chiến tranh này từ nhiều góc độ với quan điểm tương đối khách quan. Ở chương 78 của bộ NAM đã mô tả hiện tượng chống lại kỷ luật trong binh lính Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam như sau: “Ngay từ sau năm 1967, 60% cựu chiến binh, đa số là binh sĩ quân dịch, đã thú nhận họ đã chống lại cuộc chiến tranh này, hoặc không biết chiến đấu để làm gì. Cuộc chiến càng kéo dài, tinh thần binh sĩ càng xuống và ý muốn giữ mạng để về nước trở thành mối bận tâm chính của họ. Khẩu hiệu sau đây gây nhiều tiếng vang: “Đừng trở thành người cuối cùng chết tại Việt Nam”. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã đóng góp thêm một thuật ngữ vào từ điển quân sự: fragging. Từ này lúc đầu mang ý nghĩa là dùng lựu đạn tự sát hại cấp trên, sau đó fragging còn chỉ mọi hành động sát hại cấp trên bằng mọi phương tiện. Fragging là “đỉnh cao của hiện tượng chống lại kỷ luật trong quân đội Mỹ tại Việt Nam: “Đã qua rồi thời kỳ mà người lính thủy nghiêm chào cấp trên. Giờ đây chẳng ai chào ai nữa, ăn mặc tùy thích. Muốn đội nón rừng cứ đội. Muốn xắn một tay áo, còn tay áo kia thả xuống, cứ việc, muốn để râu tha hồ. Chẳng ai làm phiền ai nữa. Các sĩ quan hiểu rằng nếu họ “láng cháng” với binh sĩ, có thể sẽ bị bắn một viên đạn vào đầu. Đây là chuyện xảy ra thường ngày trong các đơn vị bộ binh. Những hành vi vô kỷ luật đó đã dẫn đến hiện tượng fragging. Cách đơn giản nhất để xử lý một viên sĩ quan ưa hành hạ cấp dưới hay ưa thí quân là “khử” hắn ngoài mặt trận. Có hai cách fragging và mỗi cách có những bước khác nhau. Trong cách thứ nhất, viên sĩ quan bị nhắm đến còn cơ cơ hội để “phục thiện”. Đầu tiên là ném một quả lựu đạn khói vào trong hố cá nhân của hắn. Nếu hắn vẫn chưa đổi tính, sẽ bị một quả lựu đạn cay. Nếu lời cảnh cáo này không được “tiêu hóa”, cái chết sẽ đến với hắn tại bất cứ đâu. Còn cách thứ hai, chỉ có hạ sát mà không cần cảnh cáo…”.

… ĐẾN TÁC PHẨM VĂN HỌC

Trong văn học, vào những năm đầu của thập kỷ 1960, chiến tranh Việt Nam bắt đầu gợi sự chú ý của các nhà văn Mỹ. Đến thập kỷ 1970 thì nó đã trở thành một đề tài nóng bỏng trong văn học, và cho đến hôm nay đề tài này vẫn còn lôi cuốn nhiều người cầm bút ở Mỹ. Tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam hết sức phong phú và đa dạng. Về thơ và truyện ngắn thì chưa ai thống kê được hết, còn riêng tiểu thuyết thì có hơn 500 cuốn đã được xuất bản, ngoài ra còn có các thể loại khác như : phóng sự, ký, hồi ký… với các sắc thái, giọng điệu rất khác nhau.

Những người viết về chiến tranh Việt Nam có hai dạng. Một là, những nhà văn chuyên nghiệp (trong số này có nhiều người viết theo đơn đặt hàng của quân đội); hai là, những người lính trực tiếp viết về cuộc chiến tranh mà họ tham gia. Ở những người viết thuộc dạng thứ hai này, tác phẩm của họ có cái được viết ngay trong chiến tranh (chủ yếu là thơ, nhật ký…), còn phần lớn là được viết sau chiến tranh. Những tác phẩm được viết sau chiến tranh, ngoài một số lượng thơ rất phong phú, thì tiểu thuyết là một hình thức phát triển hơn cả. Tiểu thuyết có một vị trí quyết định, nó ảnh hưởng một cách sâu sắc nhất, cơ bản nhất, nhạy bén nhất sự chuyển biến của hiện thực chiến tranh. Với một hệ chủ đề hết sức đa dạng và cơ bản, tiểu thuyết đã lưu giữ và làm sống lại bộ mặt thật của chiến tranh Việt Nam với nhiều tầng phản ánh cực kỳ sinh động. Nó thực sự là tiếng nói đa nghĩa về đất nước, văn hóa và ý thức con người Mỹ trong cuộc chiến tranh này. Trong hơn 500 tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam, theo Fletcher (5) thì hơn 300 cuốn là loại văn chương lá cải và đầy bạo lực. Nhận xét về loại văn chương này, Fletcher viết: “Những cựu chiến binh mà tôi quen biết không ưa những cuốn tiểu thuyết tầm thường này về Việt Nam với lý do là, Việt Cộng trong những cuốn tiểu thuyết ấy luôn được miêu tả như những kẻ cuồng tín, vụng về và thiếu lòng dũng cảm. Rambo và những nhân vật trong phim và truyện mà người ta dựng lên dường như đánh nhau với Việt Cộng và thắng họ thật dễ dàng. Nhưng trên thực tế là vô cùng khó khăn và chúng ta đã thất bại”. Khảo sát những tác phẩm nghiêm túc viết về chiến tranh Việt Nam , tôi dựa vào trục thời gian – chủ yếu là thời gian sự kiện – để làm rõ một số nội dung chính của mảng văn học này. Ở bộ phận tiểu thuyết chiến tranh, người lính là hình tượng trung tâm. Họ được đặt vào trung tâm các sự kiện, biến cố, là điểm xoắn của các mâu thuẫn. Tính cách người lính được soi rọi từ nhiều góc độ: tâm lý và hành động, văn hóa và chính trị, danh dự và nạn phân biệt chủng tộc, ý thức và vô thức, khoa học và lương tâm… Toàn bộ các vấn đề đó, sự vận động nhận thức về chúng đều gắn liền với sự vận động thời gian (thời gian trong cuộc chiến tranh và thời gian sau cuộc chiến tranh). Căn cứ vào trục thời gian, ta nhận thấy có hai kiểu cấu trúc hình tượng : thứ nhất là loại hình tượng được đặt ở thì hiện tại (trong chiến tranh ở Việt Nam hoặc sau chiến tranh ở Mỹ); thứ hai là loại hình tượng được xây dựng đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Ở kiểu hình tượng thứ hai này thủ pháp đồng hiện thời gian giữ vai trò quan trọng…

Ngay từ giai đoạn thứ nhất của cuộc chiến tranh, có những nhà văn đã “nhìn xa trông rộng”, sớm thấy được nguy cơ của việc can thiệp sâu vào Việt Nam, và đã gián tiếp phản đối chiến tranh. Nhà văn David Halbatstam là một trường hợp tiêu biểu. Tiểu thuyết Một ngày nắng gắt (1968) của ông đã chiếm một vị trí nổi bật trong dòng văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam. Đứng ở trung tâm tiểu thuyết là hai cố vấn Mỹ – đại úy Bob và trung úy Anderson . Tòan bộ tác phẩm “tóat lên sự kinh ngạc và căm phẫn (một cách kín đáo) trước tính cách tàn bạo và vô nghĩa lý của tất cả những việc đang diễn ra”. Từ trang đầu tiên đến trang cuối của Một ngày nắng gắt, Bob luôn bị ám ảnh bởi cảm giác rằng trong cuộc chiến tranh này, chính nghĩa không thuộc về quân đội Mỹ. Cảnh cuối tiểu thuyết có ý nghĩa tượng trưng, đại úy Bob thoát chết trong cuộc càn quét, vác trên vai xác trung úy Anderson. Một chủ đề khác của văn học giai đoạn này là giới chóp bu của chính quyền Sài Gòn đã bắt đầu làm tha hóa người Mỹ như thế nào. Tiểu thuyết Người đàn ông đảo Corse (1983) của nhà văn Keffernel đã mô tả một quá trình một sĩ quan Mỹ tham gia vào việc buôn bán ma túy và đồng ý chuyển heroin về Mỹ bằng cách dùng các quan tài để chứa. Tiểu thuyết Thành công riêng của đại úy Peter Rossille (1983) của F. Woodray nói về sự hoang mang “không hiểu ai là kẻ thù thực sự” của một bộ phận sĩ quan cố vấn Mỹ.

Trong giai đoạn hai của cuộc chiến tranh (1965-1968), nằm ở trung tâm phản ánh của tiểu thuyết là những  người lính thường. Fletcher đã nhận xét: “Cũng như những tiểu thuyết Mỹ viết về chiến tranh thế giới lần thứ hai, tiểu thuyết về Việt Nam cho thấy rằng, những mâu thuẫn cơ bản của xã hội Mỹ và thậm chí những vấn đề đáng nguyền rủa của đời sống mà nói chung bất kỳ người nào chạm phải đều có thể tìm thấy được trong bức tranh thu nhỏ của mối quan hệ qua lại giữa binh lính của bất kỳ tiểu đội, trung đội hay đại đội nào” (6). Tuy mỗi cuốn tiểu thuyết giải thích những sự kiện chính trị từ một góc độ hơi khác nhau một chút, nhưng tổng thể của chúng đã tạo thành sự hoàn chỉnh về chiến tranh Việt Nam với tất cả chủ đề. Tiểu thuyết Commados Sài Gòn (1983) của J. Kelville kể lại đời sống chiến tranh của lực lượng quân cảnh Mỹ ở nội thành. Tiểu thuyết Tất cả những thứ chúng ta có (1981) A. Skelltole đã tập hợp tất cả các câu chuyện của 33 người lính và những ngày tháng địa ngục của họ ở Việt Nam. Tiểu thuyết Máy bay khu trục (1983) của R. Marson kể lại câu chuyện người phi công chở lính Mỹ tới trận địa và lại chở về căn cứ chính những người ấy nhưng đã bị thương hoặc là những xác chết. Tiểu thuyết Những cánh đồng bốc cháy (1978) của J. Weeffer đi sâu vào phân tích tâm lý những người lính bị thương trong chiến đấu. Tiểu thuyết Đơn vị xạ kích (1975) của J. Kranzer và Anh em trai: Những người lính da đen ở Việt Nam (1982) của S. Gowffer nói về số phận người lính da đen ở Việt Nam và nạn phân biệt chủng tộc trong quân đội Mỹ. Tiểu thuyết Đếm xác (1973) của W. Hughet mô tả những nỗi kinh hoàng của chiến tranh ở vùng Khe Sanh, Huế, Đà Nẵng… sự khủng khiếp của chiến tranh và sự hòai nghi tột cùng của người lính là những chủ đề nổi bật nhất của tiểu thuyết giai đoạn này. Trong từng cuốn tiểu thuyết, cuộc chiến tranh diễn ra (xuất hiện) trong giây lát, trong tiếng nổ của một quả mìn, những tràng đạn của súng tiểu liên AK, tiếng rít của súng cối, tiếng thình thịch của những chiếc xẻng… gây tác động mạnh và những tiếng kêu thét của người lính Mỹ bị thổi thành từng mảnh, bị thương cụt chân, cụt tay, đang chảy máu và chết. Chiến tranh phả vào con người như hơi nóng của bom đạn, nỗi đau đớn của những người chết, đều được mô tả sinh động trong các cuốn tiểu thuyết, nó “rất thực và sống động, vượt xa hẳn bất kỳ chương trình vô tuyến nào đã phát trong thời gian chiến tranh (7). Chiến tranh Việt Nam, đó là “cơn ác mộng đa tầng” cắm vào đầu những người lính.

Cuộc chiến tranh càng kéo dài, mức độ ác liệt và nặng nề của nó càng làm suy nhược đời sống tinh thần của người lính. Thực tế chiến tranh còn vượt xa hư cấu văn học, những sự việc có thật đã vượt quá trí tưởãng tượng của con người. Sự điên rồ thật sự của chiến tranh được thể hịên cả trong cuộc sống, trong văn học. Tiểu thuyết ở giai đoạn thứ ba ở cuộc chiến tranh (1968-1973) đã đặc biệt chú ý đến thể hiện tinh thần thảm bại của binh lính Mỹ. Theo sách NAM đến năm 1968, tỷ lệ đào ngũ trong quân đội Mỹ tại Việt Nam thấp hơn so với các cuộc chiến tranh trước. Song, qua đến năm 1969 con số đào ngũ tăng gấp 4 lần. Những binh sĩ thừa lúc đi phép tại Sài Gòn, Hồng Kông, Tokyo… đã biến mất, để rồi sau đó xuất hiện tại , Thụy Điển hay Thái Lan. Người ta phân biệt hai kiểu đào ngũ: đào ngũ thực sự và “đào ngũ mà không bỏ ngũ”- tức vắng mặt mà không lý do mỗi khi được lệnh ra trận (AVOL, Absence without leave). Năm 1967, tỷ lệ đào ngũ là 2,1% và AVOL là 7,8%; năm 1969 tỷ lệ đào ngũ là 4,2% và AVOL là 11,23%, năm 1971 tỷ lệ đào ngũ là 7,4% và AVOL là 17,4%. Cũng sau năm  1968, binh sĩ bắt đầu công khai dùng ma túy. Viên sĩ quan nào dám nói về chuyện này thì bị đe dọa, thậm chí bị giết. Tiểu thuyết Bông hoa của con rồng (1972) của R. Boille viết về những vụ giết sĩ quan và nổi loạn trong quân đội. Cuốn Kết liễu cuộc đời (1968) của Michell đã đi sâu hơn nữa vào những nổi loạn của rất nhiều binh lính Mỹ ở Việt Nam. Các tiểu thuyết Những điều sửa đổi – 22 (1969) của D. Keller, Chiếc giường tre (1969) của Yalker và Trung tâm Kachiater (1975) của T. Brael đã miêu tả những hành vi kỳ quặc của người lính. Những người lính, kẻ thì thu mình lại, kẻ thì hóa điên. Và ở một nơi như Việt Nam, thì không phân biệt được và cũng không ai hiểu được là anh ta bị điên hay không.

“MẢNH ĐẠN CÒN GĂM TRONG TIM”

Kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, rất nhiều cuốn tiểu thuyết viết về nhưng cơn ác mộng riêng tư của những cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam đã được phát hành. Đây là thời gian họ nhớ lại, cảm xúc lại những ngày ở Việt Nam. “Họ là sự phản ánh hy vọng của một nền văn hóa Mỹ với sự sợ hãi sâu lắng, và sự ghi nhận chắc chắn, xác thực về đời sống nước Mỹ hiện đại. Họ là những gương mặt, những hồi tưởng, kỷ niệm trong nghệ thuật và lịch sử về một dân tộc tự nhận thức về mình”(8).

Những người lính trở về nhận ra rằng họ bị lừa dối, họ là nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc mà chính phủ Mỹ đã đẩy họ vào. Họ sống trong sự hối hận và cay đắng, lương tâm bị cắn rứt và mọi giá trị đạo đức đều bị sụp đổ. Nhà văn S. Freedman đã viết: “Trong các loại hình nghệ thuật, phản ánh đời thường của cựu chiến binh, phần lớn họ: là những con người sống sót đã chiến đấu trong cảnh tồi tệ và trở về sống trong một nước Mỹ kinh hoàng”. Trong phần lớn tiểu thuyết, họ đều có số phận bi đát, chết mòn vì sự suy sụp thần kinh ngay giữa những người thân. Tiểu thuyết Những năm tháng đẹp nhất của chúng ta của H. Russell, Sinh ngày 4 tháng 7 của John Cowike nói về những thanh niên bị chiến tranh làm tàn phế và sự căm phẫn của họ đối với chính phủ Mỹ. Nhân vật Robert Muller cay đắng thừa nhận: “Tôi đã mất 3/4 thân thể. Tất cả những gì đối với tôi, với bọn tôi đều vô nghĩa” (Sinh ngày 4 tháng 7). Cùng âm hưởng như vậy, tiểu thuyết Từ địa ngục trở về của A. Murthy và tiểu thuyết Người anh hùng có một trăm gương mặt của J. Cambell là những suy nghĩ về sự vô nghĩa, sự bất lực của cuộc chiến tranh Việt Nam. Tiểu thuyết Câu chuyện Pacô (Giải thưởng quốc gia Mỹ năm 1987) của Larry Heneman là một sự hài hước, buồn thảm và nặng nề về số phận những người lính Mỹ ở Việt Nam. Tiểu thuyết Máu Mỹ của John Nicholair đã lên án sự tàn bạo của cuộc chiến tranh, “nước Mỹ là tên sát nhân của thế giới, là cái chợ bán thịt của trần gian”.

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt từ lâu, nhưng đối với những cựu chiến binh Mỹ “mảnh đạn còn găm trong tim”. Văn học viết về chiến tranh Việt Nam là viết về những mất máu đau thương, những bi kịch của con người trong và sau chiến tranh, để cho người dân Mỹ biết cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh dã man và vô nghĩa. Văn học viết về chiến tranh chính là nói về “Người Mỹ tìm ra chính bản thân mình”, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh “người Mỹ phải sống như thế nào và đừng để xảy ra một cuộc chiến tranh nào giống như ở Việt Nam nữa”.

Theo NGUYỄN HỒNG DŨNG (Tạp chí Sông Hương)

———————————
(1), (5), (6). Jack Fletcher đã từng có mặt tại Việt những năm 1964-1965. Tư liệu sử dụng trong bài viết được rút từ Việt và Apganixtan : cuộc sống và văn học, in trong Cái mới trong khoa xã hội, Viện thông tin KHXH, số 17-1991.
(2), (3). Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tháng 12-1990.
(4). là từ Việt gọi tắt của lính Mỹ ở Việt Nam. Họ gọi những gì có ở xung quanh va mọi việc xảy đến với họ là “NAM”, còn tất cả những gì thuộc không gian và thời gian khác họ gọi là “Miền đất lớn”. Những trích dẫn trong bài viết được rút ra từ bài in trên báo
Thanh niên, phát hành ngày 16.11.1997, Danh Đức dịch.
(7). Shackler. Các cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt viết về những cơn ác mộng của họ. Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 5-1991.
(8). Lê Đình Cúc. Cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt và một số tiểu thuyết Mỹ gần đây. Tạp chí Văn học, số 5-1991.