Những cuộc chiến oai hùng bên trong địa đạo bất diệt giữa ‘vành đai trắng’

Những bí mật chưa từng kể về địa đạo “tam giác sắt” ở Nam Bộ: Những cuộc chiến oai hùng bên trong địa đạo bất diệt giữa “vành đai trắng”

›› Kỳ 1: Ký ức của kiến trúc sư xây địa đạo dài hàng trăm km dưới mưa bom bão đạn

Vùng “Tam giác sắt” chỉ cách “thủ phủ” của chính quyền Sài Gòn chưa đầy 50km. Từng một thời, nơi đây từng được gọi là vùng đất chết, là địa điểm phải hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn, hóa chất và cả những trận càn quét quy mô lớn của địch.

Nhưng suốt chiều dài cuộc chiến khốc liệt, mảnh đất này vẫn hiên ngang đứng vững. Trong chiến tranh, con người nơi đây dường như đã hóa thép, người trước ngã xuống, thế hệ sau tiếp bước đứng lên như một biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí đấu tranh bất diệt.

Những cuộc chiến oai hùng bên trong địa đạo bất diệt giữa 'vành đai trắng'

Những đường hầm còn lại ở địa đạo Tam giác sắt. Ảnh: T.G

Những chiến sĩ hóa thép trong “vành đai trắng”

Là người đi qua thời lửa đạn, cựu chiến binh Nguyễn Văn Bảy (76 tuổi, còn gọi là Bảy Trích) vẫn nhớ như in những năm tháng đau thương mà hào hùng ấy. Chầm chậm từng bước, men theo con lươn của địa đạo xưa, ông nhớ lại: “Hồi đó, địch ngày nào cũng cho máy bay quần trên bầu trời, cứ thấy người là chúng bắn, không cần biết già trẻ gì hết. Bom đạn địch trút xuống đã tạo nên một “vành đai trắng”, đến ngọn cỏ cũng rũ héo”. Quân giặc ép tất cả dân vào ấp chiến lược, không có điều kiện tiếp tế, thiếu lương thực, súng đạn nên cuộc sống của du kích trong địa đạo hết sức khó khăn. Nhưng trong tình cảnh ấy, ý chí đấu tranh lại dâng cao hơn bao giờ hết. Không còn đạn bắn, đồng bào, quân du kích lại chạy xuống địa đạo nấp và cứ thế nằm dưới lòng đất, chiến đấu ngay bên nách quân thù.

Ông Bảy còn nhớ, vào đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, khi tiến hành kế hoạch dồn dân lập “ấp chiến lược” với cái ảo tưởng thực hiên cái gọi là “tát nước bắt cá”, diệt cách mạng, kẻ thù hy vọng sẽ giành được thế chủ động trên chiến trường. Nhưng nhân dân tại vùng “Tam giác sắt” không chịu khất phục. Để tồn tại, ban ngày du kích phải sống dưới địa đạo, đêm lại trồi lên đánh địch và tìm thức ăn. Có lần cả tuần bị địch càn, anh em du kích phải sống luôn dưới địa đạo ẩm ướt. Thiếu ánh sáng, gạo dự trữ dần mốc meo, đạn dược và súng ống cũng hư hỏng. Sau này, anh em nghĩ ra cách đem gạo rang khô lên, cứ đến bữa lại truyền nhau từng nắm ăn cho qua bữa, chờ đến ngày được tiếp tế.

“Thiếu đói, mệt mỏi, nhưng cứ thấy địch là tinh thần chiến đấu lại dâng lên, át đi tất cả. Anh em du kích luôn đảm bảo được bí mật, hoàn thành nhiệm vụ che chở cán bộ và nhân dân. Không những vậy, tháng 1/1963, anh em du kích “Tam giác sắt” còn phối hợp với bộ đội địa phương đánh địch tại đường 14, tiêu diệt hai tiểu đôi địch, phá hủy một xe tăng, thu 20 súng làm chiến lợi phẩm”, ông Bảy kể.

Triệt “phong hỏa 2” bẻ “càn xê-đa-phôn” trong mùa hè đỏ lửa

Theo ông Bảy, đầu năm 1963, Mỹ – Ngụy mở trận càn mang tên “Phong hỏa 2” với hy vọng một lần nữa gom dân vào Ấp chiến lược và tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta. Trong trận càn này, địch huy động một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 5 tinh nhuệ. Chúng chia làm 2 hướng tiến vào ba xã Tây Nam Bến Cát trong vùng địa đạo sắt. Hướng thứ nhất, từ Bến Cát, địch cắt ngang qua rừng 123, càn xuống xã Phú An. Hướng thứ hai, chúng theo đường 7 đến Rạch Bắp và hành trình theo đường 14 đến xã An Tây. Với lực lượng đông đảo, trang bị vũ khí hiện đại, bọn địch cho rằng sẽ dễ dàng “hốt” trọn lực lượng du kích ba xã Tây Nam, bởi dưới địa đạo lúc đó chỉ có khoảng vài chục người bám trụ.

Nắm được kế hoạch của địch, anh em du kích “Tam giác sắt” đã chuẩn bị hết sức kĩ lưỡng nhằm bảo vệ được cán bộ và địa đạo. Căn cứ và thực lực của mình, du kích Bảy Trích lúc đó nhận định, nếu trực tiếp đối chọi chắc chắn quân ta sẽ thất bại. Theo đó, ông chỉ đạo cho anh em du kích chuẩn bị tinh thần vừa đánh vừa rút xuống địa đạo. Bằng mọi cách trước khi địch vào, ta phải thiết lập một hàng rào thép gai quanh căn cứ, tiếp đó là một bãi mìn và chông tre tạo nên thế “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cho địa đạo. Nhờ sự chuẩn bị chắc chắn này, khi địch càn vào, anh em du kích đã lần lượt “bẻ gãy” những đợt tấn công vũ bão của chúng.

Vấp phải sự phản kháng dữ dội, địch điên cuồng tổ chức những đợt càn với lực lượng lớn, bằng mọi giá phải tiêu diệt được lực lượng du kích tại chỗ, đánh sập được địa đạo. “Có lúc, chúng huy động cả trung đội cùng tiến lên một lúc. Thấy vậy, ta chủ trượng rút lui bảo toàn lực lượng, anh em cứ theo ụ chiến đấu rút vào lòng địa đạo, biến mất không một dấu vết để lại. Dù cho địch điên cuồng, bắn phá, cày xới… trên mặt đất vẫn không tìm ra tung tích của một người du kích nào. Sau này có tên tìm được cửa hầm và các ụ chiến đấu liều mạng chui vào nhưng chúng đều vĩnh viễn bỏ mạng trong lòng đất. Có giai đoạn, chúng đã tổ chức một đội quân gọi là “Chuột cống” chuyên săn lùng địa đạo. Thế nhưng, những tên “Chuột cống” cứ một đi không trở lại bởi những tay thiện xạ của du kích địa phương”, ông Bảy không giấu được niềm tự hào kể.

Trận càn “Phong hỏa 2” là một thảm bại ê chề của Mỹ – Ngụy. Đau nhất là ngay cả bộ chỉ huy trận càn của địch cũng bị ta diệt gọn. Ông Bảy nhớ về chiến công này: “Ở “Tam giác sắt”, hồi quân Pháp rút đi còn để lại một lô cốt bê tông. Ta dự đoán, trong quá trình càn quét, chỉ huy địch có thể vào lô cốt này trú ẩn nên đã gài mìn trước đó. Đúng như dự đoán, sau vài ngày càn mệt mỏi, tốp chỉ huy của địch chui vào lô cốt nghỉ ngơi và đã… tan xác. Chỉ huy thiệt mạng, quân địch như rắn mất đầu giẫm lên nhau chạy về Sài Gòn”.

Kết thúc trận “Phong hỏa 2” trong thảm bại, chúng cay cú vì “cái gai” “Tam giác sắt” vẫn không thể nhổ. Năm 1972, được sự hỗ trợ của lính Mỹ, địch cay cú tổ chức ngay trận càn mang tên Xê- Đa- Phôn nhằm vào “Tam giác sắt”. Với tổng số quân địch gồm 32.000 tên và hơn 400 xe tăng, 80 tàu chiến, trên 100 khẩu pháo cùng đủ loại máy bay, máy ủi, đội quân “Chuột cống” và gần 2.000 con chó săn. Đây được xem là trận càn với lực lượng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam của Mỹ.

Dựa vào hệ thống địa đạo, dân quân ba xã Tây Nam Bến Cát đã bám trụ vững chắc, dũng cảm chiến đấu gây cho dịch thiệt hại nặng nề. Trong một trận chiến oai hùng, du kích An Tây và bộ đội ta bắn cháy 26 xe bọc thép và tiêu diệt toàn bộ lính Mỹ trên xe. Cũng tai trận đánh này đã xuất hiên nhiều rất nhiều “anh hùng chân đất” của vùng đất này. Như anh chàng Ba Minh cùng một tổ ba người chỉ một khẩu súng tự động và một trái DH 10 đã cầm chân địch suốt một ngày, bẻ gãy nhiều đợt tấn công và diệt hơn một trung đội địch. Anh du kích Chê đã dùng súng AK bắn rơi 2 máy bay Mỹ hay chú Lường diệt 94 tên Mỹ và bắn cháy 10 xe tăng và còn nhiều người anh hùng thầm lặng khác.

Ông nguyễn Văn Trí, Chủ tịch hội cưu chiến binh xã An Tây (H. Bến Cát, tỉnh Bình Dương) kể về trận đánh ác liệt: “Cả ngày lẫn đêm, máy bay B52 dội bom xuống mặt đất. Chưa hết, chúng còn cho máy ủi, cày xới lên từng tấc hòng phá hoại địa đạo của ta. Chúng còn rải chất độc hóa học hủy diệt hàng trăm ha rừng và đầu độc nguồn nước”. Tình thế cấp bách, đói khát buộc anh em du kích phải tìm cách liên hệ để lấy thức ăn để tiếp tục chiến đấu. Trong một lần lên tìm kiếm nguồn tiếp tế, ông bị thương phải khó khăn lắm mới tìm được hầm trú ẩn, nhưng vừa vào hầm thì lại bị sập hầm. Điều thần kì là chỉ với một cây bút mà ông đã đào hơn chục mét khối đất để sống sót.

Sau hai tháng chiến đấu hết sức khó khăn vất vả, quân dân địa đạo Tam giác giệt 3.500 tên địch, 130 xe tăng và thiết giáp, 28 máy bay. Địa đạo “Tam giác sắt” vẫn hiên ngang đứng vững bất chấp những trận càn.

Đường vào bí mật

Địa đạo “Tam giác sắt” là một công trình quân sự vĩ đại, với các đường địa đạo được đào thông nhau. Tuy nhiên, để giữ bí mật, mỗi người ở khu vực địa đạo nào sẽ được phân công trấn giữ, chiến đấu tại khu vực đó. Chính vì sự phân công này mà suốt mấy chục năm qua, đường vào “Tam giác sắt” vẫn là một bí ẩn không chỉ với kẻ địch mà còn đối với những người lính du kích, từng chiến đấu tại địa đạo.

Theo Hùng Hóa – Công Thông (Giadinh.net)

Ký ức của kiến trúc sư xây địa đạo dài hàng trăm km dưới mưa bom bão đạn

Những bí mật chưa từng kể về thế trận địa đạo “tam giác sắt” ở miền Nam Việt Nam: Ký ức của kiến trúc sư xây địa đạo dài hàng trăm km dưới mưa bom bão đạn

Suốt chiều dài cuộc chiến tranh chống Mỹ, địa đạo Tam giác sắt (Bến Cát, Bình Dương) nổi lên như một cứ điểm bất khả chiến bại.

Hàng trăm trận càn, hàng triệu tấn vũ khí địch đã dội xuống nhưng vẫn không phá hủy được địa đạo này. Lần lại dấu tích xưa, chúng tôi được biết đến nhiều câu chuyện chưa từng kể về địa đạo trong những tháng năm bom đạn.

Chúng tôi có dịp theo chân người xã đội trưởng du kích lừng lẫy một thời thăm lại địa đạo và nghe kể những câu chuyện huyền thoại về mảnh đất Bến Cát trong những năm khói lửa. Ông là Nguyễn Văn Trích (tên khác là Bảy Trích, SN 1940, xã An Tây, huyện Bến Cát, Bình Dương), từng là lãnh đạo chỉ huy du kích và nhân dân địa phương trực tiếp chiến đấu, đồng thời là kiến trúc sư trưởng khai sinh công trình địa đạo Tam giác sắt.

Cho tới bây giờ, cái tên Tam giác sắt vẫn mang trong mình nhiều bí ẩn với nhiều người. Việc xác định chính xác ba đỉnh của tam giác lịch sử ấy ngay cả những người trong cuộc cũng có những kiến giải khác nhau. Có người cho rằng Tam giác sắt là vùng Tây Nam Bến Cát, cũng có thể bao gồm phần đất Tây Nam Bến Cát – Dầu Tiếng – Long Nguyên. Rộng hơn nữa, có ý kến cho rằng nó kéo dài từ Long Nguyên (Bến Cát) – Trảng Bàng (Tây Ninh) và huyện Củ Chi (TP.HCM). Qua những lần bách bộ tìm hiểu, đồng thời tham vấn ý kiến những bậc cao niên thì chúng tôi tạm xác định địa đạo Tam giác sắt nằm ở ba xã vùng tây nam Bến Cát gồm: An Điền, An Tây, Phú An ngày nay, trong đó xã An Tây được xem đỉnh tam giác quan trọng nhất. Chính nơi đây vào thời chiến hàng ngàn quân dân du kích đã đào những nhát cuốc đầu tiên, bắt đầu cho một hệ thống đường ngầm với quy mô lên tới 100km. Bên trong đường hầm ấy có hệ thống trú ẩn, phòng ngự, chiến đấu tinh vi mà theo một số nhà nghiên cứu sử đánh giá là vào loại bậc nhất trên thế giới. Địa đạo được chuẩn hóa bằng những thiết bị quân sự tối ưu nhất, đến nỗi quân Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn chưa một lần lọt vào được địa đạo này.

Trở lại quá khứ, trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đế quốc Mỹ đã vạch ra kế hoạch “Chiến tranh đặc biệt” với âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”. Chúng xây dựng chính quyền, quan đội tay sai, chỉ cung cấp trang thiết bị, huyến luyện và can thiệp dưới vai trò là những cố vấn. Vùng Tây Nam Bến Cát là địa bàn chiến lược của phía cách mạng lại chịu nhiều đợt càn quét khốc liệt của kẻ thù. Trong một cuộc họp kín mà ông Bảy Trích được tham dự, huyện ủy Bến Cát đã ra quyết định bằng mọi giá phải giữ vững được địa bàn trọng yếu này. Nhiệm vụ này chỉ có thể thực hiện khi có một địa đạo bí mật để bảo vệ cơ quan đầu não và thực hiện lối đánh du kích. Sau khi nghiên cứu kỹ thì lãnh đạo ra quyết định xây dựng một hệ thống hầm ngầm còn gọi là địa đạo, ông Bảy Trích được giao nhiệm vụ chỉ huy nhân dân tiến hành xây dựng càng sớm càng tốt theo yêu cầu bức bách của cách mạng.

Nhớ về những ngày oanh liệt ấy, đôi mắt ông Bảy Lại sáng lên đầy tự hào: “Thời bấy giờ mô hình chiến đấu trong lòng đất còn là một điều vô cùng xa lạ với mọi người. Tại Bến Cát vào năm 1948 địa đạo đã được sử dụng nhưng đó chỉ là một mô hình đường hầm còn rất thô sơ, vì vậy cũng như mọi người, tôi rất mơ hồ về cách thức xây dựng. Những ngày đầu, để tránh sự phát hiện của kẻ địch, cứ đêm xuống, tôi lại phải bí mật vượt sông Sài Gòn tới căn cứ cách mạng ở Củ Chi để nghe các cán bộ hướng dẫn cách xây dựng địa đạo. Những người dạy tôi xây địa đạo đều là các cán bộ Đảng nòng cốt tại Nam Bộ, tất cả đều dùng bí danh nên ngay cả khi đối mặt, nói chuyện trực tiếp thì cũng không biết được tên họ là gì, quê quán ở đâu”.

Sau khi được thống nhất cách thức xây dựng thì Ban chỉ huy cơ sở được thành lập gồm chỉ huy trưởng Bảy Trích, hai phụ cấp là ông Sáu Tấn và Bảy Bằng tất cả đều là người sống địa phương. Bản kế hoạch chi tiết, với những phân công hợp lý được thông qua trước toàn thể du kích, nhân dân, tất cả cùng đồng lòng hy sinh vì địa đạo. Ông Bảy hào hứng nhớ lại: “Chưa bao giờ tôi thấy không khí lao động khẩn trương, nghiêm túc và tự giác như thế, vì ai cũng tin vào Đảng vào cách mạng sẽ thành công trong tương lai. Vùng đất Tây Nam Bến Cát trở thành một công trường “ngầm” khổng lồ, hoạt động không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm. Tất cả người dân từ các cụ già, em nhỏ, phụ nữ… đều tự nguyện góp sức cho địa đạo”.

Với lực lượng được huy động lên đến hơn hai ngàn nhân công, ông Bảy Trích trực tiếp chỉ huy với sự phân công lao động rất khoa học. Thanh niên trực tiếp đào hố, phụ nữ đổ đất, trẻ em thì lôi ki (dụng cụ kéo đất), người già không thể trực tiếp lao động thì ở nhà đan ki. Lòng người được cổ vũ, tổ lao động nào cũng hăng say, thi đua lẫn nhau khiến hiệu quả công việc tăng lên gấp nhiều lần. Ông Bảy Trích nhớ lại: “Ngày ấy làm gì có tiền mà tặng thưởng, chỉ có cờ thi đua cắm ngay trên phần đất của tổ để lấy tinh thần thôi. Nhưng người dân hồ hởi lắm, họ xem đó là phần thưởng quý giá nhất. Đi làm vất vả thế họ còn phải tự túc lương thực, họa may có bữa được khuyến khích bằng mấy củ khoai mì, khoai lang vào buổi sáng”. Trong đêm tối không ánh đèn, quân, dân vẫn âm thầm đào và vận chuyển hàng vạn mét khối đất đem đi phi tang ngay trước “mũi” quân thù. Tại các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng.

Chỉ với những lưỡi cuốc, ki tre và những con người đói ăn, thiếu áo, trong vòng hai năm họ đã tạo nên công trình đồ sộ dài gần 100km với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau một cách kỳ diệu. Địa đạo cao 1,2m, rộng 0,8m sâu dưới mặt đất cỡ chừng 4m, có những đoạn được cấu trúc từ 2 đến 3 tầng dùng cho chiến đấu, trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm. Dọc theo đường hầm đều có lỗ thông hơi được ngụy trang kín đáo. Chung quanh cửa hầm lên xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái, có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng lựu chống máy bay trực thăng đổ chụp nhằm ngăn chặn địch tới gần. Trong suốt 20 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ, ba xã vùng Tây Nam Tam giác sắt đã phát huy tác dụng của một địa đạo chiến. Khi đi vào hoạt động địa đạo là lô cốt “bất khả chiến bại” của quân, dân ba xã Tây Nam Bến Cát. Nơi đây cũng bẻ gãy nhiều cuộc hành quân, chôn vùi hàng ngàn tên giặc, bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép của Mỹ-Ngụy.

Trong giọng kể trầm hùng của người cựu chiến binh già khiến chúng tôi, những thế hệ đi sau chưa từng biết đến chiến tranh dưng dưng cảm xúc. Ông Bảy bảo, để xây dựng và bảo vệ địa đạo, quân dân Bến Cát đã hi sinh không biết bao nhiêu xương máu. Vì vậy, khi chiến tranh đã lùi xa, địa đạo Tam giác sắt vẫn uy nghi như một bức thành đồng, nơi lưu dấu chiến công oai hùng những năm khói lửa.

Địa đạo đầu tiên ở Nam Bộ?

Theo những cứ liệu lịch sử, thì “Tam giác sắt” chính là công trình địa đạo đầu tiên tại Việt Nam. Được khởi công năm 1961, tới năm 1963 về cơ bản được hoàn thành. So với các căn cứ khác như Vịnh mốc (1965), Vĩnh Linh (1966), Nhơn Trạch (1963), khe Trái- Thừa Thiên Huế (1967)… địa đạo nổi tiếng Củ Chi cũng bắt đầu xây dựng năm 1961, nhưng điều đặc biệt theo “kiến trúc sư” Bảy Trích thì nó lại được xây dựng lại theo mô hình địa đạo “Tam giác sắt”.

Kỳ 2: Những cuộc chiến oai hùng bên trong địa đạo thép

Theo Hùng Hóa – Công Thông (Giadinh.net)

Đại tá Trần Văn Tâm nói về địa đạo dài nhất được công nhận kỷ lục châu Á

Đại tá Trần Văn Tâm nói về địa đạo dài nhất được công nhận kỷ lục châu Á

Nhân sự kiện địa đạo Củ Chi được nhận bằng kỷ lục châu Á vào ngày 26.5.2012 tới tại Khách sạn Rex, Đại tá Trần Văn Tâm – Giám đốc Khu di tích lịch sử địa đạo Củ chi đã dành cho Cổng thông tin điện tử Kỷ lục cuộc trao đổi về địa đạo này qua nội dung dưới đây:

Chào ông, xin ông cho biết địa đạo Củ Chi được nhân dân khởi công đào từ năm nào, lúc bấy giờ có chiều dài và độ sâu bao nhiêu?

– Sau Nam kỳ khởi nghĩa, địa đạo Củ Chi hình thành từ hai vùng: 1. Vùng địch chiếm: Từ những căn hầm bí mật đào thông nhau bởi một đoạn hào, trên đoạn hào lát cây ngang qua rồi lắp đất lên, đi phía dưới. 2. Vùng giải phóng: Đào một đường hào dài vài trăm mét, trên hào lát cây ngang, lắp đất lại, đi lại ở dưới đoạn hào đó. Qua những trận càn quét của thực dân Pháp địa đạo rất dễ bị phát hiện và bị thiệt hại. Đến năm 1948, địa đạo Củ Chi chuyển sang đào sâu xuống từ 2,5m – 3,5m rồi đào khoét vô theo hướng phải, trái. Địa đạo được đào đầu tiên ở hai địa điểm: ấp Bà Giã, xã Phước Vĩnh An và ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, sau đó phát triển ra các xã khác.

Kết thúc thời kỳ chống Pháp, ở Củ Chi mới có 48km địa đạo. Do cường độ chiến tranh lúc này chưa ác liệt nhiều nên cấu trúc địa đạo cũng đơn giản.

Đến thời chống Mỹ, địa đạo Củ Chi có mấy khu, hệ thống địa đạo có mấy tầng, khoảng cách giữa tầng này với tầng kía là bao nhiêu mét? Tổng chiều dài đường hầm “xương sống” và các đường hầm nhánh? Hiện nay chiều dài ấy còn lại bao nhiêu kilômet, thưa ông?

– Trong thời kỳ chống Mỹ, địa đạo Củ Chi có hai khu:

+ Bến Dược: Căn cứ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định.

+ Bến Đình: Căn cứ Huyện ủy Củ Chi.

Lúc này, cường độ chiến tranh từng bước diễn ra ngày càng quyết liệt. Qua rút kinh nghiệm trong thời kỳ chống Pháp, cấu trúc địa đạo ngày càng phức tạp, kiên cố hơn, vững chắc hơn và bất ngờ hơn để đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi.

Giai đoạn 1961 – 1965, Mỹ – ngụy tiến hành chiến lược Chiến tranh đặc biệt: Quân ngụy trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ nên cường độ chiến tranh có ác liệt nhưng chưa đến đỉnh cao. Vì vậy, địa đạo Củ Chi có cấu trúc chưa hoàn hảo, chỉ hình thành được đường địa đạo “xương sống” có độ sâu từ 2,5m – 3,5m, nối liền 6 xã phía Bắc Củ Chi địa đạo chỉ thông nhau trên địa bàn 2 ấp gần nhau của 2 xã gần nhau).

Giai đoạn 1966 – 1972, giai đoạn này địa đạo đã thông nhau với các công trình dưới lòng đất như: hầm làm việc, hầm sinh hoạt, hầm ăn uống, hầm nghỉ ngơi… chưa có nắp trầm, nắp bổng, hầm chông, đoạn eo, bẫy gài trong địa đạo. Riêng địa đạo nhánh (của từng ấp, từng cơ quan, từng đơn vị), nơi nào địa đạo có 2 – 3 độ sâu (từ 6m – 8m) mới có ụ, ổ chiến đấu, nắp trầm, nắp bổng.

Khi Mỹ – ngụy thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ, quân Mỹ trực tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, đánh phá thường xuyên vào vùng giải phóng. Từ đó, cường độ chiến tranh từng bước được đẩy lên đến đỉnh cao của sự ác liệt. Rút kinh nghiệm qua thiệt hại của giai đoạn trước, giai đoạn này cấu trúc địa đạo có sáng tạo hơn, vững chắc, kiên cố hơn, liên hoàn dưới lòng đất, trên mặt đất thành hệ thống “địa đạo chiến”. Chiến hào được thông với ụ, ổ chiến đấu, các hầm thông với địa đạo cộng với các bãi tử địa, các loại cạm bẫy đảm bảo Tiến có thế công, lui có thế thủ, bất luận trong tình huống nào cũng giữ được thế chủ động tấn công địch.

Giai đoạn 1973 – 1975, chỉ sử dụng hệ thống địa đạo cũ có từ trước (1966 – 1972 ), không đào địa đạo mới nữa.

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân và dân Củ Chi đào trên 250km đường hầm. Hiện nay, địa đạo được bảo tồn khoảng 10km để phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ Việt Nam và du khách quốc tế đến tham quan.

Ở tầng 3 địa đạo, một người chỉ có thể bò hoặc đi lom khom khi di chuyển

Thưa ông, để chống lại sự càn quét liên tục của địch ở địa đạo như: dùng chó phát hiện miệng địa đạo, gieo cỏ phá địa hình, dùng “đội quân chuột cống”…, quân và dân ta đã áp dụng những chiến thuật phản kích nào để địa đạo tồn tại đến ngày toàn thắng?

– Muốn đánh phá được địa đạo, Mỹ – ngụy thường thực hiện các bước sau: Nắm tình hình, thu thập tin tức từ những tên chiêu hồi, đầu hàng hoặc dùng tiền của dụ dỗ gia đình cán bộ, du kích bị gom vào ấp chiến lược; Sử dụng đội quân “chuột cống” và chó nghiệp vụ phát hiện hơi người qua lỗ thông hơi và cửa bí mật lên xuống địa đạo;Rải “cỏ Mỹ” để mùa mưa phát hiện lối hành quân của du kích. Mùa nắng thì đốt cỏ cháy hết để phát hiện du kích và căn cứ của ta.

Khi phát hiện nơi có địa đạo (hoặc nghi ngờ có địa đạo), Mỹ – ngụy tiến hành các thủ đoạn đánh phá sau: Gọi máy bay đến ném bom, gọi các cụm pháo chung quanh bắn tới với các cỡ bom pháo lớn khoan sâu xuống đất và nổ chậm để phá địa đạo; Huy động lực lượng, phương tiện để bơm nước, xông khói, hơi độc, hơi ngạt xuống địa đạo; Tập trung xe ủi, xe tăng hạng nặng xới, ủi, chà đi, xát lại để phá địa đạo.

Những loại bom đã được địch ném xuống vùng đất Củ Chi hòng phá hủy địa đạo nhưng đều thất bại

Về phía ta, cách phòng chống Mỹ – ngụy đánh phá địa đạo là kiên quyết đánh trả địch mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi loại vũ khí, bằng mọi cách đánh, kiểu đánh; Ở thì phân tán – đánh thì tập trung. Làm nắp trầm, nắp bổng ngay chỗ lên xuống giữa hai độ sâu để chống Mỹ – ngụy bơm nước, xông khói, hơi độc, hơi ngạt xuống địa đạo. Đào nhiều hầm chông, đoạn co, đoạn nút, các loại cạm bẫy để tiêu diệt lính Mỹ – ngụy khi chúng chui xuống địa đạo tìm theo du kích hoặc ít ra cũng làm chậm bước tiến của chúng.

Bên cạnh địa đạo chính phải có địa đạo phụ. Thực hiện tốt khẩu hiệu 5 không: Đi không dấu – nấu không khói – nói không to – ho không tiếng – giếng không mòn. Sử dụng ớt, tiêu xay nhuyễn, quần, áo, xà phòng, khăn mặt lính Mỹ thường dùng bỏ lại trên chiến trường, cắt nhỏ ra, đặt quanh lỗ thông hơi và cửa lên xuống địa đạo để chống chó nghiệp vụ.

Lỗ thoát hơi được ngụy trang thành ổ mối

Sau năm 1975, Địa đạo Củ Chi trở thành Khu di tích lịch sử và du lịch nổi tiếng của TP. Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung. Ông hãy cho biết việc trùng tu, nâng cấp địa đạo đã được Ban quản lý Khu di tích địa đạo tiến hành qua mấy giai đoạn và hiện nay ra sao?

– Ngay từ ngày giải phóng, Thành ủy – UBND, Bộ CHQS TP. Hồ Chí Minh (nay là Bộ Tư lệnh thành phố) và Huyện ủy – UBND huyện Củ Chi có chủ trương giữ gìn di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (Bến Dược và Bến Đình) để tôn tạo, bảo tồn.

Đến năm 1978 mới có kế hoạch sửa chữa một số căn hầm và đường địa đạo, đồng thời đã tiếp một số đoàn khách quốc tế, một số đoàn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và cựu chiến binh về thăm căn cứ cũ – chiến trường xưa. Do nhu cầu tham quan tìm hiểu, nghiên cứu ngày càng tăng của khách, nên đầu năm 1980, Thành ủy và Bộ CHQS TP. Hồ Chí Minh có chủ trương lập kế hoạch khôi phục tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp và qui tập hiện vật về khu di tích.

Đầu năm 1990, được UBND TP. Hồ Chí Minh cho phép liên doanh với Công ty Du lịch thành phố để khai thác lượng khách trong và ngoài nước đến với địa đạo và bắt đầu thu phí tham quan (khách Việt Nam gần như miễn phí).

Đến năm 1994, UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định đổi tên từ Xí nghiệp liên doanh Du lịch 87 thành Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi trực thuộc Bộ CHQS Thành phố và được hạch toán độc lập, là Đơn vị sự nghiệp có thu. Nhiệm vụ chính của Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi là tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Củ Chi nói riêng và cả nước nói chung trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và đế quốc Mỹ cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu địa đạo.

Hiện nay, Ban giám đốc Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi luôn chú trọng đến công tác giữ gìn, tôn tạo các công trình di tích lịch sử, sưu tầm hiện vật trưng bày và đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng như: Khu tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi; sa bàn tam giác sắt; hồ mô phỏng Biển Đông và ba mô hình thu nhỏ đặc trưng của ba miền (miền Bắc: Chùa Một Cột; miền Trung: Ngọ Môn Huế; miền Nam: Bến Nhà Rồng); phục hồi, trùng tu Di tích lịch sử Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tại số 87A Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận; Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn – Gia Định; tái hiện, tôn tạo Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác huyện Cần Giờ; mở rộng Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (125ha) tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương để để tái hiện khu căn cứ hoạt động bám trụ vùng sông nước ven đô Sài Gòn… và mở rộng các loại hình dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí của du khách như: Hồ bơi, Trường bắn thể thao quốc phòng, bắn súng đạn sơn, nhà hàng, dịch vụ canô du ngoạn ngắm sông Sài Gòn, chèo thuyền kayak, bơi thiên nga, xe đạp đôi…

Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở đền Bến Dược

Tái hiện lại cảnh sinh hoạt

Mô hình thu nhỏ Ngọ Môn Huế.

Đền thờ Bến Dược Củ Chi là đền thờ được xây dựng với quy mô khang trang, bề thế để thờ các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên vùng đết Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, xin ông cho biết những hạng mục chính của đền thờ và tổng số Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh được tôn thờ tại đây, cũng như số lượng du khách trong và ngoài nước đến thăm địa đạo hàng năm?

– Công trình Đền TNLS Bến Dược Củ Chi do Hội kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh thiết kế mà trực tiếp là Kiến trúc sư Khương Văn Mười. Công trình có 5 hạng mục. Cụ thể 5 hạng mục của công trình Đền là: Cổng Tam quan, Nhà văn bia, Tháp, Đền chính (chính điện và tầng hầm), hoa viên, 3 bức tranh hoành tráng và biểu tượng Hồn thiêng đất nước. Hiện nay, trong đền đã khắc được 54.752 tên liệt sỹ.

Xin cảm ơn ông đã cho độc giả thêm nhiều thông tin thú vị về địa đạo Củ Chi!

Bạn đọc có thể tham khảo lượng khách tham quan địa đạo qua bảng số liệu sau (Từ 1990-2011)

STT

Năm

Tổng số khách

Ghi chú

01

1990

36.116 lượt người

– Việt Nam : 26.845

– Ngoại quốc : 9.271

02

1991

156.960 lượt người

– Việt Nam :126.597

– Ngoại quốc : 30.363

03

1992

159.170 lượt người

– Việt Nam : 79.913

– Ngoại quốc : 79.257

04

1993

250.274 lượt người

– Việt Nam : 165.650

– Ngoại quốc : 84.624

05

1994

373.508 lượt người

– Việt Nam : 236.867

– Ngoại quốc : 136.641

06

1995

732.068 lượt người

– Việt Nam : 531.092

– Ngoại quốc : 200.976

07

1996

1.261.137 lượt người

– Việt Nam : 1.036.789

– Ngoại quốc : 182.371

08

1997

1.280.328 lượt người

– Việt Nam : 1.120.140

– Ngoại quốc : 160.188

09

1998

1.261.137 lượt người

– Việt Nam : 1.128.265

– Ngoại quốc : 132.872

10

1999

1.324.300 lượt người

– Việt Nam : 1.164.331

– Ngoại quốc :159.969

11

2000

826.200 lượt người

– Việt Nam : 642.337

– Ngoại quốc : 183.863

12

2001

875.801 lượt người

– Việt Nam : 641.683

– Ngoại quốc : 231.118

13

2002

994.646 lượt người

– Việt Nam : 762.286

– Ngoại quốc : 232.360

14

2003

888.855 lượt người

– Việt Nam : 668.663

– Ngoại quốc : 220.192

15

2004

904.561 lượt người

– Việt Nam : 660.508

– Ngoại quốc : 244.053

16

2005

839.166 lượt người

– Việt Nam : 544.188

– Ngoại quốc : 284.928

17

2006

834.926 lượt người

– Việt Nam : 511.106

– Ngoại quốc : 323.820

18

2007

892.290 lượt người

– Việt Nam : 505.054

– Ngoại quốc : 387.236

19

2008

790.529 lượt người

– Việt Nam : 354.069

– Ngoại quốc : 436.460

20

2009

1.125.000 lượt người

– Việt Nam : 766.339

– Ngoại quốc : 358.661

21

2010

1.263.919 lượt người

– Việt Nam : 852.243

– Ngoại quốc : 411.676

22

2011

1.420.000 lượt người

– Việt Nam : 927.484

– Ngoại quốc : 492.516

Như Bá (thực hiện) – kyluc.vn

Chống các loại hình chiến tranh của Mỹ trên Đường Mòn Hồ Chí Minh

Để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh xâm lăng Việt Nam, Hoa Kỳ đã sử dụng hầu như tất cả các loại vũ khí hiện đại nhất, tối tân nhất, với mọi loại hình chiến tranh nhằm cắt đứt tuyến vận tải quân sự chiến lược 559. Cuộc chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong và các lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh vì vậy diễn ra hết sức ác liệt, nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Những chiến công kì diệu đó đã góp phần làm nên huyền thoại của con đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Bài viết đề cập vài nét về sự hình thành đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh huyền thoại, những loại hình chiến tranh Mỹ tiến hành trên tuyến đường này và những chiến công hào hùng của bộ đội Trường Sơn.

1. Vài nét về sự hình thành và phát triển của đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh

Đường Trường Sơn hay đường 559 ra đời vào đúng ngày sinh nhật Bác (19/05/1959) là một phức hợp mạng lưới mạng lưới giao thông chiến lược gồm các trục đường Trường Sơn Đông chạy từ Khe Hó (Quảng Bình) vào tới Bù Gia Mập (Bình Phước – Đông Nam Bộ); Trường Sơn Tây từ Làng Ho (Vĩnh Linh) qua Bản Đông xuống Hạ Lào, chạy tới Kratiê vùng Đông Bắc Campuchia; đường thủy dọc trên sông Kông, MêKông, XêBăngHiên dài 500 km; đường ống xăng dầu dài 1400 km hình thành từ tháng 06/1968 chạy từ Quảng Trị đến Lộc Ninh. Đường Hồ Chí Minh trên biển của những con tàu không số chạy từ miền Bắc qua hải phận quốc tế tới Phú Yên – Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau sang tận cảng Xihanuoukville. Đường Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh hay mang phiên hiệu đường 559 chỉ là một. Đó là con đường cung cấp hậu cần, binh lực, lương thực và vũ khí khí tài để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam , con đường giải phóng miền Nam của cả dân tộc. Người ta gọi là đường Hồ Chí Minh huyền thoại vì nó gắn với những chiến công kì diệu đã đi vào trái tim và khối óc của người Việt Nam và bạn bè thế giới. Trong 16 năm tồn tại (1959 – 1975) đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh huyền thoại (dài gần 20.000 km) đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử của mình góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu quốc và nay đang đóng vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước – theo định hướng phát triển của Việt Nam đến năm 2020.

2. Những loại hình chiến tranh Mỹ tiến hành nhằm cắt đứt đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh

Ngăn chặn sự chi viện quân sự từ miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam qua ngả đường mòn Hồ Chí Minh là mục tiêu chiến lược của Mỹ và ngụy quân Sài Gòn và họ đã đẩy những nỗ lực chiến tranh lên cao nhất để được mục tiêu trên. Mỹ đã tiến hành nhiều loại chiến tranh khác nhau như chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học và chiến tranh khí tượng trên toàn tuyến đường. Lần đầu tiên, Mỹ đã sử dụng nhiều vũ khí tối tân nhất, tập trung khối lượng lớn bom, mìn thả xuống dọc dãy núi Trường Sơn. Các loại hình chiến chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học và chiến tranh khí tượng của giặc đã gây khó khăn và thiệt hại rất lớn cho Binh đoàn Trường Sơn. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam thần kỳ với mọi lực lượng và phương tiện đánh giặc mọi nơi, mọi lúc của bộ đội và nhân dân trên tuyến đường này đã hóa giải, khai thác những khuyết điểm của vũ khí giặc, hạn chế thấp nhất những thiệt hại của ta, và làm thất bại hoàn toàn âm mưu ngăn chặn đường mòn Hồ Chí Minh của Mỹ.

a. Chiến tranh điện tử

Từ năm 1966, để ngăn chặn các tuyến vận tải quân sự trên Đường mòn Hồ Chí Minh, Mỹ thiết lập Hàng rào điện tử McNamara, bắt đầu từ Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị), dọc Đường 9 đến Sê Pôn (Nam Lào), kết hợp với chiến thuật dùng máy bay đánh phá đường, cầu, các trọng điểm giao thông…

Hàng rào điện tử McNamara là tên gọi cho hệ thống các phương tiện điện tử phát hiện thâm nhập được quân đội Mỹ sử dụng dọc theo khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ Chí Minh như một biện pháp trinh sát mặt đất tự động nhằm phát hiện các hoạt động vận chuyển của quân đội giải phóng lưu thông qua khu vực này trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Hàng rào điện tử McNamara được quyết định xây dựng từ tháng 6 năm 1966 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara, bao gồm hệ thống 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản (hàng rào dây thép gai, bãi mìn…), các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không (ra đa, máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn…), được bố trí liên hoàn trong khu vực có chiều rộng 10–20 km, dài khoảng 100 km từ cảng Cửa Việt lên đường 9, tới biên giới Việt Nam – Lào, sang Mường Phìn (Lào). Trước khi khởi động chương trình này Mc Namara ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 1 tỷ đô – la nhưng thực tế là cần 2 tỷ đollar để triển khai cho cuộc “chiến tranh điện tử” 3

Loại máy được gọi là “Cây nhiệt đới” (ADSID hay Air Delivered Seismic Intrusion Detector) thả từ trên máy bay để đầu nhọn có cảm biến địa chấn cắm vào trong đất. Chỉ cần một tiếng động nhỏ, lập tức máy thu phát cây nhiệt đới báo tin về đài chỉ huy, để rồi pháo từ hạm đội 7, máy bay trực thăng oanh tặc, thả bom tiêu diệt đối tượng từ địa điểm vừa phát ra tiếng động. Tuy nhiên, Mỹ mới thực hiện được một đoạn hàng rào dài chừng 25 km (từ Gio Hải đến xã Hải Thái bây giờ) thì âm mưu này đã bị thất bại.

Để đối phó và vô hiệu hóa hàng rào điện tử McNamara ta đã sử dụng rất nhiều biện pháp khác nhau như: nghi binh đánh lừa máy bay Mỹ hoặc sử dụng các dụng cụ thám báo Arthur Dommen, như phóng viên báo Los Angeles Times nhận xét: “Bắc Việt dùng mồi giả, đồng thời họ đặt ở đó tên lửa phòng không dày đặc, thế là hàng loạt máy bay sa vào bẫy”.

Gậy ông đập lưng ông: với những phương tiện đơn giản lạ đạt nhiều kết quả như kể trên, các chiến sĩ Đoàn 559 còn đi xa hơn nữa: dùng thiết bị Mỹ để đánh Mỹ. Cũng theo phương pháp trên, những chiếc cassette được đặt bí mật vào sát các khu căn cứ của Mỹ. Và thật bất ngờ, Không quân Mỹ giội bom vào căn cứ Mỹ. Việc này làm cho Bộ Chỉ huy Mỹ kinh hoàng, bối rối. Nhiều giả thiết được đặt ra. Mà theo logic rất Mỹ thì cái giả thiết được lưu ý nhất là: Tình báo Bắc Việt Nam đã có cách gì đó lọt được vào hệ thống mạng chỉ huy tối mật của quân đội Mỹ chăng?

Cuốn Lịch sử Cơ quan Tình báo tín hiệu Mỹ SIGINT (American Signals Intelligence) trong chiến tranh Việt Nam viết: “Cơ quan An ninh Quốc gia vừa mới công bố những tài liệu cho thấy rằng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, có một số lần những đơn vị tình báo của Bắc Việt Nam đã thành công trong việc thâm nhập các hệ thống thông tin của Liên quân, và từ phía bên trong hệ thống này họ đã kiểm soát được kênh chuyển tin. Nhưng đôi khi họ còn làm được nhiều hơn thế.

Tình báo Mỹ hồ nghi rằng “đã có một vài lần những người cộng sản, bằng cách thông tin qua các mạng lưới sóng radio của quân Mỹ, đã có thể kêu gọi pháo binh và không quân của Liên quân tấn công vào những đơn vị của Hoa Kỳ.” Chuyện này vẫn đang làm cho dư luận Mỹ sửng sốt. Steven Aftergood, Giám đốc Cơ quan Khoa học Liên bang Mỹ FAS (Federation of American Scientists), nói với hãng tin AFP rằng:“Đó là điều mà tôi chưa bao giờ được nghe tới từ trước đến nay.”

b. Chiến tranh hóa học

Máy bay Mỹ đang rải chất độc diệt rừng xuống Việt Nam trong Chiến dịch Ranch Hand. Chiến dịch Ranch Hand là mật danh chỉ hoạt động phun hoá chất khai quang của không quân Mỹ xuống Việt Nam từ năm 1962 đến 1971. Hợp chất có chứa độc tố kinh khủng nhất mà con người biết đến là dioxin này đã gây ra những hậu quả dai dẳng đối với con người và môi trường ở Việt Nam .

Ngày 30/11/1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã thông qua trên nguyên tắc việc sử dụng chất diệt rừng tại chiến trường Việt Nam . Biệt đội thực hiện Chiến dịch Ranch Hand được thành lập với 6 máy bay. Giai đoạn đỉnh cao của chiến dịch này vào năm 1969, biệt đội có tới 25 máy bay đặc chủng các loại. Cơ cấu tổ chức của biệt đội thay đổi theo thời gian. Trong giai đoạn cao điểm nhất của hoạt động rải chất diệt rừng và phá hoại môi sinh từ 1966-1970 nó được biết đến với tên gọi Phi Đội Biệt Kích đường không số 12 (12th Air Commando Squadron) hay Phi đội chiến dịch đặc biệt số 12 (12th Special Operations Squadron). Về mặt nhân sự và phương tiện, Ranch Hand là một phần trong toàn bộ các chiến dịch của không quân Mỹ ở vùng Đông Nam Á.

Mục tiêu của Mỹ là khai quang làm băng hoại những cánh rừng già dọc dãy Trường Sơn dùng bom dạn và hỏa lực chặn đứng tiếp vận và hành quân tiếp viện của bộ đội ta trên đường mòn Hồ Chí Minh. Lớp áo khoác ngụy trang của tự nhiên đã bị Mỹ rải chất độc tiêu diệt đã gây ra không ít khó khăn cho những cuộc vận chuyển vũ khí quân ta. Tạo điều kiện cho máy bay địch oanh tạc, không kích. Bộ đội ta đã phải chuyển sự vận tải từ ngày sang đêm, đồng thời kết hợp mưu trí đánh lừa không quân địch. không quân Mỹ biết rất rõ có những đoàn xe lớn chỉ di chuyển vào ban đêm nên tập trung lực lượng đánh phá vào ban đêm. Ban ngày phi công ngủ. Tương kế tựu kế, Đoàn 559 chọn những khu rừng chưa bị trụi lá kết các cành lá lại thành những tuyến đường “ngầm”, không phải ngầm trong lòng đất mà ngầm dưới tán lá rừng (bí danh là Đường K).

Cho đến mùa khô 1971-1972, độ dài của những con đường ngầm này ở phía Tây Trường Sơn lên tới 778 km. Trên những tuyến đường này, lợi dụng lúc các phi công Mỹ ngủ ngày, xe có thể chạy suốt ban ngày và lại nghỉ ban đêm… Trong suốt mùa khô 1971-1972, có tới 71% số xe tải phục vụ cho cuộc tiến công lớn 1972 là đi theo hệ thống Đường K này 11. Đó hẳn là điều mà có lẽ Bộ Tư lệnh Không quân của Mỹ không ngờ tới.

c. Chiến tranh khí tượng

Vẫn chưa hài lòng với 2 loại hình chiến tranh “điện tử và hóa học”, Mỹ còn tiến hành thêm một loại hình chiến tranh mới gọi là “chiến tranh khí tượng”. Đây là một loại hình chiến tranh mà Mỹ đã sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất cùng những thiết bị hiện đại nhất với mục đích làm đảo lộn, phá hủy môi trường gây lụt lội, tắc ách ở trên toàn tuyến đường. Loại chiến tranh khí tượng của Mỹ được che đậy dưới từ ngữ huyễn hoặc, thơ mộng “người đồng bào trung gian” (Intermediary compatriot), chương trình mở mắt (pop eye), công trình sông Nill xanh ( Blue Nile )…

Mùa mưa hàng năm làm ảnh hưởng tới các hoạt động vận tải của đường Trường Sơn và cũng gây khó khăn cho các chiến dịch ném bom. Ngoài ra, sương mù buổi sớm và khói do tập tục đốt rẫy của dân cư thiểu số cũng làm sai lạc việc ném bom của không quân Mỹ. Trong năm 1968, Không quân Mỹ thực hiện hai thí nghiệm với hy vọng làm trầm trọng hơn nữa kiểu thời tiết xấu của mùa mưa. Dự án Popeye là một cố gắng nhằm kéo dài vô hạn mùa mưa trên đường Trường Sơn bằng cách tạo mây. Dự án bắt đầu thử nghiệm vào tháng 9 trên vùng lưu vực sông Kong – con sông chảy qua địa bàn của các chiến dịch Steel Tiger và Tiger Hound. Mây được tạo trong không trung bằng các đám khói bạc iodide và sau đó được kích hoạt bằng một mồi nổ bắn ra từ súng bắn pháo sáng. Dự án thử nghiệm thành công và chương trình đã được thực hiện cho đến tháng 7 năm 1972 6. Dự án được bắt đầu thử nghiệm vào tháng 5. Các nhà khoa học ở công ty Dow Chemical đã chế tạo một dung dịch hóa học mà khi trộn với nước mưa sẽ phá hủy tính ổn định của các thành phần của đất và tạo ra bùn. Các nhà quân sự Mỹ rất kỳ vọng vào chương trình Commando Lava7 nhưng thực ra nó đã thất bại ngay khi thử nghiệm và sau đó bị xếp xó.

Trong những năm chiến tranh (1965-1973), các lực lượng Đoàn 559 không hề biết Mỹ đã tăng sức phá hủy của lũ lụt ở Trường Sơn. Mãi đến 1974, khi được những thông tin kỹ thuật nói rõ, tờ Navy Times (5/6/1974), tiết lộ từ năm 1967 đến 1972, Không quân Hoa Kỳ đã tiến hành 2.062 phi vụ làm mưa nhân tạo trên đường mòn Trường Sơn, tiêu tốn 21,6 triệu USD… Tuy gây được sức cản nặng nề cho kế hoạch tiếp tế của Hà Nội, song vẫn không có tín hiệu ngăn chặn được họ (!).Ở những đoạn đi men những vách núi hiểm trở mà bị bom đánh phá đứt đường, không có mìn để phá núi làm đường thì công binh và thanh niên xung phong đã dùng gỗ, dùng cây để bắc tạm những chiếc cầu nhỏ, chỉ có một hàng ván cho một bên bánh xe. Còn bánh xe bên kia thì tì vào vách núi mà đi! Những chiếc cầu “khỉ” vắt vẻo trên vách đá như thế là cực kỳ nguy hiểm. Để giảm trọng tải của xe, nhiều khi phải bốc dỡ hàng xuống, cho những xe lần lượt đi qua rồi lại bốc hàng lên.

Vượt qua những cầu khỉ vào ban đêm, ngoài sự nguy hiểm về sức chịu đựng của ván gỗ và cọc gỗ, còn có vấn đề: Không có cọc tiêu dẫn đường. Chỉ trệch một vài centimet là xe có thể lao xuống vực. Máy bay lượn trên đầu, không được có một chút ánh sáng nào. Cọc tiêu thì không có, vì đường còn chưa làm nổi thì lấy đâu ra cọc tiêu để cắm! Những chiến sĩ thanh niên xung phong trên tuyến đường 559 đã khoác nylon trắng (lấy từ đèn dù do C130 thả) đứng ven những tấm ván để làm cọc tiêu. Ban đêm, nhìn thấy những vệt trắng lờ mờ thì lái xe biết rằng đó là giới hạn giữa cái sống và cái chết, giữa thoát hiểm và lao xuống vực. Từ đó đã xuất hiện một danh từ chưa từng có trong lịch sử giao thông thế giới là “cọc tiêu sống”.

Điều kiện khí hậu khắc nghiệt cộng với sự phá hoại điên cuồng của Mỹ đã làm đường mòn Hồ Chí Minh càng trở nên hiểm trở. Chính vì thế ở đây đã cho ra đời một luật lệ giao thông “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Riêng xe tải trên đường Trường Sơn có luật riêng, xe lúc thì đi bên trái, lúc thì đi bên phải, tránh nhau rất lạ. Vì trên những dốc của Trường Sơn, đường vừa hẹp, vừa dễ sụt lở nên “luật” là ưu tiên cho xe đi vào, vì xe đi vào chở nặng, xe đi ra chở nhẹ. Theo luật này bất cứ xe nào từ Bắc vào đều được ưu tiên đi sát bên vách núi. Những xe đi ra phải tránh ra phía mép đường, bất kể là bên trái hay bên phải.

Người ta không thể nào kể hết những biện pháp đầy mưu trí và sáng tạo của quân và dân trên đường Trường Sơn, rõ ràng đây không chỉ là sự đọ sức, đọ kỹ thuật, đọ tiền bạc, mà còn là sự đấu trí. Trong cuộc đọ sức đó, cuối cùng Việt Nam đã chiến thắng sức mạnh quân sự bạo tàn của Mỹ, một ký giả Mỹ đã viết: “Người Việt Nam đã cho thế giới thấy có một khoảng cách ghê gớm giữa khoa học kỹ thuật với sức mạnh thuần túy của con người. Hãy tưởng tượng xem, nếu người Việt Nam bị đánh bại thì thế giới sẽ ra sao? Chúng ta sẽ chẳng còn biết làm gì nữa ngoài việc quỳ gối trước những thần tượng của kỹ thuật”.

3. Kết luận

Từ 1964 bộ chỉ huy Mỹ đã đặt vấn đề cắt đứt liên lạc Bắc Nam thành mục tiêu chiến lược hàng đầu. Nhưng rồi Taylor, tổng tham mưu trưởng đành kết luận: “Chúng ta đánh giá thấp quyết tâm hy sinh của người Việt Nam. Tất cả cố gắng của chúng ta nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh đều vô ích”.

Đối mặt với nhiều loại chiến tranh, vũ khí kỹ thuật Mỹ cùng nhiều khó khăn gian khổ, nhưng đường Trường Sơn vẫn đứng vững nhờ vào ý chí tuyệt vời của Đoàn 559 của nhân dân và những chiến sĩ vận tải anh hùng. Bằng sự sáng tạo, “bền tâm vững chí” mà trên hết là tình yêu nước, các lớp cha anh đã chiến đấu hi sinh duy trì con đường huyết mạch này trực tiếp mang lại chiến thắng quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, và chính thức kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ.

“Gặp em trên cao lộng gió, rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ. Em đứng, đứng ở bên đường, như quê hương vai áo bạc, quàng súng trường.
Đoàn quân vẫn đi vội vã bởi Trường Sơn nhoà trong thời lửa. Chào em, em gái tiền phương, ơi em gái tiền phương, hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn. Chào em, em gái tiền phương, ơi em gái tiền phương, hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.”

Lê Dũng

Tài liệu tham khảo:

1. Military History Institute of Vietnam , Victory in Vietnam : The Official History of the People’s Army of Vietnam , 1954-1975. Người dịch: Merle Pribbenow, Lawerence KS : University of Kansas Press , 2002, tr. 28.

2. Tự điển Bách Khoa Toàn Thư VN

3. Bách khoa Quân sự Việt Nam, 2005, 1.296 trang, NXB Quân Đội Nhân Dân

4. 5 Đường mòn Hồ Chí Minh, Đặng Phong, NXB Tri thức & Phương Nam Books

5. Cảm ứng điện tử

6. Jacob Van Staaveren, Interdiction in Southern Laos , 1960-1968. Washington DC : Center for Air Force History, 1993, Appendix5. Actual figures from Prados, 226-228

7. Nguyễn Việt Phương – ANTG, Mỹ từng áp dụng chiến tranh địa – vật lý tại Việt Nam
8:00, 14/04/2006


Người lính già đầu bạc,
Kể mãi chuyện Trường Sơn.