Hậu Geneva và giai đoạn chuyển tiếp từ Chiến tranh Đông Dương sang Chiến tranh Việt Nam

Trong thời kỳ 1945-1975, có một giai đoạn chuyển tiếp từ Chiến tranh Đông Dương sang Chiến tranh Việt Nam, giai đoạn này còn được nhiều người miền Nam gọi là giai đoạn Hậu Geneva.

Sau khi hiệp định Geneva về Đông Dương năm 1954 được ký kết giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Pháp, miền Bắc Việt Nam đã được giải phóng và đã giành được độc lập trên thực tế, người Việt làm chủ trên đất Việt.

Quân viễn chinh Pháp đã chạy về Nam, một nửa giang sơn đã định. Những người cộng sản Việt Nam bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng, tái thiết và phát triển, nhằm tạo tiên đề để tiến lên hoàn tất mục tiêu còn đang dở dang: giải phóng miền Nam.

Miền Bắc hừng hực khí thế cách mạng trong không khí chiến thắng và hy vọng về ngày mai tươi sáng, nỗ lực xây dựng một xã hội đẹp tươi, với niềm tin chiến thắng và lòng tin không lay chuyển đối với biểu tượng Hồ Chí Minh, một nhà chính trị kiệt xuất của Việt Nam, một nhà hoạt động cách mạng ưu tú của cộng đồng quốc tế, người được coi là cha già dân tộc của Việt Nam, là người đã du nhập chủ nghĩa Marx-Lenin và lý tưởng Cộng Sản, lý tưởng XHCN vào Việt Nam, mở ra con đường mới: con đường đi lên CNXH và mở ra một thời đại mới: thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam.

Trong khi đó, miền Nam “hậu Geneva” là một khung cảnh trầm lắng, tĩnh lặng và đầy nỗi lo. Người Pháp càng rút đi thì người Mỹ càng kéo đến. Người Pháp còn lại càng ít thì người Mỹ kéo vào càng đông.

Nếu lội ngược dòng thời gian, hòa mình trở thành một người dân thường đi lại trên đường, chúng ta thỉnh thoảng sẽ ngẫu nhiên thấy một chiếc xe Jeep đi qua, binh lính đầy trên xe, tay lăm lăm khẩu súng trường. Những người lính ấy có thể là da trắng, da vàng hoặc da đen. Những người lính ấy có thể là lính Pháp, lính ngụy, hoặc lính các lộ quân phiệt giang hồ và giáo phái vũ trang.

Những chiếc xe quân sự như thế này thường đi rất nhanh, bụi tung mờ mịt trên đường, khiến người đi bộ phải ho khan. Sau khi bọn họ đi khỏi thì không còn ai để ý nữa, cũng không có ai dõi mắt nhìn theo, mọi người đều đã quen với cảnh tượng này, quen với cuộc sống căng thẳng xen giữa tĩnh lặng, những mối hiểm họa quân sự khôn lường và nguy cơ về một cuộc chiến mới, ẩn náu phía sau ảo tưởng hòa bình.

Cũng có những người cảm thấy chẳng có gì không ổn, họ nghĩ rằng những mối lo ngại hão huyền trên báo chí là quá xa vời so với cuộc sống thực tại. Những cảnh tượng bắn giết, đầu độc chết ở ngay nhà hàng, khủng bố trắng, xả súng vào nhau, bắn tỉa xong rồi lên xe Jeep bỏ chạy, những dấu hiệu ban đầu về một cuộc khủng bố tôn giáo lớn nhắm vào đạo pháp và dân tộc, nhắm vào đạo Phật, một tín ngưỡng dân tộc gắn liền nghìn đời trên đất nước hình chữ S, chỉ là những điều thuộc về những nhân vật tai to mặt lớn mà thôi, “chẳng liên quan gì đến tôi”.

Nhưng trên thực tế, những điều đó không hề xa vời với họ.

Chín năm trước, hoàng đế thoái vị, một nửa giang sơn đã hoàn toàn đổi chủ, Việt Nam dân chủ cộng hòa và quân Pháp đại chiến, quân phiệt, giang hồ, giáo phái ly khai và hỗn chiến khắp Nam Kỳ lục tỉnh, chiến tranh liên miên, người dân đói khổ.

Nhìn lại nghìn năm lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Nam Kỳ nói riêng, hiếm có cục diện nào phức tạp đến vậy.

“Nhân vật anh hùng” nhiều như cá dưới các sông rạch miền Nam, các loại khẩu hiệu, các luồng tư tưởng, chủ nghĩa chính trị, các hệ ý thức, các chủ thuyết, học thuyết lẫn tà thuyết chính trị, các học thuyết nghiêm túc lẫn các học thuyết “mì ăn liền”, trăm hoa đua nở, không cần biết hoa hướng dương hay hoa cứt lợn, các loại âm thanh khác nhau khiến người nghe phải choáng váng không biết ai chính, ai tà, và đâu là đường ngay lẽ phải. Ai cũng muốn làm chính khách bước lên sân khấu, rống lên thật to âm thanh của bản ngã, nhân cơ hội thời loạn mà tìm kiếm lợi danh.

Đấy là một thời kỳ chất chứa tham vọng, một mồi lửa được chôn giấu trong khủng hoảng, và đấy cũng là một thời kỳ bấp bênh thối nát, trong một tòa lầu mục nát gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông”, vẫn vang lên từng điệu nhạc trữ tình Bolero sến súa động lòng, với những vũ trường xa hoa đẹp rực rỡ, bất cứ ai nhìn thấy nó cũng sẽ không tin rằng cách đó không xa còn có những người lang thang đang vật vờ vì đói, giờ phút ấy họ đang nằm co ro trong một góc tối, chờ đợi đến sáng để xin ăn, chờ đợi lòng hảo tâm của tha nhân, lòng từ bi của những Phật tử qua đường.

Hiệp định Geneva không được thi hành đầy đủ, quân xâm lược mặc dù đang lũ lượt về nước, nhưng vấn đề độc lập – thống nhất của Việt Nam đã không được tôn trọng và tổng tuyển cử không được thực hiện như nội dung hiệp định. Bất cứ ai dám lên tiếng đòi thực thi hiệp định, đều bị “chụp mũ cối” thành bộ đội Cộng Sản và trấn áp thẳng tay.

Tuy nói rằng “Pháp đi, Mỹ đến”, nhưng trên thực tế, từ năm 1948 thì Mỹ đã bắt đầu can thiệp sơ khởi vào cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp. Đến năm 1950, Mỹ từng bước leo thang can thiệp sâu rộng hơn, cung cấp 78% kinh phí cho cuộc chiến tranh Đông Dương. Nguyên nhân là vì Pháp không hề có đủ kinh phí trang trải cho cuộc chiến tranh viễn chinh này và tái thành lập hệ thống thuộc địa trên toàn cõi Đông Dương, trong khi nước Pháp vừa mới được giải phóng sau cuộc kháng chiến chống Đức và chính quyền Vichy tay sai Đức. Bao nhiêu tiền của đều đã được chi tiêu vào việc bảo vệ và tái thiết đất nước và phát triển kinh tế.

Mỹ giúp Pháp chủ yếu với 3 mục đích chính:

  • Vị trí chiến lược toàn cầu, bành trướng quyền lực quốc tế, muốn sử dụng Đông Dương và Việt Nam làm căn cứ quân sự của Mỹ, một căn cứ quyền lực bá quyền, nhằm đảm bảo cho tầm ảnh hưởng quyền lực của Mỹ ở một khu vực cách xa nửa vòng trái đất. Trong thư gửi Thủ tướng Anh Churchill ngày 4/4/1954, Tổng thống Mỹ Eisenhower viết: “Nếu người Pháp không thắng được trong cuộc chiến tranh này thì vị trí chiến lược toàn cầu của chúng tôi cũng như của các ngài có thể sẽ trở thành thảm họa.”
  • Chống Cộng Sản, chống Việt minh, chống cách mạng, chống và ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc và giải phóng thuộc địa đang lan tỏa khắp năm châu. Người Cộng Sản khởi sự làm việc lớn từ những bất công, áp bức, từ những nỗ lực chống ngoại xâm giành độc lập, chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, chống chiến tranh xâm lược, giải phóng thuộc địa để tiến tới giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp xã hội và giải phóng con người nói chung. Do đó, muốn xâm lược thì phải chống Cộng Sản, muốn chống Cộng Sản thì phải đi xâm lược.
  • Mua lấy “cổ phần” tương lai của khu vực giàu tài nguyên này, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam. Mỹ đầu tư vào cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của Pháp với tính toán sau này sẽ chia phần với nhau các nguồn lợi tài nguyên, quyền lợi kinh tế, các lợi nhuận tài chính và lợi ích kinh doanh ở đây.

Tham vọng tài nguyên thuộc địa của chủ nghĩa thực dân trá hình và chủ nghĩa đế quốc Mỹ có thể thấy qua những diễn ngôn sau đây:

Ngày 12/2/1950, mục Xã Luận báo New York Times viết: “Đông Dương là một miếng mồi đáng cho chúng ta đánh một ván bài lớn, nó có thể xuất khẩu thiếc, vonfram, mangan, than đá, gỗ, gạo, cao su, dừa, hạt tiêu, và da thuộc. Cho đến trước chiến tranh thế giới lần thứ hai II, lợi tức thu được ở Đông Dương đã tới khoảng 300 triệu đôla hàng năm.” (trên 3,2 tỷ USD theo thời giá năm 2020)

Tổng thống Mỹ Eisenhower trong diễn văn ngày 4/8/1953 tại thành phố Seattle, bang Washington, đã nói: “Nếu chúng ta mất Đông Dương thì khối lượng thiếc, vonfram mà chúng ta đánh giá rất cao sẽ không thuộc về tay chúng ta nữa. Chúng ta đang tìm cách nào rẻ tiền nhất để ngăn chặn điều bất hạnh có thể xảy đến, đó là việc mất khả năng lấy được những thứ gì chúng ta muốn lấy từ số tài nguyên giàu có của Đông Dương và Đông Nam Á.”

Do Mỹ chính là “ví tiền” của Pháp ở Đông Dương, nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Đông Dương còn có một tên gọi chi tiết hơn: “cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ 1945-1954“.

Ngay trong cuộc chiến tranh chống Pháp, với thiên tư chính trị của mình, Cụ Hồ đã sớm nhìn thấy ý đồ chiến lược lâu dài của Mỹ đối với khu vực này.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong khi quân và dân toàn quốc vui mừng phấn chấn tinh thần thì Cụ Hồ lại ưu tư và cẩn thận dặn dò rằng thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu, “chúng ta còn phải đánh Mỹ!”

Đến tháng 7 năm 1954, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 họp trước khi Hiệp định Geneva được ký kết, thì lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến kết luận chính thức: Đế quốc Mỹ đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương.

Ngay sau khi Pháp ký hiệp định, Cụ Hồ nói với các đồng chí cấp dưới rằng hội nghị ký hiệp định Genève thành công, nhưng chắc chắn sẽ làm cho người Việt Nam chưa vừa ý. Người Pháp có câu “Ai trả tiền, kẻ đó là chủ”. Mỹ sẽ thay thế Pháp, “chúng ta phải có sự chuẩn bị để đối phó với Mỹ”.

Trong khi mọi người, kể cả các lãnh đạo cao nhất cho rằng đây là thời điểm kết thúc cuộc chiến, thì Cụ Hồ lại đề tỉnh mọi người rằng chiến tranh chỉ mới bắt đầu, đây là thời điểm bắt đầu cuộc chiến mới.

Từ đó, Hồ Chủ tịch đã xác định đường lối cách mạng trong giai đoạn này như sau: tiến hành đồng thời 2 chiến lược ở 2 miền nhằm mục tiêu chung là chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà.

Theo đó, mối quan hệ chiến lược giữa hai miền là: xây dựng miền Bắc để tạo sức mạnh giải phóng miền Nam, miền Nam đẩy mạnh đấu tranh để giải phóng bản thân và cũng để bảo vệ miền Bắc. Miền Bắc có vai trò quyết định, miền Nam có vai trò trực tiếp.

Hậu Geneva, quân đội Pháp lần lượt ra đi, song tầm ảnh hưởng của Pháp thì vẫn hiện hữu. Họ chi tiền và âm thầm phát súng cho các lực lượng quân phiệt giang hồ, giáo phái, Bình Xuyên và Hòa Hảo, Cao Đài để thực hiện các mục tiêu quân sự thay cho thực binh Pháp.

Người Pháp lần lượt ra đi, thì người Mỹ lần lượt kéo vào, thay vào những chỗ trống, từng bước lấp đầy những khoảng trống quyền lực mà người Pháp để lại.

Lúc này người Pháp có hai lựa chọn:

  • Bàn giao quyền lực, quyền hành lại cho Mỹ, hoàn toàn bàn giao miền Nam, lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống, lại cho Mỹ, để vãn hồi và hòa hảo lại quan hệ 2 nước, vốn đã trên đà rạn nứt trong những chương cuối của chiến tranh Đông Dương, tranh thủ sự giúp đỡ của Mỹ cho việc tái thiết nước Pháp.
  • Mưu việc duy trì quyền lực và tầm ảnh hưởng của Pháp ở miền Nam Việt Nam, cả về chính trị và quân sự, bất chấp điều này có thể khiến Mỹ nghi kỵ, gây mất lòng Mỹ và tiêu cực cho mối quan hệ Pháp – Mỹ. Vô hình trung, Pháp đã bước vào cuộc tranh đua, tranh giành quyền lực mềm và tranh đoạt miền Nam VN với Mỹ, “cạnh tranh” với Mỹ trong việc độc chiếm miền Nam VN, đứng vững ở Việt Nam và khu vực.

Mâu thuẫn quyền lực hậu Geneva giữa Pháp và Mỹ không phải lúc này mới có, mà trước đó, trong cuộc chiến Đông Dương, Pháp – Mỹ vốn đã phát sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột về lợi ích, về đường lối chính trị, về chiến lược chiến tranh, về chiến thuật quân sự.

Sau khi Pháp thua, người Mỹ bất mãn, họ cho rằng tiền bạc và vũ khí “đầu tư” cho Pháp đều đổ sông đổ biển. Họ đã tốn kém bấy nhiêu tiền vào đây rốt cuộc Pháp để hỏng việc, mà họ cho rằng một phần là vì nhiều sĩ quan chỉ huy Pháp đã bỏ ngoài tai nhiều ý kiến, đề xuất của họ. Ngoài ra, nhiều tin tức tình báo mà CIA cung cấp cho Phòng nhì Pháp đã bị bỏ qua hoặc không được thực hành, giải quyết tốt.

Đến lúc này thì sự xung khắc giữa hai đại cường quốc này đã ngày càng lớn. Từ đó, ở miền Nam hình thành hai thế lực đối lập, thế lực mới (Mỹ) và thế lực cũ (Pháp). Mỹ thâu tóm nhiều tay sai cũ của Pháp, trong số đó có nhiều sĩ quan ngụy đã từng học bên Pháp và có Pháp tịch. Lúc bấy giờ thế và lực của nước Mỹ đã rất cao, còn Pháp thì bị chê là loại thực dân cũ kỹ, lại để thua Việt minh, đang trên đà suy tàn và sớm muộn gì cũng bị Mỹ bức lui. Vì thế, nhiều tay sai cũ của Pháp đua nhau “nhảy sang thuyền mới”.

Miền Nam Việt Nam lúc này vẫn nằm dưới tầm ảnh hưởng quyền lực của Thực dân Pháp, vốn đã có gần 100 năm đứng vững tại đây. Còn Mỹ là người mới. Do đó, mục tiêu của Mỹ lúc này là bức lui Pháp ra khỏi miền Nam Việt Nam và hoàn toàn thay thế. Điều đó có nghĩa là từng bước đẩy lui quyền lực và thay dần vai trò của người Pháp ở miền Nam Việt Nam. Từ đó thay Pháp thiết lập ách thống trị thuộc địa trá hình và là một căn cứ quân sự, căn cứ chiến lược của Mỹ ở Việt Nam, Đông Dương và khu vực. Đồng thời giành quyền kiểm soát và quyền quyết định đối với các nguồn tài nguyên ở khu vực địa chính trị, địa kinh tế vô cùng quan trọng này. Và cũng để thuận lợi cho Mỹ trong việc thực thi chính sách chống cộng sản Việt Nam, chống cách mạng giải phóng dân tộc, chống lại phong trào giành độc lập dân tộc, và chính sách về chiến lược khu vực/toàn cầu, cũng như các mục tiêu khác trong khu vực giàu tài nguyên này.

Để đạt được mục tiêu chính trị nói trên, đầu tiên Mỹ phải đưa người của họ lên thay người của Pháp (Bảo Đại), tiếp theo là thâu tóm các lực lượng vũ trang giang hồ và giáo phái vốn đang tạm thời cộng tác với Pháp, nhằm gạt bỏ hẳn tầm ảnh hưởng quân sự của Pháp ra khỏi những khu vực trong tầm ảnh hưởng, kiểm soát của Mỹ. Và thế là câu hỏi được đặt ra, Mỹ sẽ chọn ai để đưa lên?

Theo sách “Vietnam, a History” của nhà sử học Stanley Karnow, do NXB Edition King Press xuất bản năm 1983, khi được hỏi tại sao lại chọn ông Diệm mà không phải là một nhân tuyển khác, thì tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã trả lời: “Diệm là thằng con trai duy nhất mà chúng ta có ở đó”. (Diem is the only boy we’ve got out there).

Tổng thống Mỹ Johnson đã trả lời rất thật cho câu hỏi này. Vì tất cả các nhân tuyển, các quân cờ dùng được thì đều đã được người khác dùng rồi. Cựu hoàng Bảo Đại, ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn, đã được phát xít Nhật dùng rồi (1945) đến thực dân Pháp dùng lại (1949). Nhà nho Trần Trọng Kim, là một sĩ phu thanh liêm, có chút uy tín qua việc viết sách, nhưng nhu nhược và ngây thơ non kém chính trị, đã bị phát xít Nhật lợi dụng và vắt sạch quả chanh.

Dùng lại những con cờ chính trị mà Nhật – Pháp đã sử dụng và bỏ rơi thì rõ ràng là không ổn, không phải là những quyết định sáng suốt và có lợi. Hơn nữa, cũng chưa chắc khả thi, vì Bảo Đại là tay sai trung thành của Pháp, mà lúc này Mỹ đang nỗ lực thay dần quyền lực của Pháp. Còn ông Trần Trọng Kim thì sau Cách mạng tháng Tám đã tỉnh ngộ ra phần nào nên đã buông bỏ chính trị mà chọn sống ẩn dật.

Như vậy, Mỹ chọn Diệm là vì lúc đó chỉ còn lại người này là nhân tuyển khả thi duy nhất mà tương đối hội đủ điều kiện, gia đình danh giá, quyền quý, có kinh nghiệm chính trị – quân sự nhiều năm. Ngô Đình Khả và các con em nhiều lần đi theo Nguyễn Thân khủng bố, đàn áp các lực lượng nghĩa quân. Họ có công lao rất lớn với Pháp trong việc đánh dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng và Cao Thắng lãnh đạo.

Ngày 13/1/1955, Ngô Đình Diệm, với cương vị là Thủ tướng của chính quyền Bảo Đại (Pháp), công bố chính thức trên truyền thông Sài Gòn rằng Hoa Kỳ từ nay có toàn quyền về vấn đề tổ chức và huấn luyện quân đội Sài Gòn thay cho người Pháp, vốn đã thành lập quân đội này năm 1948 để cầm súng đánh thuê cho Pháp, và để cho quân Pháp tiết kiệm được xương máu.

Ngày 12/2/1955, trong cuộc họp báo tại Sài Gòn, Ngô Đình Diệm công bố từ nay tướng John O’Daniel sẽ thay Pháp huấn luyện các lực lượng quân đội người Việt, và cả những sĩ quan con lai Pháp và công dân Pháp gốc Việt có Pháp tịch.

Trước mặt đại diện Hoa Kỳ, các sĩ quan Sài Gòn đã tổ chức đốt tượng trưng quân hàm, quân hiệu của quân đội Pháp mà họ vẫn đeo tại sân Bộ Tổng tham mưu. Thay vào đó là những phù hiệu mới của quân đội Mỹ.

Ngày 6 tháng 10 năm 1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố sẽ mở cuộc “trưng cầu dân ý”. Các cơ quan truyền thông Sài Gòn do Mỹ cấp chi phí cũng bắt đầu những chiến dịch thông tin nói xấu Bảo Đại và ca ngợi “thủ tướng anh minh” Ngô Đình Diệm, với những khẩu hiệu phát đi phát lại như: “Phiếu đỏ ta bỏ vô bì / Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi”.

Đó là vì có 2 lá phiếu: Một xanh, một đỏ. Lá màu đỏ in hình Ngô Đình Diệm với câu: “Tôi bằng lòng truất phế Bảo Đại và nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ”. Lá xanh in hình Bảo Đại thì có câu: “Tôi không bằng lòng truất phế Bảo Đại và không nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ”.

Ngày 23 tháng 10 năm 1955, Mỹ-Diệm dàn dựng cuộc “trưng cầu dân ý” gian lận. Trước đó họ đã cho cảnh sát gõ cửa từng nhà “vận động” người dân đi ghi tên và bầu cử, bắt giam những người chống lại với lý do tình nghi Cộng sản nằm vùng, họ cho dân Công giáo di cư 1954 – vốn nhiều người chống cộng sản và ủng hộ gia đình Diệm – đi đầu “bỏ phiếu” rồi ghi hình, chụp ảnh.

Cuộc bỏ phiếu đã trở thành scandal quốc tế gây nhiều chế giễu và đàm tiếu, vì ban tổ chức đã sắp xếp quá vụng về, lộ liễu để Ngô Đình Diệm tuyệt đối thắng. Ngô Đình Diệm “đắc cử” với “98,2%” số phiếu. Đại tá CIA Edward Lansdale trước đó đã bảo Diệm rằng: “Trong lúc tôi đi vắng, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được tin rằng ông thắng 99,99%. Vì nếu như thế thì biết đó là kế hoạch sắp đặt trước”.

Đại tá Lục quân Hoa Kỳ, tiến sĩ Spencer C. Tucker trong sách Encyclopedia of the Vietnam War (Bách khoa thư Chiến tranh Việt Nam) do ABC-CLIO xuất bản năm 2000 và sử gia Stanley A. Karnow trong sách Vietnam: A history (Việt Nam: 1 lịch sử) do Penguin Books xuất bản năm 1997, đã ghi nhận cái gọi là “trưng cầu dân ý” này còn có những gian lận vụng về, lộ liễu khác, như ở Sài Gòn, Diệm công bố được “605.025″ phiếu trong khi khu vực này có chưa tới 450.000 cử tri ghi tên.

Sau khi hoàn thành vụ lừa đảo chính trị, Diệm công bố rằng có đến “98,2%” số phiếu ủng hộ ông ta, kết quả là Bảo Đại, người của Pháp, bị phế bỏ. Còn Ngô Đình Diệm, người của Mỹ, được đưa lên đứng đầu. “Quốc Gia Việt Nam” được đặt “quốc hiệu” mới: “Việt Nam Cộng Hòa”.

Cuối tháng 4 năm 1956, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam. Một phần vì áp lực của Mỹ, một phần do vẫn muốn duy trì ảnh hưởng trong ngụy quân và ngụy quyền đã từng dưới quyền của họ, nên chính phủ Pháp đã bàn giao lại phi cơ, tàu chiến, các loại xe quân sự, dụng cụ chiến tranh cho quân đội ngụy đang được Mỹ xây dựng và tổ chức lại.

Phái bộ huấn luyện quân sự hỗn hợp của Pháp – Mỹ (TRIM) trước đây đã chuyển thành “Phái bộ huấn luyện tác chiến lục quân” (CATO – Combat army training organization) gồm toàn người Mỹ. Đến tháng 3/1956 số lượng sĩ quan chỉ huy Mỹ đã từ 351 người lên 1550 người.

Cơ quan trung ương CATO do tướng Samuel Williams phụ trách, gồm 170 sĩ quan (3 tướng và 167 tá), phân ra nắm mọi ngành. Bên cạnh mỗi bộ tư lệnh quân khu có một đại tá và nhiều sĩ quan khác. Mỗi sư đoàn nặng có từ 6 đến 8 đại tá Mỹ, mỗi sư đoàn nhẹ có từ 3 đến 5 trung tá. “Cố vấn” Mỹ lúc này chỉ nắm cấp trung đoàn, chưa nắm cấp tiểu đoàn.

Tiếp tục lộ trình đẩy lui Pháp ra khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ bắt đầu từng bước gạt bỏ các lực lượng vũ trang thân Pháp, sử dụng quân đội Sài Gòn tảo thanh và thôn tính các lực lượng này. Đồng thời cũng để làm sạch đi phần nào những vết nhơ, tai tiếng về quá khứ làm quan, làm “thủ tướng” cho thực dân Pháp của Diệm và gia đình họ Ngô.

Liên tỉnh ủy Khu Trung Nam Bộ đóng ở Rạch Tràm, thuộc xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An và huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho đã họp và nhất trí như sau: Thời gian này, nội bộ giặc đang có những diễn biến phức tạp, bọn tay sai của Pháp và của Mỹ có khả năng sẽ xung đột với nhau. Bọn theo Mỹ đã mạnh lên, hơn hẳn bọn theo Pháp. Nhưng bọn theo Pháp cũng không dễ dàng đầu hàng, vì chúng có võ trang khá mạnh, lại chiếm cứ những vùng đông dân. Chắc chắn bọn chúng sẽ đánh nhau và điều này có lợi cho cách mạng, ta cần phải lợi dụng tình hình.

Ngày 29 và 30/3/1955, Mỹ-Diệm chiếm trung tâm cảnh sát, đẩy lùi quân Bình Xuyên thân Pháp của Bảy Viễn về phía Chợ Lớn. Đồng thời mua chuộc cảnh sát trưởng Lại Hữu Sang từng làm việc cho phòng nhì Pháp. Về cơ bản đã cắt bỏ quyền kiểm soát của Pháp và Bình Xuyên đối với trung tâm cảnh sát.

Đối với liên minh Cao Đài, Mỹ-Diệm dùng nhiều đô la Mỹ chiêu hàng được tướng Trình Minh Thế, rồi dùng Trình Minh Thế đánh bại Bình Xuyên, Bảy Viễn trốn sang Pháp sống lưu vong. Sau đó Mỹ-Diệm giết Trình Minh Thế rồi đổ cho Pháp. Con trai ông Trình Minh Thế là ông Trình Minh Sơn ở Quebec, Canada đã vạch trần và tố cáo tội ác Mỹ-Diệm giết cha mình trên Thời báo Asia (số 22/11/2003) và nguyệt san Làng Văn, Canada (số 232, tháng 12 năm 2002).

Đối với Cao Đài phe Tây Ninh, Mỹ cũng nhanh chóng chia rẽ và mua chuộc thành công Nguyễn Thành Phương, Lê Văn Tất. Giáo chủ Cao Đài Tây Ninh là Hộ pháp Phạm Công Tắc không chịu cộng tác với Mỹ-ngụy, đã lánh sang Campuchia.

Ngày 6/5/1955, Mỹ đưa quân ngụy đi tảo thanh dư đảng Bình Xuyên ở cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường và Xóm Củi (Chợ Lớn), quân Bình Xuyên thua chạy về Gò Công và rừng Sác. Đến ngày 24/10/1955 thì lực lượng Bình Xuyên toàn quân bị tiêu diệt. Riêng quân Bình Xuyên do ông Bảy Môn chỉ huy thì trước đó đã được lực lượng chống Mỹ thuyết phục và đã sớm rút sang Thị Vải để dựa vào cách mạng và đồng bào chống Mỹ-Diệm. Con trai của Bảy Viễn là tham mưu trưởng lực lượng Bình Xuyên cũng tử trận trong chiến dịch này.

Sau khi tiêu diệt Cao Đài và Bình Xuyên, Mỹ-Diệm bắt đầu thanh toán Hòa Hảo. Lực lượkng võ trang Hòa Hảo đến thời điểm này đã có 3 nhóm biệt lập là Trần Văn Soái (Năm Lửa), Lê Quang Vinh (Ba Cụt) và Hai Ngoán. Ngày 20/5/1955, quân ngụy dưới sự chỉ huy của các sĩ quan “cố vấn” Mỹ, tổng tấn công vào cả ba nhóm Hòa Hảo cùng một lúc.

Nhóm của Hai Ngoán yếu nhất nên thất trận và bị chiêu hàng nhanh chóng. Hai nhóm Năm Lửa và Ba Cụt tuy khá mạnh nhưng cũng bị thua, bèn trốn vào Đồng Tháp Mười lập căn cứ chống Mỹ-Diệm. Cả Năm Lửa và Ba Cụt đều cử người bắt liên lạc với lực lượng cộng sản miền Nam để tìm kiếm sự ủng hộ.

Phía cộng sản cho rằng nên giúp đỡ phe yếu thế, gây khó khăn thêm cho Mỹ, nên đã đồng ý trợ giúp, cung cấp lương thực nuôi mấy ngàn quân Hòa Hảo. Được các cán bộ quân sự của cộng sản vốn già dặn kinh nghiệm sau 9 năm đánh Tây giúp sức, lực lượng Hòa Hảo đã thoát nguy và thắng lại được một số trận như Xảo Xáu (Giồng Riềng), Vườn Cỏ (Long Mỹ), Cây Bàng (An Biên). Tuy nhiên, người cộng sản không trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Vậy tại sao phía cách mạng không trực tiếp tham chiến? Có hai nguyên nhân:

  • Lúc bấy giờ chính sách của Trung ương ở Hà Nội, được truyền đạt lại bởi các Đảng bộ miền Nam là thuần túy đấu tranh chính trị đòi thực thi hiệp định Geneva, tổng tuyển cử thống nhất đất nước trong hòa bình, chưa cho phép đấu tranh vũ trang.
  • Không có lợi cho cách mạng. Ngồi xem Pháp – Mỹ đấu nhau, tay sai của họ bắn nhau, đồng thời bảo tồn thực lực mới là thượng sách.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã quyết tâm bình định miền Nam, do bị đánh quá ráo riết và bất mãn với sự án binh bất động của phía cộng sản, Năm Lửa đem 4000 quân đầu hàng Mỹ-Diệm. Lực lượng Ba Cụt ở Kiên Giang với nòng cốt là trung đoàn Lê Quang Vinh vẫn liều chết chống giữ.

Ngày 13/4/1956, Ba Cụt bị “phó tổng thống” ngụy quyền Nguyễn Ngọc Thơ dùng tình bạn thân lừa ra Cần Thơ để nhận chức trung tướng và bị cậu bạn thân cho lính bắt ở Chắc Cà Đao. Đến ngày 13/7/1956, Ba Cụt bị xử chặt đầu ở Cần Thơ dưới máy chém, theo cách hành quyết của thời trung cổ. Lực lượng vũ trang Hòa Hảo của Ba Cụt một số ra hàng Mỹ-ngụy, số lớn tan rã, số còn lại khá đông theo về với cách mạng, gia nhập các lực lượng kháng chiến chống Mỹ.

Sau sự kiện này, về quân sự, cơ bản Mỹ đã khá thành công với mục tiêu thay thế Pháp. Ảnh hưởng quân sự của Pháp trong vùng tạm chiếm bị suy giảm đáng kể. Và sau 1961 thì có thể nói Mỹ đã hoàn thành việc thay thế Pháp cả về chính trị và quân sự, bắt đầu một chương mới của cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Sưu tầm

(Tổng hợp từ nhiều nguồn)

Vì sao Việt Nam và quốc tế không sử dụng danh từ “Việt Nam Cộng hòa”?

vietnam war

Đã 46 năm trôi qua, ở Việt Nam ngày nay đã không còn khói lửa chiến tranh, nhưng đối với rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những người đã từng được hòa mình vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trong tâm khảm họ vẫn đầy ắp những hoài niệm cũ về một thời kỳ tiếng hát át tiếng bom.

Cách đây 46 năm, người Việt Nam đã hoàn thành một trong những chiến thắng khó tin nhất trong lịch sử Việt Nam và thế giới, khiến cho dư âm của “Chiến tranh Việt Nam” và tên tuổi “Hồ Chí Minh”, “Võ Nguyên Giáp” vang vọng khắp năm châu từ đó đến nay.

Vào những ngày cuối tháng tư năm 1975, chính phủ của Tổng thống Gerald Ford đã thất bại trong những nỗ lực cuối cùng để thuyết phục lưỡng viện Quốc Hội. Ngay sau đó, những người Mỹ cuối cùng đã phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Mỗi dịp tháng tư về thì Cổng thông tin tư liệu về Chiến tranh Việt Nam và nhiều nơi đều có những bài viết về cuộc chiến tranh được xem là “châu chấu đá xe”, “David chống Goliath” này. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về một câu hỏi có lẽ còn chưa được quan tâm đúng mức: Tại sao phần lớn ngành sử học Việt Nam và quốc tế đều không đồng thuận với danh xưng “Việt Nam Cộng hòa”?

“Việt Nam Cộng hòa” trước năm 1975 là một quốc hiệu/tên nước tự xưng, danh từ này bị lãng quên một thời gian dài cho đến khi xuất hiện trên internet, khi các trang web tiếng Việt ở Mỹ phủ sóng internet những năm 2000. Người Việt ở Mỹ, đặc biệt là các tổ chức hoạt động chính trị, vốn dồi dào điều kiện kỹ thuật và vật chất khi đó, đã nhanh chóng giành lấy khoảng trống internet và thiết lập luật chơi trên các diễn đàn và phòng chat.

Từ đó, nhiều diễn đàn trong nước vì muốn được đông người và có sự tranh cãi sôi nổi để câu khách, đã mời mọc nhiều người Việt ở Mỹ, người Mỹ gốc Việt vào diễn đàn tham gia sinh hoạt. Họ bắt đầu sử dụng danh từ “Việt Nam Cộng hòa” thay thế cho “chính quyền Sài Gòn” hay “chính quyền ngụy”, thậm chí, để lấy lòng những người ở Mỹ, công dân Mỹ gốc Việt, một số diễn đàn còn đặt ra luật cấm sử dụng cụm từ “ngụy quân, ngụy quyền”.

Kể từ đó, danh từ “Việt Nam Cộng hòa”, với sự tiếp tay của Wikipedia tiếng Việt, một cộng đồng có nhiều điều tiếng trong cộng đồng Wikipedia quốc tế, đã trở nên khá phổ biến trên internet và mạng xã hội.

Tuy nhiên, khác với mạng xã hội tiếng Việt, mạng xã hội tiếng Anh cho đến nay vẫn không sử dụng danh từ “Republic of Vietnam” (“Việt Nam Cộng hòa”) để thay thế cho “South Vietnam” (“Nam Việt Nam”) hay “Saigon government” (“chính quyền Sài Gòn”), cộng đồng mạng tiếng Anh vẫn trung thành với cách gọi truyền thống.

Việc tài liệu chính thống Việt Nam từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ngày nay đều nhất quán không sử dụng tên gọi “Việt Nam Cộng hòa” là điều mà ai cũng có thể liệu trước, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được một danh từ “Việt Nam Cộng hòa” nào trong Hồ Chí Minh toàn tập hay các tài liệu tuyên huấn, giáo khoa, có tính chất chuyên môn, hàn lâm trong ngành khoa học lịch sử ở Việt Nam.

Tuy nhiên, điều ít người để ý hơn nữa ngay cả sách báo, truyền thông chủ lưu của quốc tế, chủ yếu là tiếng Anh, cũng không sử dụng tên gọi “Republic of Vietnam” (tiếng Việt: “Việt Nam Cộng hòa”, tên chính thức để quan hệ quốc tế của chính quyền Sài Gòn).

Tại sao lại như vậy? Phải chăng đó là sự “kiêng kỵ” hay “né tránh” vì vấn đề đạo đức, vấn đề quan điểm – lập trường, hay phải chăng vì đó là một danh xưng nhạy cảm về chính trị? Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, có 2 nguyên nhân chính như sau:

Bản chất thực tế của chính quyền Sài Gòn

“Việt Nam Cộng hòa” là tên nước của một quốc gia, nhưng nó lại không phản ánh thực tế bản chất của một quốc gia đúng nghĩa, hay hội tụ đầy đủ các điều kiện của một quốc gia độc lập.

Đây là một chính quyền tồn tại ngắn ngủi từ năm 1955 đến 1975, là một phiên bản chắp vá của chính quyền Bảo Đại với tên nước “Quốc gia Việt Nam”, được thực dân Pháp dựng lên năm 1949, và được chính phủ Mỹ tái lập, dựng lại vào năm 1955 qua một cuộc “trưng cầu dân ý” giả hiệu, một cuộc tranh cử gian lận.

Trong 20 năm tồn tại, nó chưa bao giờ có khả năng tự thân tồn tại, tự nuôi nổi thân mình.

Trong hồi ký “Khi đồng minh tháo chạy”, ông Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển của chính quyền Sài Gòn, đã giải thích tường tận hơn: “Trên 75% ngân sách quốc phòng (gồm việc trả lương cho quân đội) là từ viện trợ Mỹ. Toàn bộ quân trang, quân dụng, từ khẩu súng, viên đạn, lít xăng tới xe tăng, đại bác, máy bay, cái gì cũng có nhãn hiệu MDAP của Mỹ. Về mặt kinh tế, khi chiến tranh leo thang, sản xuất trong nước không phát triển, lại còn tụt hậu, cung ứng cho nhu cầu của người dân phải dựa vào đô-la của Mỹ để nhập cảng. Những sản phẩm cho nhu cầu từ ăn, ở, mặc tới vận chuyển, một tỷ lệ rất quan trọng được đáp ứng từ viện trợ Mỹ. Đó là chưa nói tới các nhu cầu khác như y tế, giáo dục, giải trí. Như vậy, về vật chất, sự lệ thuộc Mỹ hầu như là toàn diện. Tình trạng này lại còn dẫn tới sự lệ thuộc về tinh thần và tâm lý. Nếu Mỹ còn giúp, thì các nhà lãnh đạo và dân, quân miền Nam còn chịu đựng, chiến đấu. Nếu có dấu hiệu họ bắt đầu bỏ, thì tinh thần bắt đầu sa sút. Tới lúc bỏ thật là sụp đổ.”

Tháng 4, 1975, sau khi chính phủ Mỹ thất bại trong việc thuyết phục Quốc Hội duy trì cuộc chiến, người Mỹ cuối cùng cũng “bỏ thật”, và ngay sau đó là một trong những chiến dịch quân sự thần tốc nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới, và một trong những sự sụp đổ chế độ nhanh nhất trong lịch sử chính trị thế giới, và một sự tháo chạy hỗn loạn, vô trật tự, vô nguyên tắc, vô tổ chức, và vô kỷ luật nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Những chiếc mũ sắt, súng trường, quần áo lính được vứt bừa bãi ngoài đường phố cùng với những cảnh tượng mà đến nay trong dân chúng vẫn có những câu nói hoặc từ ngữ, cụm từ được dùng để mô tả và chế giễu.

Ông Nguyễn Tiến Hưng trong hồi ký “Từ tòa Bạch Ốc đến dinh Độc Lập” đã công bố nhiều thông tin cho thấy chính quyền Sài Gòn hoàn toàn không có năng lực tự sinh tồn, sự sinh tồn của họ hoàn toàn lệ thuộc vào sự nuôi dưỡng (cả viện trợ kinh tế và viện trợ quân sự) của Hoa Kỳ. Cụ thể hơn, trong bản báo cáo để xin tiền sau khi người Mỹ giảm viện trợ quân sự (không có giảm viện trợ kinh tế) xuống 700 triệu USD, ông Nguyễn Văn Thiệu báo cáo cụ thể:

“Nếu mức viện trợ quân sự là 1,4 tỷ USD thì có thể giữ được các vùng đông dân cư tại bốn vùng chiến thuật.

Nếu mức viện trợ quân sự xuống 1,1 tỷ USD thì có thể không giữ được Quân khu I.

Nếu mức Viện trợ quân sự còn 900 triệu USD thì khó giữ được Quân khu I, Quân khu II.

Nếu viện trợ quân sự chỉ còn 750 triệu USD thì chỉ có thể phòng thủ một vài khu vực.

Nếu viện trợ quân sự chỉ còn 600 triệu USD thì chỉ còn có thể giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long.”

Xin lưu ý đây vẫn là những số tiền đáng kể theo thời giá năm 1975.

Như vậy, theo phép suy luận thông thường, có thể thấy được là kẻ bỏ tiền ra nuôi chính là người chủ, là người có quyền ở miền Nam Việt Nam, mà không phải là kẻ được nuôi. Theo đó, Mỹ là người quyết định, người phán xử, người chi tiền, người làm chủ ở miền Nam Việt Nam, mà không phải là chính quyền Sài Gòn, người cộng sự, phục vụ Mỹ.

Về quân sự cũng vậy, nếu không được thực dân Pháp thành lập năm 1948, nếu không được quân đội Mỹ trang bị và huấn luyện, trả lương, thì quân đội Sài Gòn cũng không thể tồn tại.

Một khi đã hiểu rõ được vấn đề cơ bản và chính yếu đó, thì người ta sẽ hiểu rõ được cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc kháng chiến nhằm đánh đuổi ngoại xâm, trục xuất ách thống trị ngoại thuộc ở miền Nam Việt Nam, làm thất bại sự chiếm đóng và kiểm soát miền Nam của Mỹ, giành lấy quyền độc lập thực tế sau khi đã giành được độc lập về pháp lý với Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc năm 1945.

Như vậy, chính quyền Sài Gòn là một thực thể chính trị bù nhìn, một chính quyền bù nhìn lệ thuộc Mỹ, hay nói trực tiếp hơn, là một ngụy quyền tay sai của Mỹ. Cụm từ quen thuộc thường được nghe khi nói về đối tượng mà Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân Giải Phóng tiến hành chiến tranh chống lại là “đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai“.

Một khi lũ tay sai đó lại được gọi bằng cái tên nước tự xưng đó, một cách tỏ ra ưu ái và hàm ý tôn trọng, thì mặc nhiên nó trở thành một chuyện không hợp tình hợp lý và thiếu nhất quán, đưa đến sự thiếu tin tưởng và lòng tin bị rạn nứt, “người xưa nói sai”, không còn tin vào người xưa nữa, rồi từng bước đi theo những con đường đối kháng với nền chính trị hiện hành. Do đó, yếu tố chính trị cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc không sử dụng danh từ “Việt Nam Cộng hòa”.

Sử dụng danh từ “Việt Nam Cộng hòa” thông thường sẽ đưa tới việc quảng bá một hình ảnh không chính xác về chính quyền Sài Gòn, và điều đó thường sẽ dẫn tới việc hiểu không chính xác về cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nhìn chung, với bản chất bù nhìn lệ thuộc và là công cụ được quân xâm lược sử dụng, chính quyền Sài Gòn đã không được Việt Nam và quốc tế gọi bằng danh xưng “Việt Nam Cộng hòa” (“Republic of Vietnam”). Và đó là một trong hai nguyên nhân chủ yếu.

vietnam war
Người dân Mỹ châm biếm “con rối Sài Gòn” trong một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam.

Bản chất phi pháp của chính quyền Sài Gòn

Trên khía cạnh pháp lý quốc gia ở Việt Nam, quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã thiết lập tính chính danh của mình và xác lập chủ quyền trên cả nước qua những sự kiện chính trị sau:

Trong thời Pháp thuộc, lực lượng cộng sản Việt Nam đã tiên phong lãnh đạo người dân chống Pháp – Nhật trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), phong trào dân chủ Đông Dương (1936-1939), khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), khởi nghĩa Bắc Sơn (1940), phong trào kháng Nhật cứu nước (1945), khởi nghĩa Ba Tơ (1945).

Sau thành công của Cách mạng tháng tám trên cả nước, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố độc lập với Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước quốc dân đồng bào, thành lập nhà nước, bầu cử Quốc Hội, hoàn thành Hiến Pháp, ban bố luật pháp, thiết lập chính phủ trung ương, xác lập chủ quyền từ năm 1945.

Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam vào ngày 9 tháng 11 năm 1946, tại kỳ họp thứ 2. Từ đó, Quốc hội đã hoạt động liên tục một cách hợp hiến, hợp pháp cho đến ngày nay.

Nhiều văn bản pháp lý và văn kiện có tính pháp lý năm 1946 đã xác lập chủ quyền của Việt Nam dân chủ cộng hòa trên toàn quốc: Sắc lệnh 229/SL của chủ tịch Hồ Chí Minh quy định các cơ quan quân sự trên tất cả mọi miền Việt Nam đều trực thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 11/1946), Tuyên cáo 12 khu hành chính của VNDCCH trên cả nước cũng vào tháng 11/1946. Sau này, trong cuộc chiến chống Mỹ, Hiến Pháp 1959 cũng đã kế thừa nội dung của Hiến Pháp 1946 và khẳng định lại những nguyên tắc trên.

Tất cả những hành động chính trị đó của Chính phủ và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bao gồm chiến công lãnh đạo toàn dân toàn quốc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi vào năm 1954 sau chiến dịch Điện Biên Phủ nổi tiếng thế giới, đã hoàn toàn xác lập chủ quyền với tư cách là một Nhà nước độc lập và thống nhất từ Bắc chí Nam theo luật pháp Việt Nam (1946) và thông lệ, tập quán quốc tế.

Trên khía cạnh pháp lý quốc tế, sau khi thành lập nước Trung Hoa mới, việc làm đầu tiên của Trung Quốc là công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với tư cách quốc gia. Sau đó, Trung Quốc đã vận động Liên Xô công nhận Việt Nam. Đây là một đột phá, một bước ngoặt lịch sử có tính thời đại về quan hệ Việt – Trung, Việt – Nga và quan hệ quốc tế.

Sau hàng nghìn năm quan hệ quốc tế chủ yếu với Trung Quốc và các nước lân cận, cũng như giao thương với các nước ở xa, thì đó là lần đầu tiên có một nước ngoài công nhận Việt Nam là một nước độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với tư cách quốc gia, mở ra những cơ hội mới và nối cầu cho những mối quan hệ khác trên trường quốc tế.

Xin lưu ý rằng nếu đặt trường hợp không có Trung Quốc, Liên Xô hoặc một nước nào công nhận và thiết lập quan hệ với Việt Nam, thì sự tuyên bố độc lập và những hành động xác định, thực thi và thiết lập chủ quyền của Việt Nam từ năm 1945 trở đi vẫn tương thích với tập quán quốc tế và luật pháp quốc tế, và vẫn có giá trị trên trường quốc tế.

Về chính trị, nếu sử dụng tên nước “Việt Nam Cộng hòa”, thì có thể được hiểu rằng đó là sự công nhận – dù gián tiếp hay trực tiếp – tư cách quốc gia của chính quyền Sài Gòn. Một khi đã công nhận nó là một nước thì đồng nghĩa với việc viết lại câu chuyện trước năm 1975, câu chuyện về một nhà nước này xâm lược và thôn tính một nhà nước kia, và như thế thì mặc nhiên quốc gia CHXHCN Việt Nam, tên mới của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, là một quốc gia không hợp pháp, không chính danh, có được vị trí lãnh đạo và quản lý đất nước ngày nay là nhờ đi xâm lược, cướp nước.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, có hai hiệp định quốc tế quy định việc giải quyết chiến tranh và các vấn đề chính trị trên lãnh thổ Việt Nam, đó là hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954, hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973. Và không có hiệp định nào công nhận chính quyền Sài Gòn là một nhà nước (quốc gia).

Chính quyền Sài Gòn trong thời điểm diễn ra hội nghị Genève vẫn còn chưa được thành lập, trong khi tiền thân của nó, chính quyền Bảo Đại thì không có chữ ký trong hiệp định Genève. Và nội dung của hiệp định này cũng không ghi chép về chính quyền Bảo Đại hay chính quyền Sài Gòn. Nội dung hiệp định cũng không có danh từ “Quốc gia Việt Nam” hay “Việt Nam Cộng hòa”.

Việc Mỹ và chính quyền Sài Gòn từ chối tổng tuyển cử theo hiệp định Genève mà tự ý tiến hành cuộc tranh cử gian lận có tính chất “luật rừng” năm 1955 là một hành động tự tiện và không hợp pháp, vì nó không dựa trên hiệp định Genève, một hiệp định quốc tế có giá trị pháp lý quốc tế, nhằm giải quyết các vấn đề chính trị ở Đông Dương theo luật pháp quốc tế.

Do đó, nếu đặt giả định là không có vai trò chủ đạo của Mỹ, thì sự ly khai của chính quyền Sài Gòn năm 1955 vẫn là bất hợp pháp, cả luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Trong hội nghị Paris, Việt Nam vì muốn nhượng bộ để cho lính Mỹ rút về, nên đã công nhận chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là một thành phần chính trị có đủ tư cách tham gia quá trình thành lập chính phủ 3 thành phần ở miền Nam Việt Nam, theo nội dung quy định trong hiệp định Paris.

Việc cho phép thành phần chính trị bù nhìn đó tham gia thành lập chính phủ 3 thành phần dự kiến thành lập sau khi Mỹ rút quân về hoàn toàn khác với việc công nhận nó đã là một chính phủ rồi, và hoàn toàn không bất kỳ một nội dung nào trong hai hiệp định này công nhận chính quyền Sài Gòn với tư cách là một chính phủ hay quốc gia (nhà nước).

Việc cho phép thành phần chính trị Nguyễn Văn Thiệu tham gia vào quá trình thành lập chính phủ 3 thành phần nói trên đã tương đối đặt ngang chính quyền Sài Gòn trở thành một lực lượng đối lập với Chính phủ cách mạng lâm thời của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng MNVN và lực lượng thứ ba, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, mà không phải là đối lập với Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Mỹ là chủ thể chính, là đối tượng chiến tranh đối lập với Việt Nam dân chủ cộng hòa, còn chính quyền Sài Gòn là vai phụ nằm trong hàng ngũ Mỹ, là công cụ phục vụ Mỹ ở phía bên kia chiến tuyến do Mỹ lãnh đạo, điều hành cuộc chiến.

Không ít người đã quan niệm không chính xác, không thực tế rằng chính quyền Sài Gòn có phần nào đó tương xứng và đối lập với Việt Nam DCCH, sau đó họ mới bán nước và mời, rước quân Mỹ vào nhà.

Trên thực tế, Mỹ là người chủ có quyền ở miền Nam Việt Nam, họ làm chủ miền Nam Việt Nam và do đó họ đưa quân vào như thể đưa quân vào một vùng đất đai lãnh thổ của mình. Họ muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, không cần ai rước vào hay mời vào.

Và do đó, ở miền Nam VN, họ cũng không cần ký bất kỳ văn kiện pháp lý nào về việc thiết lập căn cứ quân sự, đóng quân ở nước sở tại, như Hiệp định phòng thủ chung, Thỏa thuận hợp tác quốc phòng (EDCA – Enhanced defense cooperation agreement), hay Thỏa thuận về trạng thái đóng quân (SOFA – Status of forces agreement), hay hiệp nghị cho thuê lãnh thổ, như họ đã ký với Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, và các nước khác nơi họ đóng quân và có căn cứ quân sự, theo tập quán quốc tế.

Nếu đặt trường hợp không có cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ, thì chính quyền Sài Gòn vẫn là một ngụy quyền ly khai bất hợp pháp, một tổ chức, lực lượng phiến quân nổi loạn, chống lại một Nhà nước hợp pháp và chính phủ trung ương, mà ngày nay thường được các nước đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Và cũng do hai hiệp nghị quốc tế nói trên, hầu hết quốc tế, bao gồm cả chính phủ Mỹ, đều không sử dụng quốc hiệu tự xưng “Việt Nam Cộng hòa” (“Republic of Vietnam”), mà họ sử dụng danh từ “Nam Việt Nam” (“South Vietnam”), với tư cách là một vùng miền chưa có trạng thái chính trị rõ ràng, ổn định, mà không phải tư cách quốc gia.

Ngoài ra, còn một danh từ khác cũng thường thấy trên sách vở tài liệu tiếng Anh về Chiến tranh Việt Nam là “Saigon government” (“chính quyền Sài Gòn”). Và còn một cụm từ ít phổ biến hơn, thường thấy trên truyền thông cấp tiến của cánh tả, là “Saigon puppet government” (“ngụy quyền Sài Gòn”).

Kết luận

Qua việc tìm hiểu sâu rộng hơn về đề tài này, chúng ta càng hiểu rõ hơn vì sao danh từ “Việt Nam Cộng hòa” không được sử dụng một cách chính thức, và qua đó sự thật ngày càng rõ ràng là trước năm 1975 thì miền Nam Việt Nam do nằm dưới sự cai trị và quyền kiểm soát của Mỹ, chính quyền tay sai nằm dưới quyền điều động và nuôi dưỡng của Mỹ, nên quân và dân cả nước Việt Nam, miền Nam cũng như miền Bắc, mới ủng hộ người Cộng Sản kháng chiến để giải phóng dân tộc và giải phóng quê hương nhà.

Đó không phải là một cuộc nội chiến tương tàn rồi sau đó một bên đối lập mới bán nước và đón rước quân đội ngoại bang vào can thiệp chuyện trong nhà.

Đó càng không phải là một cuộc chiến tranh xâm lược và cưỡng chiếm miền Nam từ miền Bắc như những người chống Cộng cực hữu hay dạy con cháu của họ.

(Sưu tầm tổng hợp từ nhiều nguồn)

Việt Nam đã “lọt vào mắt xanh” của Mỹ như thế nào?

Chien tranh Viet Nam

Từ giữa thế kỷ 19, thực dân Pháp và tư bản phương Tây đã chạy đua tranh đoạt giành nhau thị trường ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong đó Đông Dương và Việt Nam chiếm một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế, giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân công lao động “rẻ mạt”.

Trong thời gian can thiệp ở Việt Nam từ năm 1950 đến 1975, và cả trước đó, Hoa Kỳ đã quan tâm đến những nguồn lợi ở Việt Nam và khu vực Đông Dương, các nguồn tài nguyên, khoáng sản, các sản phẩm chiến lược, lúa gạo, cao su, những nguồn cung cấp nhân công, thị trường đầu tư và thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Ngày 12/2/1950, mục Xã Luận báo New York Times viết: “Đông Dương là một miếng mồi đáng cho chúng ta đánh một ván bài lớn, nó có thể xuất khẩu thiếc, vonfram, mangan, than đá, gỗ, gạo, cao su, dừa, hạt tiêu, và da thuộc. Cho đến trước chiến tranh thế giới lần thứ hai II, lợi tức thu được ở Đông Dương đã tới khoảng 300 triệu đôla hàng năm.” (trên 3,2 tỷ USD theo thời giá năm 2020)

Tổng thống Mỹ Eisenhower trong diễn văn ngày 4/8/1953 tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington đã nói: “Nếu chúng ta mất Đông Dương thì khối lượng thiếc, vonfram mà chúng ta đánh giá rất cao sẽ không thuộc về tay chúng ta nữa. Chúng ta đang tìm cách nào rẻ tiền nhất để ngăn chặn điều bất hạnh có thể xảy đến, đó là việc mất khả năng lấy được những thứ gì chúng ta muốn lấy từ số tài nguyên giàu có của Đông Dương và Đông Nam Á.”

Thư của Eisenhower gửi thủ tướng Anh Churchill ngày 4/4/1954 viết: “Nếu người Pháp không thắng được trong cuộc chiến tranh này thì vị trí chiến lược toàn cầu của chúng tôi cũng như của các ngài có thể sẽ trở thành thảm họa.”

Phát biểu tại Quốc hội Mỹ năm 1956, ông John Kennedy, khi đó là thượng nghị sĩ, sau này là Tổng thống, nói: “Nam Việt Nam đang giới thiệu một sự thí nghiệm về trách nhiệm và quyết tâm của người Mỹ ở châu Á. Chúng ta đã khai sinh ra nó. Nó là sản phẩm của chúng ta. Chúng ta không thể bỏ rơi nó. Nước Mỹ nhất định sẽ gánh lấy trách nhiệm. Uy danh của chúng ta nhất định sẽ nâng lên một bước mới”.

Trong số các tài nguyên và sản phẩm của Đông Dương có những thứ đối với nền công nghiệp hoặc thị trường nội địa của Mỹ, không phải là cần thiết trực tiếp, hoặc không cần tới mức gay gắt như vậy. Nhưng đối với lợi ích toàn cầu của Mỹ, thì đó là những thứ cần phải nắm lấy để chi phối thị trường thế giới (trường hợp gạo, cao su, than đá, dầu mỏ, vv.).

Cũng vì thế ngay từ trước khi xâm lược Miền Nam Việt Nam, Mỹ đã tìm đường nắm lấy nhiều sản phẩm quan trọng của Đông Dương. Lúc đó, Mỹ chưa mua nhiều thóc gạo, vì thóc gạo chưa quan trọng chiến lược như sau này. Nhưng cao su thì ngay từ trước đại chiến thế giới thứ II Mỹ đã mua khá nhiều. Từ năm 1930 đến 1939, Mỹ đã mua 39% tổng số cao su xuất khẩu của Đông Dương. Thời kỳ từ 1946 đến 1950 cao su chiếm 98% giá trị hàng hàng hóa của Đông Dương bán cho Mỹ.

Đối với Mỹ, “miếng mồi” Đông Dương không phải chỉ xuất hiện từ những năm trong và sau Thế chiến II mà đã có từ lâu. Chính sách bành trướng cổ điển của Mỹ mà trùm tài phiệt Rockefeller đã tổng kết trong một lá thư gửi Tổng thống Mỹ Eisenhower: “Cho thương mại đi trước, cờ Mỹ sẽ đến sau”(1). Chính sách đó đã được Mỹ thực hiện ở Việt Nam.

Theo tạp chí “Những người bạn của cố đô Huế” bản tiếng Pháp (2), ngay từ năm 1819, tức là 36 năm sau khi Hoa Kỳ tuyên bố độc lập, những tàu chiến Mỹ đã tới Việt Nam, dò tìm đường sông Đồng Nai lên Sài Gòn. Sau đó hơn 10 năm (1832) một số thuyền buôn Mỹ lại xuất hiện ở vùng biển Trung Bộ, thả neo ở Vũng Lâm, Phú Yên.

Tiếp đó, năm 1836, tàu chiến Mỹ lại xuất hiện ở vịnh Sơn Trà (Đà Nẵng). Một tàu Mỹ có tên là Constitution đã xâm phạm lãnh thổ, dò thám, vẽ bản đồ, nghiên cứu và ghi chú địa hình, khí hậu, thủy thổ, truyền đạo và tạo điều kiện cho Pháp đánh phá Việt Nam năm 1845.

Như vậy, ngay từ khi mới lập quốc thì thế lực bành trướng toàn cầu của Mỹ đã sang bờ Thái Bình Dương. Nhưng thời điểm đó người Mỹ chưa thể chen chân được với các đế quốc tư bản thực dân đàn anh như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, sau Thế chiến I, địa vị của Mỹ đã thay đổi. Lợi dụng, trục lợi nhờ chiến tranh nên Mỹ đã giàu lên và trở thành một cường quốc hùng mạnh, từng bước chen chân vào trường đấu tranh đòi quyền thuộc địa của mình trong số những quốc gia thực dân giàu mạnh.

Với “Chương trình 14 điểm” của Tổng thống Wilson, Mỹ đã gây được ảnh hưởng lớn trong việc xác lập lại “Trật tự thế giới mới” theo hướng có lợi nhất cho Mỹ, mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét là: “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn” (3).

Mục tiêu chủ yếu lúc này ở khu vực châu Á của Mỹ là Trung Quốc, Trung Quốc trở thành vấn đề trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á, vì những lợi ích của Mỹ đã giành được ở Trung Quốc đang bị Nhật đe dọa. Do vậy một trong những nội dung chủ yếu chính sách của Mỹ ở châu Á, là tìm mọi cách kiềm chế Nhật ở châu Á Thái Bình Dương.

Năm 1921, chính quyền New York (Mỹ) đã thành lập ban nghiên cứu thuộc địa Pháp – Mỹ, nhằm nghiên cứu khả năng đầu tư vốn vào các thuộc địa của Pháp. Nhân dịp này, viên quan toàn quyền Pháp Albert Sarraut, một chính khách thân Mỹ, đã ngỏ ý mời các đại công ty tư bản Mỹ đầu tư vào Đông Dương (4).

Đến hội nghị Washington (1922), Mỹ đã lên tiếng mặc cả thị trường đối với các cường quốc tư bản, đòi quyền lợi của mình ở Viễn Đông và bờ Thái Bình Dương. Sarraut, lúc này là quyền trưởng đoàn Pháp tham dự hội nghị, đã phát biểu ủng hộ một cách trực quan là: Nước Mỹ, một quốc gia có hai đại dương và có trách nhiệm với hai đại dương ấy.

Tại hội nghị này, thế lực bành trướng của Mỹ đã buộc các cường quốc tư bản còn lại thực hiện chính sách “Mở cửa” (Trung Quốc) cho Mỹ và củng cố được vị trí quân sự, chính trị của mình ở Viễn Đông. Cũng từ đó, Đông Dương được cộng đồng tài phiệt Mỹ quan tâm, ít ra là trong những câu lạc bộ trong giới kinh doanh tài phiệt.

Như vậy, có thể nói Mỹ đã chú ý đến Việt Nam từ giữa thế kỷ 19. Sau đó những nghiên cứu, tìm hiểu về Việt Nam và Đông Dương đã được bộ ngoại giao Mỹ quan tâm ít nhiều. Tuy nhiên trong thời điểm này, Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp.

Với uy tín và ảnh hưởng Pháp trước và sau Thế chiến I đã không cho phép Mỹ can thiệp sâu vào Đông Dương. Song trong chiến lược bành trướng của mình, Mỹ đã bộc lộ ý đồ muốn có chân tại Việt Nam và Đông Dương ngày càng rõ, và đối với Mỹ, vấn đề Đông Dương luôn gắn liền với vấn đề Trung Quốc (5). Mỹ muốn biến Trung Quốc thành địa bàn đứng chân để thực hiện mưu đồ bành trướng và khống chế khu vực.

Thế Chiến II bùng nổ (1939) đã tạo ra một cơ hội tốt cho Mỹ can thiệp sâu rộng vào Việt Nam và Đông Dương. Nước Mỹ, với tính cách của một quốc gia quan tâm tới vấn đề Đông Dương kể từ thời Tổng thống Roosevelt trong những năm đầu của thập niên 20, đã đưa ra ý định thiết lập chế độ “quản thác quốc tế”. Rồi việc Nhật âm mưu xâm lược Đông Dương càng khiến Mỹ nhận thức rõ hơn vị trí và tầm quan trọng của khu vực này, cũng từ đó vấn đề Đông Dương đã trở thành một trong những chủ đề chính của các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Nhật (6).

Như vậy, cho đến thời điểm này tuy Mỹ chưa tuyên bố thẳng, nhưng số phận Đông Dương đã có trong dự kiến sắp đặt của Mỹ. Quan điểm thực hiện chế độ “quản thác quốc tế” của Roosevelt đã thể hiện ý đồ sách lược của Mỹ là muốn gạt Pháp khỏi Đông Dương để có thể trực tiếp nắm xứ sở này, một khi hội đủ điều kiện.

Sau khi Roosevelt chết, cùng với nhiều nguyên nhân khác, chính sách của Mỹ đối với Đông Dương có sự thay đổi rõ rệt, Mỹ dần dần từ bỏ thái độ cứng rắn tranh giành đối lập với Pháp. Tuy chưa chính thức ủng hộ việc Pháp trở lại Đông Dương nhưng Pháp cũng được Mỹ tạo cơ hội bỏ ngỏ để trở lại xứ sở này (11).

Truman là người có tư tưởng thực dân, ông ta từng bước điều chỉnh lại chính sách của Roosevelt và bộc lộ rõ hơn khuynh hướng diều hâu đối với các dân tộc thuộc địa bị áp bức và thỏa hiệp với các đế quốc khác, trong đó có đế quốc Pháp, chuẩn bị cho chính sách chống Liên Xô, Trung Quốc và chặn đứng phong trào giải phóng thuộc địa và giải phóng dân tộc sau này.

Đối với Đông Dương, Truman đã bỏ hẳn ý đồ “quản thác quốc tế” thời Roosevelt và vận dụng phương châm “mềm nắn rắn buông”(14) trong quan hệ với các đồng minh lớn của mình. Việc chấp nhận giải pháp chia đôi Đông Dương ở vĩ tuyến 16 mà Mỹ đưa ra tại hội nghị Potsdam (tháng 7, 1945), không đả động đến quyền tự trị của Việt Nam (15) đã đánh dấu sự thỏa hiệp vụ lợi của Mỹ đối với Anh – Pháp.

Như vậy cho thấy, không đợi đến kết thúc chiến tranh Đông Dương, mà ngay trong Thế chiến II, Hoa Kỳ đã có mưu đồ gạt bỏ và thay thế thực dân Pháp, xâm chiếm miền nam Việt Nam và kiểm soát Đông Dương, xây dựng một bàn đạp để phát triển thế lực ở Đông Nam Á. Về mặt kinh tế, Mỹ muốn mở rộng thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa và vơ vét tài nguyên nông sản và khoáng sản ở Đông Dương.

Mỹ muốn thay cả Nhật lẫn Pháp để làm chủ khu vực này. Sang năm 1943, Mỹ muốn đặt Đông Dương dưới “chế độ ủy trị” của ba nước Mỹ, Anh và Trung Hoa Dân Quốc (Quốc Dân Đảng), thực chất là đặt Đông Dương trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Đức hoàn toàn thất bại, Nhật đầu hàng không điều kiện. Pháp trở thành nước thắng trận nhưng suy yếu nghiêm trọng và toàn diện cả về chính trị, kinh tế và quân sự.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam thành công, khai sinh ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Việt Nam mà cả với phong trào cách mạng, phong trào kháng chiến giải phóng thuộc địa và giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á, đồng thời là một miếng đánh chiến lược vào chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.

Sự kiện lịch sử đó đã khiến Việt Nam trở thành đầu mối quân sự có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Và vì thế người Mỹ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam và Đông Dương.

Bằng nhiều chiến thuật và sách lược ngoại giao, Tổng thống Mỹ Truman đã hậu thuẫn cho quân đội chư hầu Trung Hoa Quốc Dân Đảng vào miền Bắc Việt Nam và hỗ trợ quân đội đồng minh Anh Quốc vào miền Nam Việt Nam, dưới danh nghĩa “giám sát sự đầu hàng của Nhật”.

Truman muốn vừa đảm bảo chắc chắn việc dọn sạch tàn quân Nhật, vừa muốn dùng quân Anh và quân Quốc Dân Đảng kiềm chế lực lượng Hồ Chí Minh ở Việt Nam, vừa thông qua hai đồng minh này khai thông mở đường cho Mỹ từng bước xâm nhập Đông Dương.

Hiệp nghị sơ bộ 1946 đã giúp Việt Nam đẩy được quân đội Quốc Dân Đảng trở về nước họ một cách khôn khéo. Pháp quay trở lại với cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, Mỹ từng bước thông đồng và giúp Pháp, đứng sau Pháp để tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Bên cạnh mưu đồ về chính trị, Mỹ không quên quyền lợi kinh tế của mình ở khu vực này. Từ năm 1945 đến 1950, quan hệ buôn bán giữa Mỹ và chế độ thuộc địa Đông Dương được đẩy mạnh hơn trước một bước.

Trong thời gian 5 năm đó, Mỹ mua 10,1% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu ở Đông Dương. Riêng cao su lên đến 105.000 tấn, chiếm 98% giá trị hàng hóa Mỹ mua của Đông Dương. Về phía Mỹ, hàng hóa nhập vào Đông Dương có giảm hơn so với trước Thế chiến II: “Bông vải chiếm; 9,3% số lượng vải nhập. Sản phẩm dầu hỏa chiếm 7,1% phương tiện giao thông đường biển, đường sông và đường hàng không: 3,1%.

Tính toàn bộ, hàng hóa Mỹ chiếm 9,6% tổng giá tự hàng hóa nhập cảng của Đông Dương trong 5 năm từ 1945 đến 1950, mặc dù trong thời gian này, Pháp đẩy mạnh nhập cảng hàng hóa của chính quốc để phục vụ yêu cầu của chiến tranh.

Sau khi Thế Chiến II kết thúc, theo chỉ thị của Bộ ngoại giao Mỹ, lãnh sứ quán Mỹ ở Đông Dương rất quan tâm đến việc điều tra thu thập những tài liệu kinh tế về Đông Dương, đặc biệt là về Việt Nam. Điều được Mỹ quan tâm nhiều hơn cả là nguồn khoáng sản ở Bắc Bộ. Công ty Florida PHAST có tham vọng rất muốn mở chi nhánh ở Lào Cai. Về thiếc, đế quốc Mỹ đặc biệt chú ý đến mỏ thiếc có hàm lượng cao và trữ lượng lớn ở Vân Nam (Trung Quốc) kéo dài đến vịnh Bắc Bộ (Việt Nam).

Ngoài lãnh sứ quán Mỹ còn có nhiều cơ quan và phái đoàn Mỹ cũng nghiên cứu tình hình kinh tế, giao thông, hầm mỏ, và thương mại của Việt Nam. Chính phủ Mỹ cũng bắt đầu đặt cơ sở giao dịch buôn bán tại Hà Nội để buôn bán với các thương gia người Việt được thuận lợi.

Sức mạnh kinh tế trở thành bàn đạp nuôi dưỡng ý đồ của Mỹ về mặt chính trị và hiện thực hóa bằng chính sách quân sự.

Tình hình quốc tế trong thời gian 1950-1954 có nhiều chuyển biến lớn ảnh hưởng tác động trực tiếp đến cuộc xâm lược và can thiệp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Đông Dương.

Liên Xô sau khi giành được những thành tựu đáng kể trong kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1945-1950) đã chế tạo thành công vũ khí nguyên tử và bom khinh khí, phá vỡ thế độc quyền hạt nhân của Mỹ. Và như thế, Mỹ đã hoàn toàn thất bại trong chiến lược “răn đe” Liên Xô.

Bên cạnh đó, những thắng lợi của Trung Quốc với sự ra đời của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949) đánh dấu thất bại nặng nề đối với chiến lược toàn cầu phản cách mạng, chống báng và ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, làm cho cán cân so sánh lực lượng trên trường quốc tế nghiêng về phe chống đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp trên thế giới.

Mặt khác, cuộc Chiến tranh Triều Tiên của Mỹ trong mục tiêu cứu nguy Hàn Quốc ở Nam Triều Tiên và “Bắc tiến” xâm lược Bắc Triều Tiên của đế quốc Mỹ dưới ngọn cờ Liên Hiệp Quốc cũng không thôn tính được Bắc Triều Tiên do bị quân đội Trung Quốc đẩy lui ra khỏi thủ đô Bình Nhưỡng và bị tổng tư lệnh Bành Đức Hoài đánh bật ra khỏi lãnh thổ Bắc Triều Tiên, đẩy Mỹ trở về vĩ tuyến 38 và lãnh thổ Nam Triều Tiên.

Tại Đông Dương, sau thất bại của chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, quân đội Pháp tiếp tục bị thất bại trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1950 trên phòng tuyến biên giới Cao Bằng – Lạng Sơn, đẩy thực dân Pháp lún sâu vào sa lầy và khủng hoảng toàn diện.

Để tiếp tục cuộc Chiến tranh Đông Dương, không còn con đường nào khác Pháp buộc phải chấp nhận sự giúp đỡ viện trợ của Mỹ. Lợi ích kinh tế chính trị quân sự của Mỹ ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng đến lúc này đã bộc lộ rất rõ.

Ẩn nấp sau lợi ích về sự chia phần với Pháp về kinh tế là một mưu đồ chính trị rộng lớn hơn. Bước sang giai đoạn này (1950 -1954), mưu biến khu vực thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ càng được bộc lộ rõ nét qua viện trợ của Mỹ cho Pháp.

Ngày 08/5/1950, Tổng thống Mỹ Truman quyết định viện trợ cho Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương. Theo Pentagon Papers (Hồ sơ Ngũ Giác Đài), tháng 12/1950, Mỹ chính thức ký với Pháp hiệp định viện trợ quân sự cho Pháp ở Đông Dương.

Qua mỗi năm sau đó, viện trợ Mỹ ngày một tăng lên nhanh chóng, dần trở thành nguồn cung cấp chính yếu cho cuộc chiến tranh tái chiếm Đông Dương. Theo tính toán của Pháp, viện trợ Mỹ đã chiếm gần 80% chi phí chiến tranh của Pháp. Trong tổng số 1,7 tỷ USD viện trợ Mỹ đó tuyệt đại bộ phận là vũ khí khí tài chiến tranh.

Tháng 9, 1952, Mỹ ký với ngụy quyền Bảo Đại “hiệp ước hợp tác kinh tế Việt-Mỹ”. Từ năm 1950 đến 1954, Mỹ đã viện trợ cho chính quyền Bảo Đại 23 triệu USD bằng hàng hóa và khoảng 36 triệu USD bằng tiền mặt, khoảng 15 triệu USD vũ khí. Tổng số các loại viện trợ này khoảng 75 triệu USD. Với khoản viện trợ khổng lồ theo thời giá khi đó, Mỹ tin tưởng rằng tất cả sẽ nằm trong vòng kiểm soát của họ.

Cũng trong khoảng thời gian này, Mỹ bắt đầu vơ vét nguyên liệu ở Việt Nam và Đông Dương. Có thể thấy rõ điều đó qua số liệu cao su xuất cảng sang Mỹ hàng năm: 1951 (13.398 tấn), 1952 (20.08 tấn), 1953 (34.98 tấn), 1954 (34.28 tấn).

Ngoài ra, Mỹ còn áp lực Pháp cho các tập đoàn tư bản Mỹ vào đầu tư ở Đông Dương. Tháng 6, 1950, ngoại trưởng Pháp tại hội nghị Washington đã ký một hiệp ước để Mỹ đầu tư vào khối Liên hiệp Pháp. Hiệp ước này mở đường cho tư bản tài phiệt Mỹ rộng đường xâm nhập Việt Nam và Đông Dương: Công ty Hàng không Liên Mỹ Đông Dương; công ty Hàng không Vận tải (Givilais transport) chiếm 10% cổ phần ngân hàng Đông Dương; công ty Marquet nắm mỏ chì, mỏ thiếc, công ty Morgan nắm điện thoại vv..

Người Pháp thừa hiểu rằng viện trợ Mỹ thấm đến đâu thì “bàn tay lông lá” của Mỹ cũng nhúng vào tới đó, quyền lợi của Pháp cũng bị đe dọa tới đó. Nhưng tình thế khó khăn buộc Pháp phải miễn cưỡng chấp nhận.

Quân đội Việt Nam thì ngày càng lớn mạnh. Chiến tranh kéo dài và ngày càng tổn thất lớn. Nền tài chính Pháp kiệt quệ. Mỹ lúc này là chỗ dựa duy nhất.

Tình cảnh của Pháp lúc này rất khốn quẫn. Trước mặt, quân Việt Nam càng đánh càng mạnh, càng dìm Pháp sa lầy sâu hơn trong những thất bại ngày càng lớn.

Tướng Henri Navarre, tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương thời kỳ 1953 -1954 trong tác phẩm “Đông Dương hấp hối” đã viết: “Điều nguy khốn nghiêm trọng nhất của viện trợ Mỹ là, về mặt chính trị, nó làm cho Mỹ nhúng tay ngày càng sâu vào các công việc của chúng ta. Nó làm cho ảnh hưởng của Mỹ thay thế dần ảnh hưởng của Pháp đối với các quốc gia liên kết. Do nhận viện trợ Mỹ, chúng ta đã làm vào tình huống đầy mâu thuẫn. Đó là tấn bi kịch.”

Có thể nói, trước Thế chiến II, thực dân Mỹ ít dòm ngó đến Đông Dương. Nhưng sau khi chiến tranh thế giới bùng nổ, đặc biệt việc Nhật xâm lược và đảo chính Pháp ở Đông Dương và sau đó xâm lược một loạt các quốc gia Đông Nam Á, thì chính sách của Mỹ đối với Đông Dương, trong đó có Việt Nam, bắt đầu thay đổi.

Tháng 9, 1940, Nhật đột nhập vào Lạng Sơn và sau đó xâm nhập toàn Đông Dương. Sau này, giới sử học chủ lưu ở Mỹ vẫn coi đó là sự kiện đầu tiên thôi thúc sự quan tâm của Mỹ đối với Đông Dương.

Mùa xuân năm 1941, Cục Hải quân Mỹ gửi một báo cáo đặc biệt về Đông Dương lên Tổng thống Mỹ Roosevelt. Đây có lẽ là tài liệu đầu tiên của Mỹ phản ánh tương đối toàn diện tình hình các mặt về tầm quan trọng chiến lược của Đông Dương đối với Mỹ. Từ đó, chính sách của Mỹ đối với khu vực này có nhiều thay đổi. Nhà sử học Mỹ Edward Drachman nhận xét: “Từ cuối năm 1940, Mỹ bắt đầu nhận thấy ý nghĩa chiến lược quan trọng của Việt Nam. Và đến đầu năm 1941, trên thực tế, Mỹ đã xem Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược lớn đến mức là một cuộc xung đột về quyền lợi với Nhật ở đó đã trở thành nguyên nhân chủ yếu của cuộc chiến tranh giữa hai nước.”

Từ tháng 3, 1941, Đông Dương trở thành chủ đề chính trong nhiều cuộc nói chuyện giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Cordell Hull và đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Nomura. Việc quân đội Nhật vào Đông Dương và sự thỏa hiệp của Pháp đã làm cho Tổng thống Mỹ Roosevelt lo ngại vì điều đó đe dọa trực tiếp đến lợi ích Mỹ và tạo cho Nhật Bản một căn cứ để hoạt động rộng khắp Đông Nam Á.

Ngày 24/7/1941, Roosevelt chỉ thị cho Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc đó là Sumner Welles thể hiện quan điểm của Mỹ với đại sứ Nhật Nomura: “Phải làm cho rõ sự thực là Nhật chiếm đóng Đông Dương có nghĩa là một bước tiến quan trọng để kiểm soát vùng biển phía Nam, trong đó có luồng thương mại quan trọng nhất của Mỹ về các sản phẩm cao su, thiếc, và các sản phẩm khác”.

Sau khi chiến tranh Thái Bình Dương (thuộc Thế chiến II) bắt đầu, là một chính khách mưu lược và thực dụng, Roosevelt sớm hiểu rằng chiến tranh thế giới sẽ làm bùng phát lên một cuộc nổi dậy quy mô toàn thế giới phản kháng thực dân phương Tây, trong đó có Đông Dương. Các nước đế quốc nếu muốn duy trì quyền lợi của mình thì không thể áp đặt một chế độ thực dân công khai theo kiểu cổ điển như thời kỳ trước chiến tranh được mà phải có sự thay đổi từ cũ sang mới, điều chỉnh “linh động” cho phù hợp với tình hình.

Chế độ quản lý của Roosevelt trên thực tế chính là sự áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới (thực dân trá hình, thực dân linh hoạt) của Mỹ vào Việt Nam và Đông Dương.

Tổng thống mới Truman, với chính sách diều hâu và trong tham vọng được chia phần với Pháp, đã từng bước ủng hộ Pháp quay lại chiếm đóng Đông Dương. Trong chuyến thăm nước Mỹ từ ngày 22 đến 25/8/1945, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã nhận được sự xúi giục và hứa hẹn của Truman: “Về Đông Dương, tôi xác nhận là Chính phủ Mỹ sẽ không làm gì để cản trở sự trở lại của nước Pháp”.

Ngày 29/8/1945, bà Tống Mỹ Linh, vợ thống chế Trung Hoa Dân Quốc, ủy viên trưởng Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch thăm Mỹ, khi gặp Truman đã hỏi về chính sách của Mỹ đối với Đông Dương sau khi nhắc lại ý định của Roosevelt về vấn đề này và nhận được câu trả lời dứt khoát của Tổng thống Mỹ: “Không có vấn đề quản thác quốc tế cho Đông Dương nữa”. Mỹ đã mượn Tống Mỹ Linh để chuyển lời và tín hiệu “đèn xanh” đến cho Pháp: Mỹ đã hoàn toàn ủng hộ 100% đối với âm mưu của Pháp chiếm lại Đông Dương.

Với sự thành công của Cách mạng tháng Tám giành chính quyền từ tay Nhật trên toàn quốc Việt Nam năm 1945, sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã làm đảo lộn mọi tính toán, sắp đặt của các thế lực đế quốc, trong cuộc đua tranh nhau Đông Dương.

Thực tế đó đã buộc các thế lực đế quốc phải nhanh chóng thỏa hiệp với nhau để có thể đảo ngược tình thế trước mắt, cùng thực hiện mưu toan bóp chết một quốc gia cộng hòa non trẻ vừa mới ra đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiểu và thấy rất rõ bản chất diều hâu, hiếu chiến, và những ý đồ của Mỹ và các thế lực đế quốc khác đối với Đông Dương. Ngay sau cách mạng tháng Tám năm 1945 ta đã khéo léo lợi dụng mâu thuẫn giữa hai tập đoàn Mỹ – Tưởng và Anh – Pháp, nhằm ngăn chặn âm mưu quay lại xâm lược Đông Dương của Pháp, vô hiệu hóa những toan tính mới của Mỹ, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được.

Để tránh và hạn chế nguy cơ chiến tranh do Pháp gây ra, thấy rõ vai trò, ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần liên hệ với các cơ quan đại diện của Mỹ, kêu gọi Mỹ sử dụng ảnh hưởng của họ đối với Pháp. Nhưng từ phía Mỹ đã không đáp ứng. Do thấy rõ được thái độ hai mặt của Mỹ, nên Việt Nam vẫn luôn chuẩn bị những kế sách để đối phó. Cho đến thời điểm đó, phía Mỹ vẫn không có một sự công nhận chính thức nào đối với nước Việt Nam mới, mà trái lại Mỹ đã tích cực hoạt động theo hướng tạo ra một chính quyền bù nhìn để thay Mỹ chống Việt Nam.

Cuộc Thế chiến II kết thúc đã dẫn đến những biến chuyển lớn trong tương quan so sánh lực lượng trên thế giới. Mỹ trở thành cường quốc số một thế giới, đồng thời sự lớn mạnh của Liên Xô và sự ra đời của một loạt các quốc gia XHCN, sự tăng cường ảnh hưởng của các đảng Cộng sản trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Trung Quốc, Đông Dương, Triều Tiên…. đã làm Mỹ lo ngại.

Đến năm 1947, theo kế hoạch Marshall, Mỹ viện trợ cho Pháp 3 tỷ USD với ý muốn giúp Pháp giải quyết nhanh cuộc Chiến tranh Đông Dương, vì sợ tác động dây chuyền của Việt Nam sẽ thúc đẩy các phong trào đòi độc lập ở cả khu vực Đông Nam Á không có lợi cho Mỹ và phương Tây.

Cuối những năm 1940, Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của Pháp. Từ cuối năm 1949, Mỹ chính thức cam kết can thiệp vào cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương bằng một loạt các bước đi cụ thể. Lợi dụng sự suy yếu của Pháp, Mỹ đi đến chỗ can thiệp trực tiếp vào Việt Nam và Đông Dương (1950-1954), rồi tiến dần đến gạt bỏ và thay thế Pháp ở miền Nam Việt Nam (sau 1954).

Từ đó, Mỹ đã từng bước lao vào “một cuộc chiến tranh làm mất lòng người và gây chia rẽ nhất trong một thế kỷ của lịch sử Mỹ” (19).

Ngày 20/12/1960, Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam đã họp tại căn cứ Tây Ninh tuyên bố thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương và thông qua Tuyên ngôn, chương trình hành động 10 điểm, với nội dung cơ bản là: Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ; thành lập chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ; thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, làm cho người cày có ruộng.

Để nắm độc quyền đầu tư, ngay từ năm 1961 Mỹ đã yêu cầu Ngô Đình Diệm ký bản cam kết ưu đãi đầu tư của Mỹ, gọi là “hiệp ước thân hữu và liên lạc kinh tế Việt-Mỹ”. Trong hiệp ước này, Diệm bảo đảm cho đầu tư của Mỹ được thuận lợi trong mọi ngành kinh tế, về mọi mặt trong việc mua đất đai, nguyên liệu, sử dụng các phương tiện công ích, thuê nhân công, chuyển lợi nhuận hàng năm về nước Mỹ, hiệp đồng tiêu thụ các sản phẩm sản xuất ra, không được phép quốc hữu hóa trong một thời gian dài tùy theo từng ngành, thời gian đảm bảo cao nhất là 99 năm.

Như vậy, tuy Mỹ chưa thực hiện, hoặc mới thực hiện đầu tư nhỏ giọt, song đó chính là một trong những mục tiêu mà Mỹ đã nhắm vào và đã chuẩn bị từ lâu.

Mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Tham vọng này không chỉ nhằm vào viễn cảnh. Nó đã được thực hiện từ lâu. Ngay từ trước Thế chiến II, tỷ lệ hàng hóa Mỹ trong tổng ngạch nhập khẩu của Đông Dương đã đạt tới mức cao: Trong thời kỳ 1930-1939: bông 27%, sản phẩm dầu hỏa 19,1%, máy móc 17,5%, ô tô và phụ tùng 13,4%. Trong thời kỳ 1946-1950; bông, 9,3%, sản phẩm dầu hỏa 7,7%, kim khí 4,9%, máy móc 19,3%, ô tô và phụ tùng 10%, sợi và hàng dệt 13,6%, thuốc lá 7,1%.

Những thành công của kế hoạch X, nghi binh Khe Sanh, và cuộc tổng công kích chiến lược và tổng nổi dậy ở “thủ phủ” Sài Gòn và vùng tạm chiếm miền Nam năm 1968, trong đó có Tòa đại sứ Mỹ (lãnh thổ nước Mỹ theo pháp lý), đã gây bất ngờ và tổn hại lớn cho Mỹ – Sài Gòn, gây kinh ngạc cho dư luận trong và ngoài nước Mỹ, truyền thông chủ lưu Mỹ và quốc tế, đã trực tiếp đưa người Mỹ lên bàn đàm phán ở hội nghị Paris, Pháp.

Ngày 5/8/1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (lúc này thay thế Mặt trận Giải phóng) ra Tuyên bố 10 điểm, với nội dung chính là 10 giải pháp chính cho vấn đề Việt Nam:

1. Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh, dân tộc, dân chủ.
2. Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi, tiến bộ.
3. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, cải thiện dân sinh.
4. Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, làm cho người cày có ruộng.
5. Xây dựng nền văn hoá, giáo dục dân tộc dân chủ.
6. Xây dựng một quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
7. Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào.
8. Thực hiện chính sách ngoại giao hoà bình, trung lập.
9. Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.
10. Chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hoà bình thế giới.

Cái logic bi hài trong cuộc chiến tranh chống Việt Nam của Mỹ là: Vì tham vọng của Mỹ bị ngăn chặn, cho nên sức mạnh và uy danh của Mỹ bị đặt trước một sự thách thức.

Như vậy, khi việc khai thác của cải càng gặp khó khăn, thì lại nảy sinh một động cơ khác, một nỗ lực phải giữ lấy “uy danh” nước lớn của Mỹ cho bằng được, không phải chỉ có ở Việt Nam mà còn thông qua Việt Nam để giữ lấy uy danh của Mỹ trên trường quốc tế. Động cơ này bản thân nó đã rất lớn.

Trong quá trình xâm lược, trong quá trình thất bại liên tục, động cơ đó càng ngày lớn hơn lên và càng có sức lôi kéo mạnh mẽ đối với ý chí của Mỹ. Sức lôi kéo đó dần dần trở nên mạnh hơn sức lôi kéo của những vựa lúa, những rừng cao su, những bể dầu ở Nam Bộ.

Nếu chỉ vì những món lợi trực tiếp, thì những khó khăn và thất bại có thể làm chính giới Mỹ phải tính toán và dừng lại cuộc phiêu lưu quân sự ở Việt Nam. Nhưng nếu là để cứu vãn uy danh của một cường quốc bá chủ thế giới, thì càng thất bại, cái động cơ đó càng mạnh hơn, càng lôi kéo Mỹ sa lầy sâu vào “bãi lầy Việt Nam”, “vũng bùn Việt Nam” lâu hơn.

Chỉ đến khi nào dùng hết sức mạnh có thể dùng đến, thi hành tất cả những thủ đoạn có thể thi hành và không còn cách nào cứu vãn nổi thất bại quân sự nữa, thì Mỹ mới đành rút quân đội chủ lực về nước (để lại 20 ngàn sĩ quan cố vấn Mỹ với danh xưng mới là “tùy viên quân sự”).

Chiến tranh Việt Nam

Như vậy, toàn cảnh thực tế lịch sử ở trên đã cho thấy rõ, ngay từ giữa thế kỷ 19 Mỹ đã chú ý đến Việt Nam. Sau đó, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Đông Dương đã dần trở thành đối tượng tranh chấp của nhiều thế lực bên ngoài.

Thời gian trước Thế chiến II, Mỹ chưa có điều kiện chú ý nhiều đến tình hình Đông Dương. Nhưng bước vào chiến tranh, chính sách của Mỹ đối với khu vực này bắt đầu có sự thay đổi. Với việc Nhật dòm ngó và xâm lược Đông Dương, đặc biệt khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Mỹ đã coi Đông Dương là một địa bàn quan trọng để ngăn chặn và tranh giành với Nhật.

Cũng từ đó, chính phủ Mỹ, chính thức từ thời Tổng thống Roosevelt trong những năm đầu của thập kỷ 40 bắt đầu chú ý ngày càng nhiều đến Việt Nam và Đông Dương. Chính Roosevelt đã đưa ý định thiết lập chế độ “quản thác quốc tế” hứa hẹn, hoãn binh câu giờ bằng miếng bánh vẽ “độc lập” nhằm bám víu thuộc địa cũ, níu kéo thời gian để thiết kế sắp đặt và dọn đường cho chủ nghĩa thực dân trá hình của Mỹ, tạo điều kiện để Mỹ có thể nắm được càng nhiều cựu thuộc địa càng tốt, trong đó có Đông Dương.

Mặc dù chủ trương đặt Đông Dương dưới một chế độ quản thác quốc tế, nhưng chính phủ Mỹ chưa bao giờ quan tâm tới việc ủng hộ nhân dân Đông Dương giành độc lập, tự chủ. Thực chất Mỹ chỉ muốn qua hình thức “quản thác quốc tế” để gạt bỏ sức mạnh quyền lực của Pháp ở Đông Dương, từ đó tạo điều kiện gây ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này khi chưa có điều kiện can thiệp trực tiếp.

Thực tế lịch sử đã cho thấy, mãi tới khi Việt Nam đã có những hoạt động hỗ trợ cụ thể cho phe Đồng minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức đặt vấn đề hợp tác đánh Nhật, thì phía Mỹ cũng chỉ có những hành động đáp lại rất hạn chế. Cho đến trước khi chết, Tổng thống Roosevelt vẫn không có một quyết định nào về vấn đề quản thác quốc tế đối với Đông Dương.

Tuy nhiên xét tình hình thực tiễn lúc đó, chính sách dân túy và cơ hội chính trị này của Roosevelt cũng ảnh hưởng tiêu cực đến Pháp, có lợi cho cuộc đấu tranh chống Pháp của Việt Nam, mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt được và tranh thủ lợi thế đó, nhằm tập trung vào kẻ thù chính của cách mạng lúc đó là phát xít Nhật và thực dân Pháp.

Thế chiến II kết thúc, cách mạng Việt Nam thành công, Tổng thống mới của Mỹ là Truman và các nhà chiến lược Mỹ đã có sự thay đổi sách lược đối với Việt Nam và Đông Dương. Tuy chưa có điều kiện để can dự nhiều đến Đông Dương, nhưng Mỹ đã dần ủng hộ Pháp trở lại xâm lược Đông Dương.

Từ đó bắt đầu quá trình can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp và tiến dần tới chỗ thay thế Pháp, độc chiếm miền Nam Việt Nam, biến nơi đây thành thuộc địa trá hình và căn cứ quân sự của Mỹ.

Cũng từ đó Mỹ bắt đầu một quá trình “lao theo vết xe đổ của Pháp”, và rồi cũng không tránh khỏi thất bại như Pháp khi những người lính thủy đánh bộ và tùy viên quân sự cuối cùng của Mỹ lên trực thăng rời khỏi lãnh thổ Việt Nam sáng ngày 30/4/1975 trong chiến dịch Frequent Wind, chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Phạm Xanh: Đông Dương “Lọt vào mắt xanh” của Đế quốc Mỹ từ bao giờ, tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 1-1988, tr.26.
(2) Tạp chí Những người bạn của cố đô Huế số 3-1937 (bản tiếng Pháp)
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, XB lần thứ 2, NXB Chính trị quốc gia, Hà NộI, 1995, tr.416.
(4) Tạp chí Lịch sử quân sự, 1-1988 sđd, tr.27.
(5) Lê Kim Hải: Hồ Chí Minh với quan hệ ngoại giao Việt – Pháp thời kỳ 1945- 1946, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, tr.8.
(6) Peter A. Paul: Nước Mỹ và Đông Dương từ Roosevelt đến Nixon. NXB Thông tin lý luận, Hà Nội, 1988, tr. 13-14.
(7) Drachman: Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam 1940-1945. Viện Thông tin khoa học xã hội lược thuật.
(8) Viện Mác – Lênin: Tình đoàn kết chiến đấu vô sản Việt Pháp, NXB Thông tin lý luận Hà Nội, 1986, tr.39.
(9) Cordel Huld: Memoirs (New York, Macminllan, 1948)
(10)Trần Hữu Đính, Lên Trung Dũng: Quan hệ Việt Mỹ trong cách mạng tháng Tám, NXB Khoa học xã hội, Hà NộI, 1997.
(11)Drachman… Sđd
(12)Xem Foreign Relation of the United States. Volume V.
(13)Peter A. Paul… Sđd
(14)Trần Trọng Trung: Một cuộc chiến tranh sáu đời tổng thống, Tập 1, NXB Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, 1986, tr. 57.
(15)Jaeyes Dacot: NgườI Mỹ ở Việt Nam, tạp chí “Historia” (Pháp) Số 2-1990, tài liệu lưu trữ ở Viện Lịch sử quân sự.
(16)Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975. Tập 1. NXB Chính trị quốc gia, tr 85.
(17)Lịch sử diễn biến tình hình địch và ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1945-1975), Viện Khoa học quân sự, biên soạn, 1977, tr4.
(18)Jaeayes Dacot: … Sđd
(19)Peter A. Paul: … Sđd, tr7.
(20) Hai Mươi Mốt Năm Viện Trợ Mỹ Ở Việt Nam. Đặng Phong.
(21) Henry Lauque, Activités économiqués americanes. Cahiers Internationaux, No-5-1942.
(22) Pentagon Papers (Hồ sơ Ngũ Giác Đài). Daniel Ellsberg. The New York Times. 1971.
(23) Edward Drachman. United States Policy Towards Vietnam 1940-1945. New Jersey, Associated University Press 1970. tr62.
(24) Tuyên ngôn, chương trình hành động 10 điểm. Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam. Tây Ninh. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. 20/12/1960.
(25) Tuyên bố 10 điểm giải pháp. Hội nghị Paris. Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền nam Việt Nam. 5/8/1969.
(26) Tổ chức, hoạt động của MTDTGPMNVN và CPCMLTMNVN qua tài liệu lưu trữ (1960 – 1975). Vũ Văn Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Theo TS. Nguyễn Trọng Hậu (Sự kiện & Nhân chứng, QĐND), PGS, TS. Hà Minh Hồng (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. HCM, Hội Khoa học Lịch sử TP. HCM), và PGS, TS. Phạm Thu Nga (Blog Khoa quân sử)

Phải chăng Việt Nam đã đánh đuổi hai nền văn minh nhân loại?

BP – Hiện nay, phụ họa cho trào lưu đòi xét lại lịch sử vô cùng nguy hiểm của các thế lực phản động, thù địch, đã và đang xuất hiện nhiều luận thuyết nhằm giải thích, bào chữa cho cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược Việt Nam trước đây của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó đáng chú ý hơn cả là nhận định “Việt Nam đánh Pháp, đuổi Mỹ thực chất là đánh đuổi các nền văn minh nhân loại”.

Luận điệu này xuất phát từ những tên phản động đội lốt “nhà báo, nhà trí thức cấp tiến, tiến bộ”, những kẻ cơ hội lưu manh chính trị như Trương Huy San, Dương Hoài Linh và được bọn “ba que xỏ lá”, cùng các thế lực thù địch trong, ngoài nước và các nhà “ngụy sử” sử dụng để mị dân. Hơn nữa, chúng coi đó như một tấm bùa hộ mệnh, lời bào chữa để bảo vệ, thanh minh cho những hành động hèn nhát, bán nước hại dân của chế độ phong kiến thối nát cuối đời nhà Nguyễn, chính quyền bù nhìn Sài Gòn trước đây. Đó là luận điệu của những kẻ vong ơn bội nghĩa, “ăn cây táo, rào cây sung”, một kiểu tư duy nô lệ.

Văn minh nhân loại là thành quả lao động sáng tạo chung của loài người, chứ không phải riêng có của chủ nghĩa tư bản, không phải được hình thành trong thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa. Tư bản xuất hiện là theo quy luật phát triển tất yếu khách quan của lịch sử, là chất xúc tác, là điểm mốc để đánh dấu một bước phát triển của hình thái kinh tế, xã hội và đó hoàn toàn không phải thành tựu tự thân của tư bản. Trước khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện hàng ngàn năm, dưới chế độ cộng sản nguyên thủy hay thời kỳ phong kiến, thế giới đã chứng kiến sự phát triển rực rỡ của các nền văn minh như văn minh sông Hằng, văn minh sông Hồng (châu Á), hay văn minh Maya (châu Mỹ).

Vì vậy, có thể nói Việt Nam từ xa xưa cũng đã là một nền văn minh của nhân loại. Việc chúng ta đánh đuổi thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ, thực chất là đánh đuổi sự dã man, tàn bạo và tư tưởng áp bức, bóc lột, muốn nô lệ dân tộc khác mà thôi. Đó là hành động chính nghĩa để giành độc lập cho Tổ quốc và ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân…Do đó, nói Việt Nam đánh Pháp, đuổi Mỹ thực chất là đánh đuổi nền văn minh nhân loại là cách nói “tát bùn sang ao”, “cả vú lấp miệng em” hòng đánh lừa một bộ phận nhân dân nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết.

Với xu thế “lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết” thì sẽ chẳng ai lại dại dột từ chối, bỏ đi những mối lợi mà người khác đem lại cho mình, đó là bản chất của con người và nhân dân Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng, thực chất thì tất cả những gì thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ trước đây đem đến cho chúng ta có hoàn toàn là những giá trị văn minh không? Thực chất hành động đó có phải đi khai sáng văn minh cho dân tộc ta như những gì chúng từng rêu rao không? Câu trả lời chắc chắn là không!

Trước hết, hãy nói về hành động đem quân xâm lược, nô dịch một đất nước có chủ quyền của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như vậy đã là văn minh chưa, có xứng đáng là những nền văn minh của nhân loại? Rồi khi những “nền văn minh nhân loại” đó vào Việt Nam, sự thực như thế nào thì không chỉ người Việt Nam, mà cả bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều thuộc nằm lòng, rằng: Từ năm 1858 đến trước khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân ta lúc đó đã được hưởng những thành tựu văn minh gì, ngoài làm một kiếp ngựa trâu không hơn không kém, là trên 90% nhân dân mù chữ, tài nguyên thiên nhiên của đất nước bị vơ vét để làm giàu cho nước Pháp. Thậm chí, bọn chúng còn đang tâm bắt nhân dân ta phải nhổ lúa trồng đay để lấy nguyên liệu may quần áo phục vụ chiến tranh phát xít, bỏ mặc hơn 2 triệu đồng bào phải phơi xác nơi đầu đường, xó chợ vì đói, rét. Và hình tượng cùng cực đến mức không thể khổ hơn của các nhân vật chị Dậu, Chí Phèo, lão Hạc mà các nhà văn đương thời đã nói lên tất cả giá trị “văn minh” đó.

Rồi thì bom đạn, chất độc da cam, bom napal, những “khu trù mật”, “ấp chiến lược”, những đợt bố ráp, hành quân càn quét “tìm, diệt” của bọn Mỹ, ngụy tay sai; là lối sống thực dụng, hưởng thụ, rượu chè, bài bạc, đĩ điếm, hút chích; là vợ mất chồng, con mất cha, gia đình ly tán do chiến tranh, bom rơi đạn lạc. Những giá trị “văn minh” đó to lớn đến nỗi, đất nước đã được giải phóng gần 45 năm rồi, song cả dân tộc vẫn chưa khắc phục hết những mất mát, đau thương đó. Những công trình cầu cống, đường sắt, nhà ga xe lửa, công trình xây dựng mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dựng lên ở Việt Nam trước đây cũng không phải vì mục đích tốt đẹp “khai sáng văn minh” cho chúng ta, mà chính là để phục vụ việc tận thu tư bản được thuận tiện, nhanh chóng, là để phục vụ các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng của bọn tướng tá, binh lính sau những ngày đánh trận mà thôi.

Thực tế, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, sau những thất bại liên tiếp, không thể cứu vãn tại Việt Nam đã phải cút khỏi nước ta một cách nhục nhã, mất danh dự. Nhưng, với truyền thống yêu chuộng hòa bình, “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, nhân dân Việt Nam sẵn sàng khép lại quá khứ, vượt qua bất đồng, hướng tới tương lai để hợp tác với Pháp và Mỹ, vì lợi ích của chính nhân dân mỗi nước. Song, chúng ta không bao giờ quên được tội ác tày trời mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã gây ra cho chúng ta trước đây. Đó là những bài học lịch sử được viết bằng máu, là lời cảnh tỉnh để chúng ta không một phút giây nào được lơ là, xao nhãng, mất cảnh giác mà quên đi lời dạy của Lênin “còn chủ nghĩa đế quốc là còn nguy cơ chiến tranh”. Thanh minh, bào chữa cho những tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã gây ra với đồng bào ta trước đây chính là hành động ngậm máu phun người, vong ân bội nghĩa, đánh đồng sự hy sinh xương máu của bao anh hùng liệt sĩ với hành động xâm lược phi nghĩa, vô nhân đạo của bọn cướp nước và tay sai bán nước hèn nhát. Lên án Việt Nam đánh đuổi những “nền văn minh nhân loại” chính là đang rêu rao, tuyên truyền, cổ xúy cho trào lưu phụ thuộc, bán mình cho ngoại bang mà thôi.

Nếu đã là những “nền văn minh nhân loại”, vậy tại sao bọn thù địch, phản động, hại nước hại dân không qua những xứ đó để dệt ước mơ, để thỏa chí tang bồng mà lại luôn quanh quẩn ở Việt Nam chống phá, chửi bới? Đất nước này, dân tộc này không bao giờ chấp nhận những kẻ phản phúc, vô ơn như thế!

Nhất Huy (Báo Bình Phước)

Chiến tranh Việt Nam: Vì sao nói “nhà Ngô” là “tam đại Việt gian”?

Chientranh Vietnam

Người dân miền Nam Việt Nam dưới thời Eisenhower và Kennedy thường gọi “nhà họ Ngô” là “tam đại Việt gian” (Việt gian ba đời). Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này.

Đời 1. Ngô Đình Khả dẫn quân lính đạo, phụ tá đại Việt gian Nguyễn Thân đánh dẹp căn cứ nghĩa quân của Phan Đình Phùng và Cao Thắng ở Vụ Quang trong chiến dịch đàn áp cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Ngô Đình Khả làm tay sai cho Pháp và phò tá Nguyễn Thân trả thù nghĩa quân Phan Đình Phùng vô cùng dã man, tàn bạo tương tự cách Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn. Những tội ác này được coi là tội ác diệt chủng, chống loài người nếu xét theo tiêu chuẩn ngày nay.

Đời 2. Con của Ngô Đình Khả: Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm, làm quan cho Pháp, làm “Thủ tướng” cho Bảo Đại (Pháp), làm “Tổng thống” cho Nam Việt Nam (Mỹ), Ngô Đình Thục làm quan cho Vatican.

Năm tháng sau khi được bù nhìn Bảo Đại bổ nhiệm làm “Thủ Tướng”, ngày 10/11/1954, Ngô Đình Diệm gửi cho bù nhìn Bảo Đại một lá thư tái xác nhận “lòng trung thành của dòng họ chúng tôi” với triều đình thuộc địa thời Pháp thuộc. Bản gốc bức thư được bà thứ phi Mộng Điệp lưu giữ tại tư gia ở Pháp.

Trong thư của Giám Mục Pierre Martin Ngô Đình Thục, Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Vĩnh Long, gửi Đô Đốc Pháp Jean Decoux, Toàn Quyền Đông Dương (lưu giữ ở Trung tâm các Văn khố Hải ngoại, CAOM, Aix-en-Provence ở Pháp), đã tự hào về lòng trung thành “tận tụy của các em tôi” và tự nhận định về gia đình mình là “Một gia đình mà thân phụ tôi đã phục vụ nước Pháp ngay từ khi Pháp mới đến An-nam, và đã nhiều lần đưa mạng sống cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi cầm đầu, dưới quyền Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy, tại Nghệ-an và Hà-tịnh…… Truyền thống của gia đình chúng tôi đến như thế, một gia đình đã tự mình gắn liền với nước Pháp từ lúc ban đầu, trong khi ông cha của những quan lại bây giờ hầu hết đều chống lại Pháp và chỉ quyết định thiên về Pháp khi thấy có lợi. Ngay chính các em tôi đã từng liên tục đưa mạng sống ra vì nước Pháp, trong cuộc nổi loạn của Cộng Sản. Diệm, người em kế tôi, suýt đã phải ngã gục dưới những phát súng của một Hoa kiều Chợ Lớn được phái đến Phan-rang với mục đích hại Diệm, Phan-rang là nơi mà Diệm đã mãnh liệt chống giữ lối xâm nhập vào An-nam của các cán bộ Cộng Sản từ Nam Kỳ phái đến…… Tôi nêu ra điều nầy khi xét thấy rằng thân phụ tôi là Ngô Đình Khả đã từng được vinh dự phục vụ nước Pháp dù sinh mạng bị hiểm nguy, và khi xét đến quá trình lâu dài của các em tôi, một quá trình được hình thành bằng lòng tận tụy vô bờ của các em tôi đối với nước Pháp, mà không sợ phải hy sinh mạng sống của mình cho nước Pháp.”

Tại New York, Mỹ (13/5/1957), trong buổi tiệc ngoại giao, Ngô Đình Diệm nói: “Biên giới Mỹ không dừng bước ở Alaska, mà kéo dài ở Đông Nam Á, tới sông Bến Hải tại vĩ tuyến 17 của Việt Nam, hình thành một biên giới của thế giới tự do, cái mà tất cả chúng ta đều trân trọng.”

Đời 3. Ngô Đình Huân con của Ngô Đình Khôi, làm tình báo cho phát xít Nhật.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam đáng lẽ phải được độc lập, hòa bình, thống nhất. Nhưng do mưu cơ của Mỹ, Việt Nam đành tạm thời bị chia đôi thành 2 vùng lãnh thổ với 2 hệ thống chính trị xã hội khác biệt. Vĩ tuyến 17 trở thành một giới tuyến quân sự tạm thời (Military Demarcation Line) có thời hạn 2 năm (1954-1956).

Để thực hiện mưu đồ xâm lược, người Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm từ Mỹ về và đưa lên làm “thủ tướng” cho Quốc Gia Việt Nam (Pháp), năm 1955 sáng tạo ra chính quyền Ngô Đình Diệm và đưa lên làm “tổng thống”.

Nhà họ Ngô “tam đại việt gian” cũng dựa hơi Mỹ để xây dựng chính quyền và “Vatican hóa”, “Hoa Kỳ hóa”, “Kitô hóa” quốc thổ và lê máy chém khắp miền Nam chặt đầu hành quyết như thời trung cổ những ai không chịu cúi đầu phục tùng, vì mục đích gia tộc và tôn giáo vị kỷ, hẹp hòi, vĩ cuồng, vì thù hận riêng tư của gia đình để trả thù người chống Pháp thời Chiến tranh Đông Dương, phản dân tộc, chống dân tộc và chống lại nguyện vọng độc lập hòa bình thống nhất của quốc gia, dân tộc.

Chính quyền Sài Gòn được ngoại bang xây dựng lên một cách bất chính với một quân đội mà bộ khung của nó bao gồm các tướng tá đã từng đi theo thực dân Pháp đàn áp nghĩa quân thời Pháp thuộc và vác cờ ba que đánh lại Việt Minh trong chiến tranh Đông Dương. Chính quyền đó sẽ sụp đổ ngay lập tức nếu bị Mỹ bỏ đói.

Trong 9 năm làm cai thầu chống phá cách mạng miền Nam cho Mỹ và đánh phá Phật giáo miền Nam cho Vatican thì anh em Diệm, Nhu và “bạo chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn đã gây ra những gì?

Sau đây là những nét đại khái:

– Dẹp bỏ ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương

– Xé bỏ Hiệp nghị Genève về việc sẽ thống nhất đất nước vào năm 1956

– Bày ra luật dã man 10/59 trên danh nghĩa “tố Cộng – diệt Cộng” nhưng thực tế đã diệt chủng nhiều trăm ngàn mạng người mà tuyệt đại đa số ở đó là: Những người kháng chiến chống Pháp 1946-1954, “người lương”, người Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo.

Tại sao không “tố” và “diệt” những ông bà đảng Cộng sản Mỹ, đảng Cộng sản Pháp, Cộng sản Anh, cộng sản Tây Ban Nha, trước khi người ta đưa quân chở bom đạn, mướn lính “chư hầu” đến VN “lùng và diệt” Việt Cộng?!

Tàn ác nhất là các đảng phái đối lập (với đảng Cần Lao Công giáo) và những chính khách đã từng “vây quanh” Diệm vào lúc ban đầu (1954 – 1955) đều bị Diệm, Nhu, Cẩn cho tay chân mật vụ bắt cóc thủ tiêu.

Riêng biến cố Phật giáo, nó chỉ bắt đầu khởi đi bằng những ý chí cương quyết bởi những nhà lãnh đạo Phật giáo và Phật tử là đêm Phật Đản ngày 8.5.1963 sau khi anh em Thục, Diệm, Nhu, Cẩn cho lính điều xe bọc thép, dùng hỏa lực quân dụng chiến tranh đàn áp dã man người dân miền Nam Việt Nam đang biểu tình trước cửa đài phát thanh Thừa Thiên – Huế.

Trong sách “Pháp nạn Phật giáo 1963: Nguyên nhân, bản chất và tiến trình”, Thượng Tọa Thích Nhật Từ nói thẳng: “Nhà họ Ngô khát máu tiếp tục thi hành chính sách cường hào ác bá, giết kỳ hết những người phản đối họ.”

Chien tranh Viet Nam

Người Mỹ biểu tình với biểu ngữ nhắc lại lời nói của tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower về việc Hồ Chí Minh sẽ thắng cử với khoảng 80% lá phiếu và lý giải rằng đó là lý do mà nhà độc tài con rối Diệm của Mỹ (American puppet dictator Diem) không thực thi tổng tuyển cử. Còn tự do thì sao hở ngài Johnson? Chúng tôi không muốn chiến tranh.

Theo Trần Quang Diệu (Sách Hiếm, Đấu Trường Dân Chủ)

 

Thư của Tướng Giáp gửi Hồ Chủ tịch và Chính trị Bộ về chủ trương tác chiến mới ở Điện Biên Phủ

THƯ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỀ CHỦ TRƯƠNG TÁC CHIẾN MỚI Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ (1)

Kính gửi Hồ Chủ tịch,

Đồng chí Trường Chinh và Chính trị Bộ.

Chúng tôi đã nghiên cứu chủ trương tác chiến mới của ta ở Điện Biên Phủ và chủ trương quân sự của ta trên các chiến trường toàn quốc với đồng chí Quốc, nay xin phân bốn điểm báo cáo như sau:

I – Chủ trương tác chiến mới ở Điện Biên Phủ. Ngày 25, bộ đội ta đã đến đủ ở vị trí tập kết, phần lớn pháo binh cũng đã vào trận địa. Chúng tôi đã nghiên cứu lại lần cuối cùng tình hình địch ta để ra lệnh nổ súng thì nhận thấy:

a) Địch tăng đến 15 tiểu đoàn, một số pháo; sự bố trí ở phía Bắc và Tây đã mạnh hơn trước; vị trí Hang Cang ở phía Nam trước chỉ có 2 tiểu đoàn thì nay đã có 4 tiểu đoàn, thêm 12 khẩu lựu pháo, có trường bay mới làm, biến thành một tập đoàn cứ điểm thứ hai để yểm hộ cho Mường Thanh.

b) Lựu pháo và cao pháo của ta bố trí ở Bắc và Tây Bắc chỉ hợp với kế hoạch đánh nhanh, không hợp với kế hoạch đánh từng bước vì từ đường ôtô kéo vào phải dùng trên một đại đoàn bộ binh kéo trong 8 đêm, trước báo cáo là chỉ cần hai đêm, nếu chiến sự phát triển không thuận lợi thì tiến lui đều khó.

c) Việc chuẩn bị về mọi mặt phải tăng cường mới bảo đảm lâu được.

Chúng tôi nhận thấy đối với một kẻ địch đã tăng cường như ở Điện Biên Phủ thì phải dùng cách đánh tiêu diệt từng bước, trong giai đoạn đầu tiêu diệt sinh lực chúng ở ngoại vi, đồng thời tìm cách tiêu hao chúng, khống chế sân bay để hạn chế hoặc triệt đường tiếp tế của chúng trong một thời gian khá dài. Vì vậy chúng tôi quyết định:

a) Tạm định ngày nổ súng, điều chỉnh lại bộ đội cho hợp với kế hoạch mới. Vận chuyển các cao pháo và trọng pháo trở lại phía Đông để có thể sử dụng cơ động và đợi khi hệ thống đường kéo pháo phía Đông Điện Biên Phủ làm xong sẽ sử dụng. Lệnh chuyển pháo đã được thi hành trong đêm 26, cần phải bảy hôm mới hoàn thành.

b) Nghiên cứu kế hoạch tiếp tục chuẩn bị về các mặt tân binh, đạn dược, lương thực, đủ đánh cho đến cuối tháng 4. Đường sá từ Yên Bái đến Điện Biên Phủ phải bảo đảm cho xe chạy được trong cả thời gian đó. Làm thêm nhiều con đường cho xe kéo pháo chạy đến gần Điện Biên Phủ để có thể điều động pháo theo nhu cầu chiến đấu. Kế hoạch này chia từng bước để tiến hành, định đến 10-2 thì hoàn thành bước thứ nhất.

c) Trong lúc ở đây tích cực chuẩn bị thì nhanh chóng và bí mật điêu động toàn Đại đoàn 308 sang phía lưu vực sông Nậm hu, bao vây và tiêu diệt từ 4 đến 5 tiểu đoàn địch hiện đóng từ Mường Khoa đến Mường Ngòi. Chiều 26, trung đoàn đầu tiên của Đại đoàn 308 đã lập tức xuất phát, 27 toàn bộ xuất phát, dự liều vào khoảng 30 hay 31 thì hoàn thành bao vây địch. Nếu địch bỏ chạy thì truy kích. Nếu ta thắng ở mạn đó thì tình hình ở Điện Biên Phủ và ở Luông Phabăng có thể thay đổi ít nhiều.

Trên đây là chủ trương tác chiến mới hướng này. Chúng tôi sẽ điện những nhu cầu cụ thể về nhân lực, vật lực để phục vụ một trận chiến đấu rất lớn trong thời gian khá dài như trên đã nói, mong Trung ương phê chuẩn và cho chỉ thị.

II – Chủ trương quân sự của ta trên các chiến trường toàn quốc và Lào – Miên. Cuộc chiến đấu lớn của ta ở Điện Biên Phủ và Thượng Lào có liên quan rất mật thiết với tình hình toàn quốc. Ta tiêu diệt được nhanh chóng quân dịch ở Điện Biên Phủ hay chưa tiêu diệt được mà vẫn bao vây kiềm giữ chủ lực địch ở đây được thì đối với các chiến trường toàn quốc đều có một tác dụng rất lớn. Chúng tôi xin phân tích tình hình quân sự trước mắt và đề nghị chủ trương quân sự trong toàn quốc như sau:

1. Tình hình quân sự hiện nay có hai điểm đáng chú ý:

a) Từ khi ta bắt đầu kế hoạch Đông Xuân thì khắp các chiến trường đều thu được thắng lợi lớn: Lai Châu, Trung Lào, đồng bằng Bắc Bộ, Liên khu V, Nam Bộ.

b) Chủ lực địch trước tập trung phần lớn ở địch hậu Bắc Bộ thì nay đã phân tán đến Điện Biên Phủ và Xavanakhẹt. Không những thế, bộ phận chủ lực còn lại ở địch hậu Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ và Miên, nay cũng bị thu hút một phần lớn lên trung Lào và sa lầy vào cuộc tấn công không đúng lúc của Nava ra Tuy Hòa. Địch đã phải bị động đối phó với ta, khiến chủ lực phải phân tán vào những chiến trường không lợi cho chúng như Điện Biên Phủ, khiến các chiến trường địch hậu sơ hở hơn trước nhiều.

2. Căn cứ vào tình hình địch, ta nói trên, chủ trương quân sự của ta là tiếp tục hoạt động Đông Xuân theo những phương châm sau đây:

a) Sự hoạt động ở chiến trường chính diện và sự hoạt động ở chiến trường địch hậu toàn quốc phải kết hợp chặt chẽ với nhau: chiến trường chính diện ra sức kiềm chế, giam giữ địch để tất cả các chiến trường địch hâu đẩy mạnh chiến tranh du kích và tiêu diệt sinh lực dịch. Sự phối hợp chính diện và địch hậu trước đây đã được thực hiện chặt chẽ ở Bắc Bộ trong chiến dịch Hòa Bình, nay phải được thực hiện trên chiến trường toàn quốc. Sự phối hợp toàn quốc và giữa các chiến trường Việt – Miên – Lào bắt đầu thực hiện trong một tháng nay, nay phải đẩy mạnh lên nữa. Đặc điểm của hoạt động Đông Xuân là bao gồm chiến trường toàn quốc và Việt – Miên – Lào, chứ không phải hạn chế trong một chiến trường nào.

b) Hoạt động Đông Xuân của ta cần phải liên tục từ nay cho đến mùa hè, chứ không phải hạn chế trong một thời gian ngắn; càng kéo dài thì càng khơi sâu nhược điểm của địch, càng tiêu diệt được nhiều địch và buộc địch càng phải phân tâm lúng túng. Ngay đến trong mùa hè cũng cần phải nghiên cứu tiếp tục hoạt động một phần nào, thay đổi quy luât mới nắm. Đặc biệt ở Điện Biên Phủ nếu trước Hè chưa tiêu diệt toàn bộ quân địch thì phải kiên trì chiến đấu ngay trong mùa Hè.

c) Trong kế hoạch hoạt động Đông Xuân, vì ta sẽ giải phóng được nhiều địa phương mới, vì tác chiến kéo dài, nên cần kết hợp nhiệm vụ tác chiến với nhiệm vụ củng cố vùng giải phóng, kết hợp nhiệm vụ tác chiến với nhiệm vụ chấn chỉnh xây dựng bộ đội. Nếu đợi tác chiến xong rồi mới xây dựng bộ đội, mới củng cố địa phương, thì sẽ không duy trì được sự hoạt động bền bỉ và không củng cố được thắng lợi.

III – Phương châm hoạt động trên từng chiến trường. Trên cơ sở những phương châm chung cho toàn quốc, phương pháp tác chiến cụ thể cho mỗi chiến trường thì tùy điều kiện mỗi chiến trường mà định.

a) Ở Điện Biên Phủ thì bao vây kiềm giữ địch, tiêu diệt từng bộ phận, tạo điều kiện tiêu diệt toàn bộ. Trường hợp địch tình biến hóa có lợi thì có thể dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch. Trường hợp địch tăng cường thì có thể dùng một bộ phận chủ lực tiến về phía Luông Phabăng, Phongxalỳ tiêu diệt địch và giải phóng địa phương, cô lập địch ở Điện Biên Phủ.

b) Ở Trung và Hạ Lào: hiện đã giải phóng phần lớn tỉnh Thà Khẹt, cần nắm vững phương châm đánh nhỏ ăn chắc, đẩy mạnh hoạt động ở Hà Lào, mở rộng vùng giải phóng ở đó, liên lạc với Liên khu V, buộc địch từ chỗ chiếm đóng thành điểm đi vào chỗ bố trí tuyến trên đường số 13 và đường số 9. Đẩy mạnh công tác vùng giải phóng và tiến hành gấp rút tổ chức con đường từ Banafao đi đến đường số 9.

c) Liên Khu V: hiện chiến dịch miền Tây đã thắng lợi bước đầu, cần hoàn thành chiến dịch, giải phóng cả miền Bắc Kon Tum, liên lạc với Hạ Lào và bắt đầu công tác củng cố vùng mới giải phóng. Sau đó sẽ dùng một bộ phận chủ lực mà phát triển về hướng địch yếu giữa Kon Tum và Pleiku hoặc giữa Pleiku và An Khê. Ở vùng địch đánh ra thì phát triển chiến tranh du kích. Ở toàn địch hậu liên khu cũng vậy.

d) Ở đồng bằng Bắc Bộ, cần tiếp tục thực hiện kế hoạch Xuân – Hè nhằm đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu diệt sinh lực địch, phá kế hoạch khinh quân, mở rộng căn cứ du kích, phát triển vào vùng tạm chiếm, nhất là Sơn Tây, cần đẩy hoạt động các chiến trường lên cho đều. Cần tích cực hoạt động, nhưng đề phòng khắc phục tư tưởng ham ăn to đánh lớn, bỏ mất cơ hội diệt địch, cần chú trong việc xây dựng lực lượng.

e) Nam Bộ: đẩy mạnh chiến tranh du kích có trọng điểm, mở lại những căn cứ du kích ở vùng địch hậu một cách có trọng điểm, tranh thủ xây dựng bộ đội địa phương vầ dân quân du kích, kiện toàn các tiểu đoàn chủ lực trong tác chiến.

f) Cao Miên: cần đẩy mạnh hoạt động có trọng điểm chú trọng gây cơ sở ở Đông Miên và Đông Bắc Miên (Stungtreng và Kompongthom) để liên lạc với Hạ Lào. Tranh thủ khuếch trương lực lượng vũ trang.

IV. Triển vọng: Nếu chúng ta thực hiện được kế hoạch trên thì không những trên chiến trường chính diện sẽ tiêu diệt được sinh lực địch, không những ở địch hậu Bắc Bộ sẽ thu được nhiều thắng lợi mà khắp chiến trường miền Nam và Lào – Miên ta sẽ thu được nhiều thắng lợi mới. Chúng ta có thể giải phóng được toàn Tây Bắc và một phần quan trọng của Thượng Lào, mở được con đường vào Nam đi qua Trung và Hạ Lào, giải phóng miền Bắc Kon Tum, uy hiếp Tây Nguyên, mở những căn cứ du kích mới ở Miên, ở Nam Bộ, tạo được điều kiện để thực hiện việc tiến quân vào Nam. Địch sẽ bị tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng, khó thực hiện âm mưu khuếch trương ngụy quân, buộc phải phân tán chủ lực và ngày càng đi vào bị động. Chúng cũng ít có khả năng đánh ra vùng tự do của ta, do đó cuộc cải cách ruộng đất của ta được bảo đảm. Đứng về mặt quốc tế thì lại càng có lợi cho ta. Nói tóm lại, chúng ta sẽ phá được kế hoạch Nava.

Chúng ta cần thấy trước bọn Pháp – Mỹ còn ra sức cố gắng mang thêm viện binh, tăng thêm vũ khí; hoặc điều chỉnh lực lượng thay đổi bố trí để mưu củng cố địch hậu, củng cố và đánh rộng ra ở miền Nam, nhưng chúng khó cứu vãn được cục diện khắp toàn quốc và cả ở Lào – Miên.

Nhưng, muốn tranh thủ được những thắng lợi trên thì toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải có một cố gắng rất lớn, rất tích cực và bền bỉ:

a) Các cấp chỉ đạo trong quân đội và cấp ủy của Đảng cần nhận rõ tình hình và thấu triệt chủ trương quân sự của Trung ương.

b) Các cấp ủy cần nắm vững nhiệm vụ đánh giặc là công tác trung tâm thứ nhất, là có quyết tâm huy động nhân vật lực đầy đủ để phục vụ tiền tuyến, đồng thời chú trọng đúng mức đến công tác củng cố vùng giải phóng về mọi mặt (cán bộ, lực lượng võ trang, đường sá, dân sinh).

V. Đề nghị Hồ Chủ tịch và Chính trị Bộ cho chỉ thị về sự nhận định tình hình và chủ trương quân sự nói trên.

30-1-1954

Hưng

(1) Đây là một tư liệu còn giữ ở Kho lưu trữ Trung ương Đảng (phòng số 11, mục lục số 2, đơn vị bảo quản số 742) được xác định là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó lấy bí danh là “Hưng”. Thư được gửi hỏa tốc ngày 30-1`-1954 từ tiền tuyến Điện Biên Phủ đến các đồng chí lãnh đạo Đảng lúc bấy giờ là Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Bộ Chính trị. Đây là một minh chứng cho thấy quyết định sáng suốt của Đại tướng, chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 209, tháng 4 năm 2004, tr.18-20.

Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay / Quân sử Việt Nam

Lời kêu gọi ngụy binh quay về với Tổ quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lời kêu gọi nguỵ binh quay về với Tổ quốc (15-11-1951)

Hỡi các người đi lính cho Pháp và bù nhìn!

Giặc Pháp muốn cướp nước ta lần nữa. Chúng bày ra một thứ độc lập giả hiệu để lừa bịp dân ta và bắt các người đi lính cho chúng.

Bọn bù nhìn Bảo Đại bán nước cho Pháp cũng như tổ tiên nó đã hàng Pháp suốt 80 nǎm. Chúng bắt buộc đồng bào ta đi lính để chết thay cho Pháp.

Đi lính cho giặc Pháp, cho bù nhìn tức là giúp giặc giết hại đồng bào, chống lại Tổ quốc.

Chính phủ và nhân dân ta kháng chiến để tranh lại độc lập thực sự cho Tổ quốc, tự do thực sự cho đồng bào. Vì vậy, sức kháng chiến ngày càng tǎng, và kháng chiến nhất định thắng lợi.

Tôi biết rằng: các người đều là con dân nước Việt, song vì bị Pháp bắt buộc, hoặc bị chúng lừa gạt, cho nên đi lính cho chúng. Chứ thật không ai muốn “cõng rắn bắt gà nhà”, “rước voi giày mả tổ”, chống lại Tổ quốc, để mang tiếng Việt gian.

Trong các trận vừa qua, nhiều nguỵ binh đã chạy về với Chính phủ.

Những người mang súng đạn về đã được Chính phủ thưởng.

Những người muốn được về quê quán đã được Chính phủ giúp cho về.

Những người muốn đánh giặc lập công đã được Chính phủ cho vào bộ đội.

Tôi thiết tha kêu gọi các người mau mau quay về với Tổ quốc, các người sẽ được đối đãi tử tế.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng.

HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân dân, số 32, ngày 15-11-1951.

Thư gửi các ngụy binh – Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thư gửi các nguỵ binh (28-9-1951)

Tôi đã nhận được thư 300 nguỵ binh công giáo bị bắt trước mặt trận, xin tha.

Tôi cũng đã nhận được thư của những nhóm nguỵ binh khác, hứa hẹn.

Tôi trả lời như sau:

– Một mặt, vì các người chưa hiểu rằng: giặc Pháp đương mưu mô cướp nước ta, bù nhìn Bảo Đại đang mưu bán nước ta. Kháng chiến là cốt làm cho nước ta được độc lập thực sự, cho nhân dân được tự do, đồng thời cho đồng bào công giáo được tự do thờ Chúa.

– Một mặt khác, các người hoặc bị giặc Pháp và bù nhìn ép buộc, hoặc bị chúng lừa phỉnh mà đi lính cho chúng, chống lại Tổ quốc. Nhưng các người cũng là máu đỏ da vàng, khi đã hiểu thì chắc không ai nỡ lòng làm nanh vuốt cho giặc, chống lại Tổ quốc, để mang tiếng xấu muôn đời.

Tuy các người đã phạm tội nặng là cầm súng chống lại Tổ quốc, song Chính phủ kháng chiến độ lượng khoan hồng, thương hại các người như những đứa con lầm đường, cho nên nặng về giáo dục nhẹ tay xử phạt, để dìu dắt các người bỏ đường tà, theo đường chính.

Vì lẽ đó, đối với những nguỵ binh đã bị bắt và đã biết tội, thì Chính phủ sẽ dần dần tha thứ cho về với cha mẹ, vợ con.

Đối với những nhóm nguỵ binh có thư hứa hẹn, thì tôi có lời khuyên rǎn và dặn dò: anh em phải cẩn thận, sẽ có cán bộ kháng chiến liên lạc và hướng dẫn anh em.

Đối với tất cả nguỵ binh, thì Chính phủ sẽ khoan hồng những người sớm quay về với Tổ quốc, sẽ trọng thưởng những người và những nhóm đái tội lập công lớn (1) .

Nguỵ binh cũng là con dân nước Việt, nhưng vì dại mà đi lầm đường, cho nên tôi và Chính phủ sẵn sàng tha thứ những người sớm biết lỗi và quay về với đại gia đình kháng chiến.

HỒ CHÍ MINH

Báo Cứu quốc, số 1915,
ngày 28-9-1951.

Những nước cờ cao của Tướng Giáp trên chiến trường

Ở những thời điểm quan trọng của trận đánh, Đại tướng luôn có những quyết định sáng suốt tiên liệu sự việc chính xác đến không ngờ. Đó cũng là một trong những yếu tố để tên tuổi ông đi vào huyền thoại.

ho_chi_minh_and_vo_nguyen_giap_by_st09official_dcre2ce-fullview

Chưa từng học qua trường võ bị nào nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chiến thắng 10 đại tướng Mỹ, Pháp bằng những tư duy quân sự độc đáo của mình.

Lãnh đạo một đội quân từ những khẩu súng kíp ban đầu với những người lính xuất thân nông dân ít được học hành, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chiến thắng cả 2 cường quốc quân sự của thế giới.

Trong 30 năm cầm quân ấy, hẳn có vô số sự kiện chứng minh phẩm chất quân sự thiên tài của Đại tướng. Tuy nhiên, ở đây, chỉ xin điểm lại một vài quyết định của Đại tướng ở những thời điểm quan trọng trước mỗi chiến dịch, trận đánh mà có ảnh hưởng quyết định tới thắng lợi.

Đại đội độc lập tiểu đoàn tập trung

Mùa đông năm 1947, quân Pháp mở cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc với mục tiêu lùng bắt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt lực lượng chủ lực của Việt Minh để kết thúc chiến tranh. Địch chia quân 2 cánh hòng tạo ra 2 gọng kìm vây lấy quân ta.

So sánh mọi mặt, lúc này quân ta ở thế yếu hơn địch, từ quân số đến vũ khí trang bị. Cần phải có phương án tác chiến thích hợp để đập tan được cuộc tấn công của địch, mà vẫn bảo toàn được lực lượng của ta để kháng chiến lâu dài.

Trong đợt toàn quốc kháng chiến năm 1946, có lúc ta tổ chức đánh lớn, dàn quân ra đánh với địch như ở Hà Đông, nhưng không hiệu quả do trang bị của ta thô sơ, bất lợi khi giao chiến theo hình thức chiến tranh quy ước với địch.

Trong tình thế nguy hiểm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nghe báo cáo có 1 đại đội bị lạc đơn vị đã nương tựa vào dân ở Hà Bắc, vừa chiến đấu vừa phát triển lực lượng. Câu chuyện đã lóe lên trong đầu vị tướng tài một câu trả lời mà bấy lâu ông đang tìm kiếm. Ta sẽ phân tán lực lượng ra, kẻ địch sẽ không thể tìm thấy thứ chúng muốn tìm (chủ lực ta) và chúng sẽ bị nhấn chìm trong núi rừng Việt Bắc.

Và thế là ngay sau đó, Đại tướng liền trình kế hoạch lên Trung ương Đảng và Bác Hồ. Trong cuộc họp ngày 14/101947, Trung ương và Bác đã nhất trí thông qua kế hoạch, cho tổ chức quân đội ta thành những đại đội độc lập đi vào hoạt động trong vùng địch tạm chiếm để biến hậu phương địch thành tiền phương của ta.

Nhờ công thức “đại đội độc lập tiểu đoàn tập trung”, quân ta tiếp tục giữ vững thế chủ động chiến trường đẩy quân Pháp vào thế bị động đối phó. Sau thất bại ở Việt Bắc, quân Pháp ngày càng phải lo lắng nhiều đến việc giữ gìn vùng chiếm đóng vì các đại đội chủ lực của ta đã đi vào hoạt động thúc đẩy phong trào đấu tranh của du kích và nhân dân lên một bước mới, không cho chúng rảnh tay tập trung quân càn quét.

Đòn điểm huyệt “rúng động” biên giới

Chiến dịch Biên Giới 1950 mở ra với mục đích khai thông biên giới Việt – Trung để nối liền vùng giải phóng của ta với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Xã hội Chủ nghĩa cho cuộc kháng chiến của ta. Vì ý nghĩa đó, đây là một chiến dịch quan trọng phải đảm bảo chắc thắng.

Đây cũng là chiến dịch đầu tiên ta tập trung lực lượng bộ đội lớn gồm 5 trung đoàn chủ lực của Bộ, 3 tiểu đoàn của Liên khu Việt Bắc và các lực lượng vũ trang 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Về phía địch, lực lượng cũng xấp xỉ quân ta và phần lớn là lính Âu Phi thiện chiến lại được trang bị tốt hơn ta rất nhiều.

Ban đầu cơ quan tham mưu xác định lấy thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá để mở đầu chiến dịch. Tuy nhiên, khi thị sát chiến trường, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại nhận thấy tấn công vị trí này có nhiều bất lợi.

Trong hồi ký “Đường tới Điện Biên Phủ”, Đại tướng Tổng tư lệnh viết: “Lấy thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá để mở đầu chiến dịch có phải là sự lựa chọn đúng không? Cao Bằng là một vị trí đột xuất nằm sâu trong hậu phương ta ở phía bắc. Ở đây, địch có 2 tiểu đoàn. Nếu đánh thắng, ta sẽ giải phóng được một thị xã quan trọng ở biên giới, ảnh hưởng chính trị sẽ rất lớn. Nhưng bộ đội ta chưa hề đánh một vị trí 2 tiểu đoàn Âu-Phi. Cao Bằng như tôi đã biết, nằm giữa hai con sông, và có ngôi thành cổ rất vững chắc. Đánh Cao Bằng sẽ thực sự là một trận công kiên lớn mà chúng ta còn chưa có kinh nghiệm”.

“Trong tư tưởng của tôi từ trước, điểm đột phá trên chiến trường này phải là Đông Khê. Ở đây địch đóng 1 tiểu đoàn, nằm trong khả năng tiêu diệt của bộ đội ta. Mất Đông Khê, Cao Bằng sẽ trở nên hoàn toàn cô lập. Địch nhất định phải chiếm lại Đông Khê. Bộ đội ta sẽ có điều kiện tiêu diệt bộ binh địch trên địa hình rừng núi. Tôi đã nói với Bộ Tổng tham mưu, tạm thời chưa đụng vào những vị trí địch trên đường số 4, chưa đánh động chúng”, hồi ký “Đường tới Điện Biên Phủ” của Đại tướng viết.

Những suy tính này cùng với quá trình thị sát Cao Bằng sau đó, Đại tướng đã quyết định thay đổi điểm đột phá. Thay vì đánh vào Cao Bằng, ta chọn đánh cứ điểm Đông Khê để cô lập Cao Bằng rồi bố trí phục binh đánh địch cứu viện bên ngoài công sự và khi chúng rút chạy.

Thực tế chiến sự sau đó đã diễn ra hoàn toàn theo suy tính của Đại tướng. Điều đó thể hiện một tư duy quân sự sắc sảo, linh hoạt và thiên bẩm của vị Đại tướng chưa một ngày học qua trường lớp võ bị nào.

Lối đánh điểm diệt viện này về sau trở thành một lối đánh quen thuộc và lợi hại của quân đội ta trong kháng chiến chống Mỹ, đến mức tướng Westmoreland phải để tâm nghiên cứu và đưa ra những “cẩm nang” cho thuộc cấp Mỹ và quân đội Sài Gòn để ứng phó. Tuy nhiên, tác dụng của những cẩm nang đó không được bao nhiêu vì chiến thuật ấy, quân ta đã vận dụng thành nghệ thuật. Bởi vậy, quân Mỹ vẫn thua những trận đau như ở Sa Thầy, Pleime…

Buôn Ma Thuột hay Đông Nam Bộ

Từ cuối năm 1973, khi những dấu hiệu vi phạm Hiệp định Paris của quân đội Sài Gòn đã rõ ràng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng bắt đầu nghiên cứu đề án quân sự. Trong đó, vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất là chọn hướng tiến công chính ở đâu khi bắt đầu một kế hoạch quân sự mới.

Bộ Tổng tham mưu đưa ra mấy hướng để lựa chọn là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Quảng Đà, Trị Thiên. Các cuộc thảo luận còn tiếp tục trong nhiều ngày tháng nhưng cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp ủng hộ hướng đánh vào Tây Nguyên vì khu vực này tiện cho ta tiếp tế hậu cần mà địch lại phòng thủ sơ hở. Thêm nữa, Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương – là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng trong quân sự. Chiếm được Tây Nguyên sẽ cắt đôi thế phòng thủ hiện tại của quân đội Sài Gòn ở miền Nam.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu đánh Tây Nguyên sẽ động, địch sẽ ra sức đối phó ở Sài Gòn và đồng bằng Nam Bộ, sau này ta đánh sẽ khó khăn. Vì vậy nên chọn Nam Bộ là hướng chính, phía Tây Nguyên chỉ đánh Đức Lập để mở đường và đồng bằng Nam Bộ. Cuộc trao đổi vẫn chưa ngã ngũ.

Khoảng cuối năm 1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ ở Đồ Sơn và trực tiếp làm kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Bản kế hoạch này đã sửa chữa đến lần thứ 6. Trong bản này, về hướng tiến công chủ yếu chỉ còn để lại 2 hướng là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Tháng 12/1974, đoàn cán bộ B2 và khu 5 ra Hà Nội họp với Bộ Tổng tham mưu. Trong vấn đề chọn hướng chiến lược, các đồng chí B2 muốn chọn Đông Nam Bộ làm hướng tiến công chiến lược. Tuy nhiên, ngay trong hướng Đông Nam Bộ, giữa Bộ Tổng tham mưu và đoàn cán bộ B2 cũng có sự khác biệt về địa điểm đột phá. Bộ Tổng muốn đánh Bù Đăng, Bù Na để có thêm đạn pháo chiến lợi phẩm đánh Đồng Xoài trong khi các đồng chí B2 muốn trước hết đánh Đồng Xoài vì nó là quận lỵ quan trọng của Phước Long. Cuối cùng kế hoạch tiến công chọn cả Bù Đăng, Bù Na, Đồng Xoài và cả Phước Long.

Trong hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp ngày 18/12/1974, trước những thông tin mới nhất của tình hình bố phòng Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại nêu ý kiến: “Kế hoạch phải nêu rõ diệt địch ở Tây Nguyên, mở đầu bằng đánh Buôn Ma Thuột. Có thể sau khi ta tiêu diệt Buôn Ma Thuột, địch sẽ dao động, rối loạn, lúc đó ta phải chớp lấy thời cơ giải phóng Huế. Nếu lúc đó ta chậm chân, mỏi mệt, để mùa mưa đến thì lỡ mất thời cơ. Cho nên phải có kế hoạch bao vây chia cắt ngay từ bây giờ, không để cho địch co cụm chiến lược, rút về miền Đông Nam Bộ hay rút về phía đông dọc theo bờ biển Trung Bộ…. Chúng ta phải chủ động tạo ra thời cơ, chứ không thể bị động ngồi chờ. Khi thời cơ đến thì phải kiên quyết, kịp thời chớp lấy thời cơ”.

Càng ngày hướng Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột càng được nhiều người ủng hộ qua các cuộc họp, thảo luận và cuối cùng đã được lựa chọn làm hướng mở màn chiến dịch Tây Nguyên và cũng là mở màn cho kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Như sau này nhiều người nói, đòn đánh vào Buôn Ma Thuột thực sự là một đòn điểm huyệt vào toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch đưa chúng đến chỗ tan rã nhanh chóng.

Quyết định đánh tan 10 vạn quân trong 3 ngày

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch “rúng động” và tan rã cũng là lúc quân ta mở chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng. Mất Quảng Trị rồi Huế, lực lượng địch dồn về Đà Nẵng tới 100.000 tên với đủ các sắc lính và hô hào tử thủ.

Ngày 26/3 tại Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp với tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh mặt trận Quảng Đà vừa được chỉ định và một số tướng lĩnh khác để bàn kế hoạch tiến công Đà Nẵng. Tướng Tấn đã chuẩn bị sẵn một phương án tác chiến trong 5 ngày gồm các việc họp đảng ủy, tập kết bộ đội và tổ chức hiệp đồng chiến đấu.

Tuy nhiên, Đại tướng Tổng tư lệnh lại nghĩ khác. Địch kêu gào tử thủ trong khi nhuệ khí đã không còn, hệ thống phòng thủ sau khi mất Tây Nguyên đã không còn căn cứ nào để tử thủ. Tình hình có thể diễn biến đột ngột, khả năng địch tháo chạy vẫn tồn tại. Nếu đánh chuẩn bị đánh trong 5 ngày địch rút được thì sẽ hỏng việc lớn. Do vậy Đại tướng ra lệnh cho Cục Quân báo về nghiên cứu thời gian nhanh nhất địch có thể rút khỏi Đà Nẵng và hẹn sáng hôm sau trả lời.

Sáng hôm sau, Cục Quân báo trả lời địch có thể rút nhanh nhất trong 3 ngày. Đại tướng liền nêu ý kiến cần chuẩn bị phương án đánh trong 3 ngày nhưng tướng Tấn vẫn giữ ý kiến và trình bày là “Đánh như vậy không thể chuẩn bị kịp”.

Tướng Giáp viết trong hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng: “Không thể đồng ý với đề nghị của anh Tấn chuẩn bị chiến đấu 5 ngày cũng như cách tính toán của anh Thanh, tôi phân tích ngắn, gọn, nêu rõ trong tình huống địch “tử thủ”, ta có thể chuẩn bị 5 ngày, 7 ngày hoặc hơn nữa. Nhưng phải dự kiến tình hình đột biến, cần có kế hoạch đánh thật nhanh. Tôi chỉ thị làm kế hoạch đánh địch theo tình huống chúng rút trong 3 ngày”.

Anh Tấn vẫn giữ ý kiến, và trình bày: Đánh như vậy không thể chuẩn bị kịp. Tôi nói, giọng có phần gay gắt: “Tư lệnh mặt trận là anh nên tôi để anh ra lệnh. Nếu là người khác, thì tôi ra lệnh: Đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị 3 ngày. Nếu chuẩn bị 5 ngày, địch rút mất cả thì sao? Huế đã giải phóng rồi. Mặc dầu pháo binh và hải quân địch có thể bắn phá, cứ cho bộ đội hành quân theo đường số 1 tiến công thẳng vào Đà Nẵng. Từ phía nam cũng theo đường số 1 tiến công lên. Không họp đảng uỷ, chỉ trao đổi bằng điện”.

Sau đó tướng Tấn đã chấp hành nghiêm lệnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chỉ trong 3 ngày đã đưa một quân đoàn đánh tan 100.000 quân địch, giải phóng Đà Nẵng.

Một vài mẩu chuyện không thể nói hết được những phẩm chất quân sự thiên tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng nó cũng cho thấy, ở những thời điểm quan trọng của trận đánh, Đại tướng luôn có những quyết định sáng suốt tiên liệu sự việc chính xác đến không ngờ. Đó cũng là một trong những yếu tố để tên tuổi ông đi vào huyền thoại.

VŨ TIẾN ĐỨC (KIẾN THỨC)

Ngụy binh giác ngộ – Chủ tịch Hồ Chí Minh (bút hiệu C.B.)

Nguỵ binh giác ngộ (3-3-1952)

Gần đây, vì địch thất bại nhiều, ta thắng lợi luôn, nên từ Nam đến Bắc, nhiều nguỵ binh đã giác ngộ quay về với kháng chiến. Vài thí dụ:

Đêm 21-12-1951, anh Lê Vǎn Mơ, nguỵ binh đóng ở một tháp canh trong tỉnh Biên Hoà (Nam Bộ) đã diệt 4 tên quan Pháp, rồi mang 4 khẩu súng ra theo bộ đội ta.

Đêm 23-12-1951, bộ đội ta bao vây đồn Mạc Thượng (huyện Lý Nhân, Hà Nam). Chiến sĩ ta và một vị linh mục kêu gọi giải thích. Cả trung đội nguỵ binh đem súng ra hàng.

Đại đa số nguỵ binh là những thanh niên bị bắt buộc hoặc bị lừa bịp mà đi lính cho giặc. Nhưng họ vốn cũng có lòng yêu nước và ghét giặc. Ta giải thích rõ cho họ, khoan hồng với họ, thì họ sẽ giác ngộ và quay về với Tổ quốc. Nhiều lần, sự thực đã chứng tỏ như vậy. Cho nên cán bộ, bộ đội và nhân dân ta phải thi đua địch vận, nguỵ vận, xem đó là một nhiệm vụ kháng chiến, thì ta sẽ không tốn đạn hao binh, mà được cả người lẫn súng. Và do đó, ta sẽ phá tan mưu mô của địch dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.

C.B.

Báo Nhân dân, số 47-48, ngày 3-3-1952.