Phim tài liệu Việt Nam: Lời nguyền chiến thắng

Giới thiệu của blogger Thiếu Long Texas:

Cách đây không lâu mình đã viết đôi dòng về những bài hát rung động lòng người trong kháng chiến chống Mỹ. Hôm nay mình tình cờ xem được một bộ phim tài liệu rất hay và cảm động về chủ đề nhạc cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ này, xin được giới thiệu với các bạn.

Thời chống Mỹ được các nhân chứng lịch sử và giới nghiên cứu sử học thừa nhận là một thời kỳ bão táp, bi hùng nhất nhưng cũng không kém phần đẹp đẽ, lãng mạn trong lịch sử Việt Nam.

Xưa nay giới nghiên cứu sử học, quân sự, chính trị học v.v. khắp Á – Âu khi tìm hiểu về lịch sử Hoa Kỳ, quân đội/quân sự Hoa Kỳ, và về hai cuộc chiến tranh của Pháp – Mỹ tại Việt Nam đều đặt ra một nghi vấn, một câu hỏi: Tại sao Việt Nam thắng Pháp – Mỹ? Nhất là vấn đề tại sao một xứ sở nhỏ bé và được cho là “nhược tiểu” như Việt Nam lại có thể thắng được đại cường quốc Hoa Kỳ. Và tại sao một thuộc địa nhỏ yếu như Việt Nam lại có thể ban cho thực dân Pháp thất bại đầu tiên và duy nhất của họ trước một đối thủ thuộc địa. Xưa nay không có thuộc địa Á – Phi nào thắng được thực dân Tây Dương, ngoài Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu này nếu tìm hiểu cẩn thận lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm nay thì sẽ thấy Việt Nam còn có những ngoại lệ khác. Dân tộc Việt Nam đã có những tiền lệ làm nên những chiến công khó tin trước phong kiến Trung Hoa, Mông Cổ, chứ không phải đột nhiên xuất hiện kỳ tích đánh Pháp đuổi Mỹ.

Nhiều người, nhiều nhóm đã bỏ công phân tích, nêu ra nhiều nguyên nhân, nhưng thường là không đầy đủ. Vấn đề này hầu như không thể nói ra rõ ràng được. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, các nhà sử học Việt Nam giao lưu, hàn huyên với các tướng lĩnh, giới sử học phương Tây, nhất là Pháp và Mỹ thì khi được hỏi điều đó thì các cụ cũng chỉ nói đại ý rằng các ông nên tìm hiểu thêm lịch sử nước Việt, nếu các ông biết lịch sử nước chúng tôi thì có lẽ các ông đã không thắc mắc điều đó.

Quả thật như vậy, trước khi quân dân Việt Nam lập nên chiến tích to lớn thắng Pháp – Mỹ lưu truyền hậu thế thì trước đó, quân dân Âu Lạc do Thục Phán lãnh đạo, sau 10 năm kháng chiến (218 TCN – 208 TCN), đã làm cho nhà Tần không thể tiếp tục cuộc chiến và phải rút quân về, sau khi đã tiêu diệt và đồng hóa các tộc khác trong khối Bách Việt. Trong khi đó tộc Lạc Việt và Âu Việt vẫn đứng vững và sinh tồn. Trong khi “Bạo Tần” là một sức mạnh vô địch lúc đó đã quét sạch và gồm thâu 6 nước vốn đã tồn tại hàng trăm năm, thống nhất Trung Hoa. Vó ngựa chinh phạt của họ phải dừng bước ở phương Nam.

Dân tộc Việt Nam cũng sinh tồn sau khoảng 1000 năm Bắc thuộc, không bị đồng hóa, vẫn giành lại được độc lập và thống nhất, giang sơn thu về một mối. Trong khi người Hán ở Trung Hoa là một dân tộc rất mạnh về văn hóa, họ đã đồng hóa đến cả những kẻ chiến thắng và đô hộ họ (Mông Cổ, Mãn Châu). Vậy mà khi họ đã chiến thắng quân sự trước dân Việt, và có cả chính sách đồng hóa, hòng biến người Việt thành người Hoa, nhưng âm mưu đồng hóa vẫn bất thành.

Đế quốc Mông Cổ thôn tính hơn 1/3 quả địa cầu, đánh chiếm và nô dịch cả nước Trung Hoa rộng lớn, đánh đâu được đó, không thể chiến bại. Vó ngựa vô địch của họ dẫm nát từ Á sang Âu và chỉ dừng bước sau khi đã đánh bại và cướp phá hả hê ở châu Âu, Trung Đông và Nga, họ không tiếp tục cuộc trường chinh ở các nơi này là vì các nơi này quá xa với triều đình trung ương Nguyên Mông.

Trước khi đụng đầu với Đại Việt, họ chỉ phải chịu lui binh không thành công 1 lần duy nhất trên đường đi biển đến xâm lược đảo quốc Nhật Bản. Họ không có hải quân nên phải sử dụng thủy binh người Hán, và trên đường đến Nhật do đường xa và kỹ thuật hạn chế nên đã bị sóng biển, thần phong đánh chìm gần hết các chiến thuyền. Trên đất Việt, họ 3 lần kéo đại quân, binh mã chính quy đông đảo và thiện chiến sang xâm lược và đều bị thất bại nhục nhã phải tháo chạy về nước.

Nghĩa là: Trước Pháp – Mỹ thì Việt Nam đã từng làm được những kỳ tích khó tin tưởng chừng như không thể. Đã có tiền lệ rồi. Đây là những sự thật thực tế khách quan và là niềm tự hào dân tộc chính đáng chứ không phải là “tự sướng” như các giọng điệu dèm pha, chê bai của những kẻ phản động.

Rõ ràng, dân tộc VN là một trong các dân tộc rất đặc biệt, và mạnh nhất trong vấn đề bảo vệ quê hương, làng nước, chống lại giặc ngoài. Đó là điểm mạnh. Còn điểm yếu thì là sau khi hết giặc thì bắt đầu trở lại với nếp sống, lối sống xuề xòa, dễ dãi, thậm chí tha hóa, tiêu cực.

Thời Bác Hồ nước ta có một không khí chính trị trong sáng, với một môi trường chính trị trong sạch, vậy mà với thiên tư chính trị của mình, Bác Hồ vẫn đề phòng, coi đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, và gọi tham nhũng tiêu cực là “giặc nội xâm”, ý muốn đặt ngang với giặc ngoại xâm để cảnh giác Đảng và quân dân, để cho mọi người nhận thức đúng tầm mức tác hại của loại giặc này, mối nguy này. Vậy mà ngày nay các thế hệ lãnh đạo và mọi người về cơ bản là chưa làm được tốt, thậm chí nhiều người làm rất tệ, nhiều kẻ xấu chui lọt vào bộ máy chính trị của chế độ để thủ lợi, làm giàu, nhiều người tốt bị tha hóa biến chất và tự diễn biến thành người xấu. Đây là những điều rất đáng suy ngẫm. Tuy nhiên đó là chuyện khác.

Trong cuộc đối chiến lịch sử giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, hai nước có thể nói là hai kỳ phùng địch thủ ở chỗ: Một nước chưa thua ai bao giờ và một nước có truyền thống đánh bại những đối thủ chưa thua ai bao giờ.

Tuy nhiên, đối thủ Hoa Kỳ này là một đối thủ rất áp đảo. Sau cuộc chiến các nhà văn trên thế giới hay dùng khái niệm sức mạnh con người, sức mạnh trí tuệ đã chiến thắng sức mạnh sắt thép, sức mạnh điện tử. Nhưng thực tế thì nhân lực Hoa Kỳ cũng rất mạnh, và trí tuệ của họ cũng rất cao, nếu nhân sự họ không tài giỏi, trí tuệ họ không thông minh thì làm sao họ hùng mạnh được như vậy và đánh đâu được đó.

Nhiều chuyên gia, sử gia Nga và Trung Quốc thì cho rằng Mỹ thua Việt Nam một phần là vì thật ra Mỹ chỉ là con hổ giấy chứ cũng không phải quá mạnh như vậy, rằng quân đội Mỹ không phải là vô địch, họ còn thua Hồng quân (Liên Xô), hay ít nhất chỉ là ngang ngửa với nhau thôi, chứ quân Mỹ không phải là nhất thế giới.

Tuy nhiên vấn đề quân sự thì bao gồm cả hệ thống chính trị, do đó phải dùng sức mạnh quốc gia để đo lường chứ không chỉ có duy nhất quân sự. Và lịch sử đã chứng minh sức mạnh nước Mỹ mạnh hơn nhiều so với sức mạnh Liên Xô. Nước Mỹ sau khi thua VN thì vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Còn Liên Xô không đánh thua ai nhưng bị sụp đổ. Rõ ràng lịch sử xưa nay trên thế giới chưa từng thấy một đế chế, quốc gia nào hùng mạnh đến như vậy.

Hoa Kỳ là một đối thủ mạnh nhất mà lịch sử Việt Nam chưa từng thấy, mạnh hơn hẳn các đối thủ khác của Việt Nam trong lịch sử. Khoa học kỹ thuật, công nghệ chiến tranh của Mỹ cao hơn Việt Nam gấp hàng trăm lần. Tuy VN được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ hạn chế về vũ khí và chuyên gia khoa học, nhưng khoảng cách vũ khí tối tân, khoa học quân sự, công nghệ quốc phòng giữa Việt – Mỹ vẫn cách biệt rất xa. Không như thời phong kiến, dù quân viễn chinh có hùng mạnh tinh nhuệ đến cấp độ nào thì các bên chiến tuyến đều chủ yếu dùng cung nỏ kiếm đao đánh nhau.

Do đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài tham luận “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thắng lợi vĩ đại, bài học lịch sử” cho hội thảo khoa học “Đại thắng mùa Xuân 1975 – Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam” do Bộ Quốc phòng, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương tổ chức trong hai ngày 14 và 15 tháng 4 năm 2005 đã nói về thời khắc nước sôi lửa bỏng khi đó: “Dân tộc Việt Nam đứng trước một khó khăn, thử thách chưa từng thấy trong lịch sử”…. và…. “Cuộc kháng chiến chống Mỹ là thử thách lớn nhất, ác liệt nhất đối với dân tộc ta. Chúng ta đã phải đương đầu với đế quốc hùng mạnh nhất, giàu có nhất, tàn bạo, nham hiểm và hiếu chiến nhất. Cuộc chiến tranh kéo dài qua năm đời tổng thống Mỹ với một tương quan lực lượng chênh lệch nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân ta về phương thức sản xuất và tiềm lực kinh tế quân sự.”

Vậy tại sao Việt Nam thắng Mỹ và tại sao Mỹ thua Việt Nam? Việt Nam thắng Mỹ, như các chuyên gia nghiên cứu trên thế giới đã phân tích, là nhờ sự tổng hòa, tổng hợp của nhiều nguyên nhân và yếu tố. Nhưng, nói cho cùng, yếu tố quyết định vẫn là ở chủ đạo dân tộc và truyền thống bảo vệ làng nước của dân tộc từ ngàn xưa truyền lại.

Một khi dân ta đoàn kết, khi khối đại đoàn kết dân tộc được vững mạnh, cùng đồng lòng đoàn kết chống giặc, khi muôn triệu trái tim đều cùng chung nhịp đập, vạn người như một, thì quân dân Việt Nam đã biến thành một sức mạnh vô biên và trước sau gì cũng sẽ đánh bại tất cả kẻ thù xâm lược. Năm nay chưa thắng thì năm sau sẽ thắng, thập niên tới sẽ thắng, thế hệ sau sẽ thắng, bao lâu cũng được, đánh cho tới khi thắng mới thôi. Người này ngã xuống thì người kia đứng lên. Ông ngã xuống, cha đánh tiếp, cha ngã xuống, con cháu sẽ báo thù phục hận và nối nghiệp, nối tiếp cuộc kháng chiến để đền nợ nước, trả thù nhà.

Bác Hồ đã đúc kết lại điều đó như sau: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Cho nên, Việt Nam thắng là vì nếu đoàn kết, nếu đồng lòng, nếu một lòng kháng chiến, không sợ hy sinh gian khổ, thì VN sẽ tất thắng, vấn đề chỉ là thời gian. Còn tại sao Mỹ thua? Cựu chiến binh, nhà nghiên cứu quân sử Việt Nam Trần Trọng Trung khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Mỹ đã nói đanh thép gọn gàng tương tự ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, sử gia, nhà nghiên cứu Việt Nam khác, đại ý: Mỹ đã không học kỹ sử Việt, chọn sai đối tượng xâm lược ngay từ đầu. Bởi vì cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam vốn dĩ ngay từ ban đầu đã là một cuộc chiến tranh tất bại, thất bại tất yếu. Người Mỹ không học kỹ chiến sử Việt Nam nên đã nhắm mắt đưa chân, sa lầy vào trong một cuộc phiêu lưu quân sự bế tắc.

Đồng thời, tài lãnh đạo của các nhân vật lãnh đạo cuộc chiến của Việt Nam đã tận dụng hiệu quả yếu tố địa lợi và nhân hòa, đây là 2 yếu tố mà Việt Nam đã chiếm ưu thế áp đảo trước Hoa Kỳ, thậm chí lợi thế nhân hòa này không phải chỉ có trong nước Việt Nam, mà còn lan rộng ra toàn cầu, cả thế giới, trong đó có cả chính quốc Hoa Kỳ, diễn ra hàng chục ngàn cuộc biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam, đòi chính phủ Mỹ phải rút quân viễn chinh và kết thúc chiến tranh.

Một cựu chiến binh từng nói một câu rất hay rằng trong thời chống Mỹ thì “dân tộc này đã hóa thánh”. Suy ra, nếu dân tộc biết đoàn kết, đồng lòng cùng nhau chống ngoại xâm, thì cuộc kháng chiến ngay từ đầu vốn dĩ đã là một cuộc chiến tất thắng. Mỹ tuy đúng là to lớn hùng mạnh áp đảo, nếu phải là “thánh” thì mới thắng được Mỹ thì dân tộc Việt Nam cũng sẽ “hóa thánh” được để thắng Mỹ. Nếu cần phải “hóa thánh” mới thắng được giặc, thì dân tộc VN cũng sẵn sàng “hóa thánh”.

Quả thật, nhìn lại Việt sử thời chống Mỹ, những đức tính đó, những hy sinh đó, những đỉnh cao trí tuệ thời chiến đó, những mưu lược, kế sách đó, những chiến công, kỳ tích đó, những gian lao đó, chỉ có thể dùng khái niệm “thần thánh” để diễn tả.

Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử, mỗi khi có giặc, thì dân tộc VN sẽ vươn mình lớn lên vừa đủ để thắng một đối tượng ngoại xâm nào đó. Giặc càng mạnh thì sẽ dân ta càng mạnh. Sở dĩ thời chống Mỹ dân tộc đã “hóa thánh”, mọi chất lượng chiến đấu, lao động, sản xuất, văn hóa nghệ thuật, trong đó có nhạc cách mạng đều tăng lên vượt bực, là vì đối tượng ngoại xâm lúc đó là Mỹ, là một siêu cường mạnh nhất mà lịch sử thế giới chưa từng có. Dân tộc VN phải như vậy, mọi chất lượng phải tăng cao lên như vậy, thì mới thắng được loại giặc mạnh đến mức độ đó. Đây là một nhu cầu, để giải quyết nhu cầu đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, thì dân mình buộc phải như vậy.

Và hiện tượng trên trong lịch sử Việt Nam đã thể hiện trong truyền thuyết Thánh Gióng. Khi có giặc Ân đến xâm lấn, thì đứa trẻ sẽ phải lớn nhanh, sẽ phải trưởng thành mau chóng, để đủ sức đánh giặc. Trong thời chống Mỹ có rất nhiều đứa trẻ phải “lớn lên” nhanh chóng và tham chiến chống giặc theo khả năng của bản thân. Tham gia giao liên, đưa tin, cứu thương, tải đạn, thậm chí cả đánh giặc bằng vũ khí thực thụ, bắn máy bay Mỹ….

Rồi sau khi hết giặc, Thánh Gióng bay về trời. Chất “thánh” của dân tộc lại hết. Suốt chiều dài lịch sử nước nhà luôn diễn ra chuỗi quy luật như vậy. Sau giải phóng năm 1975, sau khi hết giặc Mỹ, thì chất “thánh” của dân tộc lùi dần. Cả nước trở lại dễ dãi, xuề xòa, “sao cũng được”, thậm chí quay lại thói quan liêu phong kiến, và đến nay nhiều bộ phận đang tha hóa.

Trong thời chống Mỹ, cả thế giới nhìn thấy một Việt Nam “hóa thánh”, nhờ đó đã lập nên được một chiến công thần thánh khiến thế giới kinh ngạc và không thể giải thích, mãi đến tận ngày nay người ta vẫn nói về Chiến tranh Việt Nam. Mọi chủ đề về Mỹ, về Việt Nam, đều làm cho dư luận thế giới liên tưởng và nhớ lại Chiến tranh Việt Nam. Những câu “Hồ Chí Minh, Tướng Giáp, Việt Nam” đã trở thành câu nói quen thuộc của nhiều người trên thế giới. Học viện quân sự West Point, ngành sử học ở đại học Harvard, Cambridge vẫn đang có những hội thảo, nghiên cứu, tranh luận về nguyên nhân thất bại của quân đội Mỹ trước Việt Nam. Họ cố gắng phân tích, giải thích, tìm ra lý do vì sao Mỹ thua VN, từ đâu và cái gì đã làm nên chiến công hiển hách và sự thất bại đầu tiên và đang là duy nhất của quân Mỹ trong lịch sử.

Sau thời chống Mỹ, cả thế giới nhìn thấy một Việt Nam tuy có phát triển phần nào, nhưng rõ ràng là không còn “thần thánh” gì cả, mà trở thành rất đỗi bình phàm. Những hiện tượng tiêu cực “phàm phu tục tử” thấy ở mọi ngõ ngách. Trong khi thời chống Mỹ thì quả thật “ra ngõ là gặp anh hùng”, những anh hùng sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, với những khát vọng vào Nam, vào thành đánh Mỹ đến mức độ sẵn sàng tìm đủ mọi cách để được đi lính, thậm chí cả gian lận. Thời nay thì nhiều thanh niên cũng gian lận, nhưng không phải với mục tiêu cao cả đó, mà với những mục tiêu không thể tầm thường hơn, xôi thịt, thậm chí là xấu xa, trái đạo và trái luật.

Hiện tượng “có giặc thì trưởng thành nhanh và hóa thánh, hết giặc thì không còn chất thánh” đó phải chăng chính là ám thị đằng sau truyền thuyết Thánh Gióng, một thông điệp, một bài học lớn mà văn minh cổ xưa Việt Nam đã truyền lại để răn dạy hậu thế?

oOo

Phim tài liệu này đã gián tiếp giải đáp 3 câu hỏi: 1) Tại sao Việt Nam thắng Mỹ. Không, âm nhạc và nhạc cách mạng không phải là nguyên nhân VN thắng Mỹ. Song tình cảm dân tộc sâu đậm, chủ đạo dân tộc, truyền thống đánh giặc giữ làng giữ nước của dân tộc Việt Nam từ bao đời đã phản ánh vào trong các bài hát này, các nhạc sĩ đã thay mặt đồng bào chung quanh họ gởi gắm thông điệp đó, ý chí đó, lý tưởng, tình cảm đó vào trong từng nốt nhạc.

2) Tại sao dòng nhạc cách mạng của Việt Nam thời chống Mỹ lại hay đến vậy. Trong khi các nước khác như Trung Quốc, âm nhạc họ có bao nhiêu nhạc phẩm hay tuyệt, nội âm nhạc trong vài bộ phim cũng đã hay ngất ngây, nội trong phim Tây Du Ký thôi đã có bao nhiêu bài hay. Vậy mà tìm không ra nhạc chiến đấu, nhạc động viên, nhạc quân hành nào của họ mà nghe hay.

Việt Nam trong thời bình thì nhiều ca khúc cách mạng cũng được sáng tác, đôi khi có những thi đua sáng tác. Trong nhiều dịp lễ lớn có các cuộc thi sáng tác cho các sự kiện đó. Nhưng nhạc cách mạng ngày nay vẫn không thể sánh bằng với nhạc thời chống Mỹ. Có một số bài cũng chỉ dừng ở mức “nghe được” hoặc “mì ăn liền”, nghe hay và có thể có cảm xúc nhất thời, nhưng sau vài tiếng là quên sạch. Cho thấy đã là âm nhạc thì nếu không có cảm hứng, không có tâm hồn, thì dù có kêu gọi, động viên sáng tác cỡ nào thì cũng vẫn không tài nào nghe hay được.

3) Tại sao người ta lại sáng tác ra được những kiệt tác như vậy. Các nhạc sĩ đã sáng tác những bài ca rung động lòng người đó trong hoàn cảnh nào. Họ sáng tác như thế nào. Các tuyệt tác đó được hình thành ra sao.

Sau khi coi bộ phim tài liệu này các bạn sẽ biết câu trả lời cho 3 câu hỏi đó. Đây còn là một trong những bộ phim tài liệu có lời bình hay nhất trong tất cả các phim tài liệu trong và ngoài nước mình từng coi. Đây cũng là một trong những phim tài liệu về âm nhạc, về lịch sử khá nhất mình từng coi.

Các nhạc sĩ kể lại quá trình sáng tác của họ một cách rất chân chất và tự nhiên, có sao kể vậy. Nhạc sĩ Huy Thục kể lại một câu chuyện rất ấn tượng về Bác Hồ, cho thấy Bác không bỏ qua một cơ hội nào để cảnh tỉnh các đồng chí, cộng sự, cấp dưới về chuyện phải cảnh giác vấn đề “tơ hào của dân”. Với đầu óc nhạy bén thiên tài, Bác đã làm như vậy ngay trong khi vấn đề tham nhũng khi đó vẫn chưa thành một chủ đề lớn, tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên đều đang trong sáng, trong sạch. Các lãnh đạo (trong sạch) ngày nay nếu chưa làm thì nên học Bác Hồ ở vấn đề “nhắc đi nhắc lại”, “dặn đi dặn lại” với cấp dưới, thay vì chỉ có đọc diễn văn hay tuyên huấn rồi thôi.

Nhạc sĩ Tố Hải nói thẳng thắn: “Sau trận Mậu Thân trốn trên núi đói thấy ông nội….” Hay nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể lại câu chuyện ông ta đã phổ nhạc xong xuôi hẳn hoi một bài thơ về Tây Nguyên vì thấy bài thơ hay. Nhưng sau khi tìm tòi kỹ hơn về Tây Nguyên và nghe lại bài hát của mình thì ông thấy nó chẳng có chút chất Tây Nguyên nào mà là “Tây nguyên xi”. Thế nên đành phải bỏ bài hát đó. Sau đó ông phải lặn lội đến Tây Nguyên, đích thân sinh sống, lao động chung với người Tây Nguyên, rồi sau đó ông mới sáng tác được những tác phẩm ưng ý.

Các nhạc sĩ kể lại nhiều chi tiết thú vị. Xem phim này các bạn sẽ biết thêm được các thông tin ít người biết, ít người để ý, như nhạc sĩ của bài hát nổi tiếng “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” lại là một người miền Nam. Hay nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại khi đưa bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” lên đài phát thanh hát thì bị “chê” rằng: “Sắp chiến thắng lớn như thế mà sáng tác bài gì nghe như nhạc thiếu nhi thế này”.

Phim chủ yếu giới thiệu các nhạc phẩm tiêu biểu của các tác giả còn sinh sống và phỏng vấn họ, do đó về yếu tố âm nhạc thì phim chưa được đầy đủ lắm. Nhưng nó vẫn là một bộ phim tài liệu chất lượng cao, có giá trị, và rất đáng xem.

Đây là một bộ phim tài liệu rất hay, xin giới thiệu với các bạn:

Tập 1: Niềm tin

Tập 2: Hy vọng

Tập 3: Mùa xuân

Tập 4: Khúc khải hoàn

Phim tài liệu: Tim và óc

Phim tài liệu Mỹ (Viet-sub): Heart and Mind – Tim và óc (Đoạt giải Oscar năm 1974)

Phim tài liệu: Những anh hùng của đội quân tóc dài

Phim tài liệu Việt Nam: Những anh hùng của đội quân tóc dài

Phim tài liệu: Côn Đảo Ngày Trở Về

Phim tài liệu của Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV):

Phim tài liệu: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Phim tài liệu Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Phần 1: Đường Kách Mệnh

Phần 2: Từ Nhân Dân Mà Ra

Phần 3: Chín Năm Làm Một Điện Biên

Phần 4: Cuộc Đụng Đầu Lịch Sử

Phần 5: Người Anh Cả của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

Những bộ phim tài liệu hay về Đất lửa Vòng Cung trong Chiến tranh Việt Nam

Đây là các phim tài liệu ngắn gọn nhưng rất hay về đất lửa Vòng Cung và cuộc chiến đấu bi hùng của quân dân Cần Thơ nói riêng và miền Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phim có những đoạn phim trắng đen nhưng rất hiếm thấy và đặc sắc. Thường các phim tài liệu lớn được trình chiếu rộng rãi trên VTV, HTV lấy các đoạn phim tài liệu nước ngoài, nhưng các đoạn phim đó nếu các bạn siêng xem phim tài liệu nước ngoài đầy trên Youtube thì chắc các bạn đều đã thấy. Nhưng các phim tài liệu nhỏ chiếu ở các đài địa phương ở tỉnh thì có rất nhiều đoạn phim do chính quân dân địa phương quay ngay trong thời chiến nên hầu hết các đoạn phim là “hàng độc” chưa bao giờ xem và đậm tính sát thực. Các phim tài liệu dưới dây là những bộ phim như vậy. Đây là những phim nhỏ và ngắn gọn nhưng rất đặc biệt.

Theo Thiếu Long’s blog

Phim tài liệu Đồng Khởi – Bến Tre

Phần 1/5 – Quê hương trong máu lửa

Phần 2 /5- Ánh sáng Nghị quyết 15

Phần 3/5 – Ngày đồng khởi

Phần 4/5 – Đội quân tóc dài

Phần 5/5 – Huyền thoại Đồng khởi

Lần đầu tiên một bộ phim tài liệu đầy đủ toàn cảnh về phong trào Đồng khởi ra mắt khán giả. Nữ đạo diễn Lê Phong Lan và hãng phim Bản Sắc Việt đã rất tâm huyết khi làm phim tài liệu này. Đây là phim tài liệu rất hay và chất lượng.

Bến Tre là quê nội của mình nên mình xem phim này có cảm xúc đặc biệt. Các bạn xem phim này sẽ thấy tại sao và từ đâu có Đồng khởi, lòng dân Bến Tre và miền Tây Nam Bộ là ra sao, do đâu người Bến Tre và miền Tây phải đứng lên chiến đấu, bảo vệ đất đai ruộng vườn làng xóm của mình.

Phim có những nội dung, chi tiết rất lý thú. Xem để biết người dân miền Nam bất mãn và bớt niềm tin với Đảng đến thế nào về chủ trương chỉ đấu tranh chính trị – không đấu tranh vũ trang. Bất mãn nhưng vẫn làm theo. Tuy nhiên vẫn có một số người mất hết lòng tin, nản lòng rồi ra hàng giặc. Tình hình lúc đó là trên chưa cho đánh, nhưng thằng giặc nó cứ đến nó đánh mình. Phải đến khi ông Lê Duẩn đích thân quan sát tình hình và đưa ra Đề cương Cách mạng miền Nam nổi tiếng thì mới có nghị quyết cho đánh. Nghị quyết đó đã làm người dân Bến Tre và miền Nam vỡ òa lên, cuối cùng cũng cho đánh rồi.

Xem để thấy các vũ khí giả, súng giả, đại bác giả, vũ khí làm từ…. cây dừa, chất liệu dừa của người dân xứ dừa Bến Tre lại có thể làm cho thằng giặc nó sợ ra sao. Lấy súng giả tước súng thật, rồi dùng súng giặc đánh giặc. Không những người dân dùng súng Mỹ đánh Mỹ, mà họ còn chế tạo cả súng Ngựa Trời để đánh giặc. Đây loại súng tự chế có sức sát thương cao, để bù đắp sự thiếu thốn vũ khí của lực lượng vũ trang miền Nam trong giai đoạn miền Bắc chưa chi viện.

Theo blog Thiếu Long

Địa đạo Củ Chi – Phim tài liệu do người Mỹ sản xuất

Nhà sản xuất: Mickey Grant
Đạo diễn, quay phim: Mickey Grant
Giám đốc sản xuất: Stan Cottrell
Kỹ thuật: Ivan Stang
Âm nhạc: Brian Mendelsohn
Người dịch: Hồ Nguyễn
Năm sản xuất: 1986
Phim có sự trợ giúp của xưởng phim Giải phóng

Mỗi khi năm mới Tết đến, ngoài niềm vui hân hoan của một ngày Tết cổ truyền theo truyền thống văn hóa dân tộc, ngoài niềm vui mừng Đảng – mừng xuân – mừng đất nước đổi mới thì người Việt chúng ta còn có 2 niềm tự hào khác, đó là niềm tự hào về Xuân Kỷ Dậu – Tết Mậu Thân.

Xuân Kỷ Dậu, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Quang Trung Nguyễn Huệ đã đánh tan tành gần 30 vạn quân Thanh khiến chúng tháo chạy tán loạn về nước, lập nên chiến công toàn thắng cho dân tộc, thống nhất hai miền Nam Hà và Bắc Hà.

Tết Mậu Thân, quân Giải phóng tuy không lập được chiến công toàn thắng như chiến công xuân Kỷ Dậu, nhưng cũng lập nên chiến công không nhỏ, đánh choáng váng hơn 50 vạn quân Mỹ, làm rung chuyển xã hội Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán Paris, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Việt Nam, tạo tiền đề cho Điện Biên Phủ trên không và chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Nam Bắc sum họp 1 nhà.

Năm nay là năm chẵn (kỷ niệm 45 năm chiến dịch Mậu Thân), nên đài báo, cư dân mạng, dư luận đã nói, viết, chiếu phim về chiến dịch này cũng đã nhiều nên mình cũng không viết bài tham luận gì về chiến dịch này. Nhưng mình xin được giới thiệu với các bạn một bộ phim tài liệu ngắn gọn nhưng xuất sắc, tuyệt vời.

Trong chiến dịch tổng công kích, tổng nổi dậy năm Mậu Thân 1968, chiến cuộc bùng nổ trên gần như toàn bộ miền Nam, quân chính quy miền Bắc và quân Giải phóng miền Nam đồng loạt tiến công đánh vào quân đội Mỹ. Nhưng trọng tâm trọng điểm chiến cuộc vẫn là ở Sài Gòn.

Chính chiến cuộc ở Sài Gòn đã ghi vào những thước phim của các phóng viên chiến trường quốc tế, và những phóng viên gan dạ đó đã đưa chiến tranh vào từng căn hộ Mỹ và thế giới. Nó vô tình làm cho cho cả thế giới thấy sự chiến đấu can trường của quân dân Việt Nam, sự tàn ác của Mỹ-ngụy khi xử bắn tù binh bừa bãi ngoài đường, sự bất lực của “đội quân vô địch” Hoa Kỳ, sự vô dụng, rệu rã của các lính kiểng ngụy quân ở đô thị Sài Gòn.

Chứng kiến sự bó tay của quân Mỹ và sự ăn hại của quân ngụy, để cho Biệt động Sài Gòn đánh vào các mục tiêu khó tin nhất như Tòa đại sứ Mỹ, Dinh tổng thống ngụy, Đài phát thanh Sài Gòn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất như chỗ không người, các đại biểu QH Mỹ, các thành viên CP Mỹ càng ngao ngán hơn, ý chí xâm lược và niềm tin chiến thắng càng lung lay hơn.

Nhưng để có được một Mậu Thân lịch sử, để có được kết quả đó ở Sài Gòn thì vai trò của quân và dân Củ Chi là vai trò then chốt. Quân dân Củ Chi đã dốc toàn lực hỗ trợ cho lực lượng biệt động đánh thẳng các cơ quan đầu não của Mỹ tại Sài Gòn. Du kích Củ Chi đã dẫn đường cho các cánh quân khác đi vào thành đô đánh Mỹ.

Vậy quân dân Củ Chi đã sinh sống và chiến đấu như thế nào. Đất thép Củ Chi, “thành phố đường hầm” Củ Chi là một kỳ quan kiên cố và rộng lớn như thế nào. Điều đáng khâm phục là “thành phố đường hầm” này là một kỳ quan nhân tạo, được xây dựng trong hoàn cảnh khó khăn với một công nghệ lạc hậu, chứ không phải kỳ quan thiên nhiên hay các kỳ quan nhân tạo khác mà các dân tộc khác thảnh thơi xây dựng trong thời bình.

Nhân dân và du kích Củ Chi đã đánh Mỹ như thế nào. Vì sao Mỹ ngụy sợ vùng chiến khu Tam Giác Sắt ngay sát bên Sài Gòn như sợ cọp, mỗi lần hành quân vào là bị “bụp” tơi tả. Câu trả lời có thể tìm ra từ những lời kể của những nhân chứng trong bộ phim tài liệu này.

Đây là phim tài liệu của đạo diễn Mickey Grant. Ông đến địa đạo Củ Chi và làm phim tài liệu về “thành phố đường hầm” nổi tiếng thế giới này, với sự trợ giúp của xưởng phim Giải phóng. Phim được thực hiện năm 1986. Đây là bản gốc, chính thức, do đích thân đạo diễn upload lên trang Youtube của ông.

Đây là một bộ phim tài liệu cực kỳ hay không thể diễn tả bằng lời. Nó cuốn hút từ đầu chí cuối không phải từ sự hoành tráng tốn kém, kỹ xảo đồ họa 3D sặc sỡ hay hàn lâm học thuật gì, mà hay từ nội dung súc tích, sự chân thật, bình dị, mộc mạc, đậm đà tình làng nghĩa xóm của làng quê miền Nam. Kết hợp âm nhạc du dương, da diết trầm lắng thật hay.

Phim được thể hiện với một phong cách đặc biệt, khác người: Không có thuyết minh mà từ đầu đến cuối phim là những lời kể chân thành, giản dị của người dân Củ Chi, của người dân quê miền Nam, của những người kháng chiến miền Nam. Nghe những ông bà cụ kể lại, nghe hoài vẫn không chán. Người Củ Chi nói về đất Củ Chi, những nhân chứng trong cuộc nói về cuộc chiến đấu anh hùng của người dân Củ Chi chống giữ, giằng co với quân viễn chinh Mỹ. Một phần nhỏ trong cuộc trường chinh kháng chiến anh hùng của người dân miền Nam và nhân dân Việt Nam trong cuộc đọ sức đọ trí với “gã khổng lồ”, “con khủng long” bách chiến bách thắng Hoa Kỳ.

Xem phim này xong càng thấy thương yêu, kính phục những ông bà cụ, những cha anh miền Nam kiên cường chống Mỹ. Những người con Nam Bộ thành đồng Tổ quốc, miền Nam đi trước (1945) – về sau (1975). Họ đều là những thiên cổ anh hùng bất khuất, lưu danh sử xanh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Sinh thời Bác Hồ đã đưa tay lên tim mình và nói: Hình ảnh miền Nam luôn ở trong trái tim tôi.

Xem phim này xong, với góc độ nhìn của một người con miền Nam, quê ở Bến Tre, sinh trưởng ở Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, mình càng thấy việc một số người gọi ngụy quyền Sài Gòn là “miền Nam”, “miền Nam Việt Nam”, “Nam Việt Nam” theo cách gọi xuyên tạc của chính phủ Mỹ, là chuyện vô cùng đáng trách.

Nói chung, bộ phim tài liệu này rất hay, rất nên xem, đáng tham khảo. Một nguồn sử liệu quý hiếm. Mình không phải dân du lịch, không phải có “ý đồ” muốn quảng cáo du lịch Củ Chi, nhưng vẫn phải giới thiệu tới các bạn phim tài liệu này.

Theo blog Thiếu Long

Việt Nam Thống Nhất – Phim tài liệu Nhật Bản

Đạo diễn: Yamamoto Satsuo, Toma Hiroichi, Yuki Yoshihiro, Suzuki Toshikazu
Quay phim, phóng viên chiến trường: Ishigaki Misao, Iwada Rikizou

Đây là những thước phim rất quý hiếm của các nhà làm phim Nhật Bản về cuộc chiến chống Mỹ của quân dân miền Nam, đặc biệt ở khu vực Sài Gòn – Gia Định và rừng U Minh. Những thước phim chủ yếu ghi lại hình ảnh Việt Nam tại thời điểm thống nhất năm 1975.

Điều đáng chú ý là “Việt Nam thống nhất” được thực hiện trên những thước phim màu với hình ảnh và âm thanh rõ nét nhất từ trước đến nay trong số những phim tài liệu đã thực hiện về VN trước năm 1975.

Các phóng viên chiến trường Nhật Bản đã tái hiện một bề dày lịch sử của VN trong công cuộc giải phóng đất nước từ năm 1954 qua các giai đoạn và những nỗ lực đấu tranh giành độc lập của quân dân miền Nam trên mọi mặt trận.

Khán giả sẽ có được cơ hội nghe các chiến sỹ ở vùng đất U Minh nói về những điều mà họ đang làm cho cách mạng.

Đó cũng là những tuyên truyền viên bí mật in báo và tài liệu kháng chiến, là một người thợ lặn được mệnh danh “Thuỷ thần” trong cuộc chiến đấu chống giặc… Đó còn là cuộc sống của người dân Việt oằn mình trong “ấp chiến lược” của địch tại Cần Thơ.

Những người làm phim “Việt Nam thống nhất” đã kịp thời ghi lại những cuộc càn quét của Mỹ và thất bại của chúng trước sự phản công quyết liệt của quân Giải phóng.

Phim cũng có những cảnh quay xúc động về “chuồng cọp” tại nhà tù Côn Đảo và sự tàn khốc của hơn hai ngàn tù ngục khác trên đất nước VN.

Cao trào của cảm xúc là sự kiện ngày 16/3/1968, “một tốp máy bay trực thăng chở lính Mỹ và đã đổ bộ xuống làng Sơn Mỹ – một làng nhỏ miền trung Việt Nam. Khắp mọi nơi trong làng đều có máu. Ngày hôm đó, 504 người đã bị giết, toàn trẻ con, người già và phụ nữ”.

Lần đầu tiên những nhà làm phim, đồng thời cũng là những nhân chứng lịch sử đã ghi lại và công bố tội ác của quân xâm lược bằng những hình ảnh hết sức cụ thể và rõ nét.

Đặc biệt, bộ phim cũng ghi lại những phút giây thiêng liêng của lịch sử khi Sài Gòn được giải phóng, VN hoàn toàn thống nhất, một không khí tưng bừng hạnh phúc của nhân dân, sự cảm động của ngày đoàn tụ và cả gương mặt, ánh mắt của những người mẹ, người vợ khi chồng con mình không bao giờ trở về.

Tất cả đã được ghi lại một cách khách quan thông qua góc nhìn của những nhà làm phim Nhật Bản. Tổng đạo diễn phim là Yamamoto Satsuo, các đạo diễn Toma Hiroichi, Yuki Yoshihiro, Suzuki Toshikazu. Hai nhà quay phim – phóng viên chiến trường là Ishigaki Misao và Iwada Rikizou.

Bộ phim do Nhà xuất bản Kim Đồng tặng trao đổi bản quyền cho Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Theo bà Nguyễn Hương Giang, Phó Giám đốc Kênh VTC1, bộ phim sẽ gây xúc động cho người xem cả nước, bởi trong đó có sự xuất hiện của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, các chiến sỹ cách mạng, nay người còn, người mất.

Về mặt nghệ thuật, phim tài liệu mang đậm tính đời sống với những thước phim rất đẹp về vùng sông nước Nam Bộ trong kháng chiến…

Xem phim này để có cái nhìn sát thực, chân thật, gần gũi hơn và để hiểu rõ hơn thế nào là 1 xã hội thuộc địa kiểu mới. Để nghe lòng dân Sài Gòn, U Minh, và miền Nam nói chung là như thế nào. Để biết những cơ sở bí mật hấp dẫn lôi cuốn như trong các bộ phim trinh thám ở ngay nội đô Sài Gòn, ngay trong lòng địch như thế nào. Để thấy sự khó khăn, vất vã, khổ sở trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ ở nội thành và xây dựng lại quê hương thời hậu chiến, giải quyết và khắc phục những hậu quả chiến tranh của đồng bào là như thế nào.

Theo Thiếu Long’s blog