Phim truyện ‘Những người viết huyền thoại’: Rõ sự chăm chút, sáng tạo

Một cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”.

Tối 23-9, bộ phim truyện điện ảnh “Những người viết huyền thoại” với lớp lớp cảm xúc về số phận con người trên nền bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt cùng kỳ tích lắp đặt đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam, đã được trình chiếu. Đây là sự kiện mở màn cho Tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18.

Một bộ phim chiến tranh với 4.500 cảnh bom đạn, gấp 3 lần so với thông thường cùng một lối dàn dựng, quay phim tỏ rõ sự chăm chút, sáng tạo.

Phim bắt đầu bằng một câu hỏi lớn, một cuộc tranh luận nảy lửa của tướng lĩnh: Không thể kết thúc cuộc chiến tranh chỉ bằng những trận đánh du kích với khẩu AK47. Nhưng lấy đâu ra xăng dầu để có những trận đánh lớn với xe tăng, thiết giáp, pháo hạng nặng?

“Sẽ có xăng dầu cho những trận đánh lớn”, đó là lời hứa của tướng Dinh (từ nguyên mẫu của tướng Đinh Đức Thiện), cha đẻ của tuyến đường dẫn xăng dầu từ Bắc vào Nam tiếp sức cho chiến trường. Từ đây, cũng theo bước chân của tướng Dinh, những câu chuyện bi tráng, xúc động về những người viết lên huyền thoại dần mở ra, sống động một hồi ức của lịch sử dân tộc… Đó là những người lính gùi xăng bỏng da, cô văn công cầm súng và hát quan họ, là bé gái trong cơn hoảng loạn tìm em, phút chốc trở nên rắn rỏi, hướng nòng pháo về phía máy bay địch…

Phải khẳng định đây đích thực là một bộ phim chiến tranh với không khí bom đạn rung chuyển hầu như suốt 100 phút của phim. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ với Hànộimới: Đã có 4.500 cảnh bom đạn (thay vì chỉ 1.500 cảnh như thường thấy) để tạo một không khí chiến tranh thật nhất có thể. Ở đây, hy sinh mất mát cũng được thể hiện trực diện, không né tránh: Vừa mới đây thôi tiếng cười của các cô thanh niên xung phong còn vấn vít nơi ô cửa buồng lái, cùng lời đề nghị với “bố Dinh”: “Để lại cho chúng con mấy anh bộ đội”, thì chỉ ít phút sau, cùng tiếng bom, máu của họ đã vương đầy kính xe…

Hai cảnh phim mang lại nhiều cảm xúc, trải nghiệm cho người xem là cảnh đoàn chiến sĩ bất động giữa dòng suối với quả bom từ trường trước mắt chỉ chờ kích nổ. Các vật dụng kim loại, xích sắt vắt trên vai, phuy xăng đang trôi… đều trở thành thử thách sinh tử. Khắc họa ra giây phút ấy cho thật con người trong cái lẽ sinh tồn tự nhiên và trong cái lẽ của tinh thần đồng đội là một nỗ lực đáng ghi nhận. Một cảnh khác cũng đầy ám ảnh là cảnh đoàn văn công trở ra Bắc vướng mìn bẫy trong lòng suối. Cũng lại im lặng, những màu áo xanh lần lượt từng người một ngã xuống giữa vòng vây mìn nổ. Trong đó có Hà, tay còn nắm chiếc lá đỏ của rừng Trường Sơn, mà ít phút trước đây cô vừa hẹn Nghĩa, chàng giao liên rắn rỏi: “Đừng chết, hẹn ngày về đến chơi nhà em ở số 16 phố Phan Bội Châu”!

Khốc liệt, nhưng không hề khô khan, khi nhiều chi tiết hài hước của đời lính được khai thác hiệu quả. Cũng lại có hình ảnh cậu bé tên Hùng trở đi trở lại như một hình tượng có sức lay động. Mà theo Bùi Tuấn Dũng thì là từ một ý thơ: “Đến đứa trẻ cũng phải quen bom đạn”, tất cả cho thấy cái đường cùng mà một dân tộc bị dồn nén…

Nghĩa (do Quốc Thái thể hiện) là một phát hiện xứng đáng của bộ phim. Một khuôn mặt “thô ráp”, đầy cá tính, chân thành khác hoàn toàn với hình ảnh những chú bộ đội “hiền hiền” mà ta hay gặp… Hà, chiến sĩ văn công cũng được Tăng Bảo Quyên thể hiện với vẻ đẹp giản dị, mạnh mẽ, cùng Nghĩa làm nên cặp đôi dấu ấn.

Phim chiến tranh lâu nay hay bị cho là giả, là giáo điều, khuôn mẫu… “Những người viết huyền thoại” chưa phải là hoàn hảo, nhưng có thể xem như một trong số ít ví dụ về một bộ phim chiến tranh nếu được chăm chút hoàn toàn có thể đạt được những giá trị về cả nghệ thuật và thương mại.

Nguồn: Hà Nội Mới

May không phải thảm họa

“Những người viết huyền thoại”, bộ phim chiến tranh duy nhất tham gia tranh giải Bông sen vàng rất may không phải là “thảm họa”.

Phim Việt, thị trường chiếu bóng, phát hành phim, điện ảnh, Hollywood

“Những người viết huyền thoại” được chọn mở màn tuần phim chào mừng LHP Việt Nam 18 tại Hà Nội tối 23/9. Buổi công chiếu được khá nhiều người trong giới quan tâm bởi đây là bộ phim đầu tiên của Hãng phim truyện Việt Nam được rót kinh phí thực hiện sau vài năm Hãng không được tài trợ làm bất cứ phim nào do ảnh hưởng từ vụ thất thoát hơn 40 tỉ đồng của Cục Điện ảnh.

Được rót kinh phí 11 tỉ đồng nhưng trên thực tế những người thực hiện chỉ nhận được số tiền thấp hơn nhiều do phải trích ngân sách làm phim “nuôi” Hãng. Do vậy kinh phí thực tế của “Những người viết huyền thoại” chỉ là 8,6 tỉ đồng, kèm 2,5 tỉ tiền tài trợ xin được. Một bộ phim chiến tranh với nhiều cảnh cháy nổ, kỹ xảo có thời lượng gần 100 phút chỉ thực hiện với số tiền chưa đầy nửa triệu đô (11 tỉ đồng) thực sự là một thách thức.

Phim Việt, thị trường chiếu bóng, phát hành phim, điện ảnh, Hollywood

Một phim đề tài chiến tranh vốn là thế mạnh của Hãng phim truyện Việt Nam được giao cho một đạo diễn còn quá trẻ là Bùi Tuấn Dũng (ảnh) . Anh sinh năm 1975, thuộc thế hệ hậu chiến nhưng đã kịp có tác phẩm đầu tay khi mới 29 tuổi cũng là một phim chiến tranh, Đường thư (2004). “Những người viết huyền thoại” là phim điện ảnh thứ 4 của Bùi Tuấn Dũng nhưng sau gần 3 năm phim mới chính thức bấm máy và chỉ vừa hoàn thành cách đây không lâu.

Chọn đề tài “khó nhằn” lại dễ bị soi nhưng “Những người viết huyền thoại” có thể nói là một phim chỉn chu và tử tế trong bối cảnh phim Việt tràn ngập “thảm họa”. Dưới bàn tay của một đạo diễn trẻ chưa đầy 40 tuổi, một góc của cuộc chiến tranh Việt Nam hiện lên vẫn giữ nguyên sự khốc liệt nhưng được thể hiện mới mẻ hơn, đặc biệt là ở những góc máy chuyên nghiệp của quay phim Lý Thái Dũng. Những góc máy hất lên từ dưới gầm chiếc xe tải hay cảnh những chiếc máy bay lao thẳng vào màn hình khiến người xem ấn tượng. Những cảnh quay này nếu được thực hiện bằng máy 3D thì chắc chắn hiệu quả hình ảnh sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Phim Việt, thị trường chiếu bóng, phát hành phim, điện ảnh, Hollywood
Trương Minh Quốc Thái trong một cảnh quay hài hước.

Trong “Những người viết huyền thoại”, kỹ xảo cũng được sử dụng khá nhiều, đặc biệt là cảnh những chiếc máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ lao vun vút trên bầu trời. Tuy nhiên, cũng có thể do hạn chế về kinh phí cũng như kỹ thuật nên cảnh chiếc máy bay lao xuống ruộng nổ tung ở gần cuối phim do bé cô bé Mây (Phùng Hoa Hoài Linh đóng) bắn hạ bị tạo cảm giác giả. Mặc dù vậy, ngoài hình ảnh đẹp cùng âm thanh Dolby gây ép phê, có thể nói đây là bộ phim chiến tranh hấp dẫn.

“Những người viết huyền thoại” chọn một đề tài khô và khó về Binh đoàn Trường Sơn, những người xây dựng đường ống dẫn dầu vào Nam trong máu lửa khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, nhiều tình tiết đã được sử dụng để làm mềm bộ phim, như cảnh Nghĩa (Trương Minh Quốc Thái đóng) khỏa thân bắt cua, cảnh Nghĩa và Hà (Tăng Bảo Quyên) trò chuyện bên bờ suối… Nhân vật bé Hùng (Bùi Dương Kiếm Hùng đóng) cũng mang đến những điểm thú vị.

Phim Việt, thị trường chiếu bóng, phát hành phim, điện ảnh, Hollywood
Bùi Dương Kiếm Hùng là con trai của ĐD Bùi Tuấn Dũng. Bé tham gia phim này khi mới 3 tuổi rưỡi.

Rất nhiều nhân vật trong phim được hình tượng hóa như Nghĩa hay hai chị em Mây và Hùng. Nghĩa được đẩy lên thành biểu tượng của những người lính đi xuyên qua bom đạn mà không sợ sệt. Cảnh Mây và Hùng, hai đứa trẻ mồ côi đứng trân trân nhìn cảnh mưa bom thả xuống trước mặt mà không hề hoảng loạn bởi chúng không sợ chết. Đạo diễn cho biết đây là những cảnh quay thật và không dùng kỹ xảo. Do vậy trước đó anh đã phải trấn an tinh thần cho hai bé và tập dần cho các em không biết sợ hãi trước tiếng bom đạn.

Tuy còn đôi chỗ không ổn nhưng nhìn chung “Những người viết huyền thoại” là một phim chiến tranh xem được. ĐD Bùi Tuấn Dũng thừa nhận: “Làm phim chiến tranh 1 cảnh cũng khó mà phim này có tới 4500 cảnh. Tôi chỉ tiếc là phim có dung lượng 115 phút mà bị cắt cụt đi còn dưới 100 phút. Tôi tiếc là không thuyết phục hãng rằng với phim chiến tranh, dưới 100 phút là ngu xuẩn. Đó cũng là sự ngu xuẩn của chính bản thân tôi vì đã chấp nhận cắt xuống chỉ còn 97 phút. Phim này phải thêm 15 phút nữa thì phim mới đủ khắc họa chân dung của nhiều người viết huyền thoại”.

Phim Việt, thị trường chiếu bóng, phát hành phim, điện ảnh, Hollywood
Tăng Bảo Quyên thay thế Lan Phương nhận vai nữ chính trong phim.

Hạnh Phương
(Vietnamnet)

‘Mùi cỏ cháy’ – Khúc tráng ca về Thành cổ Quảng Trị 1972

Xem phim Mùi cỏ cháy, không ít người đã khóc ròng từ đầu đến cuối. Sự trong trắng, hồn nhiên và tình yêu Tổ quốc của một thế hệ sinh viên, sự khốc liệt của chiến tranh, thân phận con người và hy sinh mất mát quá lớn của người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước… đã gợi lên nhiều điều cho những người đang sống hôm nay.

Bộ phim “Mùi cỏ cháy” mặc dù thiếu chất sử thi và thừa chất thơ nhưng thực sự đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng qua việc tái hiện chân thực không khí hào hùng, bi tráng ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Không ngoa khi so sánh “Mùi cỏ cháy” giống như “quả cầu pha lê” dưới bàn tay một phù thủy tâm lý, có thể dẫn dắt người xem trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau qua từng cảnh quay.

Bộ phim làm khán giả bật cười sảng khoái với những hành động ngây thơ, trong trẻo có phần trẻ con của những người lính binh nhì tuổi mới mười tám, đôi mươi, nhưng cũng khiến họ rơi lệ trước sự hi sinh quả cảm của những chiến sĩ trẻ; những mối tình trong sáng bị chiến tranh chia lìa hay giọt nước mắt mong ngóng, đợi chờ của người thân nơi hậu phương…

Bộ phim xoay quanh câu chuyện của 4 chàng sinh viên Hà thành là Hoàng, Thành, Thăng và Long ở lứa tuổi 20, khi cuộc đời vừa bắt đầu chớm nở. Sống trong thời kỳ đất nước đang bị gót giày quân thù giày xéo, họ đã tình nguyện rời xa cuộc sống sinh viên, để lại thầy cô, người thân phía sau lên đường nhập ngũ. Trước câu hỏi của Thủ trưởng Phong: “Có ai tiếc cuộc sống bình yên không?” Hoàng đã không ngần ngại nói: “Chúng em cũng hơi tiếc ạ. Nhưng còn hối tiếc hơn nếu như trong đội ngũ những người ra trận hôm nay không có chúng em”.

Những đổi thay trong tâm lý nhân vật được diễn tả một cách sâu sắc. Cả 4 anh lính binh nhì xuất hiện ở đầu bộ phim với hình ảnh ngây thơ, trong sáng có phần trẻ con. Điều đó được thể hiện qua câu hát của Long trên chiếc xe chở quân vào chiến trường: “Ta là con của bố mẹ ta. Nhớ nhà ta trốn ta về”; thú bắt ve sầu rồi áp tai nghe tiếng kêu ve ve của Thành và niềm đam mê chơi trọi dế của Thăng…

Tuy nhiên, khi được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt của quân đội và trực tiếp chiến đấu với quân thù, tận mắt chứng kiến đồng đội của mình hi sinh, họ đã hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống, trưởng thành và sống có lý tưởng hơn. Với Thăng, đó là sự cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước: “… Tuổi hai mươi làm sao không tiếc, nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc”. Với Hoàng, đó là thái độ sung sướng, không chút do dự khi được rời trại thương binh vào chiến trường chiến đấu mặc dù, nơi đó có cô y tá mà anh dành tình yêu vô hạn…

Bối cảnh chính trong “Mùi cỏ cháy” là thành cổ Quảng Trị năm 1972. Nơi đế quốc Mỹ chọn để quyết chiến với quân ta nhằm giành thế chủ động trong cuộc đàm phán hiệp định Paris. Vì thế, chúng đã sử dụng mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất để san phẳng căn cứ quân sự này.

Dưới “bàn tay ma thuật” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, người xem không thể kìm nổi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh hàng trăm chiến sĩ bị trúng bom mìn khi vượt sông Thạch Hãn, máu nhuộm đỏ dòng sông; cảnh Long đứng giữa trời đạn bom kêu gào thảm thiết: “Đừng tấn công nữa!…” và bị bom giặc cướp mất tính mạng; hay hình ảnh một chiến sĩ mù vẫn cầm lựu đạn mò mẫm ra chiến trường chiến đấu với kẻ thù…

Có lẽ, ở ranh giới giữa sự sống và cái chết nơi chiến trường thì tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mới trỗi dậy mãnh liệt nhất. Dù trong tay chỉ còn cây súng AK hết đạn, Thành vẫn dũng cảm gương lưỡi lê xông lên, đâm một nhát chí mạng vào tên lính ngụy cầm cờ Mĩ và anh dũng hi sinh; biết xung quanh mình có địch rình rập nhưng Thăng vẫn liều mình nhảy xuống sông nối dây cáp để giữ liên lạc giữa chiến trường với Bộ chỉ huy và bị 2 lính ngụy bắn chết…

Chiến trường Quảng Trị – cối xay thịt người – khốc liệt, ghê rợn là thế. Nhưng đạo diễn vẫn dành cho nhân vật của mình những phút giây bình yên để tâm hồn họ lắng đọng lại và viết nên những suy ngẫm về gia đình, về chiến tranh, về tình cảm đồng chí, đồng đội… mà chỉ những người chiến sĩ đã tận mắt chứng kiến, tận tay đào đất chôn đồng đội hi sinh mới có.

Thông qua những trang nhật ký của Thăng, những vần thơ của Hoàng, những bức thư thấm đẫm nước mắt của Thành vĩnh biệt mẹ và lời hứa trở lại (không thực hiện được) của Long đối với một cô gái anh gặp trên đường hành quân… “Mùi cỏ cháy” đã tố cáo tội ác của chiến tranh một cách đầy đủ nhất, chân thực và sinh động nhất. Không những thế, nó đã chạm đến những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc về tình người, về lẽ sống của cả một thế hệ trẻ thời chống Mỹ.

Bộ phim truyện “Mùi cỏ cháy” và phim tài liệu “Đại tướng Đoàn khuê” đã được chọn mở màn cho đợt phim chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5, 19/5 và kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Theo Hồng Hạnh (KTĐT)

Hội chứng chiến tranh Việt Nam trong điện ảnh Mỹ

chien tranh viet nam

Cuộc chiến tranh xâm lược mà đế quốc Mỹ triển khai tại Việt Nam là một trong những cuộc chiến nổi tiếng nhất lịch sử cận đại. Cho đến nay một số cựu binh Mỹ vẫn còn mang nỗi ám ảnh được gọi với cái tên Hội chứng chiến tranh VN . Đây là vết thương lớn mà người Mỹ không muốn nhắc tới nhưng lại là một đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim Hollywood.

Vào đầu năm 1988, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ buộc phải chính thức thừa nhận rằng 15% (khoảng 50.000 người) cựu chiến binh Mỹ từ chiến tranh VN trở về bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng mà nguyên nhân do họ đã tham chiến tại VN và những ám ảnh về tội ác họ từng gây ra (Hội chứng chiến tranh VN). Các nhà xã hội học Mỹ khẳng định bình quân mỗi ngày có ba cựu chiến binh Mỹ tự sát. Điều đáng lưu ý là hiện tượng trên chưa hề xảy ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên. Đề tài này đã mở ra một trào lưu làm phim về Hội chứng chiến tranh VN và tạo được sự chú ý của dư luận thế giới như các phim Người lái taxi (1976, đạo diễn Martin Scorsese), Sinh ngày 4-7 (1989), Trời và đất (1993) – đều của đạo diễn Oliver Stone, Cuộc chiến trong gia đình (1996, đạo diễn Emilio Estevez)…

Năm 1976, Người lái taxi ra đời được coi là một trong những phim đầu tiên khai thác tâm lý phức tạp, hỗn loạn của cựu chiến binh Mỹ, cụ thể trong phim là nhân vật Travis – cựu binh thủy quân lục chiến tham gia chiến tranh VN năm 1972. Đạo diễn không thể hiện cuộc sống của Travis khi anh còn trong quân ngũ, mà khi anh đã trở về đời sống thường nhật tại thành phố New York. Theo chân Travis, một xã hội Mỹ hoàn toàn khác được mở ra, không phải một nơi hiện đại với những tòa nhà tráng lệ, mà là những khu ổ chuột đầy rẫy tệ nạn, ma túy, ma cô, gái điếm. Và đó là một phần cuộc sống hiện tại của Travis. Ngay từ đoạn đầu phim, khán giả đã có cảm giác “bất ổn” về nhân vật này. Một con người mắc chứng mất ngủ kinh niên, lái chiếc xe taxi đi lang thang mỗi đêm, đến những nơi dơ bẩn bệnh hoạn trong thành phố hoặc xem phim cấp 3. Ngày từ đầu, Travis đã được khắc họa là một con người có những suy nghĩ lệch lạc, kì quặc, mất lòng tin vào đất nước, và tính cách này ngày một phát triển theo hướng khác thường, khốc liệt hơn. Cao trào phim là lúc Travis cứu cô (bé) gái điếm Iris khỏi ổ điếm sau một trận bắn súng đẫm máu. Số phận Travis là bi kịch của một con người không hòa nhập được với cuộc sống bình thường, trở nên đơn độc trên chính quê hương mình. Taxi Driver chiếm vị trí 86 trong danh sách 250 phim hay nhất mọi thời đại. Với khoản kinh phí vỏn vẹn 1,3 triệu USD, tác phẩm thu lại hơn 28 triệu USD khi chiếu ngoài rạp, và gần 13 triệu USD khi phát hành băng video. Nhân vật Travis Bickle được xếp vào vị trí 30 trong danh sách Những nhân vật phản diện vĩ đại nhất trong 100 năm, còn bản thân bộ phim nằm trong danh sách 100 phim kinh dị hay nhất trong 100 năm của Viện Điện ảnh Mỹ. Phim cũng được lựa chọn để lưu trữ trong thư viện Quốc hội Mỹ, với tư cách là di sản văn hóa cho các thế hệ sau.

Các phim Sinh ngày 4-7, Trời và đất, Cuộc chiến trong gia đình nói về một dạng chung thường thấy của “ hội chứng VN”, đó là sự săn đuổi của quá khứ, sự dằn vặt về những tội ác mà mình đã gây ra. Nhân vật Ron (Sinh ngày 4-7), Steve (Trời và đất), Jeremy (Cuộc chiến trong gia đình) sau khi trở về nhà, về với cuộc sống đời thường đều có nỗi ám ảnh bởi những cảnh giết chóc, những lần ra tay tàn sát người già, trẻ em và những người dân thường VN vô tội trong cuộc chiến. Điều này như một cơn ác mộng khủng khiếp luôn đi theo họ từng ngày. Hậu quả là những trận cãi vã mà nguyên nhân là những người cựu binh Mỹ không nhận được sự cảm thông, thấu hiểu từ phía người thân trong gia đình. Bi kịch đến đỉnh điểm khi gia đình tan nát, những con người đang bị nỗi ân hận dày vò nay mang thêm sự đau đớn vì không còn chỗ dựa, họ trở nên cô độc. Có người tự chữa trị cho căn bệnh tâm lý của mình bằng cách tìm một mục đích sống, một hành động nào đó để có thể dũng cảm đối mặt với quá khứ, thừa nhận quá khứ và dần quên được quá khứ (nhân vật Michael, Ron và Jeremy), nhưng cũng có người tự giải thoát bằng con đường tự sát (nhân vật Steve), một cái chết bi thảm của một tâm hồn tội lỗi không thể thoát khỏi cơn ác mộng của mình.

Cái chết không phải là địa ngục, địa ngục chỉ thực sự bắt đầu khi người lính trở về nhà. Hội chứng chiến tranh Việt Nam đã khiến họ không hòa nhập được với cuộc sống bình thường, bị ám ảnh bởi cuộc chiến, về cái chết và cả những gì họ đã làm, họ mang tâm hồn bị tổn thương bởi chiến tranh. Những người lính Mỹ sau khi trở về mang một thân thể tàn tạ, ý chí mệt mỏi, mất lòng tin vào đất nước, sống không có mục đích. Họ rơi vào bế tắc với nỗi đau không thể bù đắp được. Cái chết về thể xác không đáng sợ bằng cái chết của tâm hồn, của lương tâm và ý chí. Và cho đến tận bây giờ, đề tài này vẫn đang được các nhà làm phim Mỹ tiếp tục khai thác.

Theo Trần Mai Khanh (VH)