Tam giác Việt Nam – Trung Quốc – Liên Xô trong kháng chiến chống Mỹ

Liên Xô – Hoa Kỳ

Trong thời kỳ Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, Xô-Mỹ đối địch nhau, có quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh. Vấn đề Việt Nam luôn nổi bật lên trong quan hệ giữa hai nước. Mỹ rất coi trọng vai trò của Liên Xô bởi Liên Xô là một trong hai ngoại viện chủ yếu của Việt Nam, lại là Đồng Chủ tịch Hội nghị Genève năm 1954.

Trong thời kỳ Khrushchev “phi Stalin hóa” đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Liên Xô coi trọng hoà hoãn với Mỹ, thúc đẩy “thi đua hòa bình”, “đấu tranh hòa bình”, họ chỉ giúp Việt Nam chủ yếu là vũ khí hạng nhẹ.

Với sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8/1964), Liên Xô chỉ có tuyên bố của Thông tấn xã TASS và thư riêng của lãnh đạo Liên Xô nhắc nhở Tổng thống Mỹ. Việc đó làm Việt Nam thất vọng.

Đầu năm 1965, Liên Xô có ban lãnh đạo mới. Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh. Liên Xô tăng cường giúp Việt Nam và tỏ thái độ mạnh dạn lên án Mỹ.

Mỹ đã sớm tính tới vai trò trung gian của Liên Xô. Tháng 5/1965, đại diện Mỹ sang Liên Xô sắp xếp cuộc gặp giữa người đứng đầu hai cơ quan đại diện Việt Nam – Hoa Kỳ ở Moskva.

Ngày 14-5, hội đàm ở Vienna (Áo), Ngoại trưởng Mỹ Rusk yêu cầu Ngoại trưởng Gromyko hoạt động cho một giải pháp ở Việt Nam.

Tiếp đó, ngày 27-7, Harriman, đặc phái viên của Johnson gặp Kosyghin. Sau cuộc gặp, Harriman nhận xét: Liên Xô muốn chấm dứt chiến tranh nhưng không muốn tỏ ra mềm yếu trước mắt Bắc Kinh.

Lấy Liên Xô làm trung gian không thành, Mỹ đẩy mạnh vận động trung gian qua các nước Tây Bắc Âu, châu Phi, thế giới thứ ba và cả Canada, Nhật Bản. Một số nước XHCN Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Rumani cũng đóng vai trò trung gian, có sự hỗ trợ kín đáo của Liên Xô.

Trung Quốc – Hoa Kỳ

Khác với quan hệ Xô – Mỹ, thời kỳ này quan hệ Mỹ – Trung đang là kẻ thù đối địch. Từ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Mỹ đã coi Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và chủ yếu.

Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam với chiến lược toàn cầu, ngăn chặn chủ nghĩa xã hội, ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương và Đông Nam Á, xâm lược và biến miền Nam Việt Nam thành một căn cứ quân sự, thuộc địa kiểu mới, tiền đồn chống Cộng sản của Mỹ ở trong khu vực.

Trung Quốc dù đang nghèo đói vẫn viện trợ cho Việt Nam vì nghĩa vụ đối với đồng minh, và cũng vì an ninh của chính Trung Quốc. Trung Quốc coi miền Nam Việt Nam là “phòng tuyến 3” đối với an ninh quốc gia Trung Quốc. Rút kinh nghiệm từ Chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc muốn ngăn chặn sự bành trướng của Mỹ vào khu vực từ cách xa nửa vòng trái đất, họ coi Mỹ là mối đe dọa thường trực và không muốn Mỹ kéo đến cửa nhà và chĩa thẳng mũi dao vào họ.

Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là kiềm hãm, bao vây cô lập, tránh để Trung Quốc trực tiếp dính líu vào chiến tranh Mỹ – Việt. Mỹ tránh đánh vào những đơn vị cao xạ có công binh Trung Quốc sang giúp Việt Nam, tránh ném bom những khu vực gần biên giới Trung Quốc như tướng MacArthur đã làm ở Bắc Triều Tiên.

Tháng 3/1966, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra 10 điểm trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, trong đó toát lên tinh thần kiềm kẹp bao vây Trung Quốc nhưng sẵn sàng mở các cuộc đối thoại với Trung Quốc.

Trung Quốc cũng nhiều lần đánh tín hiệu cho Mỹ theo hướng tránh đụng độ trực tiếp.

Thái độ kiềm chế nhẫn nhịn của Trung Quốc trước Mỹ ít nhiều đưa tới bất lợi cho Việt Nam, nhưng cũng có căn nguyên của nó: Cách mạng Trung Quốc thành công, chưa kịp xây dựng thì quân đội phải vào Triều Tiên đánh Mỹ ở cả hai miền, tốn kém và tổn thất to lớn, hao binh tổn tướng, rồi lại viện trợ Việt Nam chống Pháp, phải dành dụm trả nợ cho Liên Xô. Sau đó Trung Quốc lại vướng Cách Mạng Văn Hóa. Đất nước nghèo đói sau nhiều sai lầm về chính sách kinh tế quốc nội.

Khác với người tiền nhiệm Johnson, Tổng thống Mỹ Nixon quan tâm đến vấn đề Trung Quốc nhiều hơn.

Từ năm 1967, Nixon đã phát biểu về Trung Quốc. Sau khi được Đảng Cộng hoà Mỹ đề cử, tháng 9/1968, Nixon có tuyên bố rõ ràng hơn: chúng ta (Mỹ) phải nắm mọi thời cơ để nói chuyện với Trung Quốc cũng như với Liên Xô.

Trung Quốc rất nhạy bén với các quan điểm của Nixon, vì vậy trong cuộc bầu cử năm 1968 ở Mỹ, khi Liên Xô ủng hộ Humphrey thì Trung Quốc tìm cách ủng hộ Nixon.

Trung Quốc “bàn ra” ngăn cản Việt Nam thoả thuận với Mỹ tại cuộc đàm phán Paris, một thoả thuận sẽ có lợi cho ứng cử viên Đảng Dân chủ.

Sau khi Nixon trúng cử, Trung Quốc không còn phản đối mà chuyển sang ủng hộ Việt Nam vừa đánh vừa đàm với Mỹ ở hội nghị Paris.

Trong hai năm 1969-1970, hai bên đều có những cử chỉ ngoại giao phá băng mở đường xích lại gần nhau. Đầu năm 1970, Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, Trung Quốc lên án và ủng hộ Sihanouk chống Mỹ.

Tuy nhiên, đến tháng 12-1970, qua phóng viên Edgar Snow, Mao Trạch Đông nhắn gửi: dù dưới danh nghĩa tổng thống hay nhà du lịch, Nixon cũng sẽ được đón tiếp nồng hậu nếu đến Bắc Kinh.

Do quan hệ Xô – Trung bấy giờ rất căng thẳng nên Trung Quốc cần hoà thuận với Mỹ để phá thế bị cả hai cực bao vây cô lập. Trung Quốc nắm thời cơ Mỹ sa lầy ở Việt Nam để giành lợi thế trong việc nói chuyện với Mỹ.

Mỹ muốn chia rẽ, chia tách hai nước cộng sản lớn, nâng cao vị thế quốc tế của Mỹ và vị thế của Nixon để đi vào bầu cử cuối năm 1972. Từ đầu 1971, các cuộc trao đổi thông qua Pakistan đã diễn ra dồn dập, đưa đến “cuộc ngoại giao bóng bàn” tháng 3, 1971, rồi Thủ tướng Chu Ân Lai chính thức phát lời mời đại diện Tổng thống Mỹ thăm Trung Quốc (4/1971).

Liên Xô – Trung Quốc

Đây là hai nước lớn, có nền văn hoá, văn minh lâu đời, có đường biên giới chung rất dài. Hai nước đều có tinh thần ái quốc mạnh mẽ. Lịch sử quan hệ hai nước có nhiều thăng trầm. Đầu thế kỷ XX, sau Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc (1911) và Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) thành công, hai nước trở thành đồng minh tự nhiên cùng chung mục tiêu chống CNTB và thực dân đế quốc.

Cách mạng Trung Quốc thành công năm 1949 có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô. Liên Xô – Trung Quốc trở thành đồng minh chiến lược, có quan hệ hợp tác toàn diện trên cơ sở cùng ý thức hệ và cơ sở pháp lý là Hiệp ước đồng minh tương trợ (14-2-1950).

Tuy nhiên, quan hệ đoàn kết Xô – Trung chỉ kéo dài được một thập kỷ.

Trong nhiều năm, giới nghiên cứu đã thảo luận nhiều về nguyên nhân, diễn biến mâu thuẫn Xô – Trung. Có thể coi mâu thuẫn này phát sinh từ giữa những năm 50 và xuất hiện tại Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô (1956).

Tại Đại hội này, Khrushchev đã hạ bệ Stalin và thực hành chính sách “phi Stalin hóa”, còn Trung Quốc thì phản đối mạnh mẽ và cho rằng Stalin “7 đúng, 3 sai”.

Rồi tại Đại hội Đảng Romani (6/1960), Khrushchev và Bành Chân tiếp tục tranh cãi công khai về vấn đề này. Không bao lâu, mâu thuẫn ý thức hệ chuyển thành mâu thuẫn quốc gia. Liên Xô rút chuyên gia, đòi nợ, chấm dứt viện trợ, phản đối Trung Quốc nghiên cứu vũ khí hạt nhân.

Cuộc luận chiến lớn diễn ra công khai kéo dài. Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân (2/11/1960), do điều kiện lịch sử hạn chế, chưa tìm ra đúng các quy luật của CNXH, về cơ bản cũng không góp phần dàn xếp mâu thuẫn Xô – Trung được. Mâu thuẫn này phát triển toàn diện.

Một thời gian dài, mâu thuẫn Xô -Trung được diễn đạt là mâu thuẫn về ý thức hệ, về đường lối. Song báo chí phương Tây cho rằng điều này chỉ đúng một phần: nguyên nhân cơ bản là “mâu thuẫn về lợi ích quốc gia”, nước lớn bắt đầu với việc tranh chấp địa vị người lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới. Liên Xô muốn giữ Trung Quốc trong phạm vi khống chế của mình.

Trung Quốc muốn tách khỏi tầm ảnh hưởng của Liên Xô, có vai trò độc lập, bình đẳng và trở thành người lãnh đạo cách mạng thế giới. Từ đó đi đến xung đột giữa hai nước, cho đến xung đột biên giới.

Liên Xô, Trung Quốc cũng mâu thuẫn khá nhiều trong vấn đề Việt Nam. Vấn đề đã trở thành phức tạp và tế nhị. Cả hai nước đều là đồng minh chiến lược tin cậy của Việt Nam, đều ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam to lớn và đều mong muốn Việt Nam thắng Mỹ. Thậm chí, có nhiều khía cạnh hai nước liên hệ và phối hợp cùng nhau giúp Việt Nam, như việc Trung Quốc giúp vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô sang Việt Nam.

Mâu thuẫn giữa hai nước trong vấn đề Việt Nam bắt nguồn từ việc hai nước có những quan điểm lập trường và góc độ lợi ích khác nhau trong vấn đề giúp Việt Nam, ngoài ra còn những vấn đề về “phi Stalin hóa” và lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Liên Xô giúp Việt Nam vì vấn đề lợi ích chiến lược, kiềm chế làm suy yếu Mỹ, tạo điều kiện để Liên Xô cân bằng chiến lược với Mỹ. Liên Xô cũng muốn qua việc giúp Việt Nam để đề cao vị thế đứng đầu phong trào cách mạng thế giới của mình. Để củng cố hoà hoãn với Mỹ, Liên Xô mong muốn sớm có giải pháp hoà bình ở Việt Nam.

Trung Quốc giúp Việt Nam vì nghĩa vụ với đồng minh, cũng vì lợi ích chiến lược, kiềm chế Mỹ, bảo đảm an ninh của Trung Quốc ở phía Nam. Trung Quốc cũng muốn có uy tín lớn trong sự nghiệp giúp Việt Nam.

Mâu thuẫn giữa hai nước, hai Đảng Trung – Xô trở nên trầm trọng từ giữa thập niên 1950, dưới thời của “chủ nghĩa xét lại Khrushchev”, xoay quanh những bất đồng về vấn đề lý luận, đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế, đã dẫn đến sự phân liệt của phong trào cộng sản thành hai phái.

Từ khẩu chiến, mâu thuẫn giữa hai “ông anh” đã trở nên cao trào bằng những cuộc xung đột biên giới mà đỉnh điểm suýt trở thành cuộc chiến tranh quy mô năm 1969.

Khrushchev một mặt chỉ trích Trung Quốc thỏa hiệp với Mỹ, mặt khác cũng thỏa hiệp với Mỹ, thậm chí đã đến thăm Mỹ và đem vodka đổi lấy Pepsi từ 1959.

Ngày 21/12/1964, Mao Trạch Đông lên án mạnh mẽ chính sách “phi Stalin hóa” của Khrushchev và tiên đoán:

“Những hành vi tội phạm của Khrushov sẽ nảy sinh những hậu quả vô cùng nghiêm trọng về lâu dài, Những hậu quả đó sẽ dẫn tới sự thay đổi và sau đó là sự đổ vỡ Liên Xô và Đảng Cộng sản”.

Mao Trạch Đông đã đoán đúng, sự “xét lại” và “phi Stalin hóa” của Khrushchev đã đưa đến những rạn nứt dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô về sau.

(Sưu tầm)

2 thoughts on “Tam giác Việt Nam – Trung Quốc – Liên Xô trong kháng chiến chống Mỹ

  1. Bệnh dịch ở Vn cùng sự suy giảm tinh thần trong quân đội do phải xa nhà quá lâu và liên tục hành quân chiến đấu trong thời gian dài là căn nguyên chính dẫn tới sự thua trận của Hoa kỳ ở Vn.

Bình luận về bài viết này