Ngoại giao Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ

Mặc dù già yếu, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh với kinh nghiệm lão luyện về chính trị, vẫn là người có tiếng nói nặng ký và có tính chất quyết định về các vấn đề ngoại giao, bao gồm vấn đề nhận viện trợ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của Việt Nam, và mặc dù không trực tiếp lãnh đạo, nhưng người ta vẫn tin tưởng và kính nể vào đức độ và năng lực chính trị của ông.

Tuy nhiên, vấn đề nhận viện trợ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố liên quan về chính trị và quân sự, do đó vấn đề này được Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam biểu quyết và quyết định.

Trong thời kỳ này, Lê Duẩn được xem là tổng công trình sư của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Các lãnh đạo miền Nam phụ trách về quân sự qua Trung Ương cục miền Nam. Các lãnh đạo miền Bắc kiêm nhiệm phụ trách về xây dựng kinh tế xã hội miền Bắc và đấu tranh giải phóng nước nhà ở miền Nam.

Mười năm chống chọi với Mỹ cũng là mười năm của ngoại giao Hồ Chí Minh, giữ tình đoàn kết Xô – Trung.

Việt Nam thành công nhờ có đường lối độc lập, tự chủ. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, Việt Nam tùy theo từng trường hợp cụ thể mà tùy nghi ứng biến.

Mùa xuân năm 1968, khi Liên Xô cùng các quốc gia có chữ ký trong hiệp ước Warsaw đưa quân vào giúp Tiệp Khắc dẹp yên cuộc nổi dậy cách mạng màu “Mùa Xuân Praha”, Việt Nam ra tuyên bố cấp cao bày tỏ sự ủng hộ.

Khi Liên Xô tuyên bố “nguyên tắc chủ quyền hạn chế”, Việt Nam không lên tiếng, kể cả bên trong.

Đầu năm 1972, Liên Xô và Trung Quốc đi vào hoà hoãn với Mỹ và đón tiếp Tổng thống nước này khi đó là Nixon, Việt Nam giữ độc lập tự chủ, khẳng định: “Các đồng chí không được bàn với Mỹ về vấn đề Việt Nam”.

Nhờ vậy, Việt Nam đã hạn chế được các tiêu cực do hoà hoãn giữa các nước lớn. Tuy nhiên, thiếu sót được cho của Việt Nam là chậm phát hiện và đánh giá chính xác khả năng và giới hạn của quá trình hoà hoãn cũng như chưa xác định được các khả năng Việt Nam có thể khai thác để tham gia vào cuộc chơi quốc tế lớn này, để có thể phục vụ đấu tranh chống Mỹ tốt hơn.

Đối với Mỹ, nhiệm vụ của ngoại giao với Xô – Trung là kiềm chế, giữ chân hai nước, tác động để hai nước giảm thiểu việc giúp đỡ Việt Nam, châm ngòi ly gián, chia rẽ và lợi dụng mâu thuẫn giữa hai nước XHCN để làm suy yếu hậu phương quốc tế của Việt Nam và khi cần thì vận dụng vai trò của hai nước trong việc thực hiện các ý định của Mỹ.

Chiến lược của Liên Xô lúc này là hoà hoãn Đông-Tây, hoà giải với Mỹ. Tuy nhiên, Liên Xô đặt cao nhiệm vụ giúp Việt Nam đánh Mỹ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam phù hợp với chiến lược của Liên Xô, kiềm chế Mỹ, góp phần làm cho Mỹ suy yếu, tạo điều kiện để Liên Xô vươn lên cân bằng với Mỹ về chiến lược.

Trong thời kỳ Xô Trung xung đột, Liên Xô giúp Việt Nam vì lợi ích chiến lược đồng thời cũng là nghĩa vụ đối với một đồng minh XHCN thân cận. Giúp Việt Nam, vị thế của Liên Xô trong phong trào cách mạng thế giới càng được nâng cao và cũng để ngăn chận Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Việt Nam, đưa đến vai trò của Liên Xô trong phe XHCN bị hạ thấp.

Về lâu dài, Liên Xô xây dựng quan hệ gắn bó với Việt Nam, lấy Việt Nam làm bàn đạp phát triển quan hệ với Đông Nam Á.

Chiến tranh Việt Nam liên quan trực tiếp với Trung Quốc. Mỹ là kẻ thù của Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước đã căng thẳng từ chiến tranh Triều Tiên khi quân đội hai bên giao chiến.

Mỹ xâm lược Việt Nam, đưa chiến tranh đến sát biên giới Trung Quốc, uy hiếp an ninh Trung Quốc từ phía Nam. Việt Nam là đồng minh thân thiết của Trung Quốc từ ngày cách mạng Trung Quốc thành công. Trung Quốc giúp Việt Nam vừa là nghĩa vụ đối với đồng minh vừa vì lợi ích chiến lược, kiềm chế ngăn chặn Mỹ, làm Mỹ suy yếu, bảo đảm an ninh của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng hy vọng, với vai trò quan trọng của mình, đến một lúc thích hợp, họ có thể phát huy vai trò nước lớn trong một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh nhằm có lợi nhất cho quốc gia.

Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất (1961-1968) cũng chính là thời kỳ mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày càng sâu rộng.

Trong bối cảnh hai nước ra sức tập hợp lực lượng để củng cố vị trí của mình, Việt Nam trở thành một trong những tiêu điểm thể hiện đối sách của mỗi nước và liên quan đến lợi ích của các cường quốc đại diện cho quyền lực của thế giới. Trước những chuyển biến đó, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sau như một là “Mọi thắng lợi của Đảng ta và của nhân dân ta không thể tách rời sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc!” và đặt ra nhiệm vụ làm giảm thiểu tối đa tác hại của sự tranh chấp giữa Liên Xô – Trung Quốc và tiềm năng lợi dụng của Mỹ, không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ Việt – Xô – Trung. Ông đưa ra quan điểm chỉ đạo như sau:

  • Kiên trì tình đoàn kết hữu nghị với Liên Xô và Trung Quốc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh
  • Không can thiệp vào công việc nội bộ của Liên Xô, Trung Quốc
  • Nỗ lực hóa giải, thu hẹp bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc, coi đó là cơ sở để củng cố quan hệ hữu nghị Việt – Xô – Trung
  • Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, ứng xử linh hoạt, có lý, có tình trong quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc.

Để giữ gìn quan hệ cân bằng, đoàn kết, hữu nghị với cả hai đồng minh Trung Quốc và Liên Xô, dưới sự chỉ đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã chủ trương quyền biến nhanh nhạy, mềm dẻo với mọi biến chuyển của tình hình, đạt tới sự tế nhị và cân bằng.

Các chuyến thăm hỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đến Liên Xô và Trung Quốc khá liên tục và đồng đều. Tuân thủ phương châm “chưa hiểu thì chưa nên bày tỏ thái độ”, suốt thời kỳ mâu thuẫn Xô – Trung diễn ra gay gắt, trên các phương tiện chính thống, Việt Nam đã không bàn luận, không bày tỏ thái độ đồng tình hay phản đối cuộc đấu tranh nội bộ trong Đảng Cộng Sản Liên Xô (1956), hay đối với cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Trung Quốc, cũng như không tham gia các cuộc tranh luận công khai giữa hai bên, tránh những hiểu lầm không cần thiết.

Khi Trung Quốc thường xuyên nêu vấn đề chống chủ nghĩa xét lại và “tách khỏi Liên Xô”, còn Liên Xô thì liên tiếp gửi thư đề nghị Việt Nam phải thay đổi lập trường với Trung Quốc, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn mềm mỏng và kiên định giải thích: “Đảng chúng tôi luôn luôn giáo dục cho cán bộ, đảng viên và cho quần chúng nhân dân lòng yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản, luôn luôn tăng cường đoàn kết hữu nghị với Liên Xô, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và các nước anh em khác”.

Khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trao đổi và thông báo về các vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam với lãnh đạo Liên Xô, thì cũng đồng thời thông báo, trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nhuần nhuyễn triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để kết hợp hài hoà giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa cương và nhu, giữa chiến lược và sách lược, giữa chủ động và sáng tạo, vô cùng linh hoạt trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, từ đó nhận biết, nắm bắt thời điểm để xử lý thành công quan hệ Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc, bảo vệ và thực hiện tốt nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chính nhờ thế, dù đứng giữa hai bên “đối thủ” của nhau như vậy, Việt Nam vẫn đón nhận được sự viện trợ, giúp đỡ của cả hai để phục vụ cho công cuộc giành độc lập của mình.

(Sưu tầm)

Bình luận về bài viết này