Toàn cảnh Trung Quốc – Liên Xô mâu thuẫn trong chiến tranh Việt Nam

Cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ 20, tình hình quốc tế có hai diễn biến gây bất lợi và cản trở rất lớn đối với Việt Nam:

Một là, với tư duy “Một ngọn lửa nhỏ cũng dễ làm bùng cháy cả cánh đồng, một xung đột vũ trang nhỏ cũng dễ thành ngòi nổ chiến tranh hạt nhân”, xu hướng thi đua hòa bình, bác bỏ đấu tranh vũ trang, cầu an và đề cao nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang thắng thế trong phong trào cộng sản và công nhân thế giới, mà dấu mốc là Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân, mùa Thu năm 1960 tại Moskva do Khrushchev, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô chủ trì.

Hai là, sự mâu thuẫn và rạn nứt quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu xuất hiện tại cuộc gặp mặt các Đảng cộng sản và công nhân ở Bucarest (Romani), đến Hội nghị 81 Đảng cộng sản và công nhân ở Moskva thì công khai bộc lộ ra. Khrushchev thì chỉ trích ban lãnh đạo Trung Quốc là chủ nghĩa giáo điều; còn Trung Quốc thì kết tội ban lãnh đạo Liên Xô là chủ nghĩa xét lại hiện đại.

Sau Hội nghị 81 Đảng cộng sản và công nhân ở Moskva, giữa hai bên ngày càng căng thẳng: Các quan hệ về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật bị đình chỉ, quan hệ ngoại giao hạ xuống mức thấp nhất; dọc biên giới hai nước, các cuộc khiêu khích vũ trang liên tiếp xảy ra, cuối cùng dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới.

Hai bên tranh cãi nhau công khai trên trường quốc tế, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động lôi kéo các nước khác ngả về phía họ. Tình hình quốc tế nêu trên đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của các thành viên trong Ban lãnh đạo Việt Nam.

Từ sau 1954, trong nội bộ Việt Nam có hai khuynh hướng: Một khuynh hướng chủ chiến, kiên quyết giải phóng miền Nam. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn và nhiều lãnh đạo khác.

Khuynh hướng kia là: “Mỹ nó mạnh quá, không thể đánh được, nếu đánh nó thì nguy cho cả miền Bắc, hãy làm theo tinh thần của Hội nghị 81 Đảng cộng sản và công nhân ở Moskva – Thi đua hòa bình, tập trung xây dựng miền Bắc Việt Nam, xây dựng phe XHCN ngày càng mạnh lên, phe đế quốc ngày càng yếu đi, đến lúc sắp lụi tàn nó sẽ đầu hàng.”

Ban đầu, Liên Xô không đồng ý phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam, đề nghị Việt Nam quán triệt và thực hiện “thi đua hòa bình”. Còn Trung Quốc thì đề nghị “kiên trì mai phục”; về sau mới đồng ý tổ chức vũ trang ở quy mô cấp tiểu đội là phổ biến, cấp đại đội chỉ là cá biệt. Trung Quốc cho rằng Việt Nam chưa đủ sức đánh lớn vào Nam, nếu “dục tốc bất đạt” và cưỡng cầu đánh lớn thì kịch bản Triều Tiên có thể sẽ tái diễn, Mỹ sẽ nương theo đà chiến tranh mà kéo quân ra Bắc.

Trung Quốc đã bao tổn binh lực rất nhiều ở cuộc chiến Triều Tiên, họ không muốn đã kháng Mỹ viện Triều rồi về sau có thể lại phải “kháng Mỹ viện Việt”.

Theo chiến lược “kiên nhẫn mai phục”, “ẩn mình chờ thời cơ”, Trung Quốc, về viện trợ vũ khí, lúc này chỉ viện trợ cho miền Nam súng trường K44 để tự vệ, chống càn.

Như vậy, Liên Xô và Trung Quốc đã có hai quan điểm hòa và chiến khác nhau trong cách thức giải quyết vấn đề Mỹ xâm lược Việt Nam.

Liên Xô với quan điểm chủ hòa, đề nghị “cạnh tranh hòa bình, thi đua kinh tế”, “CNTB giãy chết”, “tất yếu sẽ xây dựng thành công CNXH, chủ nghĩa đế quốc thuộc về CNTB thì sẽ bất chiến tự nhiên thành”, cho rằng không cần dùng đến biện pháp chiến tranh.

Trung Quốc chủ trương khác với Liên Xô, có quan điểm chủ chiến nhưng “chưa thể đánh lớn” và đề nghị trường kỳ mai phục lâu dài, chờ đợi thời cơ chín mùi. Lúc này đường Trường Sơn của Việt Nam vẫn chưa được xây dựng. Vì vậy, nếu đánh ở trong Nam đồng nghĩa với việc quân đội Việt Nam sẽ vượt sông Bến Hải đánh thẳng vào Nam đúng theo kịch bản của chiến tranh Triều Tiên.

Mặc dù nhiều lần nhấn mạnh rằng ở miền Nam Việt Nam “chỉ có thể dùng phương châm thích hợp là trường kỳ mai phục, tích trữ lực lượng, liên hệ quần chúng, chờ đợi thời cơ”, nhưng khi trong một cuộc trao đổi ý kiến với lãnh đạo Việt Nam, thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Trương Văn Thiên phát biểu rằng ở miền Nam Việt Nam lúc này chỉ có thể tiến hành chiến tranh du kích, thì ngay sau đó, do bất đồng ngôn ngữ và sự phức tạp đa nghĩa của tiếng Trung, sợ Việt Nam hiểu thành “Việt Nam KHÔNG thể tiến hành chiến tranh chính quy”, đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, theo chỉ thị của Bắc Kinh, đã thông báo với phía Việt Nam rằng đó không phải là ý kiến của Trung Quốc mà chỉ là ý kiến cá nhân, quan điểm của Trung Quốc là hiện nay CHƯA thể đánh lớn và bày tỏ thái độ ủng hộ Việt Nam giải phóng miền Nam khi thực tiễn cho phép.

Đồng thời Trung Quốc lặp lại các đề nghị: Miền Bắc có thể lãnh đạo chính trị và giúp miền Nam đề ra chính sách chiến tranh nhưng phải bồi dưỡng tinh thần tự lực cánh sinh, tự lực tự cường cho miền Nam. Khi chắc chắn, miền Bắc theo đó có thể giúp quân sự cho miền Nam.

Trung Quốc cho rằng hình thức chiến đấu thích hợp ở miền Nam trong thời gian chưa có đầy đủ cơ sở chắc chắn thì nên là đánh du kích, đánh trường kỳ, đánh nhỏ từng đơn vị trung đội, đại đội, theo kinh nghiệm chiến tranh giải phóng thời kỳ sơ khai trong nội chiến và kháng Nhật ở Trung Quốc.

Trong một cuộc hội đàm với phía Việt Nam tháng 8 năm 1961, khi đề cập đến vấn đề Lào, phía Trung Quốc nói:

“Cần tránh việc trực tiếp tham gia chiến tranh. Nếu Mỹ trực tiếp vào Lào thì miền bắc Việt Nam, Vân Nam, Quảng Tây sẽ xảy ra vấn đề gì? Cần tính đến việc phiêu lưu của Mỹ”.

Trong thời kỳ này, ở Trung Quốc diễn ra cuộc Cách Mạng Văn Hóa, ban đầu nhằm mục đích tổ chức quần chúng đấu tranh toàn dân để “gạn đục khơi trong”, chống tư bản, phong kiến, tiêu cực, xa hoa, thối nát, lối sống cũ, những tiêu cực mà chế độ tham nhũng mục nát cũ để lại, gạn lọc và loại bỏ những hàng binh, những thành phần đầu hàng Cộng sản vì tình thế bắt buộc nhưng vẫn không phục, âm thầm chống đối, hoặc vẫn giữ những thói cũ tiêu cực như trước đó.

Cách Mạng Văn Hóa do Mao Trạch Đông đứng sau phát động, một phần lớn xuất phát từ sau cuộc “trăm hoa đua nở”, Đảng cộng sản Trung Quốc mở rộng tự do ngôn luận, kêu gọi nhân sĩ toàn quốc “có gì nói nấy”, theo cách “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” thời xưa.

Không ngờ có rất nhiều ý kiến trái chiều, chống đối, bất mãn, chống Cộng, cực đoan, tư tưởng cực hữu, bài Cộng và tư sản cực đoan còn tồn đọng từ thời Dân quốc nay được dịp phát triển đua tiếng.

Về sau, Cách Mạng Văn Hóa đã bị biến chất khỏi ý nghĩa ban đầu của nó, khi những nông dân ít học, những thôn dân từ nông thôn ra đô thị thể hiện bản thân và lợi dụng cơ hội, lạm dụng quyền lực và tận dụng triệt để những ngày được làm “hoàng đế” không ngai.

Họ ra sức tác oai tác quái và thực tế cuộc “Cách Mạng” đã bị hỗn loạn vượt khỏi tầm kiểm soát, đấu tố, đánh phá tràn lan lẫn nhau và phát triển thành một cuộc đấu tranh nội bộ cực đoan làm đảo lộn toàn bộ xã hội Trung Quốc.

Nhiều quan chức “phản động”, trong đó có không ít người trước đây đã đầu hàng hoặc trá hàng (?) đoàn quân chiến thắng, đã lợi dụng hiện tượng hỗn loạn này, yêu cầu xóa bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin ở Trung Quốc, phá vỡ Đảng cộng sản Trung Quốc và cơ cấu nhà nước. Có những người thì muốn khôi phục vị trí độc tôn lãnh đạo của một Chủ tịch Mao Trạch Đông già yếu và chủ nghĩa Mao Trạch Đông ở trong nước.

Các công trình biểu tượng liên quan đến phong kiến và tín ngưỡng đều bị Hồng Vệ Binh đập phá. Không ngày nào mà không có những cuộc đấu tố, đánh đập, bắt trói, bắt cóc, tra tấn. Nhiều người bị đấu oan, không chịu đựng được nhục nhã và uất ức nên đã tự sát.

Nhiều quý tộc cũ đôi khi chỉ nuôi thú cưng, trồng hoa ngoài vườn cũng bị coi là đối tượng có lối sống phong kiến, tư sản, bóc lột, và hiển nhiên đáng bị đấu tố.

Mỗi người, mỗi phe phái, mỗi gia tộc đều có những toan tính và mưu cơ khác nhau, biến Trung Quốc thành một “địa ngục trần gian” loạn lạc.

Những cuộc thanh trừng tàn bạo và đẫm máu ở trong nước, đàn áp những người khác nhóm, làm đảo lộn nhiều lần vai trò của nhiều người trong giới cầm quyền. Có những người hôm nay được coi là nhà lãnh đạo cách mạng chân chính, ngày mai trở thành kẻ thù, kẻ phản bội của cách mạng Trung Quốc; có người trong vòng mấy năm lần lượt bị kể tội, hất đổ, thậm chí ở tù và sau đó được phục hồi danh dự đến mấy lần.

Trong tình hình náo loạn đó, Trung Quốc càng sợ Mỹ, càng không muốn Việt Nam phiêu lưu quân sự ở miền Nam, lặp lại sai lầm của CHDCND Triều Tiên được Liên Xô hậu thuẫn, giúp đỡ, hứa hẹn.

Trung Quốc kêu gọi rút kinh nghiệm của Triều Tiên, lo sợ một viễn cảnh “Bắc tiến”, một kịch bản chiến tranh liên Triều tái hiện. Chính quyền Sài Gòn trong suốt thời gian này, nghĩ rằng Mỹ sẽ kéo quân ra Bắc như ở Triều Tiên, nên cũng hô hào, đe dọa “Bắc tiến”, “lấp sông Bến Hải”.

Thời gian này Trung Quốc muốn thành lập một Mặt trận nhân dân thế giới để đối trọng với Liên Xô và cho rằng một mặt trận thống nhất rộng rãi thay vì mặt trận thống nhất trong từng nước sẽ chống Mỹ được hiệu quả hơn:

“Cần phải thành lập Mặt trận thống nhất thế giới rộng rãi để chống đế quốc Mỹ và tay sai… Tất nhiên Mặt trận đó không thể bao gồm họ (một Liên Xô đã “phản bội”) được…” (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 khóa 8 Ban chấp hành Đảng cộng sản Việt Nam Cộng Sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1956).

Mao Trạch Đông nói: “Nếu miền Nam Việt Nam không được bảo đảm thì cuối cùng sẽ đưa đến chỗ mất toàn bộ Việt Nam.”

Tóm lại, Trung Quốc đồng lòng với việc Việt Nam tiến hành chiến tranh du kích ở miền Nam, nhưng họ không tán thành việc Việt Nam tiến hành chiến tranh toàn lực, sử dụng quân đội từ miền Bắc để tấn công vào trong Nam, theo kịch bản Triều Tiên.

Sau nhiều nghiên cứu thẩm định khách quan, Việt Nam quyết định theo cách làm mà Trung Quốc đề xuất, tiến hành chiến tranh chống Mỹ trong Nam, nhưng đánh nhỏ chưa đánh lớn, và cho phép du kích và quân dân sử dụng vũ lực tự vệ chống càn.

Đồng thời, Việt Nam theo theo lời khuyên của Trung Quốc đúc kết kinh nghiệm của Bắc Triều Tiên, không sử dụng quân đội đánh vào Nam mà bắt đầu xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh, phát triển lực lượng tại chỗ trong Nam rồi từng bước tiếp viện theo thời gian từ Bắc vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh và những biện pháp khác để chuyển người và của vào Nam.

Sau khi Khrushchev bị lật đổ và sau những trận thắng đầu tiên và những chuyển biến tích cực của chiến trường miền Nam, Việt Nam đã thành công thuyết phục được Liên Xô đồng ý viện trợ Việt Nam để giúp miền Bắc chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ.

Trung Quốc cũng nhận thấy tình hình chuyển biến tốt cho kháng chiến miền Nam nên đã tăng cường viện trợ giúp Việt Nam chiến đấu với Mỹ và quân đội Sài Gòn ở miền Nam.

Như vậy, thời gian này viện trợ của Liên Xô chủ yếu được dùng cho công cuộc bảo vệ miền Bắc, và viện trợ của Trung Quốc chủ yếu được dùng cho công cuộc giải phóng miền Nam.

Năm 1963, Trung Quốc đưa ra Cương lĩnh 25 điểm về đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế và đề nghị triệu tập Hội nghị 11 Đảng cộng sản và công nhân quốc tế, thực tế là để nắm vai trò lãnh đạo phe XHCN, Liên Xô cáo buộc Trung Quốc muốn lập một “Quốc tế cộng sản” mới để đối trọng với họ.

Trong thời gian này, Đặng Tiểu Bình ngày càng trở nên đa nghi và đã bắt đầu nghi ngờ thành ý của Việt Nam, rằng Việt Nam chỉ muốn lợi dụng tiền bạc công sức và vũ khí Trung Quốc, đồng thời vẫn “đong đưa hai hàng” mà không chịu đứng hẳn về phía Trung Quốc để chống Liên Xô, với quan hệ Trung – Xô ngày càng căng thẳng.

Đặng cho rằng Trung Quốc ủng hộ giải phóng miền Nam, trong khi Liên Xô ủng hộ “thi đua hòa bình”, chủ hòa và thỏa hiệp với Mỹ, vì vậy không có lý do gì Việt Nam vẫn chưa chịu đứng hẳn về phía Trung Quốc.

Đặng hứa viện trợ 1 tỷ NDT và tăng cường viện trợ vũ khí hạng nặng, nếu Việt Nam khước từ mọi viện trợ của Liên Xô.

Phía Việt Nam khẳng định thái độ kiên quyết bảo vệ tình đoàn kết hữu nghị giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, không tán thành việc họp Hội nghị 11 có tính chất chia rẽ hai nước Xô Trung, chia phe XHCN ra làm hai phái.

Sự đổ vỡ giữa Trung Quốc và Liên Xô manh nha từ sự khác biệt về những cách giải thích khác nhau và ứng dụng thực tế của chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện mỗi nước và sức ảnh hưởng địa chính trị tương ứng của họ trong cuộc chiến tranh Lạnh.

Từ cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, các cuộc tranh luận Trung-Xô về chủ nghĩa Marx chính thống đã trở thành những tranh chấp cụ thể về các chính sách của Liên Xô, đặc biệt về vấn đề phi Stalin hóa quốc gia và chung sống hòa bình với khối tư bản và chủ nghĩa đế quốc, mà Mao Trạch Đông coi là chủ nghĩa xét lại, là sự xét lại đối với chủ nghĩa Marx.

Trong bối cảnh ý thức hệ đó, Trung Quốc có lập trường chủ chiến đối với Mỹ, và công khai bác bỏ chính sách cùng sống chung hòa bình của Liên Xô.

Ngoài ra, Trung Quốc còn bất đồng với Liên Xô về tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và Liên Xô cho rằng Mao Trạch Đông đã quá thờ ơ về khả năng chiến tranh nguyên tử với Mỹ.

Năm 1956, sau khi lật đổ Georgy Malenkov, Khrushchev đã công kích Stalin và chủ nghĩa Stalin trong bài phát biểu “Về sự sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó”, đồng thời bắt đầu quá trình phi Stalin hóa Liên Xô.

Mao Trạch Đông và giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng bất mãn khi CHND Trung Hoa và Liên Xô ngày càng khác biệt trong cách giải thích và ứng dụng lý thuyết của chủ nghĩa Lenin.

Đến năm 1961, những khác biệt về ý thức hệ khó chữa của họ đã khiến CHND Trung Hoa chính thức lên án Liên Xô sau thời Stalin là sản phẩm của “những kẻ phản bội, xét lại”.

CHND Trung Hoa cũng tuyên bố Liên Xô là “đế quốc dưới vỏ bọc xã hội chủ nghĩa”. Đối với các nước XHCN, sự chia rẽ Trung-Xô là một câu hỏi về việc ai sẽ lãnh đạo cuộc cách mạng cộng sản thế giới, và ai (Trung Quốc hoặc Liên Xô) mà các đảng Cộng sản trên thế giới sẽ tìm lời khuyên chính trị, viện trợ tài chính và quân sự.

Theo xu hướng đó, cả hai quốc gia đều cạnh tranh để giành quyền lãnh đạo phe XHCN trên thế giới thông qua các chính đảng CS và cánh tả của các quốc gia trong phạm vi ảnh hưởng của họ.

Sự chia rẽ Trung-Xô đã biến chiến tranh lạnh từ hai cực thành ba cực. Sự ganh đua đã tạo điều kiện cho Mao Trạch Đông hiện thực hóa mối quan hệ Trung-Mỹ với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon năm 1972. Ở phương Tây, chính sách Ngoại giao Tam giác và chính sách liên kết được ưa chuộng và thay dần chính sách đối đầu.

Hơn nữa, hiện tượng Xô-Trung xung đột cũng làm mất đi khái niệm về một chủ nghĩa cộng sản nguyên nhất, phá vỡ quan niệm của phương Tây rằng các quốc gia cộng sản tập thể là một tác nhân thống nhất về địa chính trị sau cuộc chiến tranh Thế Giới thứ 2, đặc biệt là trong giai đoạn 1947-1950 khi Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Liên Xô tiếp tục hợp tác trợ giúp Việt Nam vào những năm 1970 cho đến khi miền Nam VN hoàn toàn được giải phóng, bất chấp sự cạnh tranh khắc nghiệt ở những nơi khác.

(Tổng hợp)

3 thoughts on “Toàn cảnh Trung Quốc – Liên Xô mâu thuẫn trong chiến tranh Việt Nam

Bình luận về bài viết này