Cách Việt Nam ứng biến với mâu thuẫn Xô – Trung trong chiến tranh chống Mỹ

Trong chiến tranh chống Mỹ, Việt Nam đánh Mỹ, một nước mạnh về tiềm lực tổng thể, lại có nhiều công cụ chiến tranh và biện pháp ngoại giao để lôi kéo các nước về phía mình. Mỹ lại dùng nhiều biện pháp tác động đến các đồng minh của Việt Nam, đặc biệt là lợi dụng mâu thuẫn Xô-Trung để hạn chế hai nước ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, tận dụng vai trò hai nước để giúp Mỹ, tìm giải pháp có lợi cho họ.

Hai nước lớn XHCN đồng minh giúp Việt Nam chống Mỹ là lợi thế rất lớn cho Việt Nam. Nhưng Xô – Trung thì xung đột, Mỹ lại tìm cách đào sâu vào hố mâu thuẫn đó. Từ đó vấn đề Xô – Trung xung đột trở thành một vấn đề quan trọng được đặt ra cho ngoại giao Việt Nam.

Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm sức để giải quyết bài toán hóc búa này với tinh thần giữ gìn đoàn kết giữa Việt Nam với Trung Quốc và Liên Xô, tranh thủ sự giúp đỡ của cả hai nước, đồng thời hạn chế các tiêu cực từ cuộc xung đột đó và làm thất bại ý đồ của Mỹ trong việc tác động phức tạp cho quan hệ giữa Việt Nam với hai đồng minh lớn.

Để làm được việc này, Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra các điểm tương đồng và điểm khác nhau trong quan hệ giữa mỗi nước với Việt Nam, xác định lợi ích và chính sách của mỗi nước trong chiến tranh Việt Nam, từ đó tìm ra mẫu số chung về lợi ích là nghĩa vụ quốc tế đối với một đồng minh XHCN, giúp Việt Nam đánh Mỹ, làm cho Mỹ suy yếu, bảo vệ các nước XHCN, bảo vệ hòa bình độc lập.

Trên tinh thần độc lập, tự chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam đã lấy đại cuộc, đại nghĩa làm trọng, chân thành đoàn kết, tôn trọng lợi ích của bạn, đồng thời rất chú ý các quan điểm riêng biệt của nước này, nước kia để xử lý mềm dẻo, thoả đáng.

Thời kỳ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam ra sức góp phần vun đắp cho tinh thần đoàn kết Xô – Trung, đoàn kết XHCN. Tại Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân (11-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh gắng sức hòa giải Xô – Trung để có được tuyên bố chung.

Khi luận chiến trở nên quyết liệt, tháng 2-1963, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố đề nghị các Đảng chấm dứt công kích lẫn nhau trên báo chí truyền thông.

Sau đó, Việt Nam hướng vào đoàn kết với từng nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phải làm sao trong Đảng và trong nhân dân giữ được lòng yêu mến và biết ơn các nước anh em. Đó là thiên kinh địa nghĩa”.

Với tinh thần đó, Việt Nam chủ trương duy trì quan hệ tin cậy với cả hai nước. Trên các vấn đề có ý nghĩa chiến lược, việc hội đàm trao đổi thường do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư hoặc Thủ tướng trực tiếp làm việc với lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, Liên Xô. Ngoài ra, hàng năm, từng thời kỳ, có những Uỷ viên Bộ Chính trị trực tiếp làm việc với hai nước bạn về các vấn đề ngoại giao, viện trợ.

Một chính sách lớn của Việt Nam là giữ cân bằng trong quan hệ với cả hai “ông anh” đồng minh, không đứng về bên này chống bên kia. Tránh mọi biểu hiện và động thái có thể gây hiểu lầm Việt Nam “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.

Điện chúc mừng, điện cảm ơn, các phát biểu long trọng, đều được tính toán cẩn thận chi li sao cho cân bằng, không gây cảm giác “bên thân, bên sơ”. Việt Nam không tham gia các hoạt động của bên này mà bên kia không tán thành. Khi Trung Quốc muốn triệu tập “Hội nghị 11 Đảng gần Trung Quốc”, Việt Nam khước từ. Liên Xô “Họp 75 Đảng Cộng sản và công nhân”, Việt Nam cũng khước từ.

Việt Nam bày tỏ sự trân trọng và biết ơn sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô, nhưng cái gì nhận, cái gì không nhận, nhận của ai, đều được cân nhắc chu đáo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận mấy trăm nghìn công binh và phòng không Trung Quốc giúp miền Bắc giữ vững không phận và xây dựng, sửa chữa nhà máy, công xưởng, bến tàu, vũ khí, các căn cứ, công trình quân sự và dân sự, nhưng không yêu cầu Liên Xô cử bộ đội phòng không và sĩ quan điều khiển tên lửa sang giúp khi Liên Xô đề nghị muốn gửi sang Việt Nam 2 lữ đoàn tên lửa phòng không và một trung đoàn MiG-21 để giúp VN bảo vệ khu vực Hà Nội trong cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.

Việt Nam nhận chuyên gia kỹ thuật Liên Xô, Trung Quốc giúp đỡ ở miền Bắc, nhưng không để họ đưa người vào bên cạnh Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

(Sưu tầm)

1 thoughts on “Cách Việt Nam ứng biến với mâu thuẫn Xô – Trung trong chiến tranh chống Mỹ

Bình luận về bài viết này