Ký ức của kiến trúc sư xây địa đạo dài hàng trăm km dưới mưa bom bão đạn

Những bí mật chưa từng kể về thế trận địa đạo “tam giác sắt” ở miền Nam Việt Nam: Ký ức của kiến trúc sư xây địa đạo dài hàng trăm km dưới mưa bom bão đạn

Suốt chiều dài cuộc chiến tranh chống Mỹ, địa đạo Tam giác sắt (Bến Cát, Bình Dương) nổi lên như một cứ điểm bất khả chiến bại.

Hàng trăm trận càn, hàng triệu tấn vũ khí địch đã dội xuống nhưng vẫn không phá hủy được địa đạo này. Lần lại dấu tích xưa, chúng tôi được biết đến nhiều câu chuyện chưa từng kể về địa đạo trong những tháng năm bom đạn.

Chúng tôi có dịp theo chân người xã đội trưởng du kích lừng lẫy một thời thăm lại địa đạo và nghe kể những câu chuyện huyền thoại về mảnh đất Bến Cát trong những năm khói lửa. Ông là Nguyễn Văn Trích (tên khác là Bảy Trích, SN 1940, xã An Tây, huyện Bến Cát, Bình Dương), từng là lãnh đạo chỉ huy du kích và nhân dân địa phương trực tiếp chiến đấu, đồng thời là kiến trúc sư trưởng khai sinh công trình địa đạo Tam giác sắt.

Cho tới bây giờ, cái tên Tam giác sắt vẫn mang trong mình nhiều bí ẩn với nhiều người. Việc xác định chính xác ba đỉnh của tam giác lịch sử ấy ngay cả những người trong cuộc cũng có những kiến giải khác nhau. Có người cho rằng Tam giác sắt là vùng Tây Nam Bến Cát, cũng có thể bao gồm phần đất Tây Nam Bến Cát – Dầu Tiếng – Long Nguyên. Rộng hơn nữa, có ý kến cho rằng nó kéo dài từ Long Nguyên (Bến Cát) – Trảng Bàng (Tây Ninh) và huyện Củ Chi (TP.HCM). Qua những lần bách bộ tìm hiểu, đồng thời tham vấn ý kiến những bậc cao niên thì chúng tôi tạm xác định địa đạo Tam giác sắt nằm ở ba xã vùng tây nam Bến Cát gồm: An Điền, An Tây, Phú An ngày nay, trong đó xã An Tây được xem đỉnh tam giác quan trọng nhất. Chính nơi đây vào thời chiến hàng ngàn quân dân du kích đã đào những nhát cuốc đầu tiên, bắt đầu cho một hệ thống đường ngầm với quy mô lên tới 100km. Bên trong đường hầm ấy có hệ thống trú ẩn, phòng ngự, chiến đấu tinh vi mà theo một số nhà nghiên cứu sử đánh giá là vào loại bậc nhất trên thế giới. Địa đạo được chuẩn hóa bằng những thiết bị quân sự tối ưu nhất, đến nỗi quân Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn chưa một lần lọt vào được địa đạo này.

Trở lại quá khứ, trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đế quốc Mỹ đã vạch ra kế hoạch “Chiến tranh đặc biệt” với âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”. Chúng xây dựng chính quyền, quan đội tay sai, chỉ cung cấp trang thiết bị, huyến luyện và can thiệp dưới vai trò là những cố vấn. Vùng Tây Nam Bến Cát là địa bàn chiến lược của phía cách mạng lại chịu nhiều đợt càn quét khốc liệt của kẻ thù. Trong một cuộc họp kín mà ông Bảy Trích được tham dự, huyện ủy Bến Cát đã ra quyết định bằng mọi giá phải giữ vững được địa bàn trọng yếu này. Nhiệm vụ này chỉ có thể thực hiện khi có một địa đạo bí mật để bảo vệ cơ quan đầu não và thực hiện lối đánh du kích. Sau khi nghiên cứu kỹ thì lãnh đạo ra quyết định xây dựng một hệ thống hầm ngầm còn gọi là địa đạo, ông Bảy Trích được giao nhiệm vụ chỉ huy nhân dân tiến hành xây dựng càng sớm càng tốt theo yêu cầu bức bách của cách mạng.

Nhớ về những ngày oanh liệt ấy, đôi mắt ông Bảy Lại sáng lên đầy tự hào: “Thời bấy giờ mô hình chiến đấu trong lòng đất còn là một điều vô cùng xa lạ với mọi người. Tại Bến Cát vào năm 1948 địa đạo đã được sử dụng nhưng đó chỉ là một mô hình đường hầm còn rất thô sơ, vì vậy cũng như mọi người, tôi rất mơ hồ về cách thức xây dựng. Những ngày đầu, để tránh sự phát hiện của kẻ địch, cứ đêm xuống, tôi lại phải bí mật vượt sông Sài Gòn tới căn cứ cách mạng ở Củ Chi để nghe các cán bộ hướng dẫn cách xây dựng địa đạo. Những người dạy tôi xây địa đạo đều là các cán bộ Đảng nòng cốt tại Nam Bộ, tất cả đều dùng bí danh nên ngay cả khi đối mặt, nói chuyện trực tiếp thì cũng không biết được tên họ là gì, quê quán ở đâu”.

Sau khi được thống nhất cách thức xây dựng thì Ban chỉ huy cơ sở được thành lập gồm chỉ huy trưởng Bảy Trích, hai phụ cấp là ông Sáu Tấn và Bảy Bằng tất cả đều là người sống địa phương. Bản kế hoạch chi tiết, với những phân công hợp lý được thông qua trước toàn thể du kích, nhân dân, tất cả cùng đồng lòng hy sinh vì địa đạo. Ông Bảy hào hứng nhớ lại: “Chưa bao giờ tôi thấy không khí lao động khẩn trương, nghiêm túc và tự giác như thế, vì ai cũng tin vào Đảng vào cách mạng sẽ thành công trong tương lai. Vùng đất Tây Nam Bến Cát trở thành một công trường “ngầm” khổng lồ, hoạt động không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm. Tất cả người dân từ các cụ già, em nhỏ, phụ nữ… đều tự nguyện góp sức cho địa đạo”.

Với lực lượng được huy động lên đến hơn hai ngàn nhân công, ông Bảy Trích trực tiếp chỉ huy với sự phân công lao động rất khoa học. Thanh niên trực tiếp đào hố, phụ nữ đổ đất, trẻ em thì lôi ki (dụng cụ kéo đất), người già không thể trực tiếp lao động thì ở nhà đan ki. Lòng người được cổ vũ, tổ lao động nào cũng hăng say, thi đua lẫn nhau khiến hiệu quả công việc tăng lên gấp nhiều lần. Ông Bảy Trích nhớ lại: “Ngày ấy làm gì có tiền mà tặng thưởng, chỉ có cờ thi đua cắm ngay trên phần đất của tổ để lấy tinh thần thôi. Nhưng người dân hồ hởi lắm, họ xem đó là phần thưởng quý giá nhất. Đi làm vất vả thế họ còn phải tự túc lương thực, họa may có bữa được khuyến khích bằng mấy củ khoai mì, khoai lang vào buổi sáng”. Trong đêm tối không ánh đèn, quân, dân vẫn âm thầm đào và vận chuyển hàng vạn mét khối đất đem đi phi tang ngay trước “mũi” quân thù. Tại các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng.

Chỉ với những lưỡi cuốc, ki tre và những con người đói ăn, thiếu áo, trong vòng hai năm họ đã tạo nên công trình đồ sộ dài gần 100km với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau một cách kỳ diệu. Địa đạo cao 1,2m, rộng 0,8m sâu dưới mặt đất cỡ chừng 4m, có những đoạn được cấu trúc từ 2 đến 3 tầng dùng cho chiến đấu, trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm. Dọc theo đường hầm đều có lỗ thông hơi được ngụy trang kín đáo. Chung quanh cửa hầm lên xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái, có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng lựu chống máy bay trực thăng đổ chụp nhằm ngăn chặn địch tới gần. Trong suốt 20 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ, ba xã vùng Tây Nam Tam giác sắt đã phát huy tác dụng của một địa đạo chiến. Khi đi vào hoạt động địa đạo là lô cốt “bất khả chiến bại” của quân, dân ba xã Tây Nam Bến Cát. Nơi đây cũng bẻ gãy nhiều cuộc hành quân, chôn vùi hàng ngàn tên giặc, bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép của Mỹ-Ngụy.

Trong giọng kể trầm hùng của người cựu chiến binh già khiến chúng tôi, những thế hệ đi sau chưa từng biết đến chiến tranh dưng dưng cảm xúc. Ông Bảy bảo, để xây dựng và bảo vệ địa đạo, quân dân Bến Cát đã hi sinh không biết bao nhiêu xương máu. Vì vậy, khi chiến tranh đã lùi xa, địa đạo Tam giác sắt vẫn uy nghi như một bức thành đồng, nơi lưu dấu chiến công oai hùng những năm khói lửa.

Địa đạo đầu tiên ở Nam Bộ?

Theo những cứ liệu lịch sử, thì “Tam giác sắt” chính là công trình địa đạo đầu tiên tại Việt Nam. Được khởi công năm 1961, tới năm 1963 về cơ bản được hoàn thành. So với các căn cứ khác như Vịnh mốc (1965), Vĩnh Linh (1966), Nhơn Trạch (1963), khe Trái- Thừa Thiên Huế (1967)… địa đạo nổi tiếng Củ Chi cũng bắt đầu xây dựng năm 1961, nhưng điều đặc biệt theo “kiến trúc sư” Bảy Trích thì nó lại được xây dựng lại theo mô hình địa đạo “Tam giác sắt”.

Kỳ 2: Những cuộc chiến oai hùng bên trong địa đạo thép

Theo Hùng Hóa – Công Thông (Giadinh.net)

5 thoughts on “Ký ức của kiến trúc sư xây địa đạo dài hàng trăm km dưới mưa bom bão đạn

  1. Pingback: Những cuộc chiến oai hùng bên trong địa đạo bất diệt giữa “vành đai trắng” | Chiến tranh Việt Nam

  2. Pingback: Những cuộc chiến oai hùng bên trong địa đạo bất diệt giữa ‘vành đai trắng’ | Chiến tranh Việt Nam

  3. có thể mở đèn ở cổng trước khu địa đạo tam giác sắt vào ban đêm được không, bà con có thể tập thể dục chơi thể thao được ngày nào củng tói thui

Bình luận về bài viết này