Những cuốn sách chấn động nước Mỹ về chiến tranh Việt Nam

Cuốn sách Những thứ họ mang (The Things They Carry) của nhà văn người Mỹ Tim O’brien đang gây chú ý lớn trong thời gian gần đây khi nhiều người phản ứng với những từ ngữ tục, không chuẩn trong bản dịch tiếng Việt. Tuy nhiên, vượt lên trên những lùm xùm thì đây vẫn là một trong những tác phẩm giá trị nhất của các tác giả Mỹ về chiến tranh Việt Nam.

Được viết bởi cựu binh từng tham chiến ở Sơn Mỹ, “Những thứ họ mang” là tuyển tập 22 câu chuyện nhỏ xảy ra từ trước, trong và sau cuộc chiến. Với lối trình bày kết hợp giữa thực tế và trí tưởng tượng, vừa là hồi ức của tác giả, vừa là trải nghiệm chiến tranh nhằm nói lên hậu quả tinh thần nặng nề đè nặng lên tâm hồn người trong cuộc. Người kể chuyện trong “Những thứ họ mang” đó giết chết một anh lính và cứ tự hỏi người đó là người thế nào. Trong khi các đồng ngũ vui mừng thì anh ta vẫn day dứt với ý nghĩ là mình đã cướp đi mạng sống của một con người.

“Những thứ họ mang” là cuốn sách thứ ba viết trên những trải nghiệm sau một năm tham chiến (1969-1970) thuộc đại đội Alpha ở Tây Nguyên của Tim O’Brien, vừa được nhà xuất bản Houghton Mifflin Harcourt tái bản thêm nhân kỷ niệm 20 năm.

Cuốn sách được chọn vào tuyển tập Những truyện ngắn hay nhất của Mỹ năm 1987, Những truyện ngắn hay nhất của Mỹ những năm 1980, vào vòng chung khảo giải Pulitzer dành cho tiểu thuyết năm 1991 và danh sách bình chọn giải thưởng về phê bình sách quốc gia cùng năm.

Năm 1993, Tim O’Brien đã tìm cách trở lại làng quê Sơn Mỹ để nhìn lại cảnh vật sau vụ thảm sát Mỹ Lai kinh hoàng, để tìm lại thời trai trẻ đầy ám ảnh của mình, rồi sau đó cho ra đời những cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh mà ông mang tư cách là một cựu binh từng tham chiến, ngay trên vùng đất Sơn Mỹ.

Nhà văn 67 tuổi Tim O’Brien từng được trao giải thưởng Sách quốc gia Hoa Kỳ năm 1979 cho tác phẩm Going after Cacciato (Đi theo Cacciato). Hàng loạt tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam của Tim từng tạo ra những cơn sốt trên văn đàn Mỹ như: If I Die in a Combat Zone (Giá tôi chết ở một vùng chiến sự), Northerm Lights (Những ngọn đèn phương Bắc), hay The Nuclear Age (Thời đại hạt nhân).

Sử thi về chiến tranh Việt Nam

Một trong những cuốn sách về chiến tranh Việt Nam được coi là tiểu thuyết kiểu mẫu là They Marched Into Sunlight: War and Peace Vietnam and America October 1967 (Họ tiến về hướng mặt trời: Chiến tranh và hòa bình, Việt Nam và Mỹ, tháng 10/1967) của tác giả đạt giải thưởng Pulitzer David Maraniss.

Đây là câu chuyện sử thi về Việt Nam trong những năm 60 thông qua các sự kiện ấn tượng với hàng loạt tuyến nhân vật trong những ngày tháng đam mê của chiến tranh và hòa bình vào tháng 10/1967. Họ tiến về hướng mặt trời làm sống lại thời kỳ đầy biến động, đồng thời đào sâu những câu hỏi về ý nghĩa của sự bất đồng chính kiến và sự bóp méo sự thật có tổ chức – những vấn đề vẫn còn nguyên tính thời sự dù nhiều thập kỷ đã qua.

Với lối kể chuyện liền mạch, Maraniss đan xen nhiều câu chuyện xảy ra tại 3 thế giới khác nhau: Sự hy sinh và chủ nghĩa anh hùng của bộ đội Việt Nam, sự tức giận và lo lắng của các sinh viên chống chiến tranh ở Mỹ và sự nhầm lẫn, cư xử lẫn lộn của các quan chức tại Washington. Dựa trên hàng ngàn tài liệu gốc và 180 cuộc phỏng vấn trực tiếp, cuốn sách đã mô tả những trận chiến dẫn tới nhiều xung đột chính trị và văn hóa còn vang dội đến tận ngày nay.

“Maraniss đã phục chế lại những đường nét nguyên bản của bức tranh chiến tranh Việt Nam bằng cách rọi ánh sáng mới lên một sự thật bị quên lãng. “Phát ngôn ý thức hệ” (Ideological formulations) không phải điều tác giả quan tâm, mà chính là “sự giao lưu giữa lịch sử và cuộc đời của các nhân vật, các biến cố, các tình tiết và các dự định, vừa thúc người ta lao lên phía trước, lại vừa níu họ, bắt cùng chôn chân tại chỗ”, tiểu thuyết gia Philip Caputo từng nhận xét về cuốn sách trong một bài báo đăng trên mục điểm sách của Thời báo New York.

Cuốn sách đang được hãng Universal Pictures dựng thành phim và dự tính sẽ công chiếu trong năm nay.

Bìa cuốn Những thứ họ mang (phiên bản Mỹ)
Nguồn: thingsg2.blogspot.com

Vạch trần bản chất vụ thảm sát Mỹ Lai

Cuốn sách Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam (tạm dịch: Bắn bất kỳ thứ gì chuyển động: Cuộc chiến thực sự của Mỹ ở Việt Nam) của Nick Turse, nhà báo Mỹ nổi tiếng và là người quản lý trang TomDispatch.com (chuyên cung cấp cách nhìn về các sự kiện lịch sử khác với tài liệu chính thống) được xuất bản đầu năm 2013 cung cấp sự thật khủng khiếp về bản chất cuộc thảm sát Mỹ Lai.

Cuốn sách được viết dựa trên nhiều tài liệu mật cùng hàng loạt cuộc phỏng vấn trực tiếp với các nhân chứng chiến tranh, từ đó nói lên sự thật: Những vụ hiếp dâm hàng loạt, tra tấn, xẻo thịt và giết hại dân thường Việt Nam kiểu như vụ thảm sát Mỹ Lai – xảy ra năm 1968 khiến hơn 500 dân thường bị giết – không phải hành động lầm lạc trong những giờ phút thiếu suy nghĩ, mà là chính sách có hệ thống trong cỗ máy chiến tranh của Mỹ thời đó.

Cuốn sách ra đời một cách tình cờ. Năm 2001, khi đang lang thang trong thư viện quốc gia, Nick Turse vô tình được tiếp vận với những tài liệu đã ố vàng của Nhóm công tác về tội ác trong chiến tranh Việt Nam – được thành lập sau vụ thảm sát Mỹ Lai nhằm che đậy hàng loạt tội ác của quân đội Mỹ. Đó là lý do mà hàng trăm tài liệu về chiến tranh ở tòa án đã bị hủy hoặc mất tích.

Turse cũng lột tả sự thật rằng chính quyền Mỹ hồi đó quá thành công trong việc tuyên truyền sự thật bị bóp méo rằng thảm họa Mỹ Lai chỉ là sự cố ngoài ý muốn. Trong những năm Mỹ dính líu đến Việt Nam, số liệu ước tính khiêm tốn nhất cho thấy 3 triệu người chết vì bạo lực, trong đó 2 triệu người là dân thường.

Không chỉ nghiên cứu trong thư viện, Turse còn phỏng vấn rất nhiều tướng lĩnh và quan chức dân sự cao cấp, các nhà điều tra tội phạm, cựu chiến binh từng chứng kiến hoặc phạm tội ác tàn bạo. Turse cũng đã đến Việt Nam nhiều lần để phỏng vấn những người sống sót từ cuộc chiến.

“Hàng trăm báo cáo mà tôi tập hợp được cùng với hàng trăm nhân chứng tôi từng phỏng vấn ở Mỹ và Đông Nam Á cho thấy một điều rõ ràng rằng, việc giết hại dân thường – dù một cách máu lạnh như ở Mỹ Lai hay một cách bàng quan vô cảm như trận phục kích ở Bình Long – đều rất phổ biến, diễn ra thường xuyên, và xuất phát từ chính sách chỉ huy của Mỹ”, tác giả cho biết.

Tuy nhiên, theo tác giả, chỉ rất ít cá nhân phải ra tòa hoặc bị trừng phạt vì tội ác chiến tranh khiến quá nhiều dân thường thiệt mạng.

Chính vì thế, Kill anything that move gây được tiếng vang lớn, cho dù ở Mỹ đã có khoảng 30.000 cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam.

Hồng Lam (tổng hợp)

Nhạc phim cách mạng hay về Chiến tranh Việt Nam:

1 thoughts on “Những cuốn sách chấn động nước Mỹ về chiến tranh Việt Nam

Bình luận về bài viết này